Thứ tư, 11/3/2020, 00:00 (GMT+7)

Những du học sinh biến cách ly thành 'kỳ nghỉ'

Trở về từ Hàn Quốc, Thảo Lê, Lệ Quyên đang cố gắng tận dụng 14 ngày cách ly để nghỉ ngơi.

Covid-19 đã lan rộng trên toàn cầu với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ bị lây nhiễm. Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 trong 5 vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, cũng là nơi tập trung đông du học sinh Việt. Nhiều người trong số họ chọn "sống chung với lũ" ở nước sở tại, số còn lại quyết tâm về Việt Nam và... vào thẳng trại cách ly.

Từ Hàn Quốc về Việt Nam hôm 5/3, Thảo Lê (25 tuổi) được chuyển thẳng đến khu cách ly tại Trường Giáo dục Quốc phòng Quân khu 5, Đà Nẵng. 6h dậy tập thể dục, 11h ăn trưa, 17h ăn tối, 9h về phòng điểm danh rồi đi ngủ, không mạng wifi, không bạn bè thân quen... 3 ngày đầu của Thảo trôi qua ảm đạm.

Đến ngày thứ tư, trút bỏ tâm trạng lo lắng, mọi người bắt đầu làm quen, chia sẻ về bản thân, kể về khoảng thời gian sống trong sợ hãi khi dịch bùng phát.

Thảo sinh sống và học tập tại đảo Jeju, cách tâm dịch Daegu khá xa. Gần cuối tháng 2, Covid-19 bùng phát, nữ sinh cố gắng bảo vệ bản thân, hạn chế ra ngoài.

Tình hình chuyển biến xấu, cô quyết định về nước. "Mình chỉ có 4 ngày để xin nghỉ học, nghỉ làm thêm, sắp xếp ổn thỏa mọi việc. Hầu hết các diễn đàn đều báo hủy vé, hủy chuyến, thậm chí ngừng bay khiến mình phải vào website đến hàng chục lần để kiểm tra vé".

Quần áo, khẩu trang kín mít, găng tay đầy đủ để ra sân bay, cả đêm trước khi lên máy bay, cô không dám ngủ vì lo sợ nhiễm bệnh và không biết quyết định về nước liệu có đúng đắn? Máy bay hạ cánh, cô thở phào nhẹ nhõm. Nhìn thấy hình ảnh các chú bộ đội ngồi bệt ở sân bay vì kiệt sức, chờ đợi đưa người dân về khu cách ly, Thảo vừa cảm động, vừa thấy có lỗi.

Theo cô, quãng thời gian cách ly 14 ngày là trải nghiệm không thể nào quên.

"Lúc rảnh thì đọc sách, gọi điện thoại cho gia đình, bạn bè. Chiều đến thì chơi cầu lông, đi bộ, đánh bóng chuyền. Tối lại tụ tập nói chuyện, hát hò vui lắm. Chẳng có chuyện bọn mình đếm ngày ra đâu", Thảo nói.

Mới đây, video dance cover của Thảo cùng hai người bạn mới quen trong thời gian cách ly khiến nhiều người thích thú.

Kỳ cách ly tuyệt vời của các du học sinh
 
 
Video dance cover của Thảo Lê, Mạnh Hùng, Vũ Dịu trong thời gian cách ly. Nguồn: Thảo Lê

"Video này bọn mình quay trong lúc ngẫu hứng nên quần áo không chỉn chu. Chỉ muốn giữ làm kỷ niệm trong thời gian cách ly, mình không ngờ khi đăng tải lại được sự hưởng ứng nhiều như vậy. Trong thời gian tới, chúng mình sẽ làm nhiều video hơn", cô cười.

Trong ngày 8/3, Thảo cùng các chị em trong khu cách ly được nhận hoa, quà cùng lời chúc ý nghĩa từ các chú bộ đội. "Mình chưa bao giờ nghĩ khi đi cách ly lại có nhiều thứ đáng nhớ đến vậy".

Cũng giống Thảo Lê, Lệ Quyên (27 tuổi), sinh viên Đại học nữ Gwangju (Hàn Quốc) cũng quay trở về Việt Nam vì dịch bệnh.

Đinh ninh về nước không bị cách ly, nhưng Lệ Quyên cùng các hành khách trên chuyến bay được đưa về trường Quân sự Gò Găng Tam Bình, Vĩnh Long - nơi cách ly của gần 200 người. "Lúc biết tin phải đi cách ly mình có hơi khó chịu và lo lắng vì sợ lây chéo, rồi không biết chỗ ăn ở ra sao, suy nghĩ tiêu cực lắm. Mình còn nghĩ chẳng thể sống sót qua 14 ngày. Nhưng vào rồi mới biết, mỗi ngày đều là món quà mới mẻ", Quyên hào hứng kể.

Lệ Quyên cùng những người bạn trong khu cách ly. Ảnh: NVCC

Chẳng còn những đêm thấp thỏm lo lắng, vào khu tập trung Quyên như trở về với tuổi thơ. Mọi người trong khu cách ly giống một gia đình. Từng là người nghiện điện thoại, giờ đây cô chẳng mấy khi cầm.

Lệ Quyên hào hứng khoe: Khoảng 4h30 - 5h các chú bộ đội bật loa phát thanh lớn xập xình với các bài hát: Cô gái mở đường, Chiếc khăn tay, Em đi bộ đội... để gọi mọi người dậy tập thể dục. 6h đo nhiệt độ, phát khẩu trang; 6h30 chú bộ đội phát loa đi ăn cơm sáng; Ăn xong thì đi giặt đồ, phơi đồ mà trời còn chưa nắng; 10h40 chú bộ đội lại phát loa gọi đi ăn cơm trưa; Sau giờ ăn lại uống trà sữa, mận, xoài, cam, dừa, mít, chuối... rồi ngồi bàn chuyện phiếm, đọc tiểu thuyết xong lại đi ngủ; 4h30 nghe tiếng loa đi ăn cơm chiều - lúc ấy trời vẫn chưa tắt nắng; Sau giờ ăn loa phát thanh thông tin về Covid-19, mọi người tập trung nhảy dây, đá cầu, người thì ngồi ghế đá ăn vặt; Tối đến lại ngồi buôn chuyện, sinh hoạt tập thể...

"Chẳng riêng gì mình, nhiều người vào cách ly rồi ít gọi điện thoại về nhà vì 'bận' tham gia các hoạt động. Nói mọi người không tin, nhiều bạn nói có thể ở nốt 15 ngày cho tròn một tháng không", Quyên cười.

Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ, cô kể về những tối được các chú bộ đội nấu chè cho ăn, về ngày 8/3 được tổ chức với bánh kem, trái cây rồi được trò chuyện mà chẳng còn lo về dịch bệnh như đợt còn ở Hàn Quốc.

Kỳ cách ly tuyệt vời của du học sinh
 
 
Video hoạt động thể thao trong những ngày cách ly. Nguồn: Lệ Quyên

"14 ngày trôi qua nhanh lắm, mỗi người có ý thức một chút mới ngăn ngừa được dịch bệnh. Được cách ly phải nói là một điều may mắn không phải ai cũng có được. Được kiểm tra sức khỏe mỗi ngày, được rèn luyện bản thân, được quen biết những người bạn mới, được nhà nước quan tâm tạo điều kiện quả là điều may mắn", Quyên nói.

Tính đến 10/3, cả nước ghi nhận 33 trường hợp dương tính với nCoV, 16 trường hợp chữa khỏi. 

Thúy Quỳnh