Thứ sáu, 10/4/2020, 10:49 (GMT+7)

'Nhật ký' của nữ sinh nhiễm nCoV

Đêm 26/3, Yến được lệnh thu xếp hành lý để chuyển đến bệnh viện; chiều 27/3, bạn cùng phòng gửi cho cô một dòng tin từ báo địa phương, viết 'Cáp Thị Yến dương tính với nCoV'.

Tròn 2 tuần nhập viện điều trị, Cáp Thị Yến, 21 tuổi, du học sinh Anh vẫn rùng mình khi nhớ lại cảm giác sợ hãi, tủi thân lúc biết tin nhiễm bệnh.

Yến là sinh viên Đại học Ngoại thương, Hà Nội. Học hết năm thứ ba, cô giành học bổng chương trình chuyển tiếp TOP-Up tại Đại học Huddersfield, Anh trong vòng một năm. Vừa tới London được hai tháng, Covid-19 bùng phát, Yến ban đầu kiên quyết ở lại để học, dù nhiều du học sinh quyết định về nước.

Nhưng...

Ngày 18/3, số người nhiễm tại Anh gia tăng, trường đại học chuyển sang học trực tuyến đến tháng 7, tiền nhà đắt đỏ; lại nhận tin Anh chuẩn bị phong toả, Yến bắt đầu lưỡng lự.

"Lúc đó nước Anh chưa có nhiều biện pháp phòng dịch, người dân ra đường mà không đeo khẩu trang, ở trường cũng vậy. Bỏ qua những ánh mắt kỳ thị, mình vẫn đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn và hạn chế tối đa tiếp xúc nơi công cộng", cô kể.

Được gia đình ủng hộ, Yến mua vé về Việt Nam và xác định tinh thần đi cách ly tập trung 14 ngày, sau đó sẽ tiếp tục học online và đăng ký thêm các môn học tại ĐH Ngoại thương.

Ngày 21/3, Yến lên chuyến bay VN50 từ London về TP HCM. Do có sự thay đổi, máy bay hạ cánh tại Cần Thơ.

Cáp Thị Yến.

6h30 sáng 22/3, máy bay hạ cánh xuống Cần Thơ. Hoàn tất mọi thủ tục, nữ sinh cùng các hành khách di chuyển về khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bạc Liêu.

Phòng Yến ở có 7 người, đều từ Anh trở về. Ngày đầu tiên ở khu cách ly, hầu hết thời gian cô quanh quẩn trong phòng, trò chuyện với các bạn, gọi điện thoại cho bố mẹ rồi mở máy tính ra học.

Sáng sớm 24/3, Yến nhận được điện thoại của cô chủ nhà người Việt tại Anh thông báo, một người sống cùng nhà với cô đã dương tính với nCoV, nghe xong tai Yến ù đi. Nói chuyện vài câu, Yến cúp máy rồi chạy ngay đến chỗ anh lính trực. Vừa khóc cô vừa cố gắng báo lại thông tin vừa nhận được. Cán bộ khu cách ly trấn an, động viên Yến về phòng.

Thu mình trên chiếc giường đơn, Yến yêu cầu 6 thành viên khác giữ khoảng cách. "Lúc đó điều duy nhất khiến mình sợ là lây nhiễm cho mọi người".

Hơn 11h đêm 26/3, khi Yến đang chuẩn bị đi ngủ, một cán bộ đến phòng, bảo cô nhanh chóng xếp hành lý. Suy nghĩ thoáng lên trong đầu, Yến quay lại hỏi: "Em bị dương tính phải không", cán bộ chỉ nói chuyển lên trên đó cho thoáng mát, ở đây chật chội.

Đầu óc rối bời, Yến nghĩ đơn giản "chắc mình từng tiếp xúc với người nhiễm nCoV tại Anh nên phải chuyển đi. Dọn xong đồ, cô lên xe cấp cứu cùng một bạn nam trong khu cách ly. Xe chạy hơn một tiếng đồng hồ, Yến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.

Phòng điều trị của Yến tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu.

Chiều 27/3, các bạn cùng phòng gửi cho cô một mẩu tin trên báo địa phương ghi rõ: Cáp Thị Yến dương tính với nCoV. Yến không tin nổi bởi chưa có báo trung ương nào đăng, Bộ Y tế chưa xác nhận, bác sĩ chưa thông báo.

18h cùng ngày, Bộ Y tế thông tin về 10 ca bệnh mới. Yến được công bố là "bệnh nhân 155". Không ghi rõ tên, nhưng quê quán, giới tính, nơi học tập, ngày về nước được thông báo khiến bất kỳ ai quen biết Yến đều nhận ra.

"Mọi người chụp lại rồi gửi cho mình: "Đó có phải là mày không?/ Mày bị nhiễm bệnh rồi à/ Tại sao lại bị lây nhiễm, nhiễm qua đường nào...". Lúc đầu, với bạn bè mình cũng trả lời "Ừ đúng rồi", với các anh chị lớn hay họ hàng cũng chỉ nhắn "Dạ". Nhưng càng về sau, mọi người nhắn nhiều, hỏi dồn dập khiến mình sốc và sợ hãi", cô nói.

Ngồi kể lại, những cảm xúc về hôm nhận được kết qua dương tính khiến Yến chực trào nước mắt: "Một mình ngồi trên chiếc giường đơn trong căn phòng 12m2, mình không biết đã khóc bao nhiêu lâu. Cảm giác lúc đó tồi tệ như kiểu đó là lỗi của mình. Mình sợ nghe thấy tiếng điện thoại rung, sợ đọc những dòng tin nhắn hơn cả virus... dù biết đó là sự quan tâm".

Không lên mạng, không trả lời tin nhắn, Yến gọi điện cho bố mẹ và bật khóc. Được gia đình động viên, thầy cô bạn bè nhắn tin hỏi thăm, cổ vũ, Yến quyết định mạnh mẽ, lạc quan chiến đấu với bệnh tật để bạn bè, người thân cảm thấy an tâm.

Ngày 28/3, cô sinh hoạt như khi còn ở trong khu cách ly. 6h sáng, tiếng điều dưỡng viện nói qua camera gọi nữ sinh dậy và lấy đồ ăn. Ăn sáng xong, Yến đi tắm, hộ lý bệnh viện tới đổ rác, khử khuẩn cả căn phòng rồi gom quần áo cũ đi giặt.

Sau đó, cô tiếp tục học online và viết bài luận. Thỉnh thoảng, các anh chị điều dưỡng lại nhắn tin qua Zalo để kiểm tra tình hình sức khoẻ, nhắc đo thân nhiệt. Trong những ngày đầu tiên, cách một ngày các bác sĩ sẽ đến lấy máu và dịch để xét nghiệm. Sau đó là đều đặn mỗi ngày.

Suốt thời gian điều trị, Yến luôn giữ vững tinh thần lạc quan, lan toả thông điệp tích cực đến mọi người.

Yến khoe: "Hôm trước mình tình cờ đọc được thử thách phát động của Thành đoàn Hà Nội "Together we win - Chiến thắng Covid-19" nên đã "bắt trend" và gửi ảnh về cho chương trình với mong muốn lan toả thông điệp tích cực đến mọi người".

"Dù dương tính với nCoV, mình vẫn luôn cảm thấy khỏe mạnh và lạc quan. Mình sẽ sớm khỏi bệnh", cô cười.

Ngày 29/3, sức khoẻ nữ sinh vẫn bình thường, không ho, sốt, mệt mỏi hay khó thở. Mọi sinh hoạt diễn ra như thường lệ.

Mỗi ngày cô ăn 3 – 4 bữa, sau đó uống 2 viên thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Sợ Yến buồn, các anh chị điều dưỡng vẫn thường xuyên hỏi thăm sức khoẻ rồi mang cả bánh ngọt, trái cây đến để cô "tẩm bổ".

Từ 31/3 - 9/4, sức khoẻ Yến vẫn bình thường. Ngoài thời gian kiểm tra sức khoẻ, sinh hoạt cá nhân, cô dành phần lớn thời gian để học bài trên trường, học thêm IELTS và dự định học tiếng Trung trong thời gian tới.

Rảnh rỗi, Yến gọi điện thoại cho bố mẹ, bạn bè để mọi người không lo lắng.

Hai tuần nhập viện, tình hình sức khoẻ ổn định, Yến chưa nhận được thông báo về các kết quả xét nghiệm hay thời gian xuất viện. Dù có chút nóng lòng, cô luôn tin tưởng vào các y bác sĩ: "Có lòng tin, luôn lạc quan, không chỉ mình mà các bệnh nhân khác sẽ sớm được xuất viện. Việt Nam sẽ nhanh chóng đẩy lùi được Covid-19".

Thuý Quỳnh