Thứ ba, 28/4/2020, 10:23 (GMT+7)

Người nghèo kiếm sống trên núi rác khổng lồ ở Indonesia

Những người nhặt rác kiếm sống nhờ vào nhựa, kim loại, thậm chí xương từ bãi rác khổng lồ, đối mặt với sự khốn cùng khi kinh tế toàn cầu tê liệt.

Tại bãi rác Bantar Gabeng, hồi tháng 2. 

Ngay cả khi những cơn mưa như trút đổ xuống giữa đêm, họ vẫn đeo đèn để "đào bới' núi rác thối cao gần 50m.

Những người nhặt rác - một số vất vả đến nỗi không có nổi một đôi ủng vừa chân - dùng công cụ kim loại có móc, gọi là "chiếc ganco" để đào bới đống rác thải vượt đầu và cho vào những chiếc giỏ mây lớn đeo sau lưng. Một vài người lựa rác bằng tay không.

Mùi hôi thối chế ngự, nhưng đó chỉ là một trong nhiều mối nguy hiểm tại nơi làm việc. Khi đi qua mớ bòng bong rác để tìm kiếm gỗ, bìa cứng, vải nhựa và bất cứ thứ gì có thể tái chế, họ phải cẩn thận không đến quá gần máy ủi rác phía trên. "Sạt lở" rác là một mối nguy hiểm thường trực.

Đây là Bantar Gebang - một trong những bãi rác lớn nhất thế giới - lớn hơn 200 sân bóng đá, tiếp nhận 7.000 tấn chất thải mỗi ngày từ Jakarta. thủ đô Indonesia.

Xử lý tất cả số rác đó là một hoạt động trong 24 giờ. Một ngày làm việc thông thường là: hàng nghìn chiếc xe tải màu cam chứa đầy rác, bao quanh là đàn ruồi vo ve, xếp hàng ở dưới bãi rác. Các máy xúc khổng lồ sau đó "bốc" chất thải lên đỉnh, cao hơn 50m phía trên.

Hàng chục ngôi làng tồi tàn mọc lên xung quanh ngọn núi. Các quan chức cho biết khoảng 6.000 người cư trú gần bãi rác, kiếm sống từ việc nhặt nhạnh, trong khi 20.000 người sống trong các ngôi làng gần đó.

Ở một số gia đình, trẻ em chỉ mới 5 tuổi cũng được cho đi bới rác với cha mẹ, theo Asep Gunawan - người đứng đầu quận Bantar Gebang, Tây Java - cho biết.

"Những đứa trẻ đi mẫu giáo và học kinh thánh Quran. Khi kết thúc việc học chúng sẽ giúp đỡ bố mẹ", ông Asep nói. Thật dễ dàng để chọn rác chỉ với một thanh sắt. Và họ không có lựa chọn nào khác.

Những người nhặt rác ở Indonesia, được gọi chung với cái tên "pemulung", thường kiếm được từ 2 đến 10 USD mỗi ngày từ rác thải nhựa, kim loại, gỗ và đồ điện tử mà họ thu gom. Ngay cả xương động vật cũng có giá trị - chúng được sử dụng để làm đồ trang sức hoặc tái chế thành một thành phần trong gạch lát sàn hoặc bê tông.

Một vài doanh nhân đã xây dựng những nơi trú ẩn tạm trên các tấm pallet gỗ, nơi họ bán đồ uống, đồ ăn nhẹ và thuốc lá cho những người làm việc trong đống rác khổng lồ.

Khi cơ sở hoạt động ở chế độ hết công suất, hàng trăm người nhặt rác vây quanh các máy xúc "kêu" ầm ầm trên núi. Suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra bởi đại dịch Covid-19 cũng đến cả nơi này, khiến họ càng thêm khốn khổ.

Hầu hết các công ty tái chế mua chất thải từ những người nhặt rác đã đóng cửa. Bởi vậy chỉ còn số ít "pemulung" hoạt động vì họ không có nơi để bán những gì thu gom được, Resa Boenard, người đồng sáng lập Seeds of Bantar Gebang, một tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ cộng đồng cho biết.

Các biện pháp giãn cách xã hội được ban hành bởi chính quyền tỉnh có hiệu lực từ tháng này tại Bantar Gebang, khiến nhiều người nhặt rác phải rời khỏi bãi.

"Kể từ khi Covid-19 lan rộng khắp thế giới, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Hầu hết trong số họ ở nhà vì không thể bán nhựa được nữa", Resa nói.

Indonesia ghi nhận 9.096 ca nhiễm và 743 trường hợp tử vong. Jakarta - thành phố 11 triệu dân - chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với khoảng một nửa trong tổng các ca nhiễm được xác nhận. Covid-19 cũng "gõ cửa" các cộng đồng lân cận, bao gồm Bekasi - nơi có bãi rác Bantar Gebang khổng lồ.

Ông Asep nói rằng không có ca nhiễm nCoV nào được báo cáo tại các ngôi làng quanh bãi rác, nhưng cũng không có ai ở đó được xét nghiệm. Những người nhặt rác cũng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ của chính phủ vì họ không có trong danh sách cư dân ở đây.

"Người dân ở vùng Baltar Gebang không hề sợ hãi về loại virus này. Tôi không thấy Covid-19 thay đổi thói quen của họ", Resa, 34 tuổi nói.

Resa chuyển đến khu vực này cùng gia đình năm lên 6 tuổi. Ba mẹ cô trồng lúa trên cánh đồng, nhưng cuối cùng nó bị nuốt chửng bởi núi rác ngày càng lớn.

Ở trường, những đứa trẻ khác gọi cô là "Công chúa bãi rác" vì quần áo của cô có mùi đặc trưng của rác rưởi. Biệt danh ấy bị đóng đinh lên cô. Nhưng Resa đã cố gắng trong học tập và một gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ đã dành cho cô một học bổng vào đại học.

Resa có thể là một trong số ít người thoát khỏi cuộc sống bãi rác, nhưng cô đã trở lại để giúp đỡ các gia đình ở đó, đặc biệt là trẻ em.

Giờ đây, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, tổ chức của cô giúp nuôi sống 600 gia đình mỗi ngày, đồng thời họ còn phát động một chiến dịch tìm kiếm sự quyên góp. "Người dân không cần khẩu trang hay nước rửa tay. Họ cần thức ăn để nuôi sống gia đình", Resa nói.

Tình nguyện viên Ezer Laumakani, một nhân viên bán xà phòng sống cách đó khoảng 20 phút đi đường, cho trẻ em học guitar miễn phí trong 15 năm. Vì đại dịch, anh dừng các buổi học từ tháng trước nhưng vẫn đến làng để thăm các gia đình và động viên.

"Dù thu gom được rất nhiều rác, họ không có nơi nào để bán nó. Vì vậy những thứ đó không có giá trị. Không có thu nhập, họ vẫn có những khoản phải lo", ông Juni (40 tuổi) nói.

Bãi rác mở hơn 30 năm trước và người dân ở khu vực xung quanh liên tục phàn nàn về mùi hôi thối và các vấn đề về da mà họ phải chịu đựng. Ông Asep cho biết, nước ngầm ở khu vực bãi rác bị ô nhiễm và họ không thể sử dụng được nữa. Mọi người đều buồn bã.

Một người đi trên núi rác. 

Hầu hết những người di cư đến Banter Gebang là nông dân mất mùa trong mùa khô. Một số trong đó ở lại trong một thập kỷ trở lên. "Khi họ tuyệt vọng với công việc, họ đến đây", Resa nói.

Cô Resa hy vọng cư dân Jakarta sẽ nhận được thông điệp vứt bỏ ít thứ hơn. "Chúng tôi đang truyền tải tới mọi người ở Jakarta rằng làm ơn hãy giảm chất thải của bạn đi. Chúng tôi không thể xử lý nó vì chúng tôi không thể bán. Ngọn núi rác sẽ chất đống cao hơn", cô nói. 

Xem thêm: Khu ổ chuột ngập mưa lụt như 'bom hẹn giờ' chờ bùng phát Covid-19

Huyền Anh (Theo New York Times)