Thứ tư, 15/4/2020, 20:08 (GMT+7)

Mở cửa hay tiếp tục phong tỏa - lựa chọn khó của các lãnh đạo thế giới

Các nguyên thủ quốc gia đang đau đầu tìm câu trả lời cho câu hỏi: bao giờ thì mở lại nền kinh tế và mở lại như thế nào?

Kể từ khi Covid-19 bùng phát, thế giới đã thay đổi theo cách mà trước đây ít ai nghĩ tới. Nền kinh tế toàn cầu tê liệt, phố xá vắng lặng, gần 4 tỷ người buộc phải "khóa" mình ở trong nhà và bầu trời thưa thớt máy bay trên bản đồ hàng không.

Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia đã ban hành một số quy định hạn chế chặt chẽ, đóng cửa đất nước (hoặc một phần) trong một thời gian nhất định. Những sự hy sinh này làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh, nhưng lại đẩy thế giới vào nguy cơ khủng hoảng kinh tế. 

Sự lựa chọn khó khăn

Tổng thống Donald Trump không giấu giếm ý định khôi phục kinh tế càng sớm càng tốt. Ông từng tỏ ra khá lạc quan khi nghĩ rằng kinh tế Mỹ có thể mở cửa trở lại vào lễ Phục sinh (12/4). Tuy nhiên trái với tưởng tượng, thực tế đau thương xảy ra vào đúng dịp lễ này. Đó là thời điểm Mỹ vượt Italy về số ca tử vong; 50 tiểu bang đồng thời tuyên bố thảm họa liên bang và các nhà thờ trên khắp đất nước đều vắng lặng.

Trump nhiều lần nhấn mạnh quan điểm "nước Mỹ chưa bao giờ được thiết lập để trở thành một nước 'đóng cửa'", ông thất vọng với sự chậm chạp kéo dài của nền kinh tế Mỹ. Nhưng Trump giờ đang phải đối mặt với áp lực vô cùng lớn. Đây là lựa chọn mà ông gọi là khó khăn nhất cuộc đời: thời điểm và cách thức mở cửa lại nền kinh tế số một thế giới, trong bối cảnh quốc gia này đã trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới cả về số ca nhiễm và tử vong. Peter Navarro, cố vấn kinh tế cấp cao của chính quyền Trump, lập luận rằng "một nền kinh tế yếu kém có thể giết chết nhiều người hơn virus".

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 12/4. Ảnh: New York Times.

Trong cuộc họp báo hôm 10/4, Trump nói rằng ông hiểu mức độ nghiêm trọng của tình huống khi chuẩn bị đưa ra quyết định về việc có nên giảm bớt các quy định giãn cách xã hội hay không, trong bối cảnh phần lớn các tiểu bang đã áp dụng để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Trump đang cố gắng tập hợp những bộ óc tài năng nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau để tạo nên "Hội đồng quốc gia về mở cửa lại nền kinh tế". Theo Fox News, hội đồng này dự kiến được giới thiệu vào tuần này, do Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows chủ trì.

"Tôi sẽ nói mà không cần phải tranh luận, đây là quyết định lớn nhất mà tôi từng đưa ra", Trump nói hôm 12/4. "Đó là vinh dự của tôi khi trở thành tổng thống cho người dân Mỹ. Tôi sắp sửa có một quyết định hệ trọng và cầu Chúa rằng đó sẽ là một quyết định đúng đắn". Tổng thống tiếp tục thề rằng ông sẽ lắng nghe các chuyên gia trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, nói rằng: "Chúng tôi sẽ không làm gì cả cho đến khi chúng tôi biết rằng đất nước này sẽ khỏe mạnh. Chúng tôi không muốn phải quay lại và bắt đầu lại mọi thứ từ đầu". 

Theo nhà bình luận Christine Romans của CNN, cách mà tổng thống Mỹ nói về nền kinh tế giống như... một công tắc đèn mà ông có thể dễ dàng bật nó lên. "Ông ấy mơ tưởng về việc mở cửa vào lễ Phục sinh tươi đẹp. Khi thời hạn đó trôi qua, ông ấy tiếp tục đưa ra ý tưởng rằng sẽ tạo ra một 'vụ nổ lớn' theo ý mình, rằng ông có thể 'toàn quyền' mở lại nền kinh tế". Tuy nhiên, sự nóng vội của Trump đã khiến ông xảy ra tranh cãi với các thống đốc bang về việc quyết định khi nào các biện pháp cách ly được nới lỏng. 

"Nếu ông ấy lệnh cho tôi mở cửa trở lại mà gây nguy hiểm sức khỏe người dân trong bang thì tôi sẽ không làm", thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói về sự lựa chọn giữa người và của hôm 14/4, cho biết ông sẽ không tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào nếu Tổng thống Donald Trump yêu cầu bang New York mở cửa trở lại. 

Không riêng gì Donald Trump, nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới cũng đang sốt ruột trước tình trạng kinh tế trì trệ và rón rén cân nhắc dỡ lệnh phong tỏa. 

Iran, một trong những vùng dịch bùng phát đầu tiên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, đã đạt đỉnh dịch vào cuối tháng 3. Trong hai tuần đầu tháng 4, tốc độ lây nhiễm Covid-19 ở quốc gia Trung Đông này đang chậm lại. Tổng thống Hassan Rouhani kêu gọi doanh nghiệp mở cửa trở lại và nới lỏng biện pháp cách ly; nhưng việc này khiến ông đối diện với nhiều chỉ trích. Đến 18/4, các doanh nghiệp mới chính thức mở cửa nhưng việc đi lại đã dần tăng, dẫn đến việc giao thông được tái thiết lập. 

Trước tình hình lây lan của Covid-19 có dấu hiệu suy giảm những ngày gần đây, Tây Ban Nha cũng đã bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với những người lao động không thiết yếu. Thủ tướng Pedro Sanchez nói rằng, việc đất nước trở lại cuộc sống bình thường là một "bước tiến đầu tiên trên con đường hướng tới chiến thắng", nhưng nhấn mạnh việc khôi phục kinh tế sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn và sẽ đi kèm với các biện pháp phòng ngừa khác nhằm giám sát các trường hợp mới cũng như ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại. 

Theo quyết định mới, những người không thể làm việc từ xa, như các công nhân xây dựng hay những người làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất, được phép trở lại làm việc. Nhà hàng, quán ăn, quán bar và các cơ sở kinh doanh khác được coi là không thiết yếu vẫn tiếp tục đóng cửa. Một số người dân Tây Ban Nha cho biết họ cảm thấy yên tâm vì chính phủ nước này đang phát khẩu trang cho người dân. Mặc dù vậy, quyết định này vẫn vấp phải không ít chỉ trích. Pablo Casado, lãnh đạo đảng bảo thủ đối lập, cáo buộc chính phủ Tây Ban Nha "mạo hiểm quá mức" khi nới lỏng các biện pháp kiểm dịch.

Một người đàn ông khẩu trang bước ra từ một chuyến tàu tại ga Atocha ở Madrid, Tây Ban Nha hôm 13/4 khi một số công ty chuẩn bị hoạt động trở lại. Ảnh: AFP.

Tranh luận về việc hạn chế nới lỏng cách ly xã hội cũng đang gay gắt không kém ở Italy, quốc gia đã có hơn 21.000 người tử vong vì Covid-19. Italy được cho là đã qua đỉnh dịch, với số ca nhiễm mới tăng chậm dần. Hôm 14/4, tổng số ca nhiễm nCoV ở Italy tăng 1,8% so với ngày trước đó - tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện hồi tháng 2. Italy đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế nặng nề nhất kể từ Thế chiến thứ hai trong bối cảnh các doanh nghiệp cho biết họ không thể dừng hoạt động thêm thời gian dài nữa. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã gấp rút tiến hành tham vấn với các chuyên gia y tế, đại diện các doanh nghiệp và công đoàn người lao động cũng như chính quyền các vùng để chuẩn bị cho đất nước bước vào giai đoạn 2 của tình trạng phong tỏa, với một số biện pháp được nới lỏng nhằm giảm bớt áp lực lên nền kinh tế trong nước. 

Từ 13/4, một số loại hình doanh nghiệp được mở cửa trở lại. Từ 4/5, chính phủ nước này sẽ dần dần nới lỏng lệnh cấm di chuyển với người dân trên cơ sở chỉ số rủi ro lây nhiễm (R0 - tỷ lệ tính trên số lượng người bị lây nhiễm từ một bệnh nhân đã nhiễm Covid-19 trước đó) tại Italy xuống xấp xỉ 0%. Tại Veneto, một trong những khu vực đầu tiên bị Covid-19 tấn công ở Italy, thống đốc Luca Zaia đề nghị mở lại một số doanh nghiệp ở thành phố Cameron với điều kiện công nhân đeo khẩu trang, găng tay và thực hiện giãn cách xã hội. 

Trong khi đó, Đức - vùng dịch lớn thứ năm thế giới - cũng đang xem xét sự thay đổi với những biện pháp hạn chế. Với những quy định phong tỏa, cách ly được áp dụng từ giữa tháng 3 sắp hết hạn vào 19/4, Thủ tướng Angela Merkel và người đứng đầu 16 khu vực của Đức sẽ họp trong tuần này để quyết định có nên nghe theo lời khuyên của Viện Hàn lâm Khoa học Leopoldina hay không. Ủy ban khoa học hàng đầu của Đức đã khuyên nên nới lỏng lệnh phong tỏa cho các trường học càng sớm càng tốt, bắt đầu từ tiểu học và trung học, cùng với các cửa hàng và nhà hàng - miễn là các biện pháp giãn cách xã hội được tôn trọng nghiêm ngặt - và cho phép các văn phòng chính phủ trở lại làm việc. 

Tuy nhiên, Pháp, nơi số người chết đạt mức 15.700 hôm 15/4, đã có lập trường thận trọng hơn. Dù thiệt hại kinh tế và bội chi ngân sách lớn, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố không dỡ bỏ hay nới lỏng lệnh phong tỏa cho đến ngày 11/5. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, ông nói rằng các trường sẽ được mở dần dần kể từ 11/5 và nhiều người sẽ được phép trở lại làm việc. Tuy nhiên, nhà hàng, quán cà phê và biên giới với các quốc gia ngoài châu Âu sẽ đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

Những bước đi thận trọng 

Thủ tướng Canada Justin Trudeau có quan điểm dè chừng về việc mở cửa lại nền kinh tế. Trong họp báo hôm 14/4, ông cảnh báo rằng việc "đóng băng nền kinh tế" có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều tuần, vì các trường hợp nhiễm nCoV sẽ tiếp tục gia tăng. "Tôi biết mọi người quan tâm khi nào mọi thứ trở lại bình thường. Thực tế là, còn vài tuần nữa. Điều quan trọng là làm cho nền kinh tế của chúng ta phát triển - nhưng chúng ta sẽ phải cảnh giác cho đến khi tìm thấy vaccine". 

Ở châu Đại Dương, mặc dù tỷ lệ ca nhiễm nCoV ở Australia và New Zealand đang tăng chậm, giới chức hai quốc gia này chưa tính đến việc nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này "vẫn còn nhiều tuần nữa" để dỡ bỏ mọi hạn chế. "Kiên nhẫn là đức tính của chúng tôi lúc này", ông nói. Người đồng cấp tại New Zealand, bà Jacinda Arden cũng có quan điểm tương tự: "Chúng tôi đã tương đối thành công. Tôi không muốn lãng phí sự hy sinh mà người dân New Zealand đã thực hiện", Thủ tướng New Zealand trả lời hôm thứ 14/4 khi được hỏi khi nào lệnh phong tỏa sẽ được nới lỏng.

27 triệu cử tri Hàn Quốc đã tiến hành bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa mới trong tuần này, với những quy định nghiêm ngặt về đảm bảo tình trạng sức khỏe, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội và không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: Yonhap News.

Hàn Quốc, một trong những quốc gia kiểm soát khá tốt tình hình Covid-19 và là hình mẫu "làm phẳng đường cong" cho nhiều nước học tập, đang có những bước đi hết sức thận trọng. Trên thực tế, quốc gia này chưa từng ban hành lệnh phong tỏa hay đóng cửa nền kinh tế, tuy nhiên các dịch vụ giải trí, cuộc tụ họp đông người bị cấm và giới chức vẫn liên tục hướng dẫn người dân các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. 

Trong cuộc họp hôm 13/4, Thủ tướng Chung Sye-kyun chỉ ra rằng tuần này sẽ là thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Hàn Quốc. Ông cảnh báo mọi người sẽ phải tiếp tục thực hành một số hình thức giãn cách xã hội, "rất khó để trở lại cuộc sống bình thường trong một thời gian khá lâu". Chính phủ Hàn sẽ quyết định vào cuối tuần này về việc có nên tiếp tục gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội (sau khi hết hạn vào 19/4) hay không. Theo AP, giới chức đang tiến hành hướng dẫn một số mức độ hoạt động kinh tế và xã hội nhất định trong khi cũng duy trì khoảng cách để làm chậm sự lây lan của virus. Kim Gang-lip, phó bộ trưởng y tế của Hàn Quốc, nói rằng sự trở lại nhanh chóng với nhịp sống bình thường là "hầu như không thể": "Một sự nới lỏng sớm của các quy định giãn cách xã hội sẽ có hậu quả nghiêm trọng, vì vậy chúng ta nên tiếp cận vấn đề rất cẩn thận và đầu tư sâu vào khi nào và làm thế nào để dần chuyển đổi nó". 

Đối với Trung Quốc, thế giới hậu khủng hoảng đã bắt đầu. Trung Quốc là nơi đầu tiên phát hiện Covid-19, đã chịu thiệt hại kinh tế từ đại dịch lâu hơn bất kỳ quốc gia nào. Sau khi tình hình được kiểm soát, giờ là lúc mở cửa dần nền kinh tế. Từ ngày 8/4, lệnh phong tỏa ở Vũ Hán - tâm dịch lớn nhất đất nước - được dỡ bỏ, tuy nhiên mọi ánh mắt vẫn đang đổ dồn vào địa phương này. Nhiều người lo lắng việc nới lỏng hạn chế có dẫn tới làn sóng lây nhiễm mới.

Các chuyên gia lo ngại vì áp lực kinh tế và xã hội, nhiều chính phủ sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế quá sớm, điều này có thể tạo cơ hội để dịch bệnh bùng phát trở lại. Chủ tịch Viện Nghiên cứu Pasteur và cũng là cựu lãnh đạo Viện Nghiên cứu y sinh quốc gia Pháp, Christian Brechot cho rằng các nước cần phải hết sức thận trọng với Covid-19, không được phép lơ là hay chủ quan. "Chưa rõ mọi thứ liệu có thể trở lại bình thường một cách kỳ diệu sau một đại dịch ở quy mô như Covid-19 hay không", ông nói trên đài phát thanh Pháp.

Ông Jean-Francois Delfraissy, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu khoa học chuyên tham vấn cho Chính phủ Pháp, cho rằng các nước có thể nghĩ tới giai đoạn hậu cách ly, nhưng yếu tố quan trọng và cơ bản hiện nay là tiếp tục cách ly nghiêm ngặt thêm vài tuần nữa. Chuyên gia này chỉ ra 3 điều kiện tiên quyết cho việc dỡ bỏ các biện pháp cách ly: Thứ nhất, số ca mắc bệnh nặng cần phải giảm đều đặn. Điều này giúp các nhân viên y tế đang dần kiệt sức được nghỉ ngơi và các bệnh viện có thể bổ sung các trang thiết bị cần thiết. Thứ hai, tốc độ lây lan từ ca bệnh F0 - cần phải giảm xuống mức 1 người, thay vì mức 3,3 người so với thời điểm bùng phát dịch bệnh. Và cuối dùng, cần phải đảm bảo đủ khẩu trang để bảo vệ người dân và thực hiện các xét nghiệm quy mô rộng để giám sát chặt chẽ thực trạng lây lan virus.

"Không phải chúng ta làm phẳng được đường cong đồng nghĩa với việc chúng ta nên dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Nếu như không có mùa hè, mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn nếu muốn dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa", Antoine Flahault – một chuyên gia về y tế công cộng và dịch tễ học tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ) cho biết.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ Mỹ, cho biết hôm 14/4 rằng Mỹ chưa có các thủ tục xét nghiệm và truy tìm ca nhiễm cần thiết để bắt đầu mở lại nền kinh tế quốc gia. "Chúng ta phải có một cái gì đó hiệu quả để có thể dựa vào, nhưng chúng ta vẫn chưa có", Fauci nói trong một cuộc phỏng vấn với AP.

Khung cảnh của đường chân trời thành phố New York nhìn từ thành phố Jersey. Ảnh: AP.

Trong khi đó, cũng có quan điểm từ chuyên gia cho rằng các quốc gia cần học cách "sống chung với lũ" bởi "không thể đóng cửa mãi". 

"Chờ đợi vaccine là bất khả thi. Vaccine chống nCoV có thể tung ra thị trường sớm nhất là trong 6 tháng tới, nhưng tôi cho rằng sẽ phải mất gần một năm. Không thể áp lệnh phong tỏa suốt 6 tháng, trừ khi chúng ta muốn hủy hoại nền văn hóa và xã hội", giáo sư Alexandre Kekule, chuyên gia bệnh dịch tại Đại học Halle của Đức, cho biết hôm 11/4.

Nhà kinh tế học Justin Wolfers cảnh báo rằng chính người dân là "chìa khóa" nắm giữ thành công của kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế. "Nếu không có sự tin cậy (từ chính phủ), các tuyên bố về sự an toàn sẽ không hiệu quả". Khi chính phủ vứt bỏ uy tín, nó sẽ phá hủy khả năng ngăn chặn suy thoái đang diễn ra.

"Một khởi đầu sai lầm có thể tàn phá niềm tin của người tiêu dùng. Nếu mọi người không tin rằng họ an toàn, họ sẽ không chi tiêu. Nếu mọi người sợ đi xem phim, họ sẽ không mua vé vào các rạp hát. Nếu công nhân vẫn sợ rằng họ có thể nhiễm bệnh khi đi làm, điều đó có thể buộc các doanh nghiệp hạn chế số lượng công nhân - và khách hàng - trong các cửa hàng, kìm hãm lại doanh số. Người tiêu dùng nắm giữ chìa khóa, nhưng bây giờ vấn đề nằm ở giới lãnh đạo hơn lúc nào hết. Người dân cần biết rằng chính phủ có một kế hoạch quốc gia về sức khỏe và sự phồn vinh của họ", ông Wolfers nói.

Hoàng Hà (theo Telegraph, AFP, CNN)