Thứ bảy, 22/2/2020, 10:00 (GMT+7)

Không cấm buôn bán động vật hoang dã, virus corona sẽ lại bùng phát

Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi dập tắt được Covid-19, nguy cơ một dịch bệnh khác, do chủng corona gây ra, sẽ vẫn tiềm tàng; nếu Trung Quốc không cấm buôn bán động vật hoang dã.

Con người không phải giống loài duy nhất bị lây nhiễm virus corona. Những chủng cùng họ với virus SARS-CoV-2 (tên gọi khoa học của nCoV) lần này đều tấn công vào nhiều loài chim và động vật có vú. Chủng virus mới có vẻ như truyền từ động vật hoang dã sang con người trong một chợ bán hải sản và thịt tươi sống ở Vũ Hán - nơi động vật được giết mổ trực tiếp rồi bán.

Đây là một câu chuyện quen thuộc. Đại dịch SARS cũng bắt nguồn từ một chủng virus corona, khởi phát ở Trung Quốc khi người dân ăn thịt cầy hương. Dịch MERS bắt nguồn từ một loại virus lây từ lạc đà sang người ở Trung Đông.

Khu chợ buôn bán động vật hoang dã Hoa Nam - nơi những bệnh nhân nhiễm nCoV được phát hiện đầu tiên. Ảnh: AFP. 

Trong khi virus đang lây lan rộng rãi, các nhà bảo tồn rút ra một bài học về sức khỏe: "Nếu muốn ngăn chặn những đại dịch bắt nguồn từ động vật, hãy dừng buôn bán động vật hoang dã".

Grace Ge Gabriel - Giám đốc khu vực châu Á của Quỹ phúc lợi động vật quốc tế - cho biết: "Vấn đề này không còn chỉ về bảo tồn nữa. Đây là một vấn đề về y tế công cộng, về an toàn sinh học và an ninh quốc gia".

Trung Quốc là tâm điểm buôn bán động vật hoang dã trái phép. Tháng trước, khi dịch Covid-19 lan rộng, chính phủ Bắc Kinh ban hành lệnh cấm tạm thời buôn bán động vật hoang dã trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển và mua bán tại các chợ, nhà hàng và các nền tảng trực tuyến. Lệnh này cũng bao gồm hình phạt thích đáng cho những người vi phạm và đường dây nóng để người dân tố cáo. Các quan chức cho biết chính sách này được ban hành để chấm dứt thói quen ăn động vật hoang dã, theo một thông báo vào ngày thứ 17/2 của Ủy ban thường vụ của Quốc hội.

Người dân Trung Quốc giận dữ vì buôn bán động vật hoang dã một lần nữa gây ra một cuộc khủng hoảng y tế. Vì một số nhỏ những người buôn động vật tiếp tục khiến quốc gia thành con tin trong dịch bệnh, theo ông Peter Li - giáo sư về chính trị Đông Á tại Đại học Houston-Downtown, chuyên nghiên cứu về chính sách trong nước của Trung Quốc.

Các chuyên gia vẫn chưa biết loài nào làm lây lan virus corona sang người. Nhưng tê tê hiện là nghi can hàng đầu. Tê tê là loài bị buôn lậu nhiều nhất dù đã bị cấm mua bán trên toàn thế giới và được bảo vệ ở Trung Quốc. Thịt và máu tê tê được coi là loại đồ ăn hiếm trên chợ đen và việc mua bán vảy tê tê để dùng trong thuốc Bắc vẫn là đúng luật với một số bệnh viện và cơ sở dược phẩm nhất định.

Không cần biết nguồn virus là gì, lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã được ban hành quá muộn để ngăn sự lây lan của virus corona. 

Christian Walzer - Phụ trách vấn đề y tế của Hội Bảo tồn động vật hoang dã - cho biết: "Bây giờ việc lây nhiễm từ người sang người đang xảy ra, lệnh cấm không có tác dụng gì với đại dịch này".

Lệnh cấm của chính phủ chỉ có hiệu lực đến khi "đại dịch kết thúc trên cả nước". Bác sĩ, tiến sĩ Walzer và những người khác tin rằng lệnh cấm này nên có hiệu lực vô thời hạn nếu muốn giảm nguy cơ các dịch bệnh tương tự xảy ra trong tương lai, nếu không việc này sẽ xảy ra lâu lâu một lần như hiện tại.

Khi dịch SARS xảy ra năm 2002-2003, Trung Quốc ban hành lệnh hạn chế buôn bán động vật hoang dã. Nhiều nhà bảo tồn và các chuyên gia y tế, trong đó có các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, hy vọng lệnh này sẽ có hiệu lực vô thời hạn. Nhưng nhiều lo ngại hoạt động mua bán sẽ trở lại mạnh mẽ hơn sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc.

Tiến sĩ Alonso Aguirre, nhà nghiên cứu về động vật hoang dã ở Đại học George Mason cho biết: "Một khi bệnh dịch chuyển sang người, tất cả phản ứng đều có tác dụng và trọng tâm là sức khỏe con người. Sau khi cơn khủng hoảng qua đi, người ta sẽ không còn chú ý đến việc mua bán động vật là nguồn gốc bệnh dịch nữa. Các nhà khoa học đã kêu gọi lệnh cấm trong ít nhất 3 thập kỷ. Chúng ta sẽ không bao giờ xem lại những việc thế này bắt nguồn từ đâu".

Trung Quốc và Đông Nam Á là điểm nóng của dịch bệnh lây từ động vật sang người. Những mầm bệnh thường xuất hiện trong trong tự nhiên từ động vật hoang dã và tìm được đường lây sang động vật nuôi trong nhà sau đó là sang người qua đột biến hoặc tiếp xúc mới.

Sự mất cân bằng sinh học, cùng tỉ lệ phá rừng cao làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh khi người và vật nuôi có tiếp xúc với động vật hoang dã. Việc biến đổi môi trường cũng tạo cơ hội lây nhiễm cho một số bệnh như Zika và sốt xuất huyết.

Nhu cầu cho động vật và một số bộ phận của chúng để ăn hay một số bài thuốc dân gian làm mầm bệnh đi xa hơn. Dịch liên quan đến virus corona đã không dập tắt nhu cầu động vật hoang dã, theo Tổ chức điều tra môi trường -một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở London nghiên cứu và tổ chức những chiến dịch chống lại các tội ác với môi trường.

Ngay cả trong hiện tại, một số người bán trên mạng ở Trung Quốc và Lào đang rao bán những phương thuốc cổ truyền có chứa sừng tê giác và một số bộ phận động vật khác như phương thuốc chữa Covid-19. Một số còn dẫn văn bản ban hành bởi Ủy ban Y tế Trung Quốc liệt kê một loạt các phương thức chữa bệnh có nguồn gốc động vật là một trong các cách thức chữa bệnh.

Không ai biết quy mô buôn bán động vật trên toàn thế giới, nhưng con số đang tăng lên, với khoảng hàng triệu con vật thuộc hàng trăm loài bị buôn lậu mỗi ngày, theo Vincent Nijman - một nhà nghiên cứu về buôn bán động vật hoang dã ở Đại học Oxford Brookes, Anh.

Một nghiên cứu được xuất bản vào tháng 10/2019 trên tạp chí Science ước tính thị trường buôn bán động vật hoang dã có khoảng 5.600 loài, chiếm gần 1/5 số động vật có xương sống được biết trên thế giới.

Trong khi việc mua bán động vật hoang dã là trái pháp luật, phần lớn ngành công nghiệp này là buôn bán những động vật không được bảo vệ như thú gặm nhấm, dơi, rắn và ếch. Buôn bán động vật hoang dã ở châu Á rất nguy hại cho sức khỏe con người vì những con vật này vẫn sống khi được vận chuyển và bán.

Andres Gomez, nhà sinh học và thực vật học ở tổ chức ICF Quốc tế, một công ty tư vấn toàn cầu có trụ sở ở Virginia cho biết: "Ngay cả khi một trong những sự cố này hiếm khi mới xảy ra, có hàng triệu sự tiếp xúc xảy ra trong một ngày ở trong những khu chợ đó. Bạn đang đùa với lửa".

Chợ thịt sống là "phòng thí nghiệm hoàn hảo" để tạo ra những virus mới. Những con vật bị stress sản sinh ra nhiều virus và dễ lây nhiễm hơn. Bên cạnh đó, lồng nhốt thường được chồng lên nhau, dẫn đến dễ lây nhiễm. Bác sĩ Walzer cho biết: "Bạn có một con chim đi vệ sinh lên một con rùa, con rùa đi lên con cầy hương. Để tạo ra loại virus mới, bạn không thể làm tốt hơn như vậy được, kể cả khi cố gắng".

Bác sĩ Nijman cho biết thêm: "Cái thớt được dùng cho mọi miếng thịt, cái dao cho mọi loại thịt. Không ai rửa tay".

Có rất nhiều loài và số lượng đa dạng ở các chợ. Sự thật, nhiều loài trong nước đang dần tuyệt chủng - cho thấy động vật được nhập khẩu từ phạm vi rộng. Những loài quý hiếm mới cũng được giới thiệu để mua bán.

Trung Quốc cấp phép nhân giống và buôn bán cho hơn 54 loài động vật hoang dã, trong đó cáo đỏ Mỹ, ngựa vằn Australia và đà điểu châu Phi. Sự đa dạng thể hiện rõ hơn ở chợ Vũ Hán - nơi được cho virus bùng phát. Một cửa hàng thịt bán công, chuột, cáo, cá sấu, sói con, rùa, rắn và lợn rừng... Tất cả đều còn sống. 

Gabriel từ Quỹ Bảo vệ động vật quốc tế cho biết: "Bảng hiệu từ cửa hàng đó quảng cáo có bán chân, máu, nội tạng và bộ phận cơ thể từ hơn 70 loài. Thật kinh ngạc".

Tại tỉnh Quảng Đông năm 2003, những cửa hàng này tạm đóng cửa khi có dịch SARS. Việc tiêu thụ và bán động vật hoang dã giảm xuống tức khắc, nhưng việc kinh doanh lại trở lại như cũ trong một năm, dù có sự kêu gọi lệnh cấm vô thời hạn. Bác sĩ Li cho biết: "Trung Quốc không nên quên nỗi đau sau khi vết thương đã lành".

Một số chuyên gia lại tin rằng lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã không cần thiết cũng như không thực tế. Peter Daszak - Chủ tịch Liên đoàn EcoHealth, một tổ chức phi lợi nhuận ở thành phố New York cho biết: "Buôn bán động vật hoang dã không phải một thói quen kinh khủng của mọi người. Thứ kinh khủng là đáng nhẽ mọi người không nên làm việc đó. Đó là một phần sâu xa của văn hóa con người".

"Ở các nước phương Tây, thi thoảng con người mới ăn thịt động vật bắt được trong tự nhiên như nai, thỏ và chim, theo TS Daszak. Thay vì cấm buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc, có những kiến nghị giám sát chặt chẽ việc bắt và nhân giống một số loài nhất định.

Chính phủ Trung Quốc có quyền cấm tất cả hoạt động buôn bán động vật hoang dã, nhưng điều đó chưa chắc đã xảy ra. Chính sách về động vật hoang dã của nước này dựa trên tiền đề động vật hoang dã là một nguồn tài nguyên có thể khai thác, theo Tiến sĩ Li. Chính phủ nhìn tự nhiên theo lăng kính kinh tế chứ không phải sinh học. Cấm buôn bán động vật hoang dã sẽ cần sự chuyển dịch rất lớn.

"Chính phủ Trung Quốc đã tự tạo nên một vấn đề cho mình bằng việc khuyến khích sử dụng động vật hoang dã. Bây giờ họ phải lựa chọn giữa lợi ích kinh tế cho một nhóm thiểu số hay lợi ích về sức khỏe cho 1,4 tỷ dân và cả thế giới", ông Li nói.

Dịch viêm phổi cấp Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán - thủ phủ tỉnh Hồ Bắc - hồi tháng 12/2019, sau đó lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc. Chủng virus mới được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã trong chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, khó thở và ho; bệnh diễn biến nặng có thể gây suy thận, viêm phổi dẫn đến tử vong.

Hiện vật chủ trung gian truyền loại virus corona mới sang người vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, nhiều nguồn cho rằng rất có thể nguồn nguyên thủy của virus này là dơi và rắn. Xinhua hôm 7/2 đưa tin, theo nghiên cứu mới nhất của Trung Quốc, có khả năng tê tê đã mang nCoV truyền sang con người thông qua loài dơi. Nghiên cứu chỉ ra tê tê có khả năng cao chính là vật chủ trung gian. Trình tự bộ gen của chủng virus corona mới tách ra từ tê tê giống 99% với người nhiễm bệnh.

>>Xem thêm: 
Chợ thịt sống - nơi nghi ngờ bùng phát Corona ở Trung Quốc
* Nhóm nhà khoa học cảnh báo dịch corona từ 9 tháng trước
* Tốc độ lây lan Covid-19 ở Trung Quốc chậm dần
* 4 câu hỏi về việc vì sao dịch bệnh thường bắt nguồn từ Trung Quốc

Bấm vào đây để xem chi tiết.

Huyền Anh (Theo New York Times)