Thứ ba, 19/5/2020, 00:31 (GMT+7)

Hàng triệu sinh viên mất cơ hội việc làm vì Covid-19

Người trẻ khắp châu Á đang bước vào thị trường lao động sụp đổ vì tình trạng ngừng tuyển dụng trong bối cảnh đại dịch.

Các nhà tuyển dụng nói rằng đây là thời điểm hoàn hảo để học các kỹ năng mới, tận dụng các sáng kiến của chính phủ và có được kinh nghiệm giá trị.

Hàng triệu sinh viên mới ra trường chật vật xin việc làm do ảnh hưởng Covid-19. Ảnh: Xinhua.

Khi Uber tuyên bố chuẩn bị sa thải nhân viên, Gavin Ng - sinh viên Singapore theo học thạc sĩ tại Đại học Illinois - chuẩn bị cho tin xấu. Nỗi sợ trở thành sự thật khi anh nhận được thông báo lời mời làm việc ở vị trí khoa học dữ liệu bị rút lại. Gavin chia sẻ: "Thật thất vọng, nhưng tôi hiểu đây là chuyện làm ăn - không có gì phải cay cú".

Gavin đang ở Mỹ và vẫn chưa nhận được lời mời làm việc nào. Visa du học của anh đang làm mọi việc khó khăn hơn. "Tôi không có bất kỳ lời mời nào nên tôi chẳng có lựa chọn nào cả. Kế hoạch của tôi chưa chắc chắn khi đang gặp vấn đề với visa và bằng thạc sĩ", anh nói. 

Gavin Ng là một trong hàng triệu người trẻ ở châu Á và trên toàn thế giới đang đối mặt với những giấc mơ tan vỡ khi Covid-19 tàn phá nền kinh tế, khiến các công ty hạn chế mời làm việc, ngừng tuyển người, trừ lương và sa thải nhân viên.

Những sinh viên mới ra trường bắt đầu sử dụng hashtag #offerrescinded (Lời mời bị hủy bỏ) trên mạng xã hội việc làm LinkedIn - nơi những người tìm việc sử dụng để kết nối với các nhà tuyển dụng. Tại đây, phần lớn là những bài chia sẻ câu chuyện về lời mời làm việc đầu tiên bị rút lại vì đại dịch.

Shrish Pandey - một sinh viên Cao đẳng Kỹ thuật Punjab ở Ấn Độ - đã có được việc làm toàn thời gian là nhân viên phân tích dữ liệu cho một hãng hàng không lớn của Mỹ trong đợt tuyển dụng năm ngoái. Nhưng "vì khủng hoảng Covid-19, công ty rút lại toàn bộ lời mời làm việc trên toàn cầu". 

Xingcheng Sun sắp tốt nghiệp mùa hè này. Anh học Tiến sĩ khoa học máy tính ở Đại học Nam Carolina. Sun kể lại chuyện được mời làm việc tại công ty cho thuê văn phòng WeWork nhưng bị rút lại vào ngày 13/5. Anh cho hay mình sẽ tốt nghiệp trong hai ngày nữa và đã chuẩn bị tinh thần để bắt đầu đi làm. Giống Pandey, Sun đăng bài kèm một bản copy sơ yếu lý lịch.

Chính phủ và các Viện nghiên cứu trên toàn thế giới bắt đầu giúp đỡ các sinh viên mới ra trường. Trung Quốc phát động chiến dịch 100 ngày bao gồm mở rộng việc tuyển nhân viên cho các tập đoàn và trường học thuộc nhà nước và mở rộng quy mô nhập ngũ, đồng thời tuyên bố nhiều gói trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ. 

Đại học Hong Kong mở một quỹ cứu trợ giúp tạo ra 100 việc làm cho sinh viên - nằm trong kế hoạch giảm thiểu tác động của cuộc biểu tình phản đối chính phủ và đại dịch Covid-19. Các cựu sinh viên của Đại học Baptist Hong Kong đưa ra hàng trăm công việc bán thời gian và thực tập cho sinh viên, giữa nỗi lo về tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên trong thành phố sắp lên đến hai chữ số.

Tại Thái Lan, dịch bệnh ảnh hưởng đến khoảng 3.000.000 sinh viên sắp tốt nghiệp, theo tờ Bangkok Post. Một bộ trưởng đã hứa hẹn nhiều việc làm cho những người thất nghiệp.

Ở Australia, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao nhất trong 5 năm - 13,8% người trẻ không có việc làm trong tháng 4. Thủ tướng Scott Morrison hứa sẽ trợ cấp cho các doanh nghiệp khoảng 130 tỷ A$ để giữ chân nhân viên. Morrison từng cảnh báo rằng thế hệ trẻ hiện tại của Australia sẽ phải đối mặt với thị trường việc làm khó khăn nhất kể từ cuộc suy thoái ở nước này vào thập kỷ 90. Canberra cũng đã bắt đầu chương trình Jobs Hub để kết nối người tìm việc với những công ty tiềm năng, cung cấp cho họ thông tin về thị trường lao động và các cách để có được việc làm.

Tại Singapore, sự quan tâm đang tập trung vào việc tiếp cận giáo dục và đào tạo. 6 trường đại học đưa ra cho 16.000 sinh viên mới tốt nghiệp cơ hội được học thêm 4 khóa học nữa với nhiều môn tự chọn và miễn phí. Những sinh viên mới tốt nghiệp cũng nhận được trợ cấp 70% tiền học phí các khóa học của SkillsFuture Singapore - một tổ chức chính phủ chuyên điều hành các chương trình giúp người làm việc có thêm kỹ năng mới, số tiền học phí còn lại được chi trả bởi trường đại học. 

Khoảng 300 công ty ở Singapore mở rộng thêm hơn 4.000 vị trí việc làm theo chương trình Thực tập sinh SGUnited của chính phủ để giúp đỡ những sinh viên mới tốt nghiệp từ những cơ sở giáo dục cao hơn. Nhưng những nhà kinh tế cho biết quy mô thị trường việc làm ở Singapore khá nhỏ, nghĩa là những người xin việc phải đối mặt với nhiều thách thức hơn những người cùng tìm việc ở các nước láng giềng.

Singapore tập trung việc tăng kỹ năng và kinh nghiệm cho sinh viên. Ảnh: AP.

Walter Theseira - nhà kinh tế tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore - cho biết: "Khi việc di chuyển ra nước ngoài, bao gồm cả các nước ASEAN, chưa được mở cửa trở lại, ngành công nghiệp lưu trú, du lịch, hội nghị cùng nhiều doanh nghiệp ăn uống ở Singapore sẽ không thể quay về mức doanh thu của những năm trước 2019". 

Những sinh viên mới tốt nghiệp như Alicia Teng - sinh viên báo chí tại Đại học công nghệ Nanyang - thấy tương lai bất định khi nhiều công ty ngừng tuyển nhân viên mới. Cô dự định ứng tuyển vào khối nội dung toàn thời gian cho Klook, website chuyên về du lịch và đời sống của Hong Kong, sau khi hoàn thành 6 tháng thực tập ở đó vào năm ngoái. Cô nói: "Tôi yêu thích văn hóa công ty ở Klook. Tôi hoàn thành công việc khá tốt và thấy được tiềm năng sự nghiệp ở đó". Teng nói thêm rằng công ty này sẽ là lựa chọn đầu tiên của cô nếu như họ không thông báo ngừng tuyển nhân viên.

Kitty Tan - Giám đốc của công ty tuyển dụng EPS Consultants Singapore - khuyên các sinh viên mới ra trường đang gặp hoàn cảnh trên không nên đợi một vị trí nhất định mà hãy đi tìm cơ hội ở nơi khác. "Dựa vào tác động đối với việc kinh doanh, công ty có thể không tuyển người và có thể ngừng tuyển dụng hoàn toàn", cô nói. 

Những người khác nhấn mạnh rằng đây là cơ hội để các sinh viên mới ra trường làm được điều gì đó ý nghĩa, qua đó cải thiện cơ hội có việc làm sau khi nền kinh tế hồi phục. Ian Lee - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Adecco, một công ty môi giới nhân sự - cho biết những sáng kiến như của chính phủ Singapore sẽ giúp sinh viên có được những trải nghiệm và kỹ năng cần thiết cho thế giới hậu đại dịch. Ông nói: "Các công ty sẽ tiếp tục tuyển sinh viên mới ra trường trong thời gian dài. Và chúng ta biết chắc rằng những nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào những thứ trên mức trung bình và kiến thức từ sách vở".

Linda Teo - Quản lý toàn quốc tại ManpowerGroup Singapore - có cùng quan điểm trên. Cô cho rằng những nhà tuyển dụng sẽ hỏi các ứng viên về thời điểm họ không có việc làm và sẽ không tốt cho sinh viên nếu họ không làm gì để có thêm kiến thức hay tìm hiểu thêm về sự nghiệp trong thời gian này. Bên cạnh việc đăng ký tham gia các chương trình của chính phủ, Teo gợi ý sinh viên nên kết nối với các nhà tuyển dụng trên LinkedIn hoặc viết thư xin thực tập tại các công ty.

Tình nguyện là một lựa chọn khác cho các sinh viên mới ra trường, theo Erman Tan - Cựu chủ tịch của Viện Nhân sự Singapore. Một lựa chọn khác là tự bắt đầu kinh doanh, điều mà Joel Tan - một sinh viên năm cuối ở Học viện Ẩm thực Mỹ tại Viện Công nghệ Singapore đã làm. Anh chuẩn bị chương trình thực tập một năm cho đầu bếp nổi tiếng Dominique Crenn ở San Francisco, nhưng lời mời của anh bị rút lại sau khi số ca bệnh ở Mỹ tăng nhanh.

Joel Tan - một sinh viên năm cuối tại Viện Công nghệ Singapore.

Thay vì bỏ cuộc, Joel hợp tác với một đầu bếp khác để lập nên Dự án CBK, viết tắt của Circuit Breaker Kooks, dựa theo lệnh hạn chế "ngắt mạch" của chính phủ. Dự án thu hút 30 đầu bếp trẻ cung cấp sức người miễn phí cho các nhà hàng.

"Là một người trong ngành thực phẩm và đồ uống, tôi cảm thấy vô dụng khi không làm được gì cho ngành công nghiệp mà tôi yêu thích cũng như lớn lên cùng nó. Tôi biết tôi muốn được giúp đỡ bằng cách này hay cách khác", anh nói.

Tận dụng tốt nhất tình huống xấu và tập trung vào sức khỏe tâm lý cũng như thể chất là một quan điểm được Lee từ Tập đoàn Adecco nhấn mạnh. Anh cho biết: "Không có gì sai khi bạn cảm thấy lo lắng hay căng thẳng nhưng hãy đảm bảo rằng bạn thực hiện đúng các biện pháp để bảo vệ sức khỏe và định hướng những cách bạn có thể phục hồi lại trong những tình huống như vậy. Câu chuyện của bạn ở đây có thể có ảnh hưởng với những nhà tuyển dụng hơn những con số và bằng cấp trên sơ yếu lý lịch của bạn".

Xem thêm: 
Đại học ở Mỹ, Australia mất hàng tỷ USD vì sinh viên Trung Quốc nghỉ học

Huyền Anh (Theo SCMP)