Thứ ba, 21/4/2020, 07:02 (GMT+7)

Dịch bệnh khiến 60.000 người chết ở Trung Quốc 100 năm trước

Năm 1911, một dịch bệnh chết người lây lan khắp Trung Quốc và đe dọa trở thành đại dịch; dường như bắt nguồn từ việc buôn bán động vật hoang dã, nhưng lúc đó, không ai dám chắc.

Phong tỏa, cách ly, đeo khẩu trang, hạn chế đi lại, hỏa táng tập thể nạn nhân và kiểm soát chặt biên giới là những biện pháp từng được triển khai để giảm tỷ lệ lây nhiễm. Nhưng hơn 60.000 người đã chết ở vùng đông bắc Trung Quốc khiến nó trở thành dịch bệnh lớn nhất thế giới khi ấy.

Khi dịch bệnh cuối cùng được kiểm soát, chính phủ Trung Quốc triệu tập Hội nghị về Bệnh dịch hạch quốc tế tại Thẩm Dương, thành phố gần tâm chấn dịch. Hội nghị có sự tham dự của nhiều nhà virus học, vi khuẩn học, dịch tễ học và các chuyên gia về dịch bệnh từ nhiều cường quốc trên thế giới, như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Vương quốc Anh và Pháp.

Mục đích của hội nghị là tìm ra nguyên nhân bùng phát dịch, tìm hiểu các phương thức khống chế dịch hiệu quả nhất, khám phá lý do dịch bệnh lây lan nhanh chóng và đánh giá những gì có thể làm để ngăn chặn một đợt bùng phát thứ hai. Mặc dù không phải không có những chỉ trích, đổ lỗi qua lại, hội nghị vẫn được xem là một nỗ lực thực sự đáng để học hỏi.

Tuyến đường ray qua Mãn Châu năm 1906. Ảnh: CNN.

Khi thế giới phải đương đầu với một đại dịch nguy hiểm như Covid-19 nhưng thiếu sự phối hợp toàn cầu và nỗ lực đa phương, các khía cạnh hợp tác từ hội nghị năm 1911 ở đông bắc Trung Quốc là rất đáng để xem xét lại.

So với năm 1911, thế giới giờ đây đối mặt với sự phân cực và chia rẽ nghiêm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hứng chỉ trích, phân biệt chủng tộc, các quốc gia lớn đáp trả qua lại và cạnh tranh vật tư y tế, kiểm soát tình thế, trong khi các nước nghèo hơn vật lộn tìm cách tự bảo vệ mình.

Dịch hạch Mãn Châu (Manchurian Plague) bùng phát ở Trung Quốc vào năm 1910 và tàn phá cuộc sống của người dân nơi này. Từ mùa thu năm 1910 cho tới khi dịch bệnh được kiểm soát vào 1911, ước tính có khoảng 60.000 người chết. Dịch bệnh đáng sợ khiến truyền thông quốc tế chú ý khi tấn công thành phố Cáp Nhĩ Tân, thuộc tình Hắc Long Giang ngày nay.

Thành phố Cáp Nhĩ Tân khi ấy là một phần của Mãn Châu, vùng đất nông nghiệp rộng lớn nhưng dân cư thưa thớt. Phần lớn vùng đất thuộc sự cai quản của Trung Quốc, cùng với Nhật Bản kiểm soát khu cảng biển Đại Liên và Nga điều hành hệ thống đường sắt.

Cáp Nhĩ Tân là một thành phố giao thương quốc tế, nơi có nhiều người Nga làm việc cho Đường sắt phía đông Trung Quốc (CER), nối liền đường sắt xuyên Siberia tới thành phố cảng Đại Liên. Thành phố này cũng là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng lớn người Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Trong đó, kinh doanh lông thú là ngành công nghiệp quan trọng và rất có thể là nguồn gốc của bệnh dịch hạch đáng sợ.

Loài rái cá cạn. 

Rái cá cạn (Tarbagan marmot) - loài gặm nhấm thuộc họ Sciuridae, sống ở thảo nguyên quanh hồ Khukh, Mông Cổ và vùng Mãn Châu lân cận. Từ lâu, những người buôn lông thú từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản thường chỉ quan tâm tới lông chồn zibelin, chồn nâu và rái cá từ các thợ săn địa phương, chưa hề để ý tới rái cá cạn. Nhưng khi kỹ thuật nhuộm mới xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, da lông của marmot trở thành món hàng được ưa chuộng, thay thế loại lông thú đắt tiền.

Hàng nghìn thợ săn địa phương đổ xô đi tìm rái cá cạn khiến giá trị của loài tăng vọt trong những năm trước khi dịch hạch xuất hiện. Những người săn bắn ở nông thôn từ lâu tránh ăn thịt những con rái cá bệnh nhưng không bỏ đi bộ lông của chúng.

Dù chưa thể xác định chính xác dịch bùng phát khi nào, dịch hạch lần đầu được báo cáo bởi nhóm bác sĩ Nga ở Mãn Châu, thị trấn Nội Mông ở biên giới Trung Quốc - Nga, sinh sống quanh CER. Các triệu chứng đáng báo động khi người nhiễm sốt cao, sau đó là xuất huyết (ho ra máu). Tại Mãn Châu Lý, người chết nằm la liệt trên đường phố và những toa tàu chở hàng.

Giống việc phát tán virus trên chuyến bay hàng không ngày nay, tàu hỏa trở thành điều kiện hoàn hảo nhiễm bệnh. Những người sợ hãi vội lên tàu tới thành phố, nhưng đây chính là con đường vận chuyển lông rái cá cạn tới thành phố Tề Cáp Nhĩ của Hắc Long Giang và sau đó là Cáp Nhĩ Tân.

Các nạn nhân từ đại dịch Trung Quốc 1911. 

Dịch hạch viêm phổi xuất hiện dọc theo các tuyến đường sắt lớn từ Thiên Tân, Bắc Kinh tới Vũ Hán. Ngay cả Thượng Hải, nằm cách Mãn Châu Lý hơn 3.200 km, cũng báo cáo một ca nhiễm và phong tỏa cả thành phố để chặn dịch. Dịch bệnh nhanh chóng "gõ cửa" khu ổ chuột đông đúc của Cáp Nhĩ Tân. Đến ngày 8/11/1910, thành phố này ghi nhận 5.272 người chết.

Dù có những hạn chế về hậu cần vào đầu thế kỷ 20, Trung Quốc vẫn phản ứng nhanh chóng với đại dịch. Các trung tâm cách ly được thiết lập, hầu hết là được chuyển đổi từ những toa tàu chở hàng, dành cho những người mà giới chức tin là từng tiếp xúc với mầm bệnh, bao gồm người thân của những người đã chết và những người buôn bán lông thú.

Nếu bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng trong vòng từ 5-10 ngày cách ly, họ sẽ được thả kèm với một vòng đeo tay có gắn chặt bằng nút chì, chứng nhận không nhiễm bệnh. Nhưng nếu triệu chứng xuất hiện, chỉ một người cũng đủ để cả toa gần như nhiễm, với tỷ lệ tử vong gần 100%. Lúc này, việc chôn cất bị cấm, thay vào đó là hỏa táng tập thể.

Tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, bác sĩ hàng đầu của chính quyền Trung Quốc Wu Lien-teh - người Hoa gốc Malaysia từng tốt nghiệp Đại học Cambridge - được trao trách nhiệm khống chế dịch. Sau khi khám nghiệm tử thi, bác sĩ Wu phát hiện đây là dịch hạch thể viêm phổi, không phải bệnh sùi mào gà, và khuyến khích mọi người đeo khẩu trang.

Bác sĩ Wu Lien-teh, tốt nghiệp khoa Y ĐH Cambridge. 

Đầu năm 1911, Trung Quốc đã huy động bác sĩ và các nhà dịch tễ học từ khắp đất nước tới Cáp Nhĩ Tân. Thách thức đặt ra với Wu và các bác sĩ khi 30/1 là Tết Nguyên đán của Trung Quốc và việc hạn chế đi lại là điều bất khả thi. Nếu tỷ lệ lây nhiễm không giảm xuống, nó rất có thể sẽ lây lan khắp Trung Quốc.

Giới chức đưa ra các biện pháp rất quyết liệt, như bất kỳ nhà trọ có ca nhiễm đều bị thiêu rụi hoàn toàn. Một loạt biện pháp chống dịch như cách ly phong tỏa, hạn chế du lịch đã mang lại hiệu quả, giúp Cáp Nhĩ Tân giảm tỷ lệ nhiễm vào cuối tháng 1.

Tuy nhiên làn sóng lây nhiễm vẫn lan rộng dọc theo tuyến đường sắt. Đến đầu tháng 1/1911, Thẩm Dương ghi nhận 2.571 ca tử vong, khiến giới chức buộc phải hạn chế đi lại ở thành phố. Hàng loạt cuộc kiểm tra hành khách trên tàu hỏa và tàu thủy, sau đó tạm ngừng tuyến đường sắt và yêu cầu tàu không rời cảng. Nhờ vậy, dịch bệnh không có cơ hội đến được với Đại Liên.

Mặc dù số ca nhiễm tiếp tục tăng ở Mãn Châu, bác sĩ Wu đã tuyên bố kiểm soát được dịch ở Cáp Nhĩ Tân vào cuối tháng 1/1911, sau vụ hỏa táng tập thể những nạn nhân cuối cùng.

Cùng lúc đó, Trung Quốc tìm cách tổ chức một cuộc hội nghị quốc tế nhằm tìm hiểu lý do dịch bùng phát nhanh chóng trên quy mô rộng, cũng như thảo luận các phương thức kiểm dịch tốt nhất. Việc tổ chức một hội nghị như vậy không phải không có rủi ro cho người Trung Quốc khi mà vẫn còn nhiều vấn đề tranh chấp với các quốc gia khác.

Nhưng họ vẫn thúc đẩy tổ chức hội nghị, được xem giúp quốc gia này tránh được chỉ trích không làm gì sau khi dịch kết thúc. Toàn bộ người tham gia đều ưu tiên khoa học, không áp đặt bất kỳ lệnh kiểm soát nào về mặt chính trị.

Ngày 3/4/1911, thành phố Thẩm Dương trở thành trung tâm hội nghị, bao gồm phòng họp, phòng thí nghiệm và khu nhà ở cho các đại biểu. Ngoài các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, các nước như Italy, Mexico, Hà Lan, Đức, Áo-Hung cũng gửi chuyên gia của các viện uy tín tới tham dự hội nghị tại Trung Quốc.

Mục đích chính của hội nghị là tìm cách loại bỏ những tin đồn thất thiệt và hướng đến tìm ra nguồn gốc khoa học của virus gây bệnh. Hội nghị cũng thảo luận các cách lây nhiễm như ho và các lý thuyết sai lầm như lây nhiễm trực khuẩn vào thức ăn. Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đề cập tới "người nhiễm không triệu chứng" và "siêu lây nhiễm", các khái niệm phổ biến ngày nay.

Kiểm soát dịch là một chủ đề chính của hội nghị, nhằm tìm ra biện pháp nào hiệu quả nhất. Cách ly khẩn cấp và hạn chế đi lại được xem là hai biện pháp được đánh giá cao nhất. Một biện pháp khác là sử dụng khẩu trang sớm như khuyến nghị của bác sĩ Wu. Ngoài ra, xây dựng các bệnh viện chuyên để cách ly người nhiễm dịch hạch và ngăn nguy cơ lây nhiễm từ các bệnh nhân thông thường cũng là giải pháp được nhắc tới.

Hội nghị kết thúc vào ngày 28/4/1911. Các kết luận và giải pháp đều liên quan tới việc kiểm soát dịch theo khoa học, sự cần thiết của việc cải thiện điều kiện vệ sinh, các quy định cách ly và loài rái cá cạn được xem là nguyên nhân gây bệnh.

Năm 1911, thế giới chưa có tổ chức WHO.

Việc đối phó với dịch bệnh, hạn chế lây nhiễm và kiểm soát là trách nhiệm riêng của từng quốc gia. Không có sự xuất hiện của chính trị gia ở Thẩm Dương, nhưng các nhà khoa học nhận thấy sự cần thiết của sự hợp tác giữa các chính phủ hay một tổ chức y tế toàn cầu. Nhu cầu này bắt đầu xuất hiện sau thế chiến I, với sự ra đời của Hội Quốc liên, tiền thân của Liên Hợp Quốc, được thành lập tại Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919. Liên minh này đã thành lập Cục Y tế với một bộ phận đều hành bởi các chuyên gia về sức khỏe, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe đang nổi cộm thời kỳ đó trên toàn cầu, như sốt rét, sốt vàng, thương hàn, bệnh phong (hủi)... Sau Thế chiến II, liên minh này chuyển thành Liên Hợp Quốc (UN), và họ tạo ra WHO.

 Cáp Nhĩ Tân vào khoảng năm 1932. 

Dịch hạch ở Mãn Châu không lây lan nghiêm trọng tới phần còn lại của Trung Quốc, Mông Cổ hay Nga. Việc đóng cửa Đại Liên đã ngăn chặn dịch lan tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong hay nhiều nơi khác ở châu Á. Nhờ vậy, dịch cũng không có cơ hội chạm tới châu Âu, châu Mỹ và khắp thế giới.

Giáo sư, nhà sử học William C Summers đến từ Đại học Yale, Mỹ nhận định dịch được ngăn chặn là nhờ có sự phối hợp hoạt động. "Một sự kết hợp giữa kiến thức đúng đắn, nguồn lực hợp lý và những con người phù hợp như vậy không phải lúc nào cũng được áp dụng khi toàn cầu đối đầu với thách thức về bệnh dịch khác", ông nói.

Các biện pháp được thực hiện ngày nay trên khắp thế giới như bệnh viện cách ly, đeo khẩu trang, giữ thói quen vệ sinh, hạn chế đi lại, tạm dừng chuyến bay và thiếp lập đội phản ứng riêng là dựa theo mô hình ứng phó đại dịch ở Trung Quốc cách đây 110 năm.

Tuy nhiên, hiện, các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Nhật Bản, dường như ít quan tâm đến việc phối hợp đối phó với khủng hoảng y tế. Triển vọng về một cuộc hội nghị quốc tế phi chính trị như ở Thẩm Dương năm 1911, nơi các chuyên gia hàng đầu thế giới đều mong muốn tham dự, có vẻ là điều xa vời.

"Có lẽ đó là điều cần phải xảy ra vào một lúc nào đó sau đại dịch Covid-19: các nhà khoa học trên thế giới có thể tìm cách gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận về Covid-19 trong một diễn đàn mở", ký giả của CNN nhận định. 

>> Xem thêm: 4 câu hỏi về việc vì sao dịch bệnh thường bắt nguồn từ Trung Quốc

Huyền Anh (Theo CNN)