Thứ ba, 18/2/2020, 13:53 (GMT+7)

Đại học ở Mỹ, Australia mất hàng tỷ USD vì sinh viên Trung Quốc nghỉ học

Hơn 900.000 sinh viên Trung Quốc du học ở nước ngoài; một nửa số này đi Mỹ hoặc Australia, đóng góp hàng tỷ USD cho nền kinh tế hai nước - số tiền mà các quốc gia này thất thu trong tình hình hiện tại.

Nếu không vì đợt dịch bùng phát, Xu Mingxi đã có thể quay lại ngôi trường danh tiếng ở New York vào tuần này. Thay vào đó, cậu sinh viên 22 tuổi dành 3 tuần vừa rồi để ở lỳ trong căn hộ của gia đình ở Vũ Hán - tâm điểm dịch, nơi đang bị phong tỏa nhằm tránh lây lan virus. Nhưng kể cả khi Xu có thể rời khỏi quê hương, nước Mỹ, nơi Xu đã học trong 4 năm rưỡi cũng không cho cậu nhập cảnh.

Cách Vũ Hán 1.000 km, ở Bắc Kinh, Alex (đã đổi tên) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Cô đã dành 2 tuần qua ở nhà với mẹ và ông; được cán bộ khu vực tiếp tế đồ ăn tới nhà. Xu lo lắng mình không thể bay tới Sydney vào cuối tháng để học, có thể phải lùi lại một kỳ.

Một khu phố trống vắng ở Thượng Hải. Ảnh: Nytimes. 

Khi dịch Covid-19 bùng phát, hơn 60 quốc gia áp lệnh hạn chế di chuyển đối với công dân Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus. Australia và Mỹ đều ra lệnh cấm tạm thời với người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh. Điều này đã ngăn cản Xu và Alex trên con đường học tập và họ không phải là những trường hợp cá biệt.

Năm 2017, có khoảng 900.000 sinh viên Trung Quốc du học ở nước ngoài. Một nửa trong số này đi Mỹ hoặc Australia, đóng góp hàng tỷ USD cho nền kinh tế hai nước - số tiền mà các quốc gia này phải chấp nhận mất đi trong tình hình hiện tại.

Không rõ có bao nhiêu trong số 360. 000 sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ đang ở bên ngoài nước Mỹ khi lệnh cấm di chuyển có hiệu lực vào 31/1 - trước khi nhiều trường đại học bắt đầu học kỳ mới. Còn tại Australia, khi lệnh hạn chế bắt đầu, các nhà chức trách ước tính khoảng 56% sinh viên Trung Quốc, tương đương 106.680 người, vẫn đang ở bên ngoài. Trong khi đó, học kỳ mới bắt đầu vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3.

Andrew Norton, giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết: "Đối với Australia, điều này tới vào thời điểm không thể tệ hơn. Đây chính là khoảng thời gian người từ Trung Quốc trở lại nước này".

Thời điểm bùng phát dịch trùng với dịp Tết Nguyên đán, ngày lễ quan trọng nhất năm của người Trung Quốc, khi nhiều sinh viên về nhà để thăm gia đình.

Thành phố bị phong tỏa

Ban đầu, đây chỉ là một kì nghỉ bình thường của Xu. Cậu gặp gỡ bạn bè ở Vũ Hán và ăn uống. Khi ấy, dịch Covid-19 có vẻ không phải vấn đề lớn. Xu đeo khẩu trang và tránh khu chợ có liên quan đến dịch bệnh - cách nhà cậu vài km. Ngày 23/1, ngay đêm trước khi Xu trở lại New York, chính quyền Vũ Hán thông báo sẽ phong tỏa thành phố. Vẫn còn thời gian để đi nhưng Xu quyết định không, cậu nghĩ mình sẽ an toàn hơn khi ở Vũ Hán, và lệnh phong tỏa sẽ không kéo dài.

Đến ngày 27/1, chương trình học về viễn thông tương tác ở Đại học New York (NYU) bắt đầu lại. Ngày 31/1, chính phủ Mỹ tuyên bố không cho những người bay từ Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ. Xu cho biết cậu có thể học từ xa, nhưng việc này không xứng với học phí 62.000 USD một năm. Xu quyết định nghỉ học kỳ này, đồng nghĩa với việc sẽ tốt nghiệp muộn hơn 6 tháng.

Tình hình ở Australia

Đại học Sydney nơi Alex theo học đang tạo điều kiện cho sinh viên Trung Quốc. Những người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm có thể học từ xa, bắt đầu học kỳ mới muộn hơn vài tuần hoặc bảo lưu. Alex sẽ bảo lưu nếu cô không thể bay trở lại vào giữa tháng 3. Alex trả học phí khoảng 45.000USD một năm, nhiều hơn sinh viên bản địa, những người được hưởng ưu đãi giảm học phí.

Lệnh cấm di chuyển của Australia có hiệu lực ngay tức khắc vào ngày 1/2. Trong khi WHO phản đối những biện pháp này, Thủ tướng Australia, Scott Morrison nói: "Lời khuyên về y tế của chúng tôi là người Australia được lợi khi làm như vậy".

Thời điểm đó, có 80 người Trung Quốc đang quá cảnh - trong đó có 47 sinh viên. Ủy viên lực lượng biên phòng Australia, Michael Outram, chia sẻ trên đài ABC cho biết, 18 người quyết định quay lại Trung Quốc, trong khi những người còn lại được đưa vào diện tự cách ly 14 ngày. "Đây là một quyết định khó khăn đối với sinh viên, tất nhiên chúng tôi nhận ra điều đó. Họ bị kẹt ở giữa đại dịch ở Trung Quốc và việc tới Australia rồi có vấn đề với visa", ông nói.

Người biểu tình chống lệnh cấm du lịch đối với du khách nước ngoài từ Trung Quốc tại Sydney ngày 7/2. Ảnh: CNN.

David (24 tuổi), sinh viên Đại học Sydney đang tự cách ly tại nhà ở Quảng Đông trong nhiều tuần. Hành động của chính phủ Australia khiến cậu cảm thấy bị bỏ rơi. David nói: "Tôi là người trả thuế, tôi đóng góp cho cộng đồng, tôi hiến máu. Sau tất cả những gì tôi làm, nơi này vẫn không coi tôi là một phần của nước họ".

Hậu quả gây ra bởi virus không phải là vấn đề ngắn hạn. Các trường học cần tìm ra cách để giải quyết các hồ sơ bị tồn đọng của những sinh viên chậm lịch học như Xu và Alex, cũng như những sinh viên vẫn tiếp tục học, nhưng một số trường không có đủ khả năng.

Các trường đại học chịu ảnh hưởng gì?

Nếu hàng nghìn sinh viên buộc phải bảo lưu kỳ này, hàng loạt đại học ở Australia và Mỹ sẽ thất thu hàng tỷ USD. Ở Australia năm 2017, 23,3% doanh thu tới từ các sinh viên quốc tế, và sinh viên Trung Quốc chiếm 38.8% lượng sinh viên quốc tế nhập học năm 2018. Tổng cộng, giáo dục quốc tế đóng góp 25 tỷ USD cho nền kinh tế Australia trong năm tài chính 2018-2019.

Ở Mỹ, sinh viên Trung Quốc đóng góp 14,9 tỷ USD cho nền kinh tế trong năm 2018, theo số liệu của chính phủ. Giáo sư Norton tin rằng đa số sinh viên Trung Quốc đều phải hoãn ít nhất một tới một kỳ rưỡi. Điều đó đồng nghĩa với việc trước mắt, các đại học tại Australia thất thu khoảng 2-3 tỷ USD từ những sinh viên không thể đến lớp. "Chính phủ nhận ra điều này sẽ gây hậu quả to lớn về kinh tế, ảnh hưởng tới các trường đại học và các dịch vụ du lịch", ông nói.

Khu phố Tàu ở Manhattan, Mỹ vào tháng 1. Ảnh: EPA.

Các chuyên gia dự đoán ảnh hưởng của Covid-19 đến kinh tế sẽ nặng nề hơn đại dịch SARS năm 2003. Nếu kinh tế Trung Quốc đang khủng hoảng, phụ huynh sẽ có ít tiền hơn để chu cấp cho con cái ở nước ngoài. David tin rằng sự kỳ thị đối với người Trung Quốc tại Australia có thể dẫn đến việc sinh viên quyết định đi nơi khác. 

Còn theo Rahul Choudaha - giáo sư Đại học UC Berkeley, khi cha mẹ tìm nơi để gửi gắm con cái họ, họ không chỉ nhìn vào chất lượng giáo dục mà còn nhìn vào mức độ chào đón và ổn định của xã hội. Nếu chất lượng giáo dục của Trung Quốc cải thiện, ở nhà có thể là một cách tốt hơn.

Nhân viên y tế đưa thi thể bệnh nhân nhiễm virus corona tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Cơn giận trút lên người Trung Quốc

Khủng hoảng vì dịch bệnh cũng làm tinh thần bài xích Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn. Trong thời gian ở nhà, Alex đã thấy nhiều phản ứng khác nhau về đại dịch trên mạng và cả internet nằm ngoài cái gọi là "Vạn Lý Tường Lửa". Ở Trung Quốc, nhiều thông điệp ủng hộ Vũ Hán, nhưng trên toàn cầu, cô chỉ thấy sự giận dữ hướng về người Trung Quốc. Alex chỉ vào màn hình, trên đó có những người nói rằng người Trung Quốc xứng đáng bị như vậy vì ăn dơi. Alex cho hay, tình huống này đã biến thành cuộc chiến giữa Trung Quốc và Australia - trong khi thực tế đây là cuộc chiến giữa virus và người. Cô lo sợ rằng khi quay lại Australia mình sẽ trở thành mục tiêu của sự phân biệt, kỳ thị chủng tộc.

Vài ngày trước, một đồng hương đã hỏi Alex liệu có nên học luật ở Australia không. Alex trả lời chân thành rằng cô đang bị giằng xé bởi câu hỏi này. Du học có thể là một trải nghiệm tích cực, nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ phân biệt chủng tộc, đặc biệt trong thời gian này - khi người châu Á đang bị xem như "mầm bệnh biết đi". Còn Xu lại nói, anh không lo lắng khi quay lại New York, sau tất cả, là người Vũ Hán, anh lo ngại sự phân biệt đối xử ngay tại quê nhà. 

Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại thành phố Vũ Hán và lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và ít nhất 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến ngày 18/2, số ca tử vong trên toàn thế giới lên 1.873, tổng số ca lây nhiễm 73.429. 

Chủng virus mới được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã trong chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, khó thở và ho. Bệnh diễn biến nặng có thể gây suy thận, viêm phổi dẫn đến tử vong. Chính quyền Trung Quốc đã ban lệnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" đối với Vũ Hán và một phần của vài thành phố lân cận nhằm ngăn nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Gần 60 triệu người bị ảnh hưởng khắp trong và xung quanh Vũ Hán.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Mỹ, Australia và Singapore ban hành lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài tới Trung Quốc trong thời gian bùng phát dịch viêm phổi cấp. Nhiều quốc gia thắt chặt quy định cấp thị thực, hạn chế nhập cảnh, yêu cầu kiểm tra thân nhiệt và nộp giấy khám sức khỏe đối với công dân Trung Quốc. 

Xem thêm: 

* Người Mỹ gốc Á: Một cái hắt hơi cũng gây kỳ thị
* Hong Kong: Đại dịch ập đến sau biểu tình, dân lũ lượt rời thành phố
* Người Vũ Hán khốn khổ vì bị kỳ thị ngay tại quê hương

Bấm vào đây để xem chi tiết.

Huyền Anh (Theo CNN)