Thứ tư, 25/9/2019, 15:22 (GMT+7)

Chân dung nghi phạm giết người hàng loạt ở Hwaseong 

Hàn QuốcTheo Chosun Ilbo, nghi phạm họ Lee đằng sau vẻ ngoài hiền lành là người nóng nảy, từng cưỡng bức và sát hại em vợ.

Hôm 21/9, cảnh sát Hàn Quốc công bố Lee Chun Jae (56 tuổi) là nghi phạm gây ra ít nhất 3 trong số 10 cái chết liên quan đến phụ nữ Hwaseong, tuổi từ 13 đến 71, từ năm 1986 đến 1991. Các vụ giết người hàng loạt sau 33 năm tưởng chừng đi vào ngõ cụt, cuối cùng đã tìm ra manh mối quan trọng nhờ vào kết quả giám định DNA. Các nhà chức trách dẫn kết quả thu được từ Viện nghiên cứu Khoa học Quốc gia cho thấy nghi phạm có DNA trùng khớp với mẫu DNA thu được từ quần lót của nạn nhân.

Theo Chosun Ilbo, Lee Chun-jae hiện thụ án chung thân vì tội giết em vợ năm 1994. Theo lời của cư dân ở khu phố Jinan-dong, Hwaseong, Lee sống ở đây cho đến đầu những năm 1990, sau đó chuyển tới Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong. Hàng xóm gọi Lee là "một đứa trẻ ngoan" trong những năm anh ta ở tuổi 20. 

Cảnh sát Kim Si-keun (62 tuổi) - nhân viên điều tra vụ án Lee Chun Jae tấn công và giết người năm 1994 ở Cheongju - cho biết - y là kẻ "đeo mặt nạ ngoan hiền" và "có xu hướng giấu bản chất thật bên trong".

Cảnh sát phác họa chân dung nghi phạm từ lời khai của nạn nhân trốn thoát và ảnh hiếm hoi về Lee ngoài đời (trái). 

Lee Chun Jae kết hôn hồi tháng 4/1992 - chỉ một năm sau khi thi thể của nạn nhân cuối cùng trong vụ giết người Hwaseong được phát hiện (vụ thứ 10, tháng 4/1991). Họ gặp nhau khi cùng làm việc ở một công ty. Sau khi doanh nghiệp này phá sản, vợ anh ta làm công việc bán thời gian, là người chịu trách nhiệm kinh tế cho gia đình.

Cựu cảnh sát Kim Si Geun kể, Lee Chun Jae nói y có mối quan hệ thân thiết với gia đình nhà vợ. Tên này thường xuyên bắt xe bus về quê vợ ở Cheongju. Hắn đeo mặt nạ hoàn hảo khi xuất hiện ở quê vợ trong vai trò người chồng mẫu mực và đỡ đần mọi người công việc, kể cả nấu ăn. Thế nhưng, khi ở nhà riêng, y là một con người hoàn toàn khác.

"Anh ta giam cầm và hành hung vợ cùng đứa con trai 2 tuổi. Theo tài liệu từ tòa án, Lee Chun Jae là người ít nói nhưng một khi nổi giận bùng phát thì không ai ngăn cản nổi cơn thịnh nộ của hắn. Hắn nhốt con trai trong một căn phòng, đánh đập dã man. Hắn từng ném một cái gạt tàn vào vợ và sẵn sàng tấn công nếu dám phớt lờ hắn trước mặt người khác", Si Geun nói.

Tháng 12/1993, người vợ không chịu nổi gã chồng bạo lực đã rời khỏi nhà. Lee Chun Jae không chịu buông tha cô khi gọi nhiều cuộc điện thoại đe dọa. "Tôi sẽ ly dị cô, nhưng tôi sẽ không ly hôn dễ dàng. Tôi sẽ xăm hình lên người cô để cô không bao giờ cưới người đàn ông khác nữa", hắn nói.

Mối quan hệ giữa Lee Chun Jae và vợ tiếp tục sau đó. Những người trong gia đình vợ vẫn gửi thức ăn đến nhà Lee. Y cũng không hề vắng mặt trong các sự kiện quan trọng của gia đình như lễ tang mẹ vợ, đám giỗ ông bà. Các chuyên gia cho biết, "mặt nạ của Lee vô cùng hoàn hảo trong thời gian dài".

Nghi phạm Lee (áo khoác xanh) tại Sở cảnh sát Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong, Hàn Quốc. 

Vỏ bọc hiền lành của Lee Chun Jae bị lật tẩy trong vụ y giết em gái vợ. Chiều 13/1/1994, tay này gọi điện cho một cô em gái của vợ, 21 tuổi, nói đến nhà nướng bánh mì. Hắn đưa cho cô gái ly nước uống đã pha sẵn thuốc ngủ. Khi em vợ chuẩn bị rời đi mà thuốc chưa phát huy công hiệu, Lee lao vào đánh đập, cưỡng hiếp và siết cổ nạn nhân đến chết. Hắn bọc trói thi thể rồi đặt trong túi nhựa đen, sau đó mang đi phi tang.

Cảnh sát cho hay, Lee Chun Jae thức cả đêm để dọn chứng cứ tại hiện trường. "Kế hoạch giết người giấu xác của hắn đã hoàn hảo nếu như nhân viên điều tra không phát hiện thấy máu của nạn nhân sót lại trên tay nắm cửa phòng tắm và dưới sàn máy giặt", cảnh sát nói.

Ông Kim Si Geun tiết lộ, Lee sau khi gây án còn thản nhiên đến thăm bố vợ rồi cùng ông đến đồn cảnh sát báo cáo về vụ mất tích của em vợ. "Lee nhiều lần kháng cáo, hắn kiên quyết không nhận tội và liên tục thay đổi lời khai. Hắn thừa nhận gọi điện cho em vợ vào chiều 12/1/1994 - chỉ một ngày trước khi cô gái qua đời - nhưng phủ nhận mọi cáo buộc giết người", ông Si Geun cho biết. Cuối cùng, Lee Chun Jae đã thừa nhận cáo buộc từ phía công tố vì không chịu đựng nổi sự cưỡng chế trong quá trình lấy lời khai của cảnh sát. Hắn bị tuyên án chung thân cho hành vi giết em vợ.

Với những hàng xóm của Lee ở Hwaseong, việc hắn bị bắt vì giết người là điều bất ngờ. 5 người địa phương thân cận khi được hỏi đều nói tốt về Lee. Bà Kim Mo (85 tuổi) cho biết: "Chun Jae có một trái tim nhân hậu và một nhân cách tốt". Một cụ bà, 94 tuổi, sống cạnh nhà cũng nói: "Cậu ấy hiền lành lắm, không phải như vậy đâu. Điều đó là quá sức đối với Chun Jae".

Căn nhà ở Hwaseong - nơi Lee Chun Jae sinh ra và sống thời thơ ấu. 

Sau ba lần thẩm vấn của cảnh sát tại nhà tù Busan - nơi Lee đang thụ án- hắn vẫn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới vụ án giết người hàng loạt ở Hwaseong. Tuy nhiên, trạng thái hai nhân cách khác nhau tồn tại trong cùng một con người của Lee Chun Jae khiến các nhà tâm lý tội phạm học càng có cơ sở tin rằng y nhiều khả năng vẫn đang "đeo mặt nạ". 

Oh Yun-sung - giáo sư ngành cảnh sát học tại Đại học Soonchunhyang - cho biết: "Việc Lee Chun Jae là phạm nhân mẫu mực trong suốt 25 năm tù cho thấy hắn là kẻ có khả năng đánh lừa và che mắt người khác. Thật không dễ dàng để bắt hắn thừa nhận tội danh giết người hàng loạt, cũng thật khó để có bằng chứng mới".

Một giáo sư tâm lý học tại Đại học Fair Gyeonggi chia sẻ: "Nghi phạm bộc lộ bản chất thông qua cuộc bạo lực gia đình nhưng lại thể hiện ra bên ngoài một cách hoàn toàn đối lập. Khả năng duy trì đa tính cách khiến việc phạm tội liên tiếp trở nên dễ dàng hơn".

Thi thể nạn nhân chỉ nằm cách nhau trong vòng bán kính 2 km. Ảnh: Yonhap News.

Seo Joong Seok - Cựu giám đốc của Cơ quan Pháp y Quốc gia - cho biết: "DNA của Lee trùng khớp với 3 mẫu nghiệm thu thập từ quần lót của nạn nhân. Điều này trên thực tế cho thấy anh ta chắc chắn là kẻ giết người". Khi được hỏi liệu có khả năng sai sót, đại diện cơ quan pháp y cho biết, họ đã thực hiện phân tích chi tiết DNA từ nghi phạm với các mẫu được bảo quản trong một thời gian dài của vụ giết người hàng loạt. "Việc phân tích DNA vẫn có thể thực hiện ngay cả khi các bằng chứng khác đã mất đi. Ở đó, một số thông tin di truyền không thể nào có cơ hội nhầm lẫn với người khác".

Tuy nhiên, các nhà chức trách cho hay nhóm máu của nghi phạm trong 3 vụ án này đều là B, trong khi Lee thuộc nhóm máu O. Cảnh sát nói tiếp tục xem xét mẫu DNA còn việc khác nhóm máu cần phải điều tra thêm.

Suốt 3 thập kỷ, tổng cộng 2 triệu cảnh sát được điều động tham gia phá án - một con số kỷ lục, theo Yonhap. Số lượng nghi phạm và nhân chứng lên tới 21.280 người. Đó là chưa kể 40.116 người được triệu tập để lấy dấu vân tay, 570 mẫu DNA cùng 180 mẫu tóc được đưa đi phân tích. Các bằng chứng như mẫu tinh dịch trên người nạn nhân, tóc, mẩu thuốc lá thu thập được cũng không chỉ ra được hung thủ là ai do thiếu kiến thức về pháp y và công nghệ phân tích DNA còn lạc hậu.

Về việc cảnh sát không thể tìm ra kẻ giết người hàng loạt suốt 33 năm do hắn đang bận ngồi tù chung thân vì một vụ án khác. Tờ Korea Times còn lý giải một phần do sự thiếu sự phối hợp của cảnh sát.

Cụ thể, năm 1994, Lee bị cảnh sát huyện Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong bắt vì vụ cưỡng hiếp và sát hại em vợ tại nhà. Cảnh sát đã áp giải Lee về căn nhà cũ tại Hwaseong để tìm kiếm thêm bằng chứng liên quan đến vụ án. Lúc này, một số sĩ quan cảnh sát huyện Hwaseong cũng có mặt và chứng kiến quá trình điều tra. Họ nhận ra những điểm tương đồng giữa vụ sát hại em vợ Lee và chuỗi vụ giết người bí ẩn hàng loạt nhiều năm trước, nên đề nghị các đồng nghiệp Cheongju dẫn Lee tới đồn cảnh sát địa phương để thẩm vấn thêm.

Tuy nhiên, đề nghị này bị từ chối. Họ nói điều tra viên của Hwaseong phải đến Cheongju nếu muốn thẩm vấn Lee. Bởi vì những lý do chưa xác định, hai đơn vị này đã không phối hợp điều tra sau đó. Bởi vậy, Lee chỉ lĩnh án chung thân còn vụ giết 10 người ở Hwaseong đã rơi vào bế tắc (riêng vụ thứ 8 đã tìm ra hung thủ và hắn đang thi hành án).

Do vụ án đã hết thời hạn xét xử từ năm 2006 nên dù bị buộc tội, nghi phạm cũng sẽ không bị xử phạt. Giáo sư Kwack Dae-gyung, Đại học Dongguk, chia sẻ trên tờ Korea Herald, nếu các cáo buộc chứng minh Lee có tội thì dù là phạm nhân mẫu mực, cơ hội được ân xá gần như là không vì hành vi man rợ của hắn ta. 

Các vụ giết người hàng loạt này từng trở thành đề tài cho bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc năm 2003 Memories of Murder (Hồi ức kẻ sát nhân). 

Xem thêm: 
Kẻ giết người hàng loạt trong 'Memories of Murder' lộ diện sau 33 năm
Sát nhân hàng loạt trong 'Memories of Murder' được tìm ra như thế nào
Nghi phạm giết người hàng loạt ở Hwaseong không nhận tội

Huyền Anh (Theo Chosun Ilbo, Yonhap)