Chủ nhật, 11/8/2019, 10:00 (GMT+7)

Nữ sinh Hải Dương giành 9 học bổng thạc sĩ ở Anh và Australia

Nguyễn Thị Ngọc Lan - cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân - có 6 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải, đoạt học bổng thạc sĩ tại 8 trường ở Anh và 1 trường của Australia.

Trước khi trở thành thủ khoa đầu ra ngành Kế toán - Kiểm toán và Á khoa đầu ra toàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân với điểm tổng kết 4 năm là 3,75 theo hệ 4 và 8,96 theo hệ 10, Ngọc Lan - cô gái đến từ Hải Dương - đã có 6 công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá cao, đăng tải trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong có tạp chí uy tín Management Science Letter.

Trong năm 2019, Ngọc Lan giành được học bổng tại 8 đại học ở Anh bao gồm: Bristol, Leeds, Nottingham, Huddersfield, Stirling, Queens University of Belfast, Liverpool, Birmingham và Đại học Melbourne của Australia. Nữ sinh cũng vượt qua hơn 1.000 thí sinh để giành chiến thắng trong cuộc thi Asean Integration Scholarship do FTMS, KPMG và ACCA tổ chức (cuộc thi giành riêng cho sinh viên Kế toán Tài chính tại Việt Nam).

Nguyễn Thị Ngọc Lan (22 tuổi).

Lan còn trở thành 1 trong 5 sinh viên may mắn nhất thế giới nhận suất học bổng cao nhất (Think Big Scholarship) của Đại học Bristol (thuộc top 10 các trường ở Anh, top 50 thế giới) trao tặng, trị giá 20.000 bảng Anh/năm (tương đương 650 triệu đồng) cho toàn bộ học phí. Đây cũng là trường nữ sinh quyết định theo học. 

Dù IELTS chỉ đạt 6.5, do thành tích đáng nể mà trường Bristol vẫn quyết định gia hạn cho Ngọc Lan thêm 2 tháng để nâng tầm IELTS lên 7.0. 

Cụ thể, để nhận được học bổng toàn học phí, trường Bristol yêu cầu Lan phải đạt IELTS từ 7.0 trở nên và không có bài thi nào dưới 6.5. Do đã từ chối 8 trường đại học trước đó, áp lực thi và đạt IELTS của nữ sinh càng lớn. Trong vòng 2 tháng Ngọc Lan thi IELTS liên tiếp 4 lần mới đỗ. Đồng thời nữ sinh cũng thi thêm hai môn ACCA - chứng chỉ hành nghề của kế toán kiểm toán được công nhận trên toàn thế giới - về Thuế và Kế toán quản trị. 

Nữ sinh chia sẻ: "Do áp lực phải đạt IELTS quá lớn nên em chỉ ôn 4 tiếng/ môn với hai môn ACCA trước khi đi thi. Sau đó vận dụng toàn bộ kiến thức mình có và đạt kết quả ngoài mong đợi".

Hiện tại, cô gái đến từ Hải Dương đã qua 7/14 môn thi của ACCA, Ngọc Lan dự định khi sang Anh sẽ tiếp tục học và thi nốt 7 môn còn lại.

Theo Ngọc Lan, ngoài ACCA, IELTS 7.0, cùng 6 công trình nghiên cứu khoa học, thì điểm sáng trong hồ sơ gửi các trường đại học chính là những thành tích nổi trội tại các cuộc thi khởi nghiệp do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Đặc biệt năm 2018, dự án khởi nghiệp "Sản xuất quần lót cho phụ nữ có xử lý kháng khuẩn chitoson" đã đoạt giải Nhất cấp trường, Nhất cấp thành phố và giải Ba cấp Quốc gia. Sau khi giành giải thưởng cao và gây ấn tượng với ban giám khảo, nhóm của Lan nhận được nhiều lời mời hợp tác, trong đó có cả lời mời tài trợ từ Word Bank.

Theo học chuyên ngành về Kế toán - Kiểm toán nhưng Ngọc Lan từng ước mơ trở thành một bác sĩ.

Ngay từ những năm học cấp 2, do yêu thích Hóa, Lan quyết tâm thi vào lớp chuyên Hóa THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (KHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội với số điểm 36,5/ 50 điểm. Ở thời điểm đó, nữ sinh cũng là người đầu tiên của trường cấp 2 đỗ vào Chuyên KHTN.

Ngoài thành tích giải Nhất cấp huyện và giải Ba cấp tỉnh môn Hóa học năm lớp 9, lên cấp 3, Lan đạt học bổng 6 kỳ liên tiếp của trường, đứng đầu khối chuyên Hóa về thành tích học tập. Đặc biệt trong kỳ thi thử đại học cuối cùng ở trường, em vẫn đạt điểm tuyệt đối 30/30 khối B. Vì vậy ai cũng nghĩ việc nữ sinh sẽ đỗ vào Đại học Y Hà Nội là đương nhiên.

Đạt 26,25 điểm khối B, cô gái chuyên Hóa trượt trường đại học mơ ước và đỗ vào chuyên ngành Kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân (đây cũng là năm đầu tiên ĐH Kinh tế Quốc dân xét tuyển khối B). Lúc biết tin trượt ĐH Y Hà Nội, nữ sinh sụt 10 kg.

Vừa nhập học ĐH Kinh tế Quốc dân, Lan vừa tự tìm tài liệu, ôn luyện để thi lại ĐH Y Hà Nội. Kỳ thi năm sau, vẫn 26,25 điểm, một lần nữa nữ sinh lại "lỡ duyên" với ước mơ làm bác sĩ.

Do tập trung ôn thi và chểnh mảng việc học ở trên lớp khiến Ngọc Lan luôn nằm trong top cuối của lớp suốt năm nhất và học kỳ 1 năm hai.

"Bản thân em đã trượt Y hai lần, nếu không theo học kinh tế em không biết tương lai của mình sẽ ra sao, đó là lúc em ép bản thân phải thay đổi", Lan tâm sự.

Bắt đầu từ việc đặt mục tiêu đạt điểm cao nhất lớp, nhất trường và sau đó là 10 điểm các môn, nữ sinh luôn tâm niệm: Khi không đứng sau ai nữa, em muốn vượt qua chính bản thân mình.

Bằng sự nỗ lực của bản thân, từ năm thứ ba đại học, cô gái đến Hải Dương đã đạt điểm tuyển đối 4.0 trên thang điểm 4, tất cả các môn đều được A+. Bên cạnh đó nữ sinh còn tự trau dồi thêm tiếng Anh, học thêm ACCA...

Được tài trợ 100% học phí nhưng gia đình Lan phải chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt (ăn, ở, đi lại, vé máy bay,...), nữ sinh ước tính nếu ăn tiêu tiết kiệm cũng phải mất đến 450 triệu/ năm.

"Đôi khi bản thân em cũng cảm thấy buồn với quyết định đi du học bởi khi các bạn đồng trang lứa bắt đầu đi làm, kiếm tiền thì em lại từ bỏ mức lương khởi điểm 1000 USD (hơn 20 triệu đồng) của nhiều công ty lớn để đi du học". Nhưng suy cho cùng Ngọc Lan hy vọng mọi thứ em đánh đổi sẽ được đền đáp xứng đáng.

Sau một năm theo học thạc sĩ, nữ sinh sẽ cố gắng học lên bậc học tiến sĩ tại Anh hoặc Mỹ để theo đuổi ước mơ được trở thành một giáo sư về ngành Kế toán và tài chính như thầy của em: GS.TS Nguyễn Văn Công (ĐH KTQD). Đây cũng chính là giáo viên hướng dẫn của Ngọc Lan thực hiện 6 công trình nghiên cứu.

GS.TS Nguyễn Văn Công cùng cô học trò. 

GS.TS Nguyễn Văn Công chia sẻ: "Lúc Lan đề nghị hướng dẫn, tôi không nhận vì bản thân rất khó tính. Lan và nhóm đã thuyết phục tôi. Trong nhóm, Lan là đứa hỏi tôi nhiều nhất. Lan nói được là làm được. Em ấy cũng từng có công bố Scopus, đây là điều không nhiều Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Việt Nam làm được. Dù vừa mới tốt nghiệp đại học nhưng gia tài về các nghiên cứu khoa học mà Lan sở hữu, nhiều thầy cô tiến sĩ cũng không bằng. Cô bé này cái gì cũng có thể làm được, chỉ cần em ấy thật sự thích và nghiêm túc theo đuổi".

Bản thân Ngọc Lan từng hy vọng được ở lại Anh làm việc thêm vài năm, nhưng về lâu về dài nữ sinh đến từ Hải Dương chắc chắn sẽ về Việt Nam. Ngoài bạn bè, gia đình, điều quan trọng nhất mà Lan mong muốn là đem cái gì mình tích lũy được ở bên ngoài về cho đất nước.

Thúy Quỳnh