Thứ tư, 12/2/2020, 16:43 (GMT+7)

'Nơi trú ẩn' cho bệnh nhân nCoV ở Vũ Hán tiềm ẩn mối nguy lớn

Nhiều chuyên gia hoài nghi, những trung tâm cách ly cho bệnh nhân nhiễm corona ở Vũ Hán liệu có ngăn chặn được sự lây lan của dịch?

Khi virus corona không ngừng lây lan ở Vũ Hán, Trung Quốc, chính phủ nước này tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp hà khắc mới. Các nhân viên mặc bộ đồ bảo hộ đến từng nhà dân trong thành phố để đưa người bị nhiễm bệnh đến trung tâm cách ly dã chiến - nơi được chuyển đổi từ nhà thi đấu, trung tâm triển lãm hay một tòa nhà phức hợp thành bệnh viện tạm thời. 

Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan - người đứng đầu chiến dịch chống Covid-19 của chính phủ - cho biết: "Không một ai được đào ngũ, nếu không họ sẽ bị lưu danh như một vết nhơ mãi mãi". 

Nhiều chuyên gia hoài nghi về việc liệu cách ly hàng nghìn bệnh nhân trong những trung tâm như vậy có thể chặn được sự lây lan của nCoV hay không. Tính đến 12/2, đã có hơn 40.000 ca nhiễm bệnh trên toàn Trung Quốc, phần lớn ở tỉnh Hồ Bắc. 

William Schaffner - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Nashville, Mỹ - nói rằng "thế này không khác gì mất bò mới lo làm chuồng". 

Một bệnh viện tạm thời được chuyển đổi từ trung tâm triển lãm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Khu trú ẩn khổng lồ ở Vũ Hán gợi nhớ đến những trung tâm cách ly Mỹ dựng lên để chống lại đại dịch cúm Tây Ban Nha, làm dấy lên nhiều lo ngại khác. Chính phủ Trung Quốc nói chỉ có những người dân bị bệnh mới được đưa đến trung tâm nhưng lại không giải thích rõ bệnh nhân được kiểm tra thế nào. Điều này dẫn đến khả năng có thể một số người chỉ bị cúm thường hoặc các bệnh khác cũng được chuyển đến. 

Bên trong bệnh viện tạm thời, những giường bệnh hẹp được kê sát nhau, hoặc có giường tầng. Các khu được chia ra bởi những bức tường tạm là môi trường lý tưởng cho loại virus hô hấp này. Có rất ít thông tin về phác đồ điều trị của các bệnh nhân đang nằm tại đây cùng với việc họ sẽ bị giữ trong bao lâu. 

Mô hình kỳ lạ 

Các biện pháp Vũ Hán đang thực hiện giống với những gì Mỹ đã làm để ngăn chặn dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 hơn một thế kỷ trước. Tuy nhiên, tỷ lệ so sánh không cân bằng khi dân số Vũ Hán là 11 triệu người. 

Một nhà kho đã được chuyển đổi thành nơi trú ẩn cho bệnh nhân trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Ảnh: Universal History Archive.

Ở thành phố New York, tháng 8/1918, sau khi có báo cáo một tàu Nauy sắp cập cảng có thủy thủ và hành khách nhiễm cúm, các nhân viên y tế đã đưa xe cứu thương đến đưa 11 bệnh nhân đến bệnh viện lập tức. Ủy viên hội đồng y tế TS. Royal S.Copeland cũng đưa ra lệnh phong tỏa cảng để kiểm dịch ngay. 

Khi bệnh dịch lây lan vào mùa thu năm đó, các thành phố trên cả nước đã cấm tụ tập nơi công cộng. Chính quyền thành phố Los Angeles đóng cửa trường học vào tháng 10, cấm tổ chức lễ tang, diễn kịch, chơi bi-a và quay các cảnh tụ tập đông người trong phim. Baltimore yêu cầu đóng cửa trường học và nhà thờ, nhưng không đóng cửa quán rượu với lý do công dụng của rượu được cho là có tính y tế. 

Nhiều thành phố để người ốm tự hồi phục ở nhà trong tình trạng cách ly. Ở New York, các gia đình được hướng dẫn giữ người ốm trong phòng riêng và hạn chế tiếp xúc. Bệnh nhân sống ở nơi chật hẹp được cách ly ở các bệnh viện trong thành phố. 

Ở Richmond, bang Virginia, có 10.000 ca nhiễm cúm vào đầu tháng 10/1918 sau nỗ lực phòng dịch ở một căn cứ quân sự gần đó thất bại. Các nhân viên thành phố đã chuyển một trường trung học không được đưa vào sử dụng thành một bệnh viện 500 giường và cho bệnh nhân di chuyển vào.

Dù các trung tâm này có y tá, tình hình vẫn không khả quan. TS Howard Markel - Giáo sư lịch sử y học tại Đại học Michigan cho biết - bệnh nhân được giữ ở bệnh viện trong điều kiện tồi tệ, không có đủ thực phẩm và nơi tắm rửa. Một bệnh nhân sống sót cho biết, họ bị nhân viên y tế đối xử tệ hại. Các bệnh nhân trở nên hoang tưởng và thường xảy ra đánh nhau.

Giường bệnh được kê sát nhau tại bệnh viện tạm thời ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters.

Các trung tâm cách ly dã chiến ở Vũ Hán không có đủ thiết bị sưởi ấm và hay bị mất điện, theo một số báo cáo ban đầu. Tình trạng không có đủ nhân viên và thường thiếu các dụng cụ y tế vẫn xảy ra. Giáo sư ngành dược tại Đại học Michigan, Howard Markel, cho biết: "Dịch bệnh này đưa chúng ta quay lại thế kỉ 19. Đây là một cách tiếp cận cũ đối với đại dịch, khi mà người khỏe mạnh được quan tâm hơn người ốm". 

Nguy cơ lây nhiễm 

TS Markel và nhiều chuyên gia khác nêu ý kiến rằng, các trung tâm cách ly ở Vũ Hán sẽ sớm trở thành ổ dịch nếu các bệnh nhân không được sàng lọc đúng cách từ đầu. Bệnh nhân vốn đã yếu, nay lại ở trong môi trường nhiều người bệnh như vậy rất dễ để virus và vi khuẩn lây lan. Không chỉ có virus corona mà cả các loại virus khác có thể sinh sôi trong khi có nhiều người tập trung trong một không gian nhỏ như thế. 

Nicole A.Errett, một nhà nghiên cứu ở Đại học Washington cho biết: "Bất cứ khi nào đưa mọi người vào một nơi trú ẩn, kể cả trong khi có bão, chúng ta cũng lo rằng họ sẽ mắc phải những bệnh truyền nhiễm". Họ sẽ an toàn và tránh khỏi bị nhiễm virus khi ở nhà hơn là việc sống trong những trung tâm này - ngay gần kề người bị bệnh. 

Tiến sĩ Erret nói rằng có những lợi ích vô hình từ việc tự cách ly ở nhà. Ví như, việc đưa người bệnh ra khỏi môi trường gần gũi ở nhà, được người thân chăm sóc để đến những trung tâm có thể khiến họ mất đi sự ủng hộ về mặt tinh thần trong thời điểm nguy cấp. Liệu bệnh nhân có nhận được đủ thuốc hay không vẫn là một dấu hỏi lớn vì những trung tâm cách ly này được lập nên khi các bệnh viện đã quá tải. Và người ta thường không rõ thời gian cách ly sẽ kéo dài bao lâu. 

Ảnh tư liệu về dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Ảnh: Universal History Archive.

 Trong đại dịch cúm 1918, chính quyền Richmond, Virginia đã gỡ bỏ lệnh cấm với nhà thờ và trường học vào tháng 11. Cho tới đầu tháng 12/1918, các bệnh viện đã thông thoáng hơn, bệnh cúm đã quay về mức bớt nghiêm trọng hơn. Markel cho biết, có khả năng việc cách ly ở Vũ Hán sẽ làm sự lây lan virus corona nghiêm trọng hơn: "Trong các điều kiện tốt nhất, việc tập trung các bệnh nhân nhiễm bệnh cách xa khỏi người khỏe mạnh có thể ngăn chặn được việc lây nhiễm. Nhưng để được như vậy, những bệnh nhân này cần được theo dõi sát sao. Đó là điều mà tôi lo ngại". 

Các nhà khoa học khác tin rằng sẽ tốt hơn nếu để người ốm ở nhà. Trong khi các thành viên khác trong gia đình phải được tập huấn về cách chăm sóc người bệnh và biết tự bảo vệ bản thân. Thay vì tạo nên khu cách ly khổng lồ, chính quyền có thể cung cấp thực phẩm và dụng cụ vệ sinh dành cho cả người bệnh và người chăm sóc, đồng thời thiết lập một đường dây nóng để tiếp nhận thông tin. 

Trung Quốc khuyến khích người dân nhảy múa khi cách ly
 
 
Bệnh nhân, nhân viên y tế ở Vũ Hán, Trung Quốc tập thể dục và nhảy ngày 10/2. Video: Reuters

Jennifer B.Nuzzo thuộc Trung tâm An ninh Y tế John Hopkins cho biết, các bệnh viện cần có những khu riêng biệt cho người ốm nặng, thay vì dồn hết nguồn lực cho những người nhẹ hơn và xem đó là điều quan trọng. "Cố gắng ngăn chặn virus lây lan vào thời điểm này là sai lầm. Tôi không nghĩ có bằng chứng rõ ràng rằng ta có thể chặn được virus hô hấp đang di chuyển nhanh và lặng lẽ thế này", bà nói.

Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây nên khởi phát ở Vũ Hán từ tháng 12/2019, sau đó lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và ít nhất 27 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hôm 11/2, WHO công bố đặt tên mới cho dịch này là Covid-19 - thay thế cho các tên gọi cũ nhằm cung cấp một tên gọi chính xác, thống nhất và không gây kỳ thị.

Covid-19 được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã trong chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, khó thở và ho. Bệnh diễn biến nặng có thể gây suy thận, viêm phổi dẫn đến tử vong. Tính đến ngày 12/2, số người chết tăng thêm 97 trường hợp, nâng tổng ca tử vong toàn cầu lên 1.115 và 45.153 ca nhiễm. 

>>Xem thêm:
* Cuộc sống ở Trung Quốc thay đổi thế nào bởi dịch nCoV
* Người ở Vũ Hán: Tìm cách sống và chờ dịch bệnh đi qua
* Hành khách lo lây nhiễm chéo nCoV trên du thuyền Nhật Bản'
* Bà ngoại lây cho cả nhà' - tình huống phổ biến giữa tâm dịch

Huyền Anh (Theo NyTimes