Thứ hai, 23/9/2019, 00:00 (GMT+7)

Người tạo ra những thế giới lung linh trong miếng thạch

Trần Thị Phương Nga (SN 1981) là người Việt Nam đầu tiên tạo nên các tác phẩm thạch 3D độc đáo, gây tiếng vang lớn trên đấu trường quốc tế.

Sau chuyến công tác dài ngày ở Trung Quốc, như thường lệ Phương Nga lại tổ chức các lớp dạy làm thạch 3D. Học viên của chị đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, đến từ nhiều quốc gia nhưng đều có chung một đam mê đối với làm thạch 3D.

Nhìn những tác phẩm tinh xảo của cô gái 8x, chẳng ai nghĩ chúng được tạo ra từ chiếc kim y tế G18 bẻ cong. Với Phương Nga, những khối thạch trong suốt như tờ giấy trắng, mũi kim tiêm như cây bút để tạo nên những tác phẩm thạch 3D "đẹp không nỡ ăn".

‘Đôi bàn tay vàng’ đưa thạch 3D Việt Nam vươn tầm thế giới
 
 
Video phỏng vấn Phương Nga. 

Nhiều người gọi chị là "Trùm cuối của thạch Việt Nam" hay "Nữ nghệ sĩ trong làng thạch 3D". Trước khi bén duyên với thạch, chị Nga từng là cán bộ tại Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao Công nghệ thú y - Viện thú y Quốc gia.

Tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội, sở hữu hai tấm bằng đại học, một bằng thạc sĩ và 12 năm biên chế nhà nước nhưng vì đam mê với thạch, chị Nga quyết định nghỉ việc. Lý do chị đưa ra là "đam mê thì rất khó bỏ".

Chị Trần Thị Phương Nga. 

Ngày chưa nghỉ việc, sáng chị Nga đi làm, tối về lo cơm nước, cho con học bài. Xong xuôi mọi việc, chị lại lấy kim y tế ra mò mẫm tập làm, nhiều hôm ngẩng đầu lên trời đã sáng.

"Ngồi làm thạch dễ đam mê lắm, xong mẫu này lại muốn làm mẫu khác đẹp hơn... Nhiều khi làm, tôi quên luôn mệt mỏi", chị Nga tâm sự.

Trong một lần đi khám tổng quát, chị Nga được chẩn đoán bị thoái hóa đốt sống cổ. Tháng 1/2018, chị quyết định dừng công việc nhà nước với mức thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng để theo đuổi đam mê làm thạch. Chị muốn chứng minh: "Nếu không ai tin, tôi sẽ làm cho mọi người tin".

"Nhiều người nói tôi dở hơi, cũng chẳng ít lời bàn tán sau lưng khi tôi quyết định nghỉ việc, nhưng vì ham mê quá nên tôi bỏ ngoài tai", chị nói.

Hiện ngoài việc làm bánh, chị Nga nhận đào tạo học viên làm thạch cả trong nước và quốc tế. Mỗi tháng thu nhập của chị gấp 3 - 4 lần so với lương cũ.

Khẳng định thương hiệu thạch 3D Việt Nam

Không được đào tạo bài bản về thạch 3D, toàn bộ kiến thức có được, chị Nga đều học qua mạng, hoặc tự nghiên cứu.

Với chị, thời gian đầu muốn tạo hình trong thạch, người làm buộc phải học cách nhấc thạch ra khỏi khuôn, sau đó sử dụng ống hút, que nhôm thậm chí là dao mổ để tạo cành, lá.

Dịp Trung thu năm 2016, trong một lần tỉa cà rốt chị Nga phát hiện, dù cà rốt rất cứng nhưng vẫn tạo ra những đường sắc nét. Chị bắt tay thử nghiệm dùng bộ tỉa kết hợp với kim y tế G18 bẻ cong để tạo hình ngay trong khuôn.

Thử nghiệm và thành công, chị Nga chia sẻ rộng rãi cách "khắc hoa vào trong thạch" đến mọi người. Cho đến nay, bộ tỉa hoa và kim y tế đã trở thành những dụng cụ quan trọng trong làm thạch 3D.

Theo chị Nga, thạch 3D gồm có 2 loại chính: vẽ hoa và vẽ tượng hình (thực hiện các bức tranh phong cảnh, con người vào trong thạch). Sau nhiều khóa đào tạo, chị bắt đầu đào tạo những học viên có tài năng, tham dự các cuộc thi thạch 3D ở đấu trường quốc tế.

"Bạn bè quốc tế hay nghĩ người Việt chỉ làm lại những mẫu có sẵn, không có tính sáng tạo, đột phá. Đó chính là lý do khiến tôi quyết định mang thạch Việt Nam ra đấu trường quốc tế", chị Phương Nga cho hay.

Từ những tác phẩm tự làm rồi đăng tải lên mạng xã hội, nhiều người liên hệ với Phương Nga để xin đăng ký học. Học trò của chị không chỉ có tại Việt Nam mà còn ở Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Mexico, Indonesia, Tây Ban Nha...

Trong cuộc thi thạch quốc tế - Cake Challenge Malaysia diễn ra vào 7/2019 vừa qua, đội tuyển Việt Nam do chị Phương Nga làm huấn luyện viên đã giành được 11 giải, gồm 2 giải Vàng, 1 giải Bạc, 2 giải Đồng và 5 giải Khuyến khích ở nhiều hạng mục. Đặc biệt, một học trò của chị đã đạt Cúp Vàng - giải thưởng cao nhất thuộc hạng mục thi đấu trực tiếp. 

Phương Nga cho rằng điều quan trọng nhất để làm thạch 3D chính là sự kiên trì, bền bỉ thay vì khéo tay. "Người làm thạch không được nóng vội. Lần này làm hỏng, lần sau làm lại, tuyệt đối không được chán nản, từ bỏ, bởi trăm hay không bằng tay quen", chị nói thêm.

Nhiều người cho rằng thạch 3D sau thời kỳ hoàng kim dần bị thoái trào. Tuy nhiên, đối với chị Nga, xảy ra sự thoái trào hay không còn phụ thuộc vào người làm bánh. "Nếu họ đủ sáng tạo, luôn vận dụng và tìm ra nhiều cách thức làm bánh mới, chắc chắn thạch 3D nghệ thuật của Việt Nam sẽ còn vươn mạnh, vươn xa để khẳng định tên tuổi", chị nói.

Thúy Quỳnh - Đình Tùng