Thứ năm, 13/6/2019, 00:02 (GMT+7)

'Làm bạn nhé, được không?' - bộ ảnh lên án bạo lực học đường

Bộ ảnh do 5 sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện, nói về thực trạng nhức nhối ở môi trường học đường hiện tại.

Không còn là lời nói nhục mạ, xô xát thông thường, những hành vi đánh đập bạn học ngay giữa sân trường, trong lớp hiện diễn ra có tổ chức. Số này còn sử dụng hung khí, dùng mạng xã hội để phát tán clip nhằm "dằn mặt đối phương". Qua nhiều sự việc liên tục được báo chí phản ánh gần đây cho thấy nạn bạo lực học đường đang trở thành vấn đề nhức nhối. 

Bộ ảnh "Làm bạn nhé, được không?" là bài tập hết môn Ngôn ngữ truyền thông của nhóm 5 sinh viên gồm Nguyễn Liên Thảo, Trần Thị Quỳnh, Nguyễn Anh Thu, Lê Hồng Vân, Nguyễn Trà My. Nhóm muốn đóng góp một phần nhỏ trong cuộc chiến chống lại vấn nạn bạo lực học đường. 

"Hãy biết yêu thương, giúp đỡ và đùm bọc nhau để cùng trải qua quãng thời gian tươi đẹp", là điều nhóm muốn gửi gắm.

Nói về lý do lựa chọn đề tài này, bạn Liên Thảo cho biết, ý tưởng thực hiện nảy ra rất tự nhiên. Ngoài những vụ việc ấu dâm, giết người được báo chí truyền thông đề cập thì bạo lực học đường dù nổi lên nhưng lại bị chìm. Nó chưa được nhiều người nhìn nhận sâu sắc và thấy được mức độ nguy hại, ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của nạn nhân. 

Tốt nghiệp cấp 3 chưa lâu, các sinh viên này hiểu được tâm lý lo lắng, sợ hãi thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát của các nạn nhân bị bạo hành học đường.

Trà My - thành viên trong nhóm từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Nữ sinh kể: "Ngày trước mình học ở một lớp rất tệ, có rất nhiều thành phần cá biệt. Mình làm lớp trưởng nên bị ghét càng nhiều hơn. Hồi đó mình rất sợ tan học vì thường bị 3 bạn nam chặn lại. Họ trêu ghẹo một cách 'bệnh hoạn' so với lứa tuổi, rồi đánh đập nữa. Ngày đó mình sợ lắm. Trên đường đi bộ về nhà hôm nào mình cũng khóc, không dám nói với bố mẹ vì bị dọa sẽ đánh đau hơn".

Dù chuyện đã qua lâu nhưng những ký ức đó vẫn khiến My rùng mình mỗi lần nhớ lại. Nữ sinh mong rằng không xuất hiện bạo lực học đường nữa. Không còn những đứa nhỏ phải im lặng trong sợ hãi và ám ảnh mãi về sau. 

Từ câu chuyện của Trà My, các thành viên trong nhóm hiểu được bạo lực học đường gần như đã trở thành vấn nạn. "Bạo lực ở đâu cũng có. Cách mà chúng ta lên tiếng, bảo vệ các bạn học sinh và đẩy lùi tệ nạn mới là điều quan trọng nhất", thành viên Liên Thảo nói.

Không chỉ là người cùng lên ý tưởng, Liên Thảo nhận làm mẫu chính cho bộ ảnh. Khó khăn khi thực hiện "Làm bạn nhé được không?" với Thảo là cảm xúc và nhập vai. Nữ sinh chưa từng bị đánh đập hay dọa nạt khi đi học nên phải nghe bạn mình kể chuyện, đọc nhiều thông tin trên báo chí...

Xuyên suốt bộ ảnh, Liên Thảo lột tả cảm xúc đau đớn, bất lực và vô cảm phó mặc cho số phận. Từ lúc lên kế hoạch và hoàn thành, nhóm chỉ mất 3 ngày.

Nhóm sinh viên đã lên mạng tra cứu về các vụ bạo lực học đường. Sau đó lựa chọn theo chủ đề về các cách thức bạo lực thường xảy ra: đánh đập, xúc phạm bằng lời nói, livestream phát tán clip...

Bộ ảnh được thực hiện bởi những sinh viên không chuyên. 5 nữ sinh đều theo học các chuyên ngành về lý luận (triết, quản lý văn hóa tư tưởng, quảng cáo) thay vì các lớp đào tạo về ảnh báo chí chuyên sâu. 

Nhóm 5 sinh viên trường Báo thực hiện bộ ảnh lên án bạo lực học đường.

Theo thống kê của ngành Công an, chỉ tính riêng trong 2018 trên cả nước đã xảy ra hơn 2.000 vụ bạo lực học đường. Con số này tăng gấp 13 lần so với 10 năm trước.

Phó cục trưởng Cảnh sát hình sự Phạm Mạnh Thường thông tin, thống kê của ngành công an chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT. 

Tìm kiếm trên Google với cụm từ "bạo lực học đường", chỉ trong 0,46 giây có tới 20,7 triệu kết quả.

Vũ Quỳnh