Chủ nhật, 12/4/2020, 08:33 (GMT+7)

Hàn Quốc đang dạy và học online như thế nào?

Giáo viên loay hoay với công nghệ mới, hàng trăm nghìn học sinh nghèo không có thiết bị thông minh... nhưng Hàn Quốc cho thấy, họ sẵn sàng khắc phục mọi thứ để học từ xa, miễn là chặn được Covid-19.

Cô Ha, trưởng khoa tiếng Anh của Học viện Ngoại ngữ Hankuk, thừa nhận cô đã rất lo lắng trước khi bắt đầu dạy trực tuyến vì trước đây cô chưa bao giờ sử dụng công nghệ này. Cô chia sẻ rằng: "Chắc chắn học online sẽ không giống như lớp học bình thường, nhưng trong tình hình như bây giờ thì đây là lựa chọn tốt nhất."

Đối với giáo viên, công nghệ này còn khá mới lạ và bỡ ngỡ vì họ phải bắt đầu soạn lại giáo án đã lên từ trước.

Một giáo viên tại một trường học ở Hàn Quốc trao đổi với học sinh qua máy tính xách tay.

Hàn Quốc là một trong những hệ thống giáo dục khắc nghiệt nhất trên thế giới. Học sinh thường học đến tận khuya tại các lò luyện thi, đặc biệt là những học sinh cuối cấp chuẩn bị vượt vũ môn. Bài thi SAT (tương đương bài thi TPHT Quốc gia của Việt Nam) là một cuộc chạy marathon kéo dài tám giờ đồng hồ đầy cam go, thường được ví như là thời điểm quan trọng nhất quyết định tương lai của một sĩ tử ở đất nước này.

Mới đây, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã dời ngày thi đến tháng 12, nhưng cô học sinh cuối cấp Choi Yoon-jung vẫn cảm thấy áp lực: "Lúc mới nghe tin học kỳ 2 bị hoãn lại một tuần, em cực kỳ vui vì tin đó làm dịu bớt căng thẳng năm cuối của em. Nhưng khi ngày đi học lại cứ bị đẩy lùi rất nhiều lần, em lại lo vì không biết kỳ thi giữa kỳ và cuối kỳ sẽ như thế nào. Hai bài kiểm tra đó là bước cuối cùng để chuẩn bị cho kỳ thi đại học nên chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng em không thể làm những bài kiểm tra này?".

Nhiều trường cũng đang thảo luận về việc thay thế kỳ thi giữa kỳ bằng một bản đánh giá quá trình. Điều này khiến nhiều học sinh Hàn Quốc lo lắng vì nếu bản đánh giá không khách quan thì có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả cuối cấp.

Trong lúc đó, suốt hai tuần vừa qua, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hàn Quốc liên tục kêu gọi người dân tuân thủ các hướng dẫn giãn cách xã hội. Thông điệp họ nhấn mạnh là phải nghĩ đến trẻ em và nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ người nhiễm Covid-19 vẫn "rón rén" đi khắp nơi. Gần đây, một đợt bùng phát mới lại xuất hiện ở một quán rượu Seoul, trong đó có nhiều trường hợp dương tính đã được xác nhận tại các bệnh viện gần thành phố Daegu (nơi nóng nhất của đại dịch tại Hàn), và những người trở về từ Mỹ và châu Âu, tất cả họ đều đã vô ý thức làm tăng thêm tổng số ca bệnh Covid-19 tại quốc gia này.

Học kỳ mới tại Hàn đã bị hoãn lại năm tuần và không thể trì hoãn thêm được nữa. Và dạy trực tuyến chính là phương án duy nhất. Bởi vì dù đã kiểm soát được sự bùng phát của virus, Hàn Quốc vẫn chưa thể mở cửa lại trường học vì vẫn còn rất nhiều rủi ro.

Trường học vẫn vắng bóng học sinh vì lo ngại sự lây lan của virus.

Thủ tướng Chung Sye-kyun đã phát biểu rằng "học trực tuyến là con đường mà chúng ta chưa bao giờ đi qua, thực tế là chúng ta chỉ đang xây dựng con đường đó". Cũng theo ông, tiếp tục đóng cửa trường học là cách tạm thời ứng phó với đại dịch. Chọn dạy và học trực tuyến là kế hoạch tốt nhất hiện tại. Chính phủ Hàn Quốc sẽ cố gắng đảm bảo việc học tập từ xa diễn ra tốt đẹp nhưng cuối cùng vẫn sẽ là tập trung hết sức ổn định đại dịch Covid-19 để con em có thể đến trường.

Thực tế, thậm chí ở một đất nước nhạy bén với công nghệ như Hàn Quốc thì việc đăng ký cho toàn bộ học sinh vào trường ảo vẫn là một thách thức. May mắn thay, chính phủ nước này đã giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp bằng cách trợ cấp internet, nhưng vẫn còn vấn đề là liệu học sinh có đủ các thiết bị thông minh để kết nối với giáo viên hay không.

Sau lần điểm danh của buổi học đầu tiên, 223.000 học sinh không thể có mặt vì không có công nghệ cần thiết để tham gia lớp học trực tuyến. Bộ Giáo dục nước này nhanh chóng nghĩ ra cách cho mượn thiết bị kết nối. Một số tổ chức từ thiện đã quyên góp máy tính bảng, thiết bị internet di động và còn hướng dẫn cách dùng cho những học sinh chưa rành công nghệ. Ở Seoul, tổ chức từ thiện Good Neighbors đứng ra hỗ trợ hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí họ còn phát đồ ăn để giúp học sinh tập trung.

Tổ chức từ thiện Good Neighbors chuẩn bị thức ăn cho các học sinh đến từ các gia đình có thu nhập thấp.

Với nhiều gia đình không có điều kiện, bố mẹ đơn thân hoặc ông bà nuôi cháu, điều đáng lo ngại nhất là phải để con cái ở nhà khi người lớn đi làm. Chính vì thế mà các tổ chức từ thiên cũng cố gắng giúp đỡ những gia đình này bằng cách gọi điện thoại để kiểm tra các học sinh hoặc kiểm tra bằng cách gửi những hộp thức ăn và còn hỏi xem học sinh có cần giúp đỡ gì không.

Đối với nhiều người bây giờ, nhà là lớp học và bếp là canteen. Dần dần, các bậc phụ huynh bớt lo lắng hơn về việc tiếp cận các thiết bị thông minh và quan tâm nhiều hơn đến khả năng học tập của con cái khi không có sự giám sát của giáo viên.

Có cả những mối lo lắng về thời gian dài ngồi trước máy tính. Học sinh Yu Su-ha tâm sự: "Em thực sự rất đau mắt. Ngữ văn, tiếng Anh, Toán, tất cả đều học qua màn hình và phải tương tác với giáo viên, mọi lúc. Cả môn thể dục nữa!". Nhưng Yu Su-ha vẫn lạc quan rằng cứ tập trung, đừng lo lắng và học theo nhịp độ của bản thân là được.

Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận rằng học online vẫn đang là thử nghiệm và một lần nữa kêu gọi người dân duy trì các hướng dẫn giãn cách xã hội cho đến 19/4. Nếu số trường hợp nhiễm mới duy trì dưới 50 người mỗi ngày thì họ có thể sẽ thử cho mở một vài trường học, hoặc ít nhất là một vài lớp.

Dù gì thì cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Khẩu trang giờ đã là một phần của cuộc sống hàng ngày, chai nước rửa tay thì có ở mọi ngóc ngách, thậm chí còn được đính vào cột đèn. Điện thoại thì dồn dập các tin nhắn cảnh báo mọi người phải cảnh giác và không được chủ quan. Chuông trường vẫn vang qua các hành lang vắng. Còn học sinh Hàn Quốc bây giờ cũng đã dần quen với lớp học online.

Thủy Tiên (theo BBC)