Thứ bảy, 11/4/2020, 19:00 (GMT+7)

Đã đến lúc người Mỹ học cách dùng vòi xịt

Người Mỹ kỳ thị việc rửa 'chỗ kín' bằng tay, phần lớn các WC tại Mỹ đều không có vòi xịt; vì vậy, họ khốn khổ hơn người dân nhiều nước khác trong lúc khan hiếm giấy vệ sinh vì Covid-19.

Trong những tuần gần đây, lệnh cách ly xã hội đã thắt chặt sinh hoạt của người dân trên toàn thế giới. Những lệnh cấm tụ tập đông người, đóng cửa toàn bộ nhà hàng và hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà đã dẫn đến tình trạng tích trữ nhu yếu phẩm. Không chỉ tích trữ đồ ăn thức uống, người Mỹ còn tranh thủ mua thật nhiều giấy vệ sinh khiến nguồn cung cạn kiệt tại các siêu thị.

Những thứ người ta mua trong thời kì khủng hoảng nói lên rất nhiều về chính họ. Trong một video trên mạng xã hội từ 2 tháng trước, một người đàn ông Italy bước ra khỏi cửa hàng tạp hóa và thốt lên "Các kệ mì ống trống trơn!". Thứ bay khỏi kệ đầu tiên trong cơn mua sắm hoảng loạn ở Italy là mì ống, thật dễ hiểu vì người Italy thích mì ống đến mức nó trở thành món ăn biểu tượng của văn hóa đất nước và họ yêu thức ăn như chính sự sống của mình.

Khi nCoV tấn công Iran, các gia đình trung lưu đã mua hàng loạt trái cây thối với giá rẻ bèo từ nông dân. Là quốc gia Trung Đông bị Covid-19 tấn công nặng nhất, lại đồng thời chịu sự căng thẳng từ lệnh trừng phạt của Mỹ, nền kinh tế của Iran bị tê liệt, đời sống người dân khốn đốn.

nCoV có thể thay đổi hoàn toàn các thói quen sinh hoạt bảo thủ của chúng ta. Người Italy vẫn phải dùng bữa hàng ngày dù không mua được mì ống, giống như người Iran thu mua trái cây hỏng vì nó có thể là thứ quý giá cuối cùng họ có thể sở hữu.

Mẹ tôi là người Iran, bà coi việc rửa ráy sạch sẽ sau mỗi lần đi đại tiện là một nghi thức. Trong buồng vệ sinh của gia đình Hồi giáo luôn có một thùng nước đặt kế cửa, khi trưởng thành và dọn ra ở riêng, tôi vẫn duy trì truyền thống này. Ở Mỹ đó là một điều kì quặc, người Mỹ kì thị việc rửa chỗ kín bằng tay, phần lớn các WC tại Mỹ đều không có vòi xịt. Vì vậy, giấy vệ sinh vẫn là vật phẩm duy nhất được sử dụng.

Đó là lý do mà mỗi lần bạn bè tôi đến nhà, họ lại không khỏi ngạc nhiên và liên tục đặt câu hỏi về sự xuất hiện của thùng nước trong buồng vệ sinh. Ban đầu nó khiến tôi cảm thấy xấu hổ nhưng sau đó tôi thường nói với họ rằng: "Nước có thể làm sạch mọi thứ, tại sao lại phải đặt ra ngoại lệ?". Bạn bè tôi sẽ co rúm người lại và tỏ ra ghê sợ khi nghĩ đến việc dùng tay tiếp xúc với chất thải cơ thể.

Nhưng trước tình trạng cháy hàng giấy vệ sinh như hiện tại, liệu người Mỹ có chịu thay đổi thói quen sinh hoạt?

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với câu hỏi được đặt ra "Sạch sẽ có nghĩa là gì?", Giáo sư lịch sử Martin Melosi của Đại học Houston, tác giả cuốn "The Sanitary City: Urban Infrastructure in America From Colonial Times to the Present" (Vệ sinh thành phố: Cơ sở hạ tầng đô thị Mỹ từ thời thuộc địa cho đến nay) đã trả lời từ vấn đề vệ sinh.

"Vào thế kỉ 19, trước khi hiểu về vi khuẩn học, con người thường tin rằng bệnh lây lan qua mùi. Các hệ thống vệ sinh hiện đại được xây dựng xung quanh giả định này, loại bỏ sự tiếp xúc của con người khỏi những thứ có thể gây bệnh. Do phân chia giai tầng trong xã hội, mà đến cuối thế kỉ 19, chỉ những người giàu có nhất mới có thể mua được bồn cầu trong nhà. Ngày nay, hầu hết các hộ gia đình Mỹ đều có bồn cầu hiện đại. Thậm chí trong những năm gần đây, có cả các gia đình đã lắp đặt toilet thông minh, trước đây từng bị coi là phát minh hợm hĩnh của người Pháp. Nhưng đương nhiên, sản phẩm này mới chỉ là lựa chọn của tầng lớp trung lưu và thượng lưu" - Giáo sư phân tích.

Các mô tả về bidet (bồn rửavệ sinh có vòi xịt) thường phổ biến gắn với điều kiện sang trọng như một sản phẩm cao cấp. Trong một tập của series truyền hình "Keeping Up With the Kardashians" năm 2016, Kris và Kylie Jenner đến thăm phòng trưng bày Toto ở West Hollywood, thương hiệu Nhật Bản cung cấp các thiết bị vệ sinh phòng tắm, nếu để ý, khán giả có thể thấy bidet hiện đại được giới thiệu như thế nào.

Trên thực tế, thời gian vừa qua một số công ty cung ứng thiết bị vệ sinh đã báo cáo đột biến về mặt doanh số, cho thấy đã có những lựa chọn thay thế trên thị trường, nhưng phần lớn người Mỹ vẫn kiên định sử dụng khăn giấy với giá cả phải chăng.

Khăn ướt dùng 1 lần là sản phẩm điển hình không dành cho nhà vệ sinh. Hôm trước, tôi thức dậy với tiếng nước thải sủi bọt trong bồn cầu của căn hộ, bởi đường ống nước đường kính 15cm đã bị tắc vì ai đó xả khăn vải ướt xuống bồn cầu của họ. Theo một loạt báo cáo trên cả nước, cơn cuồng giấy vệ sinh trong những tuần cách ly xã hội đã dẫn đến việc mọi người thi nhau xả giấy xuống bồn cầu, không chỉ khăn giấy mà còn cả khăn ướt tiện dụng, gây ra tắc nghẽn ở nhiều khu dân sinh.

Khi nhà máy xử lý nước thải ở Charleston gặp sự cố, thành phố phải thuê thợ lặn lặn sâu xuống 13 tầng nước thải và gom được một lồng lặn đầy khăn giấy gây tắc nghẽn trước khi xử lý được vật cản. Michael Saia, quản trị thông tin tại nhà máy nước Charleston cho biết: "Thợ lặn không thể nhìn thấy gì, nước thải đen và đặc quánh đến nỗi đèn cũng trở nên vô tác dụng. Họ phải cảm nhận xung quanh bằng tay và cố gắng xác định vị trí vật cản. Mặc dù gần đây hệ thống nước trong thành phố gia tăng tắc nghẽn, các nhân viên vẫn luôn theo dõi và kiểm soát tình hình chặt chẽ. Nếu hệ thống của chúng tôi hoàn toàn bị áp đảo và tất cả nỗ lực của chúng tôi đều thất bại, chúng tôi sẽ mở dự phòng cống thoát nước từ các hố ga trên đường tàu."

"Có thể xảy ra thảm họa môi trường cục bộ ngay tại thời điểm mọi người tập trung vào việc ngăn chặn virus. Nhà vệ sinh cũng là một trong những nơi lây lan virus khủng khiếp, trong nhiều trường hợp nhiễm corona, các triệu chứng hô hấp luôn đi kèm với tiêu hóa, virus có thể lây truyền qua chất thải hậu môn", Dr. Jeffrey Aronoff - bác sĩ phẫu thuật đại tràng từ bệnh viện Midtown Manhattan - cho biết thêm. Tiến sĩ Dr. Aronoff đồng thời cũng khẳng định lần nữa rằng rửa tay là biện pháp phòng ngừa tốt nhất.

Theo Dan Clarahan, chủ tịch công ty cung cấp thiết bị sản xuất giấy vệ sinh United Converting, nhu cầu sử dụng giấy vệ sinh tại Mỹ cao hơn bất kì quốc gia nào khác trên thế giới.

Đối với những người đang thực sự tìm một thứ thay thế giấy vệ sinh thì dùng nước là hiệu quả và an toàn trên hết.

Trúc An (Theo Sasha von OldershausenNew York times)