Thứ bảy, 13/6/2020, 11:00 (GMT+7)

Cuộc sống mới của người phụ nữ bị chồng tưới xăng đốt 

Hà NộiBốn năm sau lần bị chồng đổ xăng thiêu sống, vết thương đã thành sẹo nhưng nhiều đêm Dung vẫn bất giác giật mình khi nhớ lại quãng thời gian đau đớn.

Dưới cái nắng hơn 40 độ buổi trưa, Dung bịt khăn kín mít, dắt chiếc wave vào trong nhà, phía sau xe buộc một thùng đồ lớn.

Thấy người lạ, chị định cởi khẩu trang nhưng chững lại vài giây: "Mong các bạn không thấy sợ". Nói rồi, chị cởi áo khoác ngoài lộ hai cánh tay là những vết sẹo bỏng dài. Phần da ở bàn tay, ngón tay thâm đen, co rút, không thể duỗi thẳng. Cởi bỏ khẩu trang, ngoại trừ đôi mắt, toàn bộ gương mặt chị đều là sẹo, làn da bị bỏng nhăn nheo. Ngoài sẹo bỏng khắp người, chị không còn tai và mũi.

Phần da mặt bị nhăn nheo, co rút do bỏng của Dung dù đã trải qua nhiều lần phẫu thuật.

Nguyễn Thùy Dung, 26 tuổi, trú tại xóm Mã Lại, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội, là người bị chồng tưới xăng, châm lửa đốt vào mùng 2 Tết Bính Thân năm 2016. Ngồi trong căn nhà rộng chừng 45m2, Dung kể về quãng thời gian trở về từ cõi chết.

Vừa ngồi nói chuyện, chị vừa nhắn tin để lên đơn cho khách. Sau tai nạn, chị nghỉ làm ở công ty, ở nhà bán hàng onlin e. Thời gian đầu, chỉ tính bán hàng cho khuây khỏa, nhưng bán nhiều thành quen, trở thành công việc kiếm sống được.

Cứ hai ngày một lần, chị lại gom đơn khách đặt, rồi chạy xe máy hơn 20km từ Thạch Thất ra Hà Đông để lấy hàng về bán. Có lần chở nhiều hàng, đang đi đường thì đứt dây, Dung dựng xe, loay hoay buộc lại bằng đôi bàn tay yếu ớt, khó cử động của mình.

Hàng ngày Dung vẫn đi lấy hàng hoặc ship hàng cho khách. Do tay lái yếu, chị thường chạy xe chậm để đảm bảo an toàn.

Đã trải qua 16 lần phẫu thuật lớn nhỏ, nhưng bàn tay của Dung không thể duỗi thẳng hay cử động linh hoạt như trước. Để có thể lái xe máy hay "mổ cò" trên bàn phím điện thoại, chị đã phải tập luyện rất nhiều.

Ngồi cạnh con, bà Phí Thị Duyên, 61 tuổi, mẹ Dung kể: "Dung tay yếu, lái xe lâu dễ mỏi. Ngã xe không biết bao nhiêu lần, xây xát khắp người nhưng cũng không chịu bỏ. Ngày nào thấy con ra ngoài là lo, chỉ sợ gặp chuyện bất trắc".

Sáng ở nhà, Dung đăng các sản phẩm lên mạng và chốt đơn. Đến chiều mát chị đi giao hàng với những đơn gần để kiếm thêm thu nhập, còn xa chị gửi các dịch vụ chuyển phát. Nhưng dù sáng hay tối, hễ ra đường chị lại bịt kín vì sợ mọi người "hoảng".

Thỉnh thoảng Dung lại ngồi xem lại ảnh cũ, ngày chị chưa bị hại.

Mỗi tháng chị kiếm được 6 – 7 triệu đồng từ việc bán hàng để trang trải cuộc sống và đóng tiền học cho hai con.

Nhìn lại 4 năm trước, ngày còn nằm thoi thóp trên giường bệnh, ngày các con không nhận ra mẹ, Dung cảm thấy hiện tại đã là may mắn.

Ngồi trò chuyện, thỉnh thoảng Dung bất giác chà tay gãi các vết sẹo bỏng. Chị kể lần gần nhất phẫu thuật chỉnh cằm vào giữa năm 2018, tốn 150 triệu đồng, chị được tài trợ toàn bộ. Ca phẫu thuật gần 12 tiếng đồng hồ giúp phần da xung quanh miệng hết co rút, sần sùi. Chiếc mũi đã được phẫu thuật lần thứ ba vẫn bị kéo lệch sang một bên và mở hé một lỗ. Riêng phần tai bị cháy rụi, buộc phải cắt bỏ. Sau nhiều lần phẫu thuật chị có thể nghe được nhưng không rõ. Mỗi lần đeo khẩu trang, Dung phải sử dụng nút tai để giữ chắc dây đeo.

Phần tai gần như bị thiêu cháy toàn bộ, sau khi phẫu thuật đã nghe được và có thể sử dụng nút tai để đeo khẩu trang.

Vừa ngồi, Dung vừa chỉ vào phần da trắng chân: "Chỗ da bụng, da chân còn lành lặn đều phải lấy da để ghép vào chỗ bỏng. Giờ đỡ rồi, chứ trước nhìn rõ vết cắt da lắm".

Sự tiến triển đáng mừng nhất nằm ở đôi tay, sau 2 - 3 lần phẫu thuật, tập luyện giờ đây đã bớt co quắp, có thể gập được ngón cái và ngón trỏ để cầm, nắm các vật nhẹ. Không được linh hoạt như trước nhưng chị vẫn có thể nhặt rau, bật bếp ga, nấu cơm, cầm đũa... thay vì phụ thuộc vào mẹ.

Ngoài những lúc phải đi lấy và giao hàng, chị Dung vẫn thường phụ mẹ làm việc gia đình.

"Con nhận ra mẹ bằng giọng nói đấy!"

Đang ngồi trò chuyện, cô bé Thu Uyên, 7 tuổi chạy vào lòng mẹ nói điều gì đó, rồi nhẹ nhàng đưa hai tay vuốt má và thơm mẹ.

Thời điểm Dung bị bỏng, khuôn mặt biến dạng, Thu Uyên mới 3 tuổi, còn cô em gái Ngọc Anh mới được 19 tháng. Lần đầu vào thăm mẹ bị bỏng ở viện, Uyên chỉ dám đứng từ xa nhìn lại, còn em gái hễ nhìn thấy mẹ là khóc thét, không dám lại gần.

"Lúc mẹ nằm trong viện con không nhận ra mẹ. Nhưng nghe giọng nói là con nhận ra mẹ ngay, lúc ấy nhìn mẹ bị bệnh con buồn lắm. Con muốn khóc, nhưng con sợ mẹ khóc theo, nên phải chạy xuống 2- 3 tầng dưới phòng bệnh mới dám khóc", cô bé 7 tuổi nhớ lại.

Còn cô em gái, phải mất hơn một năm kiên trì ngồi nói chuyện, cho xem ảnh mẹ và "dụ con bằng đồ chơi", Ngọc Anh mới bắt đầu cho mẹ bế. Hơn một năm trở lại đây, cô bé thích ngủ cùng mẹ, bắt đầu ôm hôn và nói yêu mẹ.

Hai cô con gái Ngọc Anh (áo hồng) và Thu Uyên (áo trắng).

So với 4 năm trước, hai con của Dung giờ quấn mẹ không rời. Thậm chí đến khi ngủ, mỗi đứa nằm một bên, nhưng không cho mẹ nằm nghiêng vì sợ "thiên vị".

Thỉnh thoảng, Dung vẫn đưa hai con xuống chơi với ông bà nội cách nhà chừng 15 km. Với chị ai làm người đó chịu, nhất là khi trong thời gian còn chung sống với chồng cũ hay đi điều trị tại viện, ông bà nội vẫn luôn chăm nom hai đứa trẻ. Nhưng sau khi chồng cũ mãn hạn 18 năm tù, Dung nói có lẽ sẽ không xuống nhà nội nữa, bởi chị vẫn sợ khi phải gặp lại kẻ đã gây tổn thương cho mình.

Sợ hai con thiếu thốn tình cảm gia đình, chị dành mọi tình yêu thương cho các con. Ngoài việc đưa đón đi học, thỉnh thoảng chị vẫn mặc đồ kín mít, cố chịu nóng, chịu ngứa ngáy chỗ sẹo bỏng để đưa các con đến khu vui chơi.

"Tôi mong con gái có cuộc đời mới"

Năm 18 tuổi Dung lấy chồng, một năm sau thì sinh con gái đầu lòng. Thấy tính cách hai vợ chồng không hợp sau khoảng thời gian chung sống, chị dọn về nhà mẹ đẻ. Một thời gian sau thì xảy ra chuyện.

Tận mắt chứng kiến cảnh con gái bị chồng cũ hất xăng đốt, như một ngọn đuốc sống, dù 4 năm trôi qua, bà Duyên vẫn nghĩ mọi chuyện như mới xảy ra hôm qua.

"Lúc con bé bị đốt, một tay tôi vẫn bế Ngọc Anh, tay còn lại ra sức lấy áo dập lửa, rồi vơ tấm khăn phủ phân ở gần đó hất lên người con để dập lửa", bà Duyên kể.

Nhìn con nằm bất động trên giường bệnh, băng bó kín mít và cắm đủ loại máy móc lên người, bà nghĩ thế là hết. "Nhưng chắc trời phật phù hộ, do Dung còn trẻ nên mới vực dậy được, chứ không hai đứa trẻ lại mồ côi mẹ", bà Duyên nói.

Ở tuổi 61, sức khỏe bà Duyên ngày càng yếu, trong người lại đủ thứ bệnh, đặc biệt là căn bệnh thoái hóa đốt sống khiến bà không thể đi làm thêm.

Năm nay gia đình bà mới được xét vào hộ cận nghèo, cộng với việc Dung thương tật, nhà bà được trợ cấp 1 triệu đồng mỗi tháng, cũng đủ tiền ăn, nhưng cuộc sống vẫn trông cậy vào công việc bán hàng của Dung.

Bác sĩ từng khuyên bà nên đi phẫu thuật để đỡ đau lưng, nhưng giờ cháu còn bé, con gái lại bệnh, bà sợ lúc mổ mà bị liệt lại thành gánh nặng cho con.

Bữa cơm trưa của mẹ con chị Dung và mẹ. Do bà Duyên bị đau chân và thoái hóa đốt sống nên phải ngồi ghế cao. 

Giờ đây, điều bà Duyên mong mỏi là con gái được đi kéo căng vùng da bị co, nhăn nheo hai bên má để con có thể tự tin hơn khi đi ra đường. "Tiền vẫn phải vay mượn thêm, nhưng bằng mọi giá tôi muốn con được đi phẫu thuật. Chẳng cần đòi hỏi cao sang, chỉ cần con tôi tự tin khi ra đường là được".

Với bà Duyên, năm nay con gái bà mới 26 tuổi, vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước, bà mong con có thể làm lại cuộc đời.

Thời gian tới, Dung cũng muốn dành tiền để đi phẫu thuật, nhưng phải bỏ ra 60 - 70 triệu đồng để phẫu thuật 2 bên má bằng phương pháp đặt túi cao su, kéo da cho đỡ chùng, chị vẫn lăn tăn vì số tiền quá lớn.

Dung nghĩ, thay vì dành tiền cho bản thân, để tiền đó đầu tư cho con cái, hoặc tích góp mở một tiệm tạp hoá nhỏ gần nhà có khi lợi hơn, dù phải đeo khẩu trang cả ngày.

Thúy Quỳnh - Huyền Vũ