Thứ tư, 22/4/2020, 00:00 (GMT+7)

Vì sao Hong Kong, Hàn Quốc khống chế dịch thành công

Hong Kong và Hàn Quốc thuộc nhóm dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại Covid-19 dù không áp lệnh phong tỏa.

3 tháng sau khi có ca nhiễm nCoV đầu tiên, Hong Kong và Hàn Quốc đã chứng minh cho các nước khác rằng vẫn có ánh sáng ở cuối con đường.

Hong Kong tuyên bố không có ca nhiễm mới vào ngày 20/4, lần đầu trong 2 tháng; trong khi Hàn Quốc tuyên bố trước đó một ngày rằng nước này đạt số ca nhiễm thấp nhất trong hai tháng với 8 ca mới. 

Seoul cho biết mặc dù chiến dịch cách biệt cộng đồng vẫn được thực hiện đến ngày 5/5, thành phố sẽ bắt đầu nới lỏng hạn chế đối với các trung tâm thể thao và các hoạt động tụ tập đông người, bao gồm lễ nhà thờ. Trong khi đó, một nghiên cứu bởi Đại học Hong Kong cho thấy những lệnh hạn chế của thành phố đủ để làm chậm sự lây lan của virus mà không cần phong tỏa. Các chuyên gia cho rằng lệnh hạn chế trên cũng sẽ sớm được gỡ bỏ. Tính đến 21/4, Hong Kong có 1.023 ca nhiễm và 4 ca tử vong. Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm là 10.647 ca và 236 ca tử vong, tính đến 20/4.

Người dân đổ đến công viên sông Hàn ở Seoul khi dần nới lệnh hạn chế, mở cửa kinh tế trở lại. Ảnh: Bloomberg. 

Ở Pháp, nơi khẩu hiệu quốc gia là "Tự do", công dân cần phải có giấy phép mới được ra khỏi nhà. Còn tại Hong Kong và Hàn Quốc, mọi người được tự do đi dạo trên phố và ăn nhà hàng, mặc dù có một số hạn chế về chỗ ngồi.

Nhận thấy điều này, một số nhà phê bình phương Tây than thở về cách phản ứng của chính phủ nước mình. Họ lấy Hong Kong và Hàn Quốc ra làm ví dụ về cách xử lý nhanh nhẹn cùng chế độ xét nghiệm khoa học, đã giảm nhu cầu sử dụng các biện pháp khắc nghiệt hơn. Kim Kihyun - Giám đốc Bộ phận quản lý an toàn của chính quyền Seoul - cho biết: "Không giống các nước khác, chính phủ can thiệp nhanh trong việc theo dõi và cách ly người nhiễm bệnh. Một trung tâm thông tin rõ ràng đã giúp chúng tôi khống chế được virus mà không phải đóng cửa nền kinh tế".

Nhưng ngoài hành động nhanh nhạy của chính phủ, việc xét nghiệm được tổ chức tốt... những người quan sát còn cho rằng một yếu tố nữa đóng vai trò quan trọng trong thành công của Hong Kong và Hàn Quốc là nhận thức của người dân.

Chae Sumi - Viện trưởng Viện Sức khỏe và Quan hệ xã hội Hàn Quốc - cho biết: "Ngay cả khi số ca nhiễm giảm vì các nỗ lực của chính phủ, bạn không thể bỏ qua vai trò của người dân trong chiến thắng lần này".

Chae đưa ra ví dụ người dân Trung Quốc và Hàn Quốc tự hành động khi đã đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp đề phòng khác trước khi có hướng dẫn của chính phủ. Trong khi người dân ở các nước phương Tây bị virus tấn công mạnh mẽ như Italy hay Mỹ phải đợi đến khi chính phủ yêu cầu mới làm theo. 

"Tôi nghĩ các quốc gia phương Tây cho rằng virus chỉ có ở phía bên kia trái đất nên đã tự tin thái quá. Những nước như Mỹ không thực hiện giãn cách xã hội cho tới khi tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức cả xã hội phải chú ý", Chae viết.

Người Hong Kong vẫn đi ăn nhà hàng, đeo khẩu trang và thực hiện cách biệt cộng đồng. Ảnh: SCMP

Việc người phương Tây không hành động cũng làm tình hình tệ hơn vì xu hướng nói giảm tầm nghiêm trọng của virus. Ở Italy, chiến dịch "Milan không dừng lại" khuyến khích các quán bar mở cửa; trong khi ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump liên tục nói rằng đất nước của ông không được xây dựng nên để bị đóng cửa.

Đặc biệt trong giai đoạn đầu của đại dịch, ngay cả những thành phố ở Mỹ có thực hiện các biện pháp cách ly, lệnh hạn chế có vẻ không đồng bộ. Các bảo tàng vẫn mở cửa và xã hội vẫn tiếp tục cuộc sống như bình thường. Kim Jinsol, một du học sinh Hàn Quốc ở Italy cho biết: "Ngay cả khi có lệnh cách ly từ chính phủ, mọi người vẫn mở tiệc ở nhà khách nơi tôi đang ở". Và khi chính phủ Italy cuối cùng cũng khuyên mọi người rằng các buổi gặp gỡ truyền thống có ôm hay hôn nên bị bỏ, nhiều người dân Italy từ chối thực hiện.

Trong một nghiên cứu trên tờ The Lancet Public Health, các nhà nghiên cứu từ HKU (University of Hong Kong) tìm ra rằng social distancing và các biện pháp khác ở Hong Kong, cùng phản ứng đúng đắn của người dân khi đi trước lời khuyên từ chính phủ như đeo khẩu trang và tránh những nơi đông người đã khiến virus được ngăn chặn. Trưởng nhóm nghiên cứu Benjamin Cowling - giáo sư về dịch tễ và số liệu sinh học tại trường y tế cộng đồng của HKU - cho biết: "Những chính phủ khác có thể học hỏi từ thành công của Hong Kong". Người Hàn Quốc cũng cho thấy sự sẵn sàng trong hợp tác để đối phó với virus, ngay cả khi phải hy sinh tự do cá nhân như quyền riêng tư.

Người Hàn xếp hàng, giữ khoảng cách ở các khu vực bỏ phiếu tại Seoul. Ảnh: Xinhua.

Tháng trước, một khảo sát được thực hiện bởi Trường Cao học y tế cộng đồng của Đại học Quốc gia Seoul cho thấy 78,5% người trả lời sẽ hy sinh quyền riêng tư để giúp ngăn chặn đại dịch. Sự tương phản này càng rõ nét hơn so với phương Tây khi chính quyền Mỹ từ chối tiết lộ tên của những người đã tham dự một bữa tiệc lớn có sự tham gia của một bệnh nhân siêu lây nhiễm ở Connecticut, do quyền riêng tư.

Một lý do khác tô điểm thêm cho phản ứng của người châu Á đối với Covid-19 là kinh nghiệm của khu vực về các dịch bệnh trong quá khứ như SARS năm 2003 - đại dịch lây nhiễm cho 1.755 người ở Hong Kong và cướp đi 299 người sinh mạng và MERS vào năm 2015, lây nhiễm cho 186 người ở Hàn Quốc và gây tử vong cho 36 người.

Nhưng ngay cả trong phạm vi châu Á, người Hong Kong và người Hàn Quốc xứng đáng là công dân kiểu mẫu trong việc chủ động thực hiện các hành động như đeo khẩu trang. Chae nói rằng: "Người Hàn Quốc không cần lệnh của chính phủ như các quốc gia châu Á khác để giảm số ca mắc". Do đó, người dân ở cả 2 nơi này được tự do sử dụng phương tiện công cộng và tới các cửa hàng kể từ đầu đại dịch, thực hiện các hành động được chính phủ yêu cầu như ở trong nhà và cách biệt cộng đồng.

Ở nhiều nước châu Á khác, chính phủ phải cứng rắn hơn để đảm bảo người dân hợp tác. Naomi Pang, một sinh viên 19 tuổi ở Malaysia cho biết: "Vào đầu thời điểm phong tỏa, nhiều người vẫn không tuân thủ lệnh ở nhà. Nhưng nhiều người đang thực hiện yêu cầu từ chính phủ vì lệnh hạn chế quá nghiêm ngặt như phạt những người đi bộ ngoài công viên hay ở các chốt chặn người ngoài vào thành phố".

Do Montecastro (30 tuổi), người dân ở Cebu, Philippines, cho biết ai ra khỏi nhà vào lúc này là rất "dũng cảm", nhấn mạnh rằng Tổng thống Rodrigo Duterte cho phép cảnh sát và quân đội được bắn những người gây rối trong thời gian phong tỏa. Montecastro cho biết: "Mọi người không ra khỏi nhà những ngày này vì họ sợ bị chính quyền trừng phạt".

Ở Singapore, Joshua Yoo, du học sinh 19 tuổi, cho biết hầu hết mọi người thực hiện hướng dẫn của chính phủ vì họ đều nhận thức được thành phố là một nơi thực hiện nghiêm túc các luật lệ. Yoo cho hay: "Hầu hết mọi người đều tuân theo vì bạn sẽ bị phạt tới 700 USD nếu không chấp hành".

Một số người cũng chỉ ra cơ sở hạ tầng tiên tiến ở cả Hong Kong và Hàn Quốc là lý do dẫn đến thành công. Một nhà phân tích viết, việc xét nghiệm và chữa trị tiên tiến của Hàn Quốc được trợ giúp bởi sân bay, hệ thống tàu điện ngầm, hệ thống chăm sóc y tế đẳng cấp thế giới. Nước này đầu tư vào chính mình và giờ người dân được hưởng lợi. Yun Kyungchon - thành viên của Ủy ban kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại CDC Hàn Quốc - cho biết: "Mọi người vẫn đi ăn ở nhà hàng mà không lo lắng. Họ không hề sợ".

Chang Kyungsup - Giáo sư xã hội học ở Đại học Quốc gia Seoul - nói sự thành công không chỉ vì sự tuân thủ nghiêm túc của xã hội mà còn vì niềm tin cao vào chính phủ. Ông cho biết: "Tổng thống Moon Jae-in có danh tiếng tốt khi xử lý khủng hoảng và điều này có ích đến mức các nước khác ngợi khen Hàn Quốc". Ông cho biết thêm rằng người dân Hàn Quốc đã quen với những thời gian khó khăn: "Lịch sử nước tôi đã có những việc như chống lại đế quốc Nhật Bản, sự độc tài và mối đe dọa từ Triều Tiên".

Mặc dù vậy, giữa những cái thở phào nhẹ nhõm, các chuyên gia nhấn mạnh cả 2 nơi đều phải cảnh giác nếu muốn tránh số ca tăng vọt trở lại. Giáo sư David Hui Shu-cheong - chuyên gia về đường hô hấp tại Đại học Hong Kong cho biết những biện pháp như đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và những nơi đông người cần được thực hiện đến giữa năm khi đây là thời điểm sớm nhất mà vaccine dự kiến được hoàn thành.

Nhân viên y tế nghỉ ngơi tại một phòng xét nghiệm sàng lọc ở Suwon, Hàn Quốc. Ảnh: Xinhua. 

Ở Hàn Quốc, Giám đốc CDC Jung Eunkyeong cảnh báo rằng có khả năng Covid-19 sẽ biến động trong những tháng tới trước khi có một đợt lây nhiễm mới trong những tháng mùa đông. Sự lây nhiễm Covid-19 có thể gia tăng trong nhiệt độ thấp vì mọi người sẽ ở chung trong những nơi chật hẹp, và nCoV có thể tồn tại cùng con người trong một hay nhiều năm nữa.

Nếu không cảnh giác, Hong Kong và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với mối nguy mới: đánh mất toàn bộ thành quả gây dựng được vì chủ quan. Trong dịp lễ Phục sinh, những đám đông lớn tập trung ở các công viên ở cả 2 thành phố, làm dấy lên lo ngại rằng người dân vui mừng quá sớm và sẽ cho virus cơ hội để lây lan trở lại.

John Lie - Giáo sư ở Đại học California - Berkeley - cho biết khi thiếu mối nguy rõ ràng, một số lượng lớn người dân sẽ tiếp tục cuộc sống như không có gì nguy hiểm sẽ xảy ra. Nói cách khác, sự quan tâm vẫn cần thiết khi ánh sáng ở cuối đường hầm được hy vọng đúng là ánh sáng, không phải là một đoàn tàu đang chạy tới. 

>>Xem thêm: Singapore từ 'hình mẫu' chống Covid-19 đến vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á

Huyền Anh (Theo SCMP, Reuters, Bloomberg)