Thứ hai, 17/2/2020, 18:42 (GMT+7)

Trung Quốc - nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất thế giới - 'kêu cứu'

Sản lượng khẩu trang của Trung Quốc là vô địch thế giới, nhưng dịch bệnh khiến nguồn cung thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng đến toàn cầu. 

Kể từ đầu tháng 2, Kent Cai Mingdong, một người gốc thành phố Ninh Ba, miền đông Trung Quốc phải tới Indonesia để tìm mua nhiều khẩu trang nhất có thể. Sau đó, anh gửi về cho các nhân viên y tế và những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch bệnh ở quê nhà. Cai là giám đốc của Dự án phát triển văn hóa mới ở Chiết Giang - một tổ chức nghiên cứu giáo dục và phát trực tiếp trên mạng (live streaming firm) ở thành phố Ninh Ba.

Cai đã tới hơn 15 thành phố và mua được hơn 200. 000 chiếc khẩu trang. Một phần trong số đó anh tin tưởng giao cho những du khách Trung Quốc tại sân bay mang về nhà giúp. Anh cũng sắp xếp bạn bè trong nước tới nhận khẩu trang ở bất kỳ thành phố nào mà những hành khách này bay về. 

"Tôi nghĩ Indonesia với dân số lớn và lượng nhân công có tay nghề cao sẽ có lượng khẩu trang lớn. Cơn sốt khẩu trang trong nước sẽ diễn ra sau đó, nghĩa là khi tôi tới đây vào ngày 1/2, vẫn có hàng cho tôi mua. Chúng tôi đến từng hiệu thuốc một, việc này khá mệt nhưng hiệu quả hơn. Nếu tôi ở Ninh Ba trong 13 ngày vừa rồi sẽ rất phí thời gian. Còn ở đây, ít nhất tôi có thể làm điều gì đó có ích trong tình hình này", anh nói.

Một nhân viên y tế đeo khẩu trang bảo hộ. Ảnh: Xinhua.

Trong ngành sản xuất khẩu trang, sự thiếu hụt ngày càng mạnh mẽ hơn khi virus corona tiếp tục lây lan ra cả Trung Quốc và thế giới. Nhu cầu khẩu trang tăng vọt trong những tuần gần đây, làm cạn kiệt lượng hàng có sẵn của Trung Quốc, Bangkok (Thái Lan), Boston (Mỹ).

Ở Trung Quốc, việc đeo khẩu trang khi ra đường là bắt buộc ở nhiều thành phố. Trung Quốc - chiếm một nửa tổng sản lượng khẩu trang trên thế giới - đang tranh giành nguồn cung dư thừa từ nước ngoài, qua các kênh ngoại giao chính thức và cả những người mua như Cai.

Cả bác sĩ và y tá - những người ở tuyến đầu chống virus ở Vũ Hán - sẽ đối mặt với sự thiếu hụt khẩu trang N95.

Virus corona mới đã gây tử vong nhiều hơn dịch SARS năm 2003. Virus này lây qua những giọt nhỏ khi ho hoặc hắt xì và qua tiếp xúc trực tiếp với bề mặt từ người nhiễm bệnh. Vì lí do đó, loại khẩu trang thông thường, không cần công nghệ hiện đại hay nguyên liệu hiếm gặp để sản xuất đã trở thành mặt hàng được săn đón nhiều nhất ở Trung Quốc. Điều này gây nên một số hiện tượng tiêu cực.

Truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin, giám đốc y tế thành phố Đại Lý ở tỉnh Vân Nam bị sa thải do chiếm dụng trái phép khẩu trang dành cho thành phố Trùng Khánh và Hoàng Cương tỉnh Hồ Bắc. Chính phủ cũng chuyển trách nhiệm quản lý nguồn cung khẩu trang cho Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) - nhiệm vụ trước đó thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT).

Một nhà máy sản xuất vật tư y tế tại Binzhou, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Chưa có ước tính nào về sự thiếu hụt nguồn cung, nhưng việc cầu sẽ vượt cung ở Trung Quốc trong một số tuần tới là điều hiển nhiên. Khắp cả nước, các chính quyền địa phương yêu cầu doanh nghiệp mua đủ khẩu trang cho nhân viên như một điều kiện tiên quyết để đi vào hoạt động trở lại.

Quan chức của NDRC trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh cho biết, các nhà máy sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc đang hoạt động 76% công suất, sản xuất ra được 15,2 triệu khẩu trang mỗi ngày. Trong khi nhu cầu hàng ngày trong tình hình đại dịch là 50-60 triệu chiếc một ngày.

Trung Quốc cũng chỉ có thể sản xuất ra được 200. 000 khẩu trang N95 mỗi ngày vì loại này cần công nghệ và vật liệu hiện đại hơn. Nhằm đối phó với sự thiếu hụt này, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng chính sách cho thời chiến để đảm bảo đủ cung cho nhân viên y tế, trong bối cảnh số lượng các vụ trộm khẩu trang, khẩu trang giả và gia công đang tăng.

Cho dù sản lượng khẩu trang của Trung Quốc là vô địch thế giới, vấn đề thiếu hụt ở nước này sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của toàn thế giới. Mike Bowen, Phó chủ tịch, đồng sáng lập công ty sản xuất khẩu trang Prestige Ameritech, Mỹ, cho biết: "Trong nhiều năm, tôi đã dự đoán rằng nếu Trung Quốc gặp rắc rối với đại dịch - và với sự thật rằng họ sở hữu nguồn cung khẩu trang cho cả thế giới - việc này sẽ là một vấn đề với các quốc gia khác", ông cho hay.

"Giá thành của Trung Quốc thấp đến mức cả thế giới đều gõ cửa quốc gia này. Nhưng mọi người chưa nghĩ tới việc liệu họ có thể có sản phẩm này khi có đại dịch ở Trung Quốc hay không", Mike Bowen nói.

Công ty Prestige Ameritech có trụ sở tại Texas, Mỹ, sản xuất ra 87% số lượng khẩu trang cho thị trường Mỹ vào thập kỷ 1990, cho tới khi Trung Quốc nhảy vào thị trường này với mức giá thấp hơn. Nhưng tình hình bất ngờ thay đổi khi công ty này phải xuất khẩu khẩu trang sang Trung Quốc -1 triệu chiếc trong tuần trước. Bowen cho biết thêm, ông cũng đang thảo luận với Hong Kong về việc cung cấp khẩu trang cho thành phố này - nơi từng xuất hiện cảnh hỗn loạn giữa lúc thiếu thốn.

10.000 người xếp hàng 30 tiếng để mua khẩu trang ở Hong Kong
 
 

10.000 người xếp hàng mua khẩu trang ở Hong Kong. 

Các đơn hàng khẩu trang đang tăng vọt không chỉ ở Trung Quốc và châu Á mà ở cả châu Âu và Mỹ, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng ra gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sự bùng phát Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng nghiêm trọng nhất của Trung Quốc kể từ đại dịch SARS vào năm 2002-2003.

Trung Quốc - nơi sản xuất 5 tỷ khẩu trang năm ngoái, nay đã phải gia tăng nhập khẩu khẩu trang từ tất cả các nước trên thế giới. Tuần trước, chính phủ Indonesia cho biết Trung Quốc đã đặt hàng số lượng lớn, bằng số lượng cung cấp cho cả Đông Nam Á trong 3 tháng.

Một số nhà sản xuất ở các nước khác cho biết Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu nguyên liệu thô để sản xuất khẩu trang, khiến hoạt động của các doanh nghiệp ngoài Trung Quốc bị gián đoạn. Theo thông tin từ Trung tâm phát triển Công nghiệp và thông tin, có ít nhất 50 nhà cung cấp nguyên liệu khẩu trang và hơn 140 nhà sản xuất đồ bảo hộ ở Trung Quốc.

Nhu cầu tăng cao và những yêu cầu y tế của chính phủ khiến nhiều công ty phải tự sản xuất khẩu trang. Foxconn, gã khổng lồ điện tử Đài Loan chuyên lắp ráp iPhone ở Trung Quốc bắt đầu sản xuất khẩu trang cho nhân viên và đặt mục tiêu 2 triệu chiếc 1 ngày cho tới cuối tháng.

Hãng quần áo Hongdou Group và nhà sản xuất xe hơi SAIC-GM-Wuling Automobile cũng tự sản xuất khẩu trang. Tuy nhiên, bất chấp sự tranh giành khẩu trang, các nhà khoa học cho biết không có căn cứ khoa học nào cho thấy đeo khẩu trang sẽ tránh hoàn toàn lây nhiễm.

Bác sĩ William Schaffner, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Vanderbilt, Tennessee cho biết: "Dữ liệu về việc sử dụng khẩu trang thông thường khá ít ỏi vì vậy chúng tôi không thể nói nó không có ích gì. Nhưng cũng không có dữ liệu đủ để cho thấy khẩu trang là một biện pháp phòng chống lây nhiễm hiệu quả. Khẩu trang không được thiết kế để ngăn chặn virus đi xuyên qua, chúng được thiết kế để phẫu thuật, để ngăn chặn những thứ trong mũi và miệng của bác sĩ ra ngoài môi trường xung quanh".

Tuy vậy, Schaffner cho biết đeo khẩu trang có thể giúp người đeo có cảm giác tự kiểm soát được trong tình hình dịch bệnh chưa có thuốc chữa. "Điều đó rất quan trọng, vì ở Hong Kong, Trung Quốc hay Mỹ, chúng ta đều có nỗi lo về dịch bệnh này", ông nói thêm. 

Bấm vào đây để xem chi tiết.

Huyền Anh (Theo SCMP)