Thứ ba, 10/7/2018, 11:50 (GMT+7)

Thế giới thấy gì ở người Thái từ cuộc giải cứu đội bóng mắc kẹt?

Tinh thần đoàn kết, lòng tốt, sự khiêm nhường... có thể là những gì cả thế giới đã thấy được ở người Thái khi 13 công dân của họ gặp nạn.

Công cuộc tìm kiếm và giải cứu đội bóng nhí ở Thái Lan không chỉ nhận được sự quan tâm của người dân nước này mà dư luận quốc tế cũng đặc biệt chú ý. Những con mắt đổ dồn về dõi theo hành trình của 12 cậu bé và huấn luyện viên.

Lực lượng cứu hộ nỗ lực hết mình trong quá trình giải cứu các cậu bé bị mắc kẹt trong hang Tham Luang ra ngoài. Ảnh: Reuters. 

Sự đồng sức đồng lòng

Trên CCN, Jay Parini - một nhà thơ, nhà văn đang giảng dạy tại Đại học Middlebury (Mỹ) cho rằng, điều chúng ta thấy ở Thái Lan bây giờ là những thợ lặn dũng cảm đang mạo hiểm cả mạng sống để cứu những người mắc kẹt đến nơi an toàn. "Các thợ lặn không chỉ thể hiện sự can đảm tuyệt vời mà còn có những kỹ năng đáng kinh ngạc. Thật khó để tưởng tượng được mức khó khăn của công việc giải cứu, khi các hoạt động diễn ra ở sâu trong lòng đất, những ngách hang hẹp, vách đá lởm chởm, dòng nước chảy xiết và bùn đục với tầm nhìn gần như bằng 0", Parini nói.  

Trong hang Tham Luang, theo Parini, dường như không có sự phân biệt màu da, quốc tịch, tôn giáo hay giới tính, không có sự nghi ngờ về chuyên môn của nhau. Đây là một trong những thời điểm hiếm hoi chúng ta có thể thấy được sự đoàn kết và đầy tình người, tất cả đều đồng lòng với mục tiêu duy nhất "đưa những đứa trẻ mắc kẹt về với bố mẹ chúng". 

Ông Parini cho rằng, việc đặt lợi ích của những đứa trẻ lên đầu là hành động đáng ngưỡng mộ. Theo ông, tất cả mọi người trong chúng ta đều có vài lần mắc lỗi và đôi khi hàng nghìn người phải nỗ lực để bù đắp cho những lỗi lầm ấy. Đội bóng đã dã ngoại trong hang bất chấp cảnh cáo "không được vào hang vào mùa mưa" nhưng dư luận Thái Lan và quốc tế gần như không trách mắng những đứa trẻ, giới chức ngay lập tức mở chiến dịch giải cứu quy mô lớn nhất thế giới.

Thợ lặn tinh nhuệ nhất được cử đến hỗ trợ tìm kiếm và giải cứu. Ảnh: Guardian. 

Các nhà chức trách Thái Lan thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến vụ việc bằng cách đích thân tới hiện trường đồng thời ra lệnh triển khai lực lượng hùng hậu bao gồm: thợ lặn thuộc Lực lượng SEAL của Hải quân Thái Lan, binh sĩ, cảnh sát, lính biên phòng, nhân viên kiểm lâm... tham gia vào công cuộc tìm kiếm. Tổng cộng hơn 1000 người trong nước đã góp sức vào chiến dịch này.  

"Mọi người dường như chỉ lo lắng cho sự an toàn của các cậu bé và chờ đợi từng ngày để đứa các em ra khỏi hang, họ hoàn toàn không bận tâm tới chi phí giải cứu. Đó là điều đáng nói, bởi có lẽ họ đều hiểu rằng giá trị mạng sống không thể đo đếm bằng tiền", Parini viết. 

Tất cả một lòng hướng về niềm hy vọng các cậu bé trở ra an toàn. Ảnh: EPA. 

Hai bác sĩ từng tham gia chiến dịch giải cứu 33 thợ mỏ bị mắc kẹt ở Chile năm 2010 cũng chia sẻ trên CNN về vụ việc tương tự đang xảy ra với đội bóng thiếu niên Thái Lan.

Tiến sĩ Jean Christophe Romagnoli là một chuyên gia về y học thể thao, cho rằng các cầu thủ nhí có tinh thần tập thể, đồng đội rất cao và có khả năng làm việc nhóm hiệu quả. Ông cho rằng, đây chính là yếu tố then chốt giúp cả đội sống sót một cách kì diệu qua thử thách này.

Nhà tâm lý học Alberto Iturra Benavides, người đưa ra những lời tư vấn vượt qua khủng hoảng cho các thợ mỏ cũng nhận xét: "Tuổi tác của các cậu bé trong đội bóng là một lợi thế nhưng điều đáng nói chính là khả năng lãnh đạo của huấn luyện viên. Vai trò của huấn luyện viên sẽ giúp những đứa trẻ an tâm, giảm căng thẳng từ đó dẫn đến kết quả khả quan".

"Những cậu bé và thợ lặn, họ chỉ khác biệt duy nhất về tuổi tác, ý chí mạnh mẽ được sống và hy vọng chờ giải cứu đáng ca ngợi như nhau", hai bác sĩ đồng thuận chia sẻ. 

Lòng vị tha và khiêm nhường 

Nụ cười của một cậu bé trong hang.

Đội bóng Lợn Hoang gồm 13 thành viên đã bị mắc kẹt trong hang Tham Luang hôm 23/6  và được tìm thấy vào hôm 2/7, họ bặt vô âm tín trong 10 ngày. 

Thật dễ để đổ lỗi và quy trách nhiệm cho một ai đó, như cách ông Parini bày tỏ đồng cảm với nỗi lo lắng, sợ hãi của những bậc cha mẹ đang ngày đêm mong ngóng con trở về. "Tôi có ba đứa con trai, và tôi không dám tưởng tượng nỗi sợ hãi, run rẩy trong trạng thái đợi tin tức của thành viên khác trong gia đình. Những ai đã làm cha, làm mẹ hẳn cảm nhận được nỗi đau khi phải chia cách những đứa con của họ. Đó là nỗi đau không tả xiết", ông viết.

Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là cha mẹ của cầu thủ nhí nói với truyền thông rằng họ không hề trách huấn luyện viên về vụ việc xảy ra. 

Sự bình tĩnh, khiêm nhường của những người trong cuộc khiến bất cứ ai đều xúc động. Nhiều cha mẹ của các chàng trai bị mắc kẹt đã yêu cầu mọi người không đổ lỗi cho huấn luyện viên: "Tôi yêu Ake, anh ấy là người tôi tin tưởng. Để sống sót một cách diệu kỳ, tất cả họ đều là những anh hùng nhưng người hùng lớn nhất là huấn luyện viên. Tôi chắc rằng anh ấy đã làm mọi thứ có thể cho những đứa trẻ của mình", Auttaporn Khamheng (17 tuổi) - bạn thân và đồng đội cũ của Duangpetch "Dom" Promthep bị mắc kẹt trong hang chia sẻ. 

Phụ huynh của các cầu thủ nhí không đổ lỗi cho huấn luyện viên trẻ. Ảnh: Reuters.

Aisha Wiboonrungrueng, người mẹ có con trai Chanin 11 tuổi bị mắc kẹt trong hang, khẳng định sự bình tĩnh của Ekapol đã tác động tới tâm lý của các cậu bé. “Hãy nhìn cách bọn trẻ ngồi chờ đợi cùng nhau. Không ai khóc hay hoảng sợ. Điều đó thật đáng ngạc nhiên”, bà Aisha nói. 

“Huấn luyện viên Ekapol, đừng tự đổ lỗi cho bản thân về những chuyện đã xảy ra. Chúng tôi đều biết cậu là người tốt và luôn giúp đỡ các con của chúng tôi”, một người mẹ nói. “Tôi từng rất lo lắng khi con trai tôi mất tích. Điều khiến tôi an tâm là huấn luyện viên đã ở cùng cháu”, một người khác nói.

Quá trình giải cứu 12 thiếu niên cùng huấn luyện viên tại hang Tham Luang có diễn biến gần như một phép màu. Đằng sau câu chuyện giải cứu, đằng sau sự đồng lòng của một tập thể là tình yêu thương, sự vị tha và lòng tốt của người dân xứ sở Chùa vàng - những người một lòng hướng Phật. 

Huyền Anh