Thứ hai, 9/3/2020, 00:13 (GMT+7)

Số người thất nghiệp ở Hong Kong tăng vọt vì nCoV

Đầu bếp Wong Bing-kuen, 62 tuổi, bước tiếp vào một nhà hàng khác để xin việc, sau khi tìm kiếm suốt cả ngày.

Wong, làm đầu bếp trong hơn 40 năm, mất việc vào tháng trước sau khi nhà hàng hải sản Ho Yin ở Laguna Plaza, Lâm Tín, nơi ông làm việc, tạm  ngừng hoạt động vì dịch Covid-19.

Wong Bing-kuen, 62 tuổi, làm đầu bếp hơn 40 năm nhưng vừa mất việc vào tháng trước. Ảnh: SCMP.

Ông đã thay đổi công việc khoảng năm lần kể từ tháng 6 năm ngoái, khi các cuộc biểu tình chống chính quyền bắt đầu, làm tổn thương ngành kinh doanh nhà hàng. Cuộc khủng hoảng do nCoV sau đó càng khiến tình hình tồi tệ hơn.

Trong hơn một tháng kể từ khi bị sa thải, Wong ghé thăm gần như tất cả các nhà hàng dọc theo đường Nathan ở thành phố Cửu Long để tìm việc, nhưng không có kết quả. "Những ngày này rất khó tìm việc làm. Không có nhà hàng nào tuyển dụng. Họ cho nhân viên nghỉ việc hoặc đóng cửa," ông nói.

Wong sống một mình sau khi ly hôn khoảng 20 năm trước, con trai ông ở với vợ cũ. Ông từng kiếm được 12.000 HKD (gần 36 triệu đồng) mỗi tháng, nhưng sau khi mất việc ông không có thu nhập. Ông chuyển chỗ ở đến một nhà trọ trong khu Yau Ma Tei, chung phòng với hai người lạ, và phải trả 1.500 HKD (gần 4,5 triệu đồng) tiền thuê mỗi tháng.

Wong sống đạm bạc, dùng tiền tiết kiệm để trang trải chi tiêu hàng tháng khoảng 5.000 HKD (gần 15 triệu đồng), nhưng lo lắng tình trạng này không thể kéo dài. "Tôi làm đầu bếp trong nhiều thập kỷ, và tôi không còn trẻ nữa. Đây là công việc duy nhất của tôi", Wong nói. "Tôi hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua và tôi có thể quay lại làm việc để kiếm sống".

Covid-19 đã giết hơn 3.500 người và khiến hơn 102.000 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới, chủ yếu là ở Trung Quốc. Đến nay, Hong Kong ghi nhận hơn 100 ca nhiễm, hai trong số đó đã chết.

Dịch bệnh làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái ở Hong Kong và khiến nhiều người thất nghiệp, hoặc bị cắt giảm thời gian làm việc và thu nhập. Thống kê chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,4% trong giai đoạn từ 11/2019 đến 1/2020, cao nhất trong hơn ba năm, với 122.300 người không có việc làm.

Leung Wai-Kwong, 66 tuổi, mất việc ở một công ty vận tải sau khi Covid-19 xảy ra. Ảnh: SCMP.

Tỷ lệ thất nghiệp trong ngành bán lẻ, dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống liên quan đến du lịch đạt mức 5,2%, cao nhất ba năm; trong khi ngành xây dựng tăng lên 5,7% - cao nhất gần sáu năm, theo thống kê.

Người đứng đầu cơ quan Lao động và Phúc lợi Hong Kong Law Chi-kwong cho biết thị trường lao động sẽ còn chịu nhiều áp lực hơn trong thời gian tới vì ảnh hưởng của Covid-19 đối với một loạt hoạt động kinh tế.

Đối mặt với tình trạng mất việc làm và cắt giảm thu nhập, nhiều người phải vật lộn để sống sót trong thành phố đắt đỏ nhất thế giới, nơi có rất ít sự hỗ trợ cho người thất nghiệp.

Leung Wai-Kwong, 66 tuổi, mất việc ở một công ty vận chuyển hàng hóa giữa Hong Kong và thành phố Thâm Quyến vào đầu tháng 2, sau khi chính quyền Hong Kong quy định tất cả những người từ Trung Quốc sang phải cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Biện pháp ngăn chặn có hiệu lực từ ngày 8/2, buộc công ty của Leung phải tạm dừng hoạt động, khiến hơn 12 nhân viên thất nghiệp.

Hơn một tháng qua, Leung nhận vài công việc chỉ có thể làm một lần, như giao hàng bán thời gian và dọn dẹp, để kiếm được khoảng 2.000 HKD (gần 6 triệu đồng). Ông sống với hơn 12 người lạ trong một căn hộ ở Mong Kok, nơi mà 8 người ngủ trên 4 chiếc giường tầng trong phòng khách, và phải trả tiền thuê hàng tháng là 2.000 HKD (gần 6 triệu đồng).

Hiện, Leung đang chờ đợi để nhận khoản thanh toán phúc lợi dưới hình thức Hỗ trợ An sinh Xã hội Toàn diện (CSSA) của chính quyền. Người đàn ông 66 tuổi hy vọng quay trở lại với công việc trước đây khi cuộc khủng hoảng kết thúc.

Leung tìm được việc làm vào một năm trước, sau khi sống với số tiền trợ cấp 5.000 HKD (gần 15 triệu đồng) từ CSSA mỗi tháng trong hai năm vì chân phải bị thương. "Ở tuổi này không dễ để tôi tìm được một công việc phù hợp và sống độc lập", Leung nói. "Tôi đã lên kế hoạch cho tương lai, nhưng dịch bệnh phá vỡ tất cả và khiến tôi tự hỏi cuộc sống của mình sẽ đi về đâu."

Leung Wai-Kwong, 66 tuổi, sống với hơn 12 người khác trong một căn hộ ở Mong Kok, và phải trả 2.000 HKD tiền thuê nhà mỗi tháng. Ảnh: SCMP.

Hong Kong không có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp. Người không có việc làm có thể nộp đơn cho cơ quan Phúc lợi Xã hội để nhận trợ cấp CSSA, nơi phát tiền hàng tháng cho bất cứ ai có nhu cầu tài chính. Thống kê của chính quyền cho thấy số người thất nghiệp nhận CSSA tăng lên từ tháng 6 năm ngoái, từ 11.710 lên 12.589 trong tháng 1/2020, tăng 7,5%.

Wong Wo-ping, giám đốc an sinh xã hội và việc làm của Hội đồng Dịch vụ Xã hội Hong Kong (HKCSS), cho biết bởi vì từ trước đến nay Hong Kong có tỷ lệ thất nghiệp thấp, nên không có hệ thống đầy đủ hỗ trợ những người không có việc làm. "Nếu không có một hệ thống như vậy, khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng, người dân bình thường sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn," giám đốc Wong cho biết.

Lãnh đạo phụ trách tài chính Hong Kong Paul Chan đã công bố một gói cứu trợ trị giá 120 tỷ HKD trong bài phát biểu hôm 26/2, bao gồm khoản tiền mặt 10.000 HKD (gần 30 triệu đồng) cho những người dân thường trú từ 18 tuổi trở lên, và các biện pháp cứu trợ thị trường lao động, dựa trên đề xuất của các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Trước đó, Hội đồng Lập pháp Hong Kong đã phê duyệt một quỹ chống dịch bệnh trị giá 30 tỷ HKD hôm 21/2, bao gồm hỗ trợ kinh phí một lần cho các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ ăn uống, công ty vận tải... Nhưng các công đoàn lao động nói rằng người đi làm không nhận được nhiều trợ cấp trực tiếp như các ông chủ của họ.

"Phần lớn các hỗ trợ dành cho các nhà tuyển dụng trong một số ngành nhất định thay vì nhân viên. Nó không thể giúp đỡ tất cả các doanh nghiệp cũng như bảo vệ chống thất nghiệp," theo bà Carol Ng Man-yee, Chủ tịch Liên đoàn Công đoàn Hong Kong.

Trong quỹ chống dịch bệnh của chính quyền Hong Kong, có một gói trợ cấp đặc biệt trị giá 990 triệu HKD dành cho khoảng 200.000 hộ gia đình sống dựa vào các chương trình hỗ trợ như tiền trợ cấp gia đình lao động nghèo và hỗ trợ tài chính sinh viên. Nhưng bà Carol Ng nói rằng nó không phải cho tất cả những người chịu tổn thương trong các gia đình có thu nhập thấp.

Một phi công 59 tuổi, giấu tên, bị Hong Kong Airlines sa thải vào giữa tháng 2, sau khi làm việc cho hãng hàng không này trong hơn ba năm. Người này yêu cầu công ty phải trả cho mình số tiền lương chưa được nhận, hơn 100.000 HKD một tháng. Phi công này, với gần 40 năm kinh nghiệm bay, nói rằng ông bị sa thải đột ngột mà không có lời giải thích xác đáng nào.

"Tôi hiểu tình hình tài chính của công ty, nhưng cách họ xử lý thật tồi tệ và vô cảm", ông nói. Người phi công không biết Hong Kong Airlines loại bỏ nhân viên dựa trên tiêu chuẩn nào, nhưng ông nghĩ rằng tuổi tác của mình là một nguyên nhân trong số đó.

Các phi công có thể bay đến 65 tuổi, nhưng khi bước sang tuổi 60, người đàn ông này sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc mới trong ngành. Hong Kong đang vật lộn với lĩnh vực hàng không và ông dự định tìm việc ở một nơi khác.

Chung Kwok-pan, thành viên của Hội đồng Lập pháp Hong Kong, cho biết chính quyền đặc khu hy vọng hỗ trợ các doanh nghiệp để họ không phải đóng cửa và khiến nhiều người mất việc hơn, và cũng nói rằng trợ cấp bị hạn chế.

Chính trị gia đảng Lao động Cheung Chiu-hung đã đề xuất một quỹ thất nghiệp 30 tỷ HKD, trong đó những người không có việc làm có thể nhận tới 16.000 HKD (gần 48 triệu) mỗi tháng, tương đương với mức thu nhập trung bình của Hong Kong.

Cả Cheung và Wong Wo-ping của HKCSS đều đang xem xét một hệ thống bảo hiểm thất nghiệp dài hạn ở Hong Kong. Cheung khẳng định cơ sở hạ tầng xã hội như vậy là cần thiết để bảo vệ chất lượng sống của người dân trong giai đoạn khó khăn.

"Hong Kong phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế thị trường để tự vận hành, nhưng nó ngày càng trở nên lỗi thời, vì đặc khu có thể trải qua thời kỳ khó khăn thường xuyên hơn, bao gồm cả dịch bệnh và các sự kiện chính trị xã hội," Cheung nói.

"Đối với những người thất nghiệp, họ không thể chờ đợi lâu trong khi vẫn phải trả tiền thuê nhà hôm nay hoặc ngày mai", Cheung nói thêm.

Huyền Vũ (theo SCMP)