Thứ ba, 8/10/2019, 12:59 (GMT+7)

Khu phố đường tàu Thập Phần nổi tiếng ở Đài Loan

Làng cổ Thập Phần là con phố cổ lớn nhất và nhộn nhịp hoạt động trên tuyến đường sắt Pingxi. 

Làng cổ Thập Phần (Shifen Old Streets) là một thị trấn nhỏ ở ngoại ô Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) - nơi nổi tiếng với một đường ray xe lửa chạy qua. Cách thành phố Đài Bắc khoảng 32 km. Thập Phần từng là bối cảnh cho bộ phim Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, gợi nhớ khoảnh khắc Kha Cảnh Đằng và Thẩm Giai Nghi cùng nhau thả đèn trời. 

Khu phố đường ray ở làng Thập Phần, Đài Loan. Ảnh: Taiwan Tourism Bureau.

Theo Taiwan News, phố cổ Thập Phần nằm trên tuyến đường sắt Pingxi. Trước đây, người dân ở Thập Phần chủ yếu canh tác nông nghiệp, trồng bông và cao su. Ngoài ra, nơi đây có nguồn tài nguyên dồi dào về than đá nên họ đã xây dựng đường ray chạy qua. Ga tàu Shifen được khánh thành vào năm 1918 và trở thành ga tàu lớn nhất trên tuyến đường sắt Pingxi. Vào thời hoàng kim, đây là điểm khai thác than lớn nhất và cũng là nơi dân số đông nhất ở quận Pingxi của Đài Bắc. Sau khi ngành công nghiệp than "chết" vào những năm 1970, du lịch đã trở thành ngành công nghiệp chính trong khu vực này.

Thập Phần mang đậm nét cổ kính. Từ con đường, hẻm nhỏ đến kiến trúc các ngôi nhà cũng mang hơi thở hoài cổ. Nhà ở hai bên đường sắt chủ yếu là cửa hàng đèn lồng, cửa hàng lưu niệm và quán ăn. Du khách có thể nhận được một chiếc đèn lồng với giá khoảng 150 Đài tệ. Gần như tất cả cửa hàng bán đèn lồng trong khu vực sẽ hướng dẫn khách hàng cách khởi động đèn lồng cũng như giúp du khách ghi lại những hình ảnh kỉ niệm. 

Khách du lịch có thể đi bộ trên đường ray khi không có tàu chạy qua. Ảnh: @deniseluces/ eternalarrival.

Tờ báo xứ Trung mô tả, làng cổ Thập Phần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn chính bởi cố gắng giữ những nét quyến rũ của thời gian bằng việc hoạt động ngay cạnh hai bên sườn của tuyến đường sắt. "Mọi người có thể tự do băng qua các đường ray duy nhất khi muốn di chuyển tại làng Thập Phần. Rất đông du khách đến đây, họ thả đèn trời ngay trên đường sắt - đó là cảnh tượng rất phổ biến", tờ báo viết.

Do đường ray vẫn còn hoạt động nên thỉnh thoảng, du khách sẽ chứng kiến cảnh đoàn tàu chạy qua. Nhưng họ khá cẩn trọng với các biện pháp bảo vệ an toàn cho khách du lịch. "Khi một đoàn tàu hỏa chạy từ từ đến gần khu nhà hai bên đường cũ, các nhân viên của Cục Đường sắt Đài Loan sẽ bắt đầu thổi còi để cảnh báo khách du lịch bước ra khỏi đường ray. Sau khi con tàu di chuyển với tốc độ chầm chậm qua con phố cổ, các hoạt động lại tiếp tục diễn ra. Đây chắc chắn là một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất của Đài Loan", tờ báo nhận xét.

Ảnh: Taiwan Tourism Bureau.

Nhiều gợi ý cho rằng, cách tốt nhất để đến Shifen là bằng tàu hỏa - đó là lí do tuyến đường sắt là không thể thiếu, dù tần suất các chuyến là không nhiều. Chỉ cần đi tàu đến ga Ruifang, chuyển đến tuyến Pingxi và xuống tại Shifen. 

Khu phố đường tàu Thập Phần nổi tiếng ở Đài Loan
 
 
Trải nghiệm khu phố đường tàu Thập Phần. Video: Taiwan Travel Guide.

Allison Green - blogger du lịch, người Mỹ- chia sẻ trên Eternalarrival: "Phố cổ Shifen gợi cho tôi nhớ về phố đường tàu nổi tiếng đi qua một khu chợ ở trung tâm Hà Nội, Việt Nam. Ở Đài Loan, khi tàu chuẩn bị đến gần, tiếng chuông sẽ vang lên cảnh báo mọi người đang ngồi gần đường ray. Những người 'nhạc trưởng' lập tức có mặt để hướng dẫn đám đông ra khỏi đường ray một cách kịp thời và an toàn. Đó là một nơi tuyệt vời để xem những chiếc đèn lồng trên bầu trời vào lúc hoàng hôn".

Kyla (9 tuổi) - một blogger du lịch nhí- chia sẻ cảm nhận trên Family Globetrotter: "Làng cổ Thập Phần có một bầu không khí tuyệt vời. Khi bạn xuống ga Shifen, bạn sẽ thấy nơi này khá đông đức. Khi không có tàu, mọi người thoải mái đi bộ trên đường ray, ở đó đều có biển chỉ dẫn. Tôi thực sự rất thích mỗi khi có chuyến tàu đi qua bởi tôi chưa từng nghĩ những chuyến tàu vẫn hoạt động ở đó. Thật sự vui lắm".

Địa điểm thả đèn trời là tại tuyến đường sắt cổ. Ảnh: @jayson.gq.

Ngoài Shifen, các làng Lingjiao, Pingxi và Jingtong dọc theo tuyến đường sắt cũng là nơi được nhiều người ghé thăm. 

Huyền Anh (Theo Taiwan News, FG)