Thứ hai, 4/2/2019, 08:00 (GMT+7)

Hành trình về quê ăn tết đắt đỏ của các du học sinh

Cứ mỗi độ Tết đến, du học sinh lại nặng trĩu tâm tư, họ mong ước có một chuyến hành hương cho riêng mình.

Xác định đi du học, du học sinh Việt phải tập thích nghi với môi trường sống, thích nghi với guồng quay của công việc, học tập và phải dần quen với việc không có gia đình ở bên. Nhưng có lẽ điều khiến họ trở nên yếu đuối nhất chính là mỗi dịp Tết đến, khi nhìn bạn bè được quây quần bên gia đình còn họ đang lạc lõng ở nơi đất khách xứ người.

Bởi vậy, dù phải làm việc cật lực trong suốt một năm, dù phải chắt chiu từng đồng, đau đầu vì tính toán chi tiêu và bủa vây những áp lực, du học sinh Việt cũng mong muốn được trở về quê hương đón tết. 

Dù mang theo những áp lực vô hình....

Chia sẻ về những áp lực khi trở về Việt Nam với iOne, Ngô Hoàn (du học sinh Anh) cho biết: "Đa số du học sinh như tụi mình khi có ý định về Việt Nam ăn Tết thường phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Ngoài tiền vé máy bay còn rất nhiều việc phải tính toán. Đầu tiên, bạn cần sắp xếp thời gian để về nước. Tại Anh, sau kỳ nghỉ lớn nhất năm là Giáng sinh và Năm mới là tới các kỳ thi hết môn, nên sinh viên không thể xin nghỉ để về nước ăn Tết.

Tiếp đến là tài chính, bọn mình thường đùa nhau rằng, tiền quà cáp mua về còn quá tiền vé. Và một khi mang cái mác du học sinh, mình luôn bị áp lực bởi những chi phí đó. Hầu như ở Việt Nam ai cũng nghĩ du học sinh 'không có gì ngoài điều kiện'. Vì vậy mà đôi khi tặng quà rẻ cũng bị chê, mừng tuổi ít cũng bị chê, đi ăn uống tụ tập luôn bị bắt khao. Thực sự đó là sai lầm của mọi người và là sự bất công rất lớn đối với du học sinh.

Rồi tiếp đến là những câu hỏi chất vấn kiểu như: 'Khi nào lấy vợ/chồng?', 'Làm lương bên đó cao không?', 'Tết này mang nhiều tiền về cho bố mẹ không?'... Những câu hỏi kiểu này mang tính xoáy sâu vào cuộc sống riêng tư, thực sự khiến tụi mình rất khó chịu, dù biết rằng đôi khi người ta hỏi vì quan tâm".

Ngô Hoàn.

Họ vẫn luôn khao khát về Việt Nam

Từng đặt chân đến nhiều nơi, thực hiện rất nhiều chuyến du lịch, thế nhưng đối với Minh Phượng, chuyến hành trình ý nghĩa nhất và "mắc" nhất chính là được trở về Việt Nam. 

Minh Phượng chia sẻ: "Đối với riêng bản thân mình, Tết Việt vô cùng ý nghĩa. Dù là tết xưa hay tết nay, tết vẫn vậy. Tết là thời điểm cả gia đình đoàn tụ sau một năm làm việc vất vả, được thưởng thức bữa cơm gia đình ấm áp. Đặc biệt đối với một du học sinh như mình, những 'cơn' thèm không khí của gia đình sẽ chẳng bao giờ nguôi."

Tuy nhiên, ở nước ngoài không có tết cổ truyền, do vậy việc sắp xếp thời gian đi làm thêm, công việc học tập cũng như chuẩn bị các khoản tiền để mua vé cũng khiến du học sinh phải đau đầu. 

"Nếu bạn xác định sẽ về Việt Nam vào tết năm nay, mọi kế hoạch đã được lên chi tiết từ đầu năm. Đó là việc phải chuẩn bị sẵn tiền để mua vé máy bay, do mình học tại Đức nên giá vé bay về Việt Nam cũng khá tốn, mức giá vé dao động từ 400€ - 800€ (14-28 triệu đồng, tùy vào khoảng thời gian săn vé). Rồi tính thêm khoản chi phí cho quà cáp, quần áo... Nhưng chỉ cần làm việc chăm chỉ trong một năm là đã đủ tiền về quê ăn tết rồi.

Đa số những sinh viên và người đi làm, điều cản trở bọn mình trở về Việt Nam chính bởi công việc. Cụ thể, nếu bạn muốn xin nghỉ phép cần phải báo với quản lý muộn nhất là trước từ 1 – 1,5 tháng. Còn mình đã báo trước 4 – 5 tháng để công ty có thể tìm người thay thế trong thời gian về  tết", Phượng chia sẻ thêm. 

"Mình từng ghen tỵ thậm chí là khó chịu với chính những người thân yêu nhất chỉ vì cảm giác cô đơn, khi không được trở về Việt Nam ăn tết bên gia đình. Bạn chẳng thể nào hiểu khi ở nửa kia trái đất, mọi người đang cùng nhau chuẩn bị tết, rồi được quây quần bên bếp lửa trông nồi bánh chưng, mọi thứ đều thật vui, thật hạnh phúc nhưng trừ mình. Có lúc nhìn bạn bè đăng hình mà mình ứa nước mắt, có khi chẳng dám lên facebook vì sợ nhìn thấy ảnh tết quê nhà. Nên khi được trở về Việt Nam đón Tết, mình không hề hối hận dù phải nghỉ việc", Minh Trang chia sẻ.

Nhớ hồi còn đi làm ở Việt Nam mình được trả tầm 4 triệu/ tháng, nếu so mức lương đó với tiền vé máy bay về Việt Nam, bạn phải dành dụm nguyên một năm không được tiêu chi (khoảng chừng 48 triệu đồng). 

Bật mí về nỗi lo lắng khi trở về Việt Nam, Minh Trang cười: "Mình chỉ lo dạ dày không đủ lớn để có thể ăn hết những món ăn yêu thích trước khi lại quay trở lại Canada".

Thùy Linh.

Thùy Linh - một du học sinh Hàn Quốc - chia sẻ: "Được về quê ăn tết luôn là điều mình mong muốn sau bao nhiều năm xa cách gia đình, bạn bè. Vậy nên nếu có cơ hội về nước, thay vì hối tiếc phải từ bỏ công việc, mình sẽ rất vui và phấn khích. Với mình, việc làm thêm mất rồi có thể kiếm lại còn cảm giác đầm ấm bên gia đình liệu mấy ai có".

"Tuy nhiên để có thể trở về Việt Nam ăn tết, mình cần phải sắp xếp lịch học, sau đó mới dám đặt vé máy bay và cuối cùng là báo cho giáo viên chủ nhiệm. Còn nếu tết rơi vào đúng lịch thi học kỳ bạn buộc phải lựa chọn giữa nghỉ học, chấp nhận mất điểm chuyên cần hoặc hủy vé. Nhưng nếu là mình, mình vẫn sẽ về.

Thường thì vào dịp Tết, do nhiều người về nước nên giá vé máy bay cũng cao hơn, vì vậy du học sinh như bọn mình cũng chỉ dám đặt vé của các hãng hàng không giá rẻ với mức giá khứ hồi khoảng từ 8-12 triệu đồng. Thêm một lợi thế nữa đối với các du học sinh Hàn chính là mệnh giá tiền Hàn Quốc và Việt Nam chênh lệch nhau rất lớn, nên nếu đổi ra tiền Việt có vẻ rất cao nhưng nếu tính theo tiền Hàn thì đây không phải là con số quá lớn.

Đối với những sinh viên trong nước, bạn chỉ mất vài giờ xe chạy hay giá vé xe bị tăng lên gấp đôi đã có thể trở về bên gia đình thì đối với các du học sinh, họ phải đánh đổi bằng cả năm vừa học vừa làm. Bởi họ là những người "thèm Tết", thèm cái hương vị của quê hương, của gia đình.

Thúy Quỳnh