Thứ bảy, 28/3/2020, 11:50 (GMT+7)

Hàng trăm suất 'cơm nhà làm' trao tay y, bác sĩ chống Covid-19

Hà NộiKhi thấy các bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới TW đang gồng mình chống dịch, chị Nguyễn Thanh Thủy làm hàng trăm suất cơm, bánh trôi, nước ép trái cây gửi tặng. 

"Dịch bệnh bùng phát, mình đọc báo, nghe đài, biết được các y bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới TW buộc phải tự cách ly, hạn chế tiếp xúc và không được về nhà trong nhiều tuần liền. Thấy nhiều bác sĩ kêu thèm cơm nhà, nên mình quyết định nấu cơm, canh, hoa quả gửi tặng", chị Nguyễn Thanh Thủy (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Chị Nguyễn Thanh Thủy.

Từ ngày 23/3, chị Thủy mua nguyên liệu, tự nấu nướng rồi chuyển đến bệnh viện. Chị dự tính gửi tặng cơm miễn phí trong vòng 5 ngày. 

4 giờ sáng, chị Thủy lái ôtô ra chợ đầu mối để mua rau, củ, quả, thịt, trứng... rồi đi thẳng xuống cửa hàng tại chợ Ninh Hiệp (Long Biên, Hà Nội) để nấu. Đều đặn như mọi ngày, 7 giờ sáng, chị cùng một vài người nhận giúp đỡ, bắt tay vào việc.

"Có hôm mình nấu canh cua, thịt kho tàu với trứng, có hôm làm chè... Các bác sĩ muốn ăn gì có thể nhắn trước để mình nấu. Như thực đơn hôm nay (26/3) có canh cà bung với thịt, tôm rim, trứng thịt rán vì mọi người bảo lâu lắm rồi không được ăn canh cà", chị Thủy cười.

Ngoài những món đã chuẩn bị, nay chị làm thêm món bánh trôi nước do vợ của một bác sĩ tại khoa virus ký sinh trùng nhắn tin nhờ làm hộ, vì không thể đến gặp chồng.

"Mình làm cho một người, vậy còn những người khác nữa. Thôi cứ làm đủ suất để mọi người cùng ăn. Nhất lại là Tết Hàn thực, người dân được đón Tết, thế các bác sĩ lại không?", chị nói.

Chị Thủy đang kinh doanh, buôn bán nhỏ. Thấy được sự vất vả của các y bác sĩ, chị quyết định tạm ngừng công việc trong 5 ngày để nấu cơm nhà phục vụ mọi người. Theo lời chị, là cơm nhà có thể không chuyên nghiệp như ngoài hàng, nhưng lại mang cảm giác ấm cúng của gia đình.

Hôm 23/3 chị và bạn bè nấu 120 suất cơm cùng 100 chai nước suối. Ngay thứ hai, chị nấu 90 suất cơm. Ngày thứ ba, các bác sĩ nhắn nhủ muốn đổi món nên chị nấu 100 hộp chè khoai dẻo. Đến ngày thứ tư, chị Thuỷ nấu 35 suất cơm đặc biệt cùng 100 chai nước ép dưa hấu để đem vào viện. Do nhân lực ít, kinh phí cũng có hạn, dù muốn tặng toàn bộ các y bác sĩ tại bệnh viện cũng khó thực hiện.

"Hành động của mình là tự phát, lúc đăng lên cũng có nhiều người nhắn tin xin ủng hộ tiền, nhưng mình không nhận. Với mình, mọi người cứ gửi chục trứng, ít thịt, rau hay ai có gì gửi nấy, mà đến hỗ trợ cùng là tốt nhất. Đó mới là từ thiện", chị nói.

Chị Lê Thị Loan (Long Biên, Hà Nội - người đến giúp) cho biết: "Khi biết tin chị Thủy nấu cơm tặng các y bác sĩ, mình có ngỏ ý muốn ủng hộ tiền, nhưng chị không đồng ý. Nên nay mình đã mua thêm ít trứng, thịt... phụ thêm rồi xuống nấu luôn".

Việc chuẩn bị cầu kỳ, một ngày chị Thuỷ chỉ gửi được một bữa cơm vào viện. Tùy theo yêu cầu của bác sĩ mà có thể làm cơm trưa hoặc cơm tối. Chị cố gắng hoàn thành việc nấu nướng trước 11 giờ trưa hoặc 5 giờ chiều để đem vào viện.

Tất bật từ sáng sớm để chuẩn bị, nấu nướng, đóng hộp rồi xếp lên xe. 10h30, chị Thủy lái xe ô tô mang đồ đến bệnh viện cho kịp bữa trưa.

Thay vì nhờ người đưa đưa đồ, chị muốn tận tay mang đến bởi, đã làm từ thiện phải làm đến cùng, còn nếu đã sợ thì đừng làm. Một mình lái xe đến Bệnh viện Nhiệt đới TW, chị biết đây là nơi điều trị cho những bệnh nhân nhiễm nCoV tại Hà Nội, nhưng chị không sợ. "Khi các bác sĩ đã ra gặp mình, họ biết cách để bảo vệ cho sức khoẻ của mình và những người xung quanh. Bản thân mình luôn đặt lòng tin ở họ", chị nói.

Nhưng còn ba con nhỏ, chị chủ động gửi con về quê để tránh gây ảnh hưởng. Chị tâm sự: "Ai xa con mà chẳng nhớ, nhưng mình đã quyết làm thì phải chấp nhận. Mình có thể nhiễm, nhưng các con và gia đình thì không".

Đúng giờ, chiếc xe ôtô di chuyển vào sân bệnh viện, ba y bác sĩ tại khoa cấp cứu đã đợi sẵn. Chị Thủy nhanh chóng chuyển đồ ăn lên xe đẩy. Trong quá trình giao đồ ăn, các y bác sĩ luôn nhắc chị đứng cách xa để đảm bảo an toàn.

Một y tá nhận đồ cho biết: "Từ khi bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nhiễm nCoV, tôi đã phải ở lại viện để tránh lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho gia đình. Cũng vài tháng không về nhà nên tôi nhớ người thân và thèm cơm gia đình lắm. Đợt trước không đặt được cơm, không có ai dám đem cơm đến nên mọi người đều phải ăn pizza, gà rán... toàn đồ ăn nhanh nên chán lắm, nhìn đến phát sợ. Nhưng may có chị Thủy đề nghị gửi cơm, ai nấy mừng ra mặt".

Theo lời nữ y tá, những suất cơm được chị Thủy mang đến khiến mọi người vơi bớt nỗi nhớ gia đình. Món ăn ngon, vừa miệng nên ai cũng thích, nhất là món bánh trôi nước đúng dịp tết Hàn thực khiến mọi người cảm động.

Chị Thủy chụp ảnh kỷ niệm cùng các y bác sĩ, nhưng luôn được nhắc nhở giữ khoảng cách an toàn, hạn chế tiếp xúc, tránh lây nhiễm. 

"Ở trong bệnh viện suốt khiến chúng tôi quên cả thời gian, nếu không có món bánh trôi chị Thủy mang đến, chắc tôi cũng chẳng nhớ nay là ngày gì. Mấy nữa không còn được ăn cơm chị nấu, mọi người chắc sẽ nhớ lắm".

Trước khi về, chị Thủy không quên hỏi: "Mai mọi người thích ăn gì thì nhắn tin qua chị nhé, ăn cháo gà hay cơm? Chứ đêm nào cũng về nghĩ món ăn mới chỉ sợ mọi người không thích". 

Tùng Đinh - Thuý Quỳnh