Chủ nhật, 15/3/2020, 01:06 (GMT+7)

Hai bác sĩ cùng nhiễm nCoV: Chỉ một người sống sót

Deng Danjing và Xia Sisi, từ những bác sĩ tuyến đầu ở Vũ Hán trở thành bệnh nhân nguy kịch; và một người đã thua cuộc trước nCoV.

Hai người mẹ trẻ không nói với con rằng mình đã nhiễm nCoV, chỉ nói mẹ đang làm việc chăm chỉ để cứu người bệnh. Nhưng Deng Danjing và Xia Sisi phải chiến đấu vì mạng sống của mình ở bệnh viện nơi họ làm việc. Chỉ sau vài tuần, từ những bác sĩ tuyến đầu của đại dịch ở Vũ Hán, họ thành bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nguy kịch.

Y tá Deng Danjing (trái) và bác sĩ Xia Sisi, đều 29 tuổi.  

Khi năm mới bắt đầu ở Trung Quốc, hai người phụ nữ có cuộc sống riêng. Họ đều 29 tuổi, đã lập gia đình và có một con. Deng là y tá đã làm việc được ba năm tại Bệnh viện số 7 Vũ Hán - thành phố nơi cô lớn lên và là tâm chấn Covid-19. Mẹ cô cũng là y tá ở đó, và trong thời gian rảnh hai mẹ con cùng xem phim hoặc đi mua sắm. Thú vui của Deng là chơi cùng hai chú mèo của mình - Hổ Mập và Tiểu Bạch. Trong đó, Tiểu Bạch được cô cứu 3 tháng trước khi đổ bệnh.

Trước khi dịch bệnh xảy ra, cô Deng hứa đưa cô con gái 5 tuổi đến thủy cung.

Xia - một bác sĩ chuyên về tiêu hóa - cũng đến từ gia đình có truyền thống ngành y. Khi còn là một đứa trẻ, cô thường theo mẹ đến bệnh viện. Cô làm việc ở Bệnh viện Đoàn kết Jiangbei ở Vũ Hán, là bác sĩ trẻ nhất khoa. Đồng nghiệp gọi cô là "Sisi bé nhỏ" hoặc "Cô bé ngọt ngào" vì cô luôn nở nụ cười với họ. Cô thích lẩu Tứ Xuyên, món ăn nổi tiếng với nước lẩu cay xè.

Khi Covid-19 bí ẩn ập đến thành phố, hai người phải đảm nhận những ca trực kéo dài nhiều giờ - chữa trị cho số lượng bệnh nhân gần như vô tận. Họ tự bảo vệ bản thân, nhưng cuối cùng vẫn nhiễm bệnh - bị sốt và viêm phổi. Bệnh của họ đều ngày một tệ đi. 

Bác sĩ Xia thích đi du lịch. 

Những triệu chứng bất ngờ

Bác sĩ Xia vừa kết thúc ca trực đêm 14/1 thì được gọi đến tiếp một bệnh nhân 76 tuổi nghi nhiễm. Cô ghé qua thăm người này thường xuyên sau đó. 5 ngày sau, cô bắt đầu thấy không khỏe. Sau khi ngủ 2 tiếng ở nhà, cô kiểm tra thân nhiệt - gần 39 độ C. Ngực cô bắt đầu tức.

Một vài tuần sau, vào đầu tháng 2, y tá Deng đang chuẩn bị ăn tối ở bệnh viện thì thấy nôn nao. Cô gạt cảm giác này sang một bên vì nghĩ rằng mình mệt mỏi. Vào đầu dịch cô đi tới các gia đình có người nhiễm và hướng dẫn họ cách khử trùng. Sau khi ăn vội, Deng đi tắm và cảm thấy hơi khó chịu, cô đi ngủ. Lúc tỉnh dậy, thân nhiệt của cô lên 38 độ C.

Sốt là triệu chứng thông thường nhất của nCoV. Khoảng 1/5 số bệnh nhân cảm thấy khó thở, bao gồm cả ho và ngạt mũi. Nhiều người cảm thấy mệt mỏi. Cả hai vội vã đi khám. Kết quả chụp đều cho thấy phổi của họ bị phá hủy, một dấu hiệu có nCoV trên 85% số bệnh nhân, theo một nghiên cứu.

Cụ thể, kết quả chụp CT của Deng cho thấy phổi bên phải của cô bị tổn thương kính mờ. Bệnh viện không còn chỗ, cô phải thuê phòng khách sạn để tránh lây nhiễm cho chồng và con gái 5 tuổi. Cô toát mồ hôi cả đêm. Có lúc, bắp chân cô giật. Đến sáng, cô nhập viện. Cô được lấy mẫu xét nghiệm cổ họng, và sau đó có kết quả dương tính với nCoV.

Phòng cô nằm ở khu mới của nhân viên, chỉ có hai giường được đánh số. Deng nằm giường 28. Bạn cùng phòng cô cũng nhiễm bệnh.

Ở bệnh viện Jiangbei cách đó 20km, bác sĩ Xia cũng vật lộn thở. 

Sự đối xử

Khi Deng nhập viện, cô cố gắng lạc quan. Cô nhắn tin cho chồng, thúc giục anh đeo khẩu trang ngay khi ở nhà, và rửa hết bát đĩa bằng nước sôi hoặc vứt đi. Chồng cô gửi một bức hình một chú mèo của cô, viết: "Đang đợi mẹ quay lại". Cô nhắn lại: "Em nghĩ chắc mất khoảng 10-15 ngày. Anh tự chăm sóc mình nhé".

Y tá Deng và đoạn hội thoại với chồng. Ảnh: Nytimes. 

Không có thuốc chữa Covid-19 nên các bác sĩ phải tự kết hợp một số loại, chủ yếu là thuốc chống virus để giảm nhẹ triệu chứng. Bác sĩ của Deng kê đơn arbidol - một loại thuốc chữa cúm ở Nga và Trung Quốc; Tamiflu - một loại thuốc cúm khác và Kaletra - một loại thuốc chữa HIV được tin là sẽ ngăn chặn quá trình nhân bản của virus.

Deng uống ít nhất 12 viên mỗi ngày, cùng thuốc bắc. Bất chấp sự lạc quan, cô ngày càng yếu hơn. Mẹ cô mang đồ ăn tự nấu đến nhưng cô không muốn ăn. Một y tá phải đến lúc 8 giờ 30 mỗi sáng để truyền chất dinh dưỡng cho cô. Một dây khác truyền kháng sinh vào tĩnh mạch và một dây nữa truyền thuốc chống virus.

Tình trạng của bác sĩ Xia cũng nghiêm trọng nhưng cô có vẻ đang từ từ chiến đấu lại với căn bệnh. Cô hạ sốt sau vài ngày và thở dễ hơn sau khi dùng máy. Tinh thần của cô tốt hơn. Vào 25/2, cô nói đồng nghiệp rằng mình đang khỏe hơn. Cô nhắn cho họ trên WeChat: "Tôi sẽ quay lại sớm thôi". Một người nhắn lại: "Chúng tôi cần cô nhất".

Đầu tháng 2, cô hỏi chồng mình, Wu Shilei, cũng là một bác sĩ rằng anh nghĩ liệu cô có thể bỏ máy thở sớm không. Anh nhắn lại "Bình tĩnh thôi. Đừng nôn nóng quá". Anh nói với cô rằng máy thở của cô sẽ được gỡ vào tuần tới. Cô bảo: "Em nghĩ mình sẽ khỏe lại sớm thôi".

Có lí do để tin rằng cô chuẩn bị khỏi bệnh - rốt cuộc hầu hết bệnh nhân đều hồi phục. Sau đó, bác sĩ Xia xét nghiệm âm tính hai lần, cô nói với mẹ sẽ xuất viện ngày 8/2.

Bác sĩ Sia dặn dò chồng tự chăm sóc bản thân, đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ. Ảnh: Nytimes.

Ngày thứ tư của Deng trong bệnh viện, cô không thể giả vờ vui tươi nữa. Cô nôn mửa, bị tiêu chảy và run không ngừng. Nhiệt độ của cô tăng lên 38.5 độ C. Sáng 5/2, cô thức dậy sau một giấc ngủ chập chờn và tự thấy thuốc không làm được gì để hạ sốt. Cô khóc. Cô bảo mình được liệt vào danh sách nghiêm trọng. Ngày hôm sau, cô nôn 3 lần, cho đến khi chỉ ra được bọt trắng. Cô cảm thấy mình bị hoang tưởng. Cô không thể ngửi hay nếm, và nhịp tim của cô giảm xuống còn ít hơn 50 nhịp 1 phút.

Mẹ cô trấn an rằng cô vẫn trẻ và khỏe mạnh, và virus sẽ biến mất như một cơn cảm lạnh. Nhưng cô không thấy như vậy. Deng viết trên mạng xã hội vào ngày hôm sau: "Tôi cảm thấy mình đang ở trên ranh giới cái chết".

Trung Quốc định nghĩa người bệnh nặng là người suy hô hấp, sốc hoặc suy nội tạng. Khoảng 5% bệnh nhân nhiễm bệnh ở Trung Quốc là bệnh nhân nặng, theo một nghiên cứu gần đây. Trong số đó, 49% người tử vong (con số này sẽ thay đổi sau khi các ca bệnh được nghiên cứu trên toàn cầu ).

Bác sĩ Xia có vẻ đang bình phục, nhưng cô vẫn sợ chết. Xét nghiệm có thể sai và kết quả âm tính không có nghĩa là bệnh nhân được an toàn. Cô muốn mẹ mình hứa: "Liệu bố mẹ có thể chăm sóc con trai 2 tuổi nếu con không qua khỏi không?". Mẹ cô xua đi nỗi lo của cô: "Nó là con của con mà. Con không muốn tự nuôi nó à?". Cô cũng lo lắng cho chồng. Qua video chat, cô giục anh mặc đồ bảo hộ ở bệnh viện nơi anh làm việc. Chồng cô chia sẻ: "Cô ấy nói sẽ đợi tôi an toàn trở về và chiến đấu cùng tôi khi bình phục".

Rồi thời khắc ấy cũng tới. Tình trạng của bác sĩ Xia đột nhiên xấu đi. Vào sáng sớm 7/2, chồng cô chạy đến phòng cấp cứu. Tim cô đã ngừng đập.

Deng (trái) và bác sĩ Xia khi nhiễm bệnh, điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Nytimes.

Hồi phục

Trong hầu hết số ca, cơ thể tự hồi phục. Hệ miễn dịch sản sinh đủ kháng thể để tiêu diệt virus và bệnh nhân khỏi bệnh. Trong cuối tuần đầu tiên của Deng ở bệnh viện, cô đã hạ sốt. Cô có thể ăn được đồ ăn mẹ mang đến. Vào 10/2, khẩu vị của cô trở lại, cô đăng ảnh thịt xiên lên mạng như một hy vọng. Vào ngày 15/2, kết quả xét nghiệm trả lại cho cô là âm tính với virus. 3 ngày sau kết quả vẫn là âm tính. Cô có thể về nhà.

Deng gặp mẹ ở lối vào bệnh viện. Vì hệ thống giao thông công cộng của Vũ Hán ngừng hoạt động, cô đi bộ về nhà. Cô nhớ lại: "Tôi cảm thấy như một chú chim bé nhỏ. Tự do đã quay lại với tôi".

Y tá Deng xuất viện và gặp mẹ ở cổng viện. 

Cô phải cách ly thêm 14 ngày nữa. Chồng và con cô ở nhà ngoại. Tại nhà, cô vứt quần áo từng mặc ở bệnh viện đi. Từ đó, cô giết thời gian bằng cách chơi với mèo và xem TV. Deng đùa rằng cô đang nghỉ hưu sớm. Nữ y tá tập thở hàng ngày để giúp phổi khỏe hơn và đã bớt ho.

Chính phủ Trung Quốc thúc giục người khỏi bệnh hiến tặng huyết tương có chứa kháng thể để chữa cho người bệnh. Deng liên hệ với ngân hàng máu ngay khi về nhà. Cô dự định quay lại làm việc ngay khi bệnh viện cho phép. "Đất nước đã cứu tôi. Và tôi nghĩ mình có thể đền đáp lại cho đất nước", cô nói.

Cái chết

Ngày 35 sau khi nhập viện - đó là vào sau 3 giờ sáng ngày 7/2, bác sĩ Xia được đưa đến khoa chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ luồn ống thở cho cô. Giám đốc bệnh viện ngay lập tức liên lạc với một số chuyên gia của thành phố, trong đó có bác sĩ Peng Zhiyong - Trưởng khoa chăm sóc tích cực ở bệnh viện Zhongnan. Họ gọi cho mọi bệnh viện lớn ở Vũ Hán để mượn màng oxy ngoài cơ thể (hay còn gọi là ECMO). Tim Xia bắt đầu đập trở lại, nhưng vết nhiễm trong phổi cô quá nặng và chúng ngừng hoạt động. Não Xia thiếu oxy, gây nên tổn thương không chữa được. Sau đó, thận cô ngưng hoạt động và các bác sĩ phải lọc máu cô hàng ngày.

Bác sĩ Peng cho biết: "Não bộ hoạt động như một trung tâm điều khiển. Cô ấy không thể điều khiển những cơ quan khác, do vậy những nội tạng này sẽ ngừng hoạt động. Chỉ là vấn đề thời gian thôi".

Trên bàn làm việc của bác sĩ Xia, các đồng nghiệp của cô đã để lại 1.000 con hạc giấy - một biểu tượng của niềm hy vọng và phước lành của Trung Quốc, cùng thông điệp "Hãy yên nghỉ nhé".  

Bác sĩ Xia hôn mê. Cô qua đời ngày 23/2. Bác sĩ Peng vẫn không hiểu tại sao Xia lại qua đời sau khi cô đã hồi phục. Hệ miễn dịch của cô, giống như các nhân viên y tế khác, có thể đã quá tải sau khi liên tục tiếp xúc với bệnh tật. Có lẽ cô bị "bão cytokine", trong đó hệ miễn dịch phản ứng với virus bằng cách xả vào phổi dịch và bạch cầu. Cũng có thể cô qua đời vì nội tạng thiếu oxy.

Ở nhà, con cô, Jiabao (có nghĩa "kho báu vô giá") vẫn nghĩ mẹ đang làm việc. Khi điện thoại kêu, cậu bé cố giật điện thoại ra khỏi tay bà ngoại, miệng liên tục gọi mẹ. Chồng cô, Bác sĩ Wu, không biết phải nói với con thế nào. Anh vẫn chưa chấp nhận được cái chết của vợ. Họ gặp nhau lần đầu ở trường Y và là mối tình đầu của nhau. Họ dự định sống đến già với nhau. Anh nói: "Tôi yêu cô ấy nhiều lắm. Cô ấy đã ra đi rồi. Tôi không biết phải làm gì trong tương lai nữa, tôi chỉ có thể cầm cự thôi".

Huyền Anh (Theo New York Times)