Thứ ba, 25/2/2020, 00:00 (GMT+7)

Tầng lớp Itaewon: Cơ hội thứ hai cho những kẻ bị bỏ lại

Park Sae Ro Yi cùng những người bạn ở DanBam đại diện cho tầng lớp bị xã hội Hàn Quốc kỳ thị.

Park Seo Joon đang trở thành cái tên được tìm kiếm hàng đầu ở Hàn nhờ thành công của bộ phim truyền hình Tầng lớp Itaewon. Bộ phim dựa theo  webtoon cùng tên từng "làm mưa làm gió" từ 2016 - 2018. Đây là một tác phẩm dành cho những người tìm kiếm những nội dung mới lạ, không chỉ là những mối tình tay ba lãng mạn, câu chuyện lọ lem - hoàng tử thường thấy. Tầng lớp Itaewon là một tổ hợp của những diễn viên có visual đầy thu hút, phản ứng hóa học bùng nổ và câu chuyện đủ để lấy được nụ cười và nước mắt của khán giả.

Không chỉ là câu chuyện về cuộc trả thù

Nhân vật chính của Tầng lớp Itaewon là chàng trai Park Sae Ro Yi có trái tim can đảm, chân thành và mơ ước trở thành cảnh sát. Thế nhưng giáo viên của anh lại nhận xét Ro Yi là kiểu người không thể giao tiếp với xã hội, không thể tương tác với người khác nên có rất ít bạn bè.

Điều này khiến cha của anh, ông Park Sung Yeol - một nhân viên của tập đoàn thực phẩm Jangga - lo lắng. Bản tính tốt bụng khiến Park Sae Ro Yi không thể quay lưng khi chứng kiến một người bạn cùng lớp bị con trai nhà tài phiệt Jang Geun Won bắt nạt. Cha của Jang chính là người điều hành tập đoàn Jangga. Sau khi Park Sae Ro Yi tấn công Jang Geun Won, đứng lên vì lẽ phải thì lại nhận một cái kết đầy cay đắng. Bản thân phải vào tù, cha bị sa thải, nhưng điều khiến Ro Yi sup sụp hoàn toàn là sự ra đi của ông Park Sung Yeol. Quá khứ vào tù khiến Park Sae Ro Yi phải từ bỏ giấc mơ làm cảnh sát. Nỗi đau trong quá khứ khiến anh quyết tâm phải trả thù tập đoàn Jangga. Ro Yi thề phải trả thù bằng cách khởi nghiệp kinh doanh ở khu Itaewon, tìm cách lật đổ tập đoàn Jangga hùng mạnh.

Đề tài báo thù không còn mới lạ trong đế chế phim Hàn. Đối với nhiều tác phẩm, đây chính là động lực và lý do để các nhân vật tồn tại.

Cơ hội thứ hai cho những kẻ bị bỏ lại

Tầng lớp Itaewon không chỉ là câu chuyện về hành trình báo thù, đó là một câu chuyện dành cho những kẻ cần cơ hội thứ hai trong cuộc sống.

Những nhân viên ở quán nhậu DanBam đều là những kẻ bị tách biệt với xã hội, bị bỏ rơi giống ông chủ Park Sae Ro Yi. Thiên tài Choi Yi Seo từ bỏ những trường đại học danh tiếng để trở thành một blogger có sức ảnh hưởng. Thế nhưng trong mắt bạn học và gia đình, cô nàng là kẻ chống đối xã hội, kỳ quặc và bạo lực. Ngoài ra còn có đứa con trai ngoài giá thú của ông chủ tập đoàn Jangga - Jang Geun Soo, cựu tù nhân Choi Seung Kwon, cô nàng chuyển giới Ma Hyun Yi và chàng trai Mỹ Tony Kim luôn tự nhận là người Hàn Quốc. Một nhân vật khác thường xuyên xuất hiện ở DanBam là Oh Soo Ah - mối tình 10 năm của ông chủ Park Sae Ro Yi. Quán nhậu DanBam là ngôi nhà của những kẻ bị xã hội gạt sang bên cạnh vì những khác biệt trong địa vị xã hội, ngoại hình hay giới tính.

Những cựu tù nhân phải đối diện với sự phân biệt đối xử ở Hàn Quốc và khó tìm được công việc sau khi ra tù. Ở Hàn Quốc, có luật cấm những người từng bị kết án làm việc trong lĩnh vực giao hàng. Có rất nhiều cựu tù nhân từng chia sẻ họ thà ở tù còn hơn bước ra ngoài xã hội với lý lịch từng bị kết án. Hàn Quốc cũng hiếm khi thảo luận về những vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBT và các nhà lập pháp bảo thủ đã chặn đường những dự luật đề nghị không phân biệt đối xử, bảo vệ những người trong cộng đồng LGBT. Người chuyển giới ở Hàn bị coi là thiểu số và bị đối xử như người vô hình. Trong khi đó, Tony Kim là con lai Hàn Phi nhưng bị đối xử như người nước ngoài vì màu da khác biệt. Dù mang một nửa dòng máu Hàn Quốc, anh vẫn phải chịu sự phân biệt, kỳ thị vì là người nước ngoài. Đó là những thực tế trong xã hội được khắc họa một cách chi tiết, đầy đủ trong Tầng lớp Itaewon.

Tầng lớp Itaewon dẫn dắt người xem trải qua trải nghiệm của những con người từng bị xã hội ruồng bỏ đi tìm cơ hội thứ hai trong cuộc sống, dù cánh cửa mới đó rộng mở hay hạn hẹp. Chúng ta đều có cơ hội bắt đầu lại ở một nơi nào đó, và quan trọng nhất là cùng với một ai đó.

Những bước tiến dù nhỏ nhưng đầy kiên quyết về ước mơ

Tầng lớp Itaewon còn là câu chuyện về những người trẻ theo đuổi ước mơ, chạy về phía cuộc sống mà họ luôn hy vọng. Thế nhưng, đích đến không phải là điều dễ dàng, đôi khi phải chấp nhận bắt đầu từ những bước đi nhỏ.

Park Sae Ro Yi có vẻ điên rồ khi khởi nghiệp từ một cửa hàng nhỏ ở khu Itaewon nhưng lại nuôi mong muốn lật đổ tập đoàn ẩm thực lớn nhất nước. Thế nhưng điều nghe có vẻ ngớ ngẩn này lại chứng minh được sự kiên quyết của Ro Yi. Bỏ lại sau lưng quá khứ đen tối và đau buồn, anh không để cái danh cựu tù nhân và sự tự ti cản bước. Park Sae Ro Yi luôn tiến về phía trước và không quên bài học của người bố.

Tôi nghĩ tôi đã làm sai thì nên chịu phạt. Tôi đã học được điều đó từ bố mình. Nhưng bố tôi cũng dạy là con người phải sống theo đức tin riêng của mình. Bạn trong lớp bị bắt nạt, cảnh đó làm tôi khó chịu nên tôi đã ngăn lại. Cậu ta không nghe tôi nên tôi phải đánh cậu ta vì không thể nào để tính côn đồ đó tồn tại trong lớp được. Do đó, tôi chấp nhận chịu phạt là đúng.

Nhưng tôi không thể xin lỗi cậu ta vì tôi không thấy có lỗi gì cả. Đó là đức tin của tôi mà bố tôi đã dạy và sau này tôi cũng sẽ sống như vậy - Park Sae Ro Yi đã nói vậy khi bị bắt quỳ xuống nhận lỗi hoặc đối mặt với nhà tù.

Điều khiến Park Sae Ro Yi trở thành đầu tầu của quán nhậu DanBam - nơi tập hợp của những kẻ bị coi là lập dị, khác biệt - là cách luôn tiến về phía trước, luôn sẵn sàng thay đổi số phận. Park Sae Ro Yi cũng từng nói: Cứ khăng khăng rằng mình không thể làm gì để thay đổi số phận, cậu phải thử rồi mới nhận xét được chứ? Tôi sẽ không định giá rẻ mạt bản thân của tôi đâu. Dù có phải lao động chân tay, đi phục vụ trên tàu viễn dương, tôi sẽ bắt đầu như vậy đấy! Nếu cần tôi sẽ làm tất cả. Tôi sẽ hoàn thành những gì tôi muốn.

Dẫu biết rằng ước mơ của Park Sae Ro Yi và những nhân viên ở quán nhậu DanBam còn xa vời nhưng không thể phủ nhận họ đang đi trên một con đường đáng tự hào, ngẩng đầu bước qua những định kiến và luôn đồng hành cùng nhau, nâng đỡ nhau đi về tương lai đáng mong đợi.

Hannah (theo Cinemaescapist)