Thứ ba, 16/6/2020, 10:48 (GMT+7)

Hanoi Hannah - phát thanh viên huyền thoại xuất hiện trong 'Da 5 Bloods'

Hanoi Hannah - với giọng nói nhỏ nhẹ, nhưng sắc sảo, thuyết phục từng khiến binh sĩ Mỹ tại Việt Nam 'mất ăn, mất ngủ' - được tái hiện trong bộ phim của Spike Lee, qua diễn xuất của Ngô Thanh Vân.

Phim Da 5 Bloods mới ra mắt của đạo diễn Spike Lee kể về những cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam tìm hài cốt đồng đội trong chiến tranh. Bộ phim là câu chuyện giả tưởng nhưng xuất hiện nguyên mẫu có thật trong lịch sử: Hanoi Hannah - giọng nữ chính trong chương trình phát thanh kêu gọi lính Mỹ từ bỏ chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.

Ngô Thanh Vân được tạo hình giống bức ảnh hiếm hoi thời trẻ của Hanoi Hannah. Cô mặc áo dài, để "đầu phi dê" kiểu phụ nữ thời xưa. Trong phim, cô chỉ lên hình tổng cộng khoảng 2 phút trong phân đoạn gửi thông điệp tuyên truyền đến lính Mỹ da đen, chủ yếu diễn xuất qua giọng nói. Dù xuất hiện thoáng qua, cô để lại ấn tượng khá rõ ràng. Phần thể hiện của Ngô Thanh Vân được Guardian khen "mượt mà". Còn Esquire đánh giá Vân là một trong những diễn viên góp phần tạo nên những nhân vật đặc sắc cho phim. "Từ những diễn viên phụ như Ngô Thanh Vân, vai phát thanh viên thời chiến Hanoi Hannah, đến các ngôi sao như Delroy Lindo, vai Paul, dàn cast đã tạo nên những nhân vật khó quên cho bộ phim", bài bình luận trên tờ Esquire viết.

Ngô Thanh Vân trên phim trường 'Da 5 Bloods'. Bên cạnh cô là Spike Lee, đạo diễn bộ phim.

Hanoi Hannah tên thật là Trịnh Thị Ngọ nhưng lấy biệt danh Thu Hương. Hanoi Hannah là tên lính Mỹ đặt cho bà. Trịnh Thị Ngọ sinh năm 1930 tại phố Hàng Bồ, Hà Nội, là con gái của chủ nhà máy thủy tinh lớn nhất Việt Nam.

Có lần, bà từng lý giải về những nickname của mình trong một bài báo cũ. "Cái tên Trịnh Thị Ngọ có dấu nặng nên rất khó đọc với những người nói tiếng Anh. Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó đề nghị tôi chọn một cái tên dễ đọc hơn. Tôi đã chọn tên Thu Hương vì Thu Hương là tên một cô bạn gái rất thân".

Trịnh Thị Ngọ thời trẻ.

Về tên Hannah Hanoi, "Hannah là tên phụ nữ Mỹ thông dụng. Lính Mỹ gọi tôi như thế có lẽ cho thân quen. Bản tin của tôi phát đi từ Hà Nội, nên gọi là Hannah Hà Nội cho dễ nhớ. Sau này ngay cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi gặp, cũng gọi tôi là Hannah Hà Nội".

Trịnh Thị Ngọ rất đam mê điện ảnh Mỹ. Bà đã xem Cuốn theo chiều gió 5 lần và đây cũng là bộ phim mà bà yêu thích. Vì muốn xem phim mà không cần đọc phụ đề, bà xin gia đình cho học tiếng Anh. 

Tốt nghiệp khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, bà làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1955 với tư cách phát thanh viên kiêm biên dịch viên. Năm 1965, bà bắt đầu lên sóng chương trình Mỹ vận - chương trình dành cho lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Từ đây, Trịnh Thị Ngọ trở thành giọng nói ám ảnh đối với lính Mỹ.

Chương trình được đặt tên "Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ". Nhiệm vụ của bà là trò chuyện bằng tiếng Anh, giúp họ có cái nhìn đúng về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ban đầu, mỗi buổi phát thanh chỉ kéo dài 5 phút, phát hai buổi mỗi tuần nhưng sau đó tăng lên 30 phút và phát sóng ba lần mỗi ngày. Câu mở đầu quen thuộc là: "Đây là Thu Hương, trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam". 

Chương trình thường phát những ca khúc nổi tiếng của những nghệ sĩ Mỹ như Elvis Presley, Bob Dylan... Sau khi khiến quân địch nhớ nhà bằng âm nhạc, bà chuyển sang tuyên truyền khiến tinh thần họ lung lay.

Trong số phát sóng ngày 16/6/1967, Trịnh Thị Ngọ gửi đi thông điệp: "Xin chào các anh lính Mỹ. Có vẻ các anh biết rất ít thông tin về cuộc chiến, lại càng không có lời giải thích nào về sự hiện diện của các anh ở đây. Không gì mơ hồ bằng việc được ra lệnh tham gia một cuộc chiến để bị chết hoặc thương tật cả đời mà không có ý niệm dù là mờ nhạt nhất về những gì đang diễn ra".

Giọng đọc của Hanoi Hannah
 
 
Hanoi Hannah gửi thông điệp tới lính Mỹ ngày 16/6/1967.

Trong một buổi khác, bà nói: "Hãy đào ngũ đi hỡi các binh sĩ Mỹ. Thật là sáng suốt nếu rời khỏi con tàu đang chìm. Các anh không thể thắng cuộc chiến này". Đôi khi, bà đọc danh sách số người Mỹ thương vong dựa vào thống kê của báo chí Mỹ, mục đích theo bà là "khiến họ đau buồn".

"Khi đề cập đến diễn biến chiến tranh, tôi thường trích dẫn báo Mỹ để làm cho thông tin khách quan hơn. Thông điệp tôi muốn gửi đến lính Mỹ là 'Anh đang chiến đấu cho một cuộc chiến bất công và vô vọng", bà Trịnh Thị Ngọ từng nói.

Don North, một phóng viên người Mỹ từng làm việc ở chiến trận Việt Nam có bài "Bí ẩn nàng Hanoi Hannah" đăng trên New York Times năm 2018. Ông nhớ lại: "Công việc của bà ấy là khiến lính Mỹ khiếp sợ và nhụt chí, không phải là cám dỗ hay bỏ bùa mê. Tiếng Anh của bà ấy gần như hoàn hảo. Khi bật radio lên, nam giới lập tức bị thu hút bởi giọng đọc và không nỡ chuyển kênh".

Thời đó, Tổng thống Mỹ Kennedy từng phát biểu: "Việt Cộng dùng một giọng nói phụ nữ quyến rũ để lung lay tinh thần quân Mỹ tại Việt Nam". Bộ Tư lệnh viễn chinh Mỹ từng cấm binh sĩ nghe chương trình của Hanoi Hannah. 

Mặc dù khiến lính Mỹ vừa căm ghét, vừa sợ hãi, giọng đọc của bà vẫn gây nhớ nhung và không thể không nghe. Don North viết:

"Đối với lính Mỹ đang buồn chán, chương trình phát thanh của Hanoi Hannah là nguồn giải trí hiếm hoi. Chiếc radio là vật quý giá nhất của một người lính, sau khẩu súng trường. Giống như báng súng, radio cũng được cuốn băng đen để bảo vệ. Quân lính có thể cười khi Hannah dọa và khuyên họ đào ngũ. Nhưng họ cũng tự hỏi liệu ngoài đời Hannah có dễ thương như giọng nói của cô ấy và nhiều người coi cô là kẻ thù đáng gờm nhất sau Hồ Chí Minh".

Ngay cả John McCain khi bị bắt giữ làm tù binh hơn 5 năm tại nhà tù Hỏa Lò cũng phải kinh ngạc trước giọng của Trịnh Thị Ngọ. Khi được New York Times phỏng vấn năm 2000, McCain nói: "Tôi nghe giọng bà ấy mỗi ngày. Bà là một nghệ sĩ tuyệt vời. Tôi ngạc nhiên khi bà ấy không gia nhập Hollywood".

Mỗi buổi trò chuyện trên sóng phát thanh, Hanoi Hannah luôn giữ thái độ bình tĩnh. "Khi bom dội xuống Hà Nội, tôi vô cùng tức giận. Đối với người Việt Nam, Hà Nội là mảnh đất thiêng liêng bất khả xâm phạm. Nhưng sau đó khi trò chuyện với lính Mỹ, tôi luôn cố gắng trấn tĩnh. Tôi chưa bao giờ có thái độ công kích với họ. Tôi không bao giờ gọi họ là kẻ thù, chỉ coi là người đối đầu", bà nói. 

Hanoi Hannah
 
 
Trịnh Thị Ngọ thuyết phục lính Mỹ đào ngũ, khuyên rằng họ sẽ bị chính phủ bỏ rơi, không quan tâm mạng sống.

Sau chiến tranh, phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ được nhiều tờ báo nước ngoài viết bài, phỏng vấn. Bà qua đời ngày 30/9/2016. Linh cữu bà được an táng tại xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Các tờ báo danh tiếng của Mỹ như New York Times, Washington Post... đều viết cáo phó tưởng nhớ bà. 

Thúy Anh (Theo New York Times, Esquire)