Thứ tư, 17/6/2020, 20:00 (GMT+7)

Các lớp học giới tính diễn ra như thế nào?

Từ ‘bóng đá giới tính’ cho đến ‘chỉ điểm bộ phận sinh dục’ hay 'ma sói quan hệ' - giáo viên và học sinh trên thế giới có những cách giải thích độc đáo về môn học giáo dục giới tính.

Người lớn vốn rất mâu thuẫn trước câu hỏi: nói gì với trẻ về tình dục? Họ vừa muốn con cái mình biết đầy đủ và đúng đắn về sex; vừa ngại ngần trò chuyện thẳng thắn với chúng. Ngay ở các quốc gia phát triển như Anh, nhiều người lớn cảm thấy không thoải mái với ý kiến rằng trẻ em có thể có cảm xúc về tình dục, đặc biệt nếu chúng thuộc về LGBT.

Một số cha mẹ phản đối kế hoạch của chính phủ về giáo dục giới tính ở các trường tiểu học. Theo họ, cần thiết phải bảo vệ sự ngây thơ của trẻ em - như thể tình dục là điều gì đó hư hỏng, sai trái. Dù vậy, giáo dục giới tính cho trẻ em có sức mạnh thay đổi cả thế giới. Các bé gái được học cách từ chối, hiểu được cách mua và dùng các biện pháp tránh thai, để rồi sau đó có thể đấu tranh giành chỗ đứng trên thế giới với công việc và số con mình mong muốn. 

Giáo dục giới tính cho trẻ em không đồng nghĩa với việc ủng hộ chúng quan hệ sớm, mà học cách biết "nói không". Nếu người lớn muốn kiểm soát chuyện này, họ cần hành động ngay vì thông tin về tình dục đang dễ tiếp cận hơn bao giờ hết với hàng loạt series như Sex Education trên Netflix và Internet.

Tiến độ giáo dục về LGBT còn chậm hơn. Ở nhiều quốc gia, quan hệ đồng giới có thể dẫn đến đi tù, thậm chí bị tử hình. Nhưng ở các nơi khác, các cuộc thảo luận về những cậu bé cảm thấy mình là con gái và những cô bé thấy mình là con trai đang càng phổ biến hơn. Trẻ em ở Anh nói với Tổ chức Kế hoạch hóa gia đình (IPPF) rằng giáo dục giới tính ở trường chủ yếu là "các câu chuyện kinh dị".

Tuy nhiên các ví dụ về giáo dục giới tính ở các quốc gia dưới đây cho thấy điều ngược lại.

Indonesia

Giáo dục giới tính không phải là môn học bắt buộc ở Indonesia. Hơn nữa, các biện pháp tránh thai cho các cặp đôi chưa cưới rất khó tiếp cận, và phá thai bị cấm, trừ khi tính mạng người mang thai gặp nguy hiểm, hoặc trong trường hợp bị hiếp dâm. Nhưng điều đó đang thay đổi.

Tại một trường học ở Jakarta, các bài học giáo dục giới tính chủ yếu được thực hiện thông qua các trò chơi.

Ở SMPN 22 - một trường học ở Semarang, Jakarta - bài học giáo dục giới tính chủ yếu thông qua các trò chơi. Rutgers - một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan chuyên về chăm sóc sức khỏe sinh sản - điều hành chương trình giáo dục giới tính tại 38 trường học ở Indonesia. Chương trình học dành cho trẻ em 12-14 tuổi, bàn luận về tình dục, các mối quan hệ, vấn đề về giới tính và các cảm xúc.

Muhammad (13 tuổi) nói rằng cậu thích các bài học này. "Em được học về giới tính và chính mình. Em biết được rằng hẹn hò cũng không sao nhưng phải có giới hạn".

Ở một trò chơi, các học sinh chỉ vào các bộ phận được in trên một chiếc tạp dề. Giáo viên in cả các bộ phận khác chứ không chỉ có bộ phận sinh dục - bởi điều này có thể khiến một số người phàn nàn. Các học sinh nói họ đã thoải mái hơn rất nhiều khi phát biểu. Fatma (13 tuổi) ban đầu rất lo lắng, thậm chí không dám nhắc đến "penis" (cậu nhỏ) hay "vagina" (cô bé), nhưng giờ đây đã thoải mái nói về chúng. Bạn cùng lớp Meilazzahara cũng nghĩ nhắc đến bộ phận sinh dục là điều thật kinh tởm cho đến khi tham gia lớp học. Kể từ sau khi chương trình được giảng dạy, tỉ lệ học sinh bỏ học vì cưới xin hoặc mang thai đã giảm đi rất nhiều, Anita Rakhmi Shintasari - giáo viên dạy giáo dục giới tính - cho hay.

Học sinh Indonesia học giới tính qua hình in trên tạp dề. 

Trong những năm gần đây, Rutgers bị Đảng bảo thủ Indonesia bắt phải điều chỉnh trong chương trình, như phải bỏ từ "giới tính" ra khỏi tên, bỏ phần bìa nhiều màu của sách giáo khoa vì trông giống cờ LGBT và vẽ lại hình các bộ phận sinh dục. Kì thị người đồng tính cũng gia tăng ở quốc gia này khi thành phố Pariaman ở đảo Sumatra ban hành luật cấm các hành động được coi là đồng tính.

Tổ chức Rutgers chia sẻ họ phải rất cẩn thận với chương trình giảng dạy của mình. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh không muốn chương trình này dừng lại. Tỷ lệ bạo hành phụ nữ ở đây lên đến 41%, và việc giáo dục là rất quan trọng trong việc chống lại tình trạng này.

Uganda

Bóng đá được sử dụng ở Uganda để dạy trẻ em tiếng Anh và giới tính. Tổ chức Bóng đá không biên giới đang làm việc với các trại trẻ tị nạn ở Uganda từ năm 2008. Mỗi tuần một lần, trẻ nhỏ tuổi hơn được chia thành các nhóm, trong khi trẻ lớn tuổi được tách riêng theo giới tính để giúp các em được thảo luận về các vấn đề khó nói.

Học sinh Uganda học "bóng đá giới tính". 

Trong mỗi bài học của Tackle Africa, mỗi bài tập đá bóng được lồng ghép với thông điệp về sức khoẻ tình dục. Trên sân bóng, các cô bé bắt đầu đá bóng với một hậu vệ, tiền vệ và thủ môn. Trợ lí huấn luyện viên Rita chơi hậu vệ, cô bé cản được bóng mọi lúc. Họ chuyển sang chơi 2 tiền vệ cho dễ hơn. Rita hét: "Nào các cô gái, tôi muốn thấy một bàn thắng". Các cô bé vượt qua Rita, kiểm soát và sút vào khung thành. Delphe Bahaya, giáo viên, gọi các em vào và liên kết bài học với giáo dục giới tính như lựa chọn dùng bao cao su.

Anh giải thích, sau khi liệt kê hàng loạt mối nguy hiểm từ HIV: "Các em giao tiếp với nhau càng tốt thì mối quan hệ của các em càng an toàn. Tuỳ thuộc vào các em cả". Sút vào khung thành cho thấy các em đã đi đến quyết định chung. Khi anh giải thích, anh dùng cụm từ "chơi trò chơi". Nếu bạn muốn chơi ‘trò chơi’, các bạn cần phối hợp cùng nhau. Các bài học còn cho phép học sinh nữ được hỏi các câu nhạy cảm.

Tuy nhiên "bóng đá giới tính" gặp phải sự phản đối của phụ huynh. Nữ giới rất khó được cho phép chơi bóng đá vì phải làm việc nhà và phụ huynh lo rằng cơ thể của các em sẽ trở nên nam tính.

Hà Lan

Betty van Zjitveld vẽ một chú gấu lên tờ giấy lớn: "Tôi là một chú gấu lớn và tôi đang yêu. Tôi không yêu một chú gấu khác mà yêu một chú bướm. Nhưng tôi quá ngượng ngùng để nói ra. Tôi làm gì bây giờ?".

Các học sinh 4 và 5 tuổi miệt mài suy nghĩ. Một em nói: "Vẫy tay với chú bướm?". Một em khác phát biểu "Nhảy vào chú bướm". Betty đáp lại: "Nhưng như vậy sẽ làm bướm sợ. Chú gấu làm sao để bày tỏ tình cảm của mình mà không dọa bướm bay đi mất?". Học sinh quyết định rằng chú gấu nên tặng hoa và bắt đầu say sưa vẽ tranh. 

Đây là một buổi sáng thứ hai ở trường tiểu học De Roos tại Amsterdam - tiết học dành để dạy về các mối quan hệ, giới tính, trong chương trình "Tuần lễ mùa xuân". Elsbeth Reitzema của tổ chức Rutgers cho biết: "Chúng tôi muốn trẻ làm quen với những chủ đề như cảm giác và tình dục ở độ tuổi nhỏ. Nghiên cứu cho thấy khi trẻ em biết về các mối quan hệ và giới tính sớm, chúng sẽ bắt đầu hoạt động tình dục ở độ tuổi muộn hơn và đưa ra được những quyết định tốt hơn".

Lớp học giới tính tại một trường tiểu học ở Amsterdam.

Thái độ mở đối với giáo dục giới tính ở Hà Lan dẫn đến tỉ lệ mang thai tuổi vị thành niên thấp nhất ở EU: 3,2 trong 1.000 bé gái ở tuổi thiếu niên. Trong tuần lễ mùa xuân, giáo dục giới tính không chỉ còn nằm trong việc sinh sản thế nào mà còn về bày tỏ tình cảm, đặt ra các giới hạn và đa dạng giới tính, hình ảnh của bản thân và nguy hiểm trên mạng.

Khi Marieke Hollander nói về khuôn mẫu giới tính với các học sinh 10-12 tuổi, cô đặt ra một loạt tính từ như "ngọt ngào, quyến rũ, ân cần, quan trọng, ngầu, tự tin". Một học sinh nói: "Quan trọng cũng nói về nữ giới được. Vì phụ nữ có thể làm mọi thứ: nấu ăn, giặt giũ, lau rửa. Tất cả những thứ quan trọng". Một cậu bé phản đối: "Mẹ tớ đang học và bố tớ làm tất cả việc nhà". Hollander tiếp tục cho các học sinh xem quảng cáo dầu gội của phụ nữ và nam giới. Cả lớp đồng ý rằng quảng cáo về nữ giới tập trung chủ yếu vào sắc đẹp, còn của nam giới thì về tự tin. Hollander hỏi: "Có gì khác biệt giữa quảng cáo và những gì các em thấy ở nhà không?". Một học sinh nói: "Ở nhà em thì ngược lại. Mẹ em không quan tâm đến sắc đẹp lắm, nhưng bố em lại có gu quần áo rất tốt".

Ở một lớp học khác, Elly de Jong hướng về việc đặt ra các giới hạn với học sinh 8 tuổi. Cô nói: "Các em có thể thích ai đó nhưng vẫn không muốn người đó đến gần mình". Một học sinh nữ nói: "Em rất ghét khi ông em ôm em, vì râu ông cọ đau lắm". Một cô bé khác nói: "Em có một người dì mà em không quen lắm và em không thích dì thơm em. Cảm giác kì lạ lắm. Và còn dính dính nữa". De Jong nói: "Cơ thể của các em là của các em. Và các em quyết định em muốn làm gì với nó. Nên nếu các em muốn bắt tay với dì thì cũng được thôi".

Anh

"Mộng tinh, cương cứng và xuất tinh - đúng là một ngày dài. Điều nào chúng ta học sẽ xảy ra?". Hàng loạt cánh tay giơ lên: "Hormones và thay đổi tâm lí. Đến tháng". Đây là ngày thứ tư của tuần giáo dục giới tính của trường St Matthew.

Ở Anh, học sinh tiểu học sẽ bắt buộc phải học về các mối quan hệ lành mạnh, dậy thì và giữ an toàn trên mạng. Các học sinh cấp 2 sẽ được học cách chải chuốt, về quan hệ tình dục và bạo lực gia đình cũng như các bệnh lây qua đường tình dục, hay ảnh hưởng của việc xem các nội dung xấu trên mạng.

Tuy nhiên, nhiều nhóm phụ huynh phản đối những thay đổi trên, kêu gọi chính phủ ‘bảo vệ sự ngây thơ của trẻ em’. Còn nhiều dấu hiệu cho thấy giáo dục giới tính vẫn là chủ đề gây tranh cãi ở Anh: Một trường tiểu học ở Birmingham dạy học sinh về quyền LGBT bị bắt buộc dừng khoá học cho đến khi tìm ra được biện pháp đối phó với các phụ huynh.

Ấn Độ

"Cha mẹ bạn sẽ nghĩ thế nào về việc bạn quan hệ?". Một lớp học ở Ghaziabad - một vùng ngoại ô Delhi đang thảo luận về câu hỏi này. Một cô bé giơ tay: "Tình dục có thể đợi. Còn sự nghiệp thì không".

Giáo dục giới tính là điều hiếm xảy ra ở Ấn Độ. Các bộ phim Bollywood cắt sang "cảnh ong bướm" ngay sau khi cặp tình nhân về phòng ngủ. Hàng loạt vụ hiếp dâm và giết người xảy ra. Tỉ lệ giới tính chênh lệch với 112 bé trai trên 100 bé gái.

Nhưng trong trong phòng học này, các học sinh được lên tiếng về các mối quan hệ, tình yêu và tình dục, được giáo viên hướng dẫn. Hầu hết đều nói rằng bố mẹ họ cho rằng tình yêu và tình dục không quan trọng bằng việc làm. Thậm chí ngay cả khi tình yêu đến, nó cũng không được gián đoạn học tập. Những bậc phụ huynh lớn lên trong thập kỉ 80 với tư tưởng rằng Ấn Độ sẽ trở thành một siêu cường, điều đó khiến các ý nghĩ về tình dục và tình yêu bị đè nặng áp lực.

Tuy nhiên, tư tưởng mới về tình dục mới mẻ hơn mọi người nghĩ, theo Rushi (16 tuổi). "Tình dục là một phần của văn hoá nước tôi. Chúng tôi có Kama Sutra, toàn về tình dục và nghi lễ", Rushi nói.

Tại trường ở New Delhi, học sinh nói lên những hy vọng và nỗi sợ hãi về mối quan hệ, tình yêu và tình dục trong tiết học giới tính. 

Giáo viên sau đó hỏi: "Ai trong đây sẽ bị đuổi ra khỏi nhà nếu bố mẹ biết các bạn đang yêu?". Tất cả lớp đều giơ tay. Trong trường hợp này, một trong số các thử thách lớn nhất là có nguồn thông tin đáng tin cậy. Thế hệ trẻ ngày nay có Google và một nguồn khác là các bộ phim Bollywood những năm gần đây cũng khai thác thêm về tình dục, sự độc lập của phụ nữ và các nhân vật LGBT. Các nữ sinh được cảnh báo về các nam sinh quá nóng lòng nắm tay hay hôn họ. Các nam sinh được cảnh báo không nên ám ảnh, gọi điện liên tục hay tặng quà quá nhiều. Quá nhiều điều đang thay đổi, nhưng từ ‘tình dục’ vẫn khiến người ta hoảng sợ. Điều này khá mỉa mai khi Ấn Độ là nước đông dân thứ hai thế giới.

Nicaragua

Một tiết học tại trường học ở Managua.

Để hiểu được cảm giác về quấy rối tình dục, một nhóm nam sinh chơi một trò chơi tên "el puente", có nghĩa là "cây cầu". Các nam sinh 14-18 tuổi, đứng thành hai hàng, từng người một đi qua cầu trong khi các bạn cùng lớp trêu ghẹo và nhìn chằm chằm vào họ. Họ sẽ nghĩ thế nào nếu mình bị vậy? Tất cả đều nói rằng đây là một trải nghiệm không mấy dễ chịu.

Bài học dành cho học sinh ở đây bao gồm các trò chơi, đóng vai và các bài tập. Nam sinh được dạy về bình đẳng giới tính, tính nam độc hại, tình dục và các mối quan hệ lành mạnh. Họ cũng được khuyến khích nên tôn trọng cộng đồng LGBT. Tuy nhiên giáo dục giới tính không phải là môn học bắt buộc ở Nicaragua và thường bị bỏ qua. Điều này gây nên một vài vấn đề ở đất nước trọng nam này, như tỉ lệ mang thai tuổi vị thành niên cao nhất Mỹ Latin.

Ở đây có một trò chơi, "ma sói quan hệ", trong đó có người đưa thư mang thư cho các học sinh, quản trò sẽ nói rằng những người "quan hệ" đêm qua sẽ nhận được thư. Nếu đủ can đảm, họ sẽ đứng ra và nhận thư. Trò chơi có mục đích giúp học sinh nói chuyện cởi mở hơn. 

Các nam sinh nói rằng thái độ của họ đã thay đổi vì bài học. Nhiều nam sinh ban đầu không thích cư xử kiểu "đàn ông" nhưng cảm thấy họ cần hoà nhập. Sau lớp học này, họ học được cách cảm thông với nữ giới và bỏ đi được áp lực phải quấy rối phụ nữ để chứng tỏ mình là đàn ông. Lớp học cũng cải thiện mối quan hệ giữa các nam sinh khi họ cởi mở với nhau hơn. 

Huyền Anh (Theo Guardian)