Thứ hai, 16/3/2020, 20:58 (GMT+7)

Thủy Tiên: 'Tôi muốn 9 tỷ đồng từ thiện phải dùng đúng chỗ'

Sau tiểu phẫu, sức khỏe còn yếu, nhưng Thủy Tiên tự mình khảo sát nhiều vùng hạn mặn vì muốn 9 tỷ đồng cô kêu gọi quyên góp cho bà con miền Tây được dùng hiệu quả nhất.

Ba ngày trước, Thủy Tiên kêu gọi fan, đồng nghiệp chung tay đóng góp để mua máy lọc nước biển thành nước ngọt, giúp người dân miền Tây chống hạn mặn. Giá một chiếc máy lọc nước công suất lớn khoảng 500 triệu đồng. Cô góp 50 triệu đồng. Nữ ca sĩ khẳng định, nếu quyên góp không đủ, cô sẽ cố gắng thêm tiền túi để ít nhất là "phải giúp đỡ được một vùng dân". 

Thủy Tiên đi khảo sát hạn mặn tại miền Tây.

Chia sẻ với iOne, bà xã Công Vinh cho hay, cô biết được thông tin người dân miền Tây phải đối mặt với hạn mặn, đời sống gặp nhiều khó khăn qua mạng xã hội. Hình ảnh bà con xếp hàng, đợi lấy từng can nước ngọt với giá cao khiến cô xúc động. Ngày còn nhỏ, giọng ca gốc Kiên Giang từng trải qua những năm tháng khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt mỗi khi thiên tai, hạn mặn giáng xuống các tỉnh miền Tây.

"Thời thơ ấu, những tháng hạn, nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, tôi không có nước ngọt để sinh hoạt. Nhiều khi, tình trạng này kéo dài cả tháng. Những lúc như vậy, mỗi gia đình với một cuốn sổ hộ khẩu, chỉ được phát một thùng nước ngọt. Đôi lúc, nhiều hộ dân không có nước sinh hoạt đã mua hóa chất về, pha vào nước nhiễm mặn và đợi đến sáng mai để dùng. Họ nghĩ rằng hóa chất, sau vài tiếng có thể bay đi. Thật sự rất thiếu thốn, đáng thương. Trong suy nghĩ của tôi là làm sao có thể lắp đặt được càng nhiều máy lọc càng tốt", cô chia sẻ

Là phụ nữ nhưng Thủy Tiên cho biết, cô thích tìm hiểu về các loại máy móc. Do đó, cô không gặp quá nhiều khó khăn khi tìm máy lọc công suất lớn, có khả năng đáp ứng được cho vài nghìn người dân. Vì chi phí mua, lắp đặt máy khá đắt, một mình không thể xoay xở nên cô đã kêu gọi ủng hộ và nhận được sự giúp đỡ của nhiều mạnh thường quân. Tính đến tối 16/3, số tiền cô nhận được là hơn 9 tỷ đồng. Cô vui mừng và cảm thấy bao mệt mỏi tan biến nhờ lòng tốt của mọi người. Theo Thủy Tiên, với số tiền hơn 9 tỷ đồng, cô sẽ giúp đỡ được ít nhất 12 vùng dân ở các tỉnh miền Tây.

"Tôi bất ngờ và không nghĩ số tiền mình kêu gọi được sau 3 ngày lại tăng nhanh tới vậy. Khi kêu gọi được 3 tỷ đồng, tôi nảy sinh suy nghĩ đóng tài khoản. Thế nhưng, vì đã đi khảo sát, tôi biết quá nhiều địa phương không có nước dùng, bà con phải xếp hàng chờ nước, tôi thương quá nên vẫn mở quỹ và số tiền tiếp tục tăng lên. Ngoài kinh phí lắp đặt máy, phần còn lại, tôi tính đến việc hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống, canh tác khi thiên tai qua đi. 

Tôi thực sự ấm lòng trước nghĩa cử cao đẹp của khán giả, đồng nghiệp. Ba ngày qua, nhiều người nhắn tin, gọi điện cho tôi để hỏi thăm tình hình khảo sát, lắp đặt máy. Trước đó, tôi có trải qua một ca tiểu phẫu nên sức khỏe còn khá yếu. Việc đi khảo sát ở miền Tây có sự giúp đỡ của ông xã tôi. Anh cho tôi nhiều động lực cố gắng. Tôi mong mình có đủ sức khỏe để có thể đi đến nhiều nơi, giúp đỡ được nhiều bà con hơn nữa", cô kể.

Thủy Tiên là ca sĩ chăm làm từ thiện.

Theo lời Thủy Tiên, vợ chồng Đông Nhi - Ông Cao Thắng, người mẫu Minh Tú, ca sĩ Đức Phúc... là những đồng nghiệp đầu tiên gửi cô tiền quyên góp, ủng hộ bà con. Cô cảm kích trước tấm lòng của các đồng nghiệp. Tuy nhiên, khi đọc được những thông tin về việc Đông Nhi - Ông Cao Thắng hay Minh Tú bị chỉ trích ủng hộ quá ít so với thu nhập, Thủy Tiên thấy khá buồn và thương cho các nghệ sĩ.

"Của một đồng nhưng công một nén. Tôi nghĩ không ai bắt họ phải làm từ thiện và cũng chẳng ai có thể ép họ quyên góp bao nhiêu tiền. Tôi nghĩ việc các nghệ sĩ đóng góp, hay thậm chí treo một status kêu gọi, hô hào khán giả chung tay giúp đỡ đồng bào cũng là đáng quý rồi! Đừng ai nghĩ cứ là nghệ sĩ thì sẽ giàu. Đâu ai biết được họ còn phải lo lắng cho bao nhiêu người, trả tiền cho bao nhiêu nhân viên. Kể cả bản thân tôi cũng vậy. Nếu tôi không đứng ra kêu gọi cũng chẳng ai có quyền chê trách. Tôi làm vì xót xa cho chính hoàn cảnh của bà con miền Tây", cô chia sẻ.

Thủy Tiên kể hồi mới vào nghề, khi làm thiện nguyện, cô cũng bị nhiều người mỉa mai, nói cô 'đánh bóng tên tuổi'. Ban đầu cô buồn, suy nghĩ nhiều nhưng sau này, cô học cách làm quen với những đồn đoán không mấy tích cực từ dư luận. "Việc mình làm, xuất phát từ trái tim và sự chân thành thì chẳng có gì phải sợ. Những lần làm từ thiện, tôi đều minh bạch chi tiêu, có hóa đơn, giấy tờ. Việc lắp đặt, sử dụng kinh phí thế nào, tôi cũng quay lại để chia sẻ công khai trên mạng xã hội. Điều này không phải để phô trương mà để những người đóng góp, biết được số tiền họ quyên, đang được dùng thế nào, đúng mục đích sử dụng hay không", cô chia sẻ.

8h tối 16/3, Thủy Tiên và Công Vinh vẫn chưa trở về nhà sau chuyến khảo sát. "Tôi muốn đồng tiền của khán giả được đến đúng nơi. Tôi không dám giao việc khảo sát cho người khác mà phải tự đi để xem xét từng trường hợp. Có những nơi họ viết thư khẩn, mời tôi xuống khảo sát nhưng xét thấy tình hình chưa cấp bách, tôi vẫn ưu tiên những địa phương nhiễm mặn nặng hơn. 

Vì chi phí lắp đặt máy khá đắt, nếu không biết bảo quản sẽ hư, như vậy rất lãng phí. Do đó, tôi cần đến làm việc với từng chính quyền địa phương để nhờ họ giám sát, hỗ trợ bảo quản máy. Tôi nhận tiền nhưng đồng thời cũng là nhận trách nhiệm. Bản thân tôi phải cố gắng khảo sát được nhiều nơi nhất để đồng tiền tài trợ phát huy được tác dụng", cô nói.

Theo kế hoạch, hai ngày tới, Thủy Tiên sẽ cùng Công Vinh xuống Bến Tre, Tiền Giang. Cô cũng liên hệ, mua những máy lọc đầu tiên và lắp đặt thí điểm ở Gò Công (Tiền Giang) vào 26/3 tới. "Một đội kỹ thuật từ Hà Nội bay vào sẽ lắp máy cho bà con. Tôi cũng sẽ đi theo dõi, nghiệm thu sản phẩm", cô chia sẻ.

Ngày 6/3, hạn mặn vượt mốc lịch sử 2016. 5 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp, tập trung ứng phó. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay miền Tây có khoảng 20.000 ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với năm 2016. Theo dự báo, tình trạng hạn mặn còn kéo dài hơn một tháng vì trong tháng 3, dòng chảy sông Mekong từ thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng vẫn ở mức rất thấp.

Nhiều nghệ sĩ quyên góp, giúp người dân miền Tây. Hồ Ngọc Hà và những người bạn tài trợ một tỷ đồng tiền mặt cùng ba hệ thống lọc nước trị giá tương đương. Phi Nhung tặng 50 bồn chứa nước, 500 lít nước ngọt, tổng giá trị 100 triệu đồng cho người dân xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Cô tặng thêm 100 triệu đồng cho một chùa tại Chợ Gạo, Tiền Giang làm kinh phí khoan giếng tầng sâu, phục vụ bà con.

Sáng 16/3, vợ chồng Lý Hải - Minh Hà thông báo mua 5 máy lọc nước với giá 70 triệu đồng/ máy. Việt Hương mua máy lọc nước tặng huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre giá 38 triệu đồng và đang khảo sát để tặng thêm khoảng 3 máy ở các tỉnh bị hạn mặn nặng.

Ngọc Trinh góp 200 triệu đồng giúp bà con miền Tây. Đại Nghĩa tặng 14 máy lọc nước cho nông dân Bến Tre. Riêng Thủy Tiên, cô quyên góp 50 triệu đồng và kêu gọi ủng hộ được hơn 7 tỷ đồng. Với số tiền hơn 7 tỷ đồng, cô sẽ giúp đỡ được ít nhất 12 vùng dân ở các tỉnh miền Tây.

Thiên Anh