Chủ nhật, 20/9/2020, 14:29 (GMT+7)

Thu Hằng: 'Không nuối tiếc gì trừ phần thi Khởi động'

Tân quán quân Đường lên đỉnh Olympia đặt mục tiêu vô địch cuộc thi từ năm lớp 7 và đã hoàn thành giấc mơ sau khi liên tục dẫn đầu các vòng thi trong trận chung kết sáng nay.

Sáng 20/9, tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20, trải qua 4 vòng thi cam go, luôn giữ vững phong độ và thường xuyên dẫn đầu đoàn leo núi, nữ sinh Ninh Bình với ngoại hình nhỏ nhắn nhưng bản lĩnh đã chiến thắng với 235 điểm. Thu Hằng là thí sinh đầu tiên mang vòng nguyệt quế về cho Ninh Bình, là cô gái thứ tư đoạt danh hiệu quán quân Olympia trong suốt 20 năm.

Khi Dũng Trí kết thúc vòng thi Về đích cũng là lúc Thu Hằng không thể giữ được cảm xúc, những giọt nước mắt hạnh phúc đã lăn dài trên gương mặt của tân quán quân.

Thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng.

Đội chiếc vòng nguyệt quế danh giá, Hằng nói có chút tự hào về bản thân trong cả 4 phần thi, đặc biệt là vòng Vượt chướng ngại vật. "Phần thi này như một điểm yếu của em, tại các cuộc thi tuần, tháng và quý em đều không thể giải được. Đó như một áp lực vô hình, nhưng không ngờ tại cuộc thi quan trọng nhất em đã làm được", nữ sinh nói.

Biết là điểm yếu của bản thân, nữ sinh đã chuẩn bị rất kỹ càng. Ngay sau khi biết đáp án là một từ gồm 3 chữ cái, và hình ảnh màu xanh từ miếng ghép đầu tiên, từ "Y tế" cũng đã vụt lên trong đầu em, Hằng nhấn chuông trả lời dù với nhiều người đó có vẻ là một quyết định liều lĩnh. Khi MC Diệp Chi thông báo Hằng giành được 80 điểm, cảm xúc trong em như bùng nổ sau một quãng thời gian dài dồn nén. Thừa thắng xông lên, nữ sinh liên tục dẫn đầu tại các vòng thi Tăng tốc và Về đích.

Nhìn lại hơn hai tiếng thi đấu, Hằng chỉ tiếc nuối với phần thi Khởi động - chỉ đạt 60 điểm, dù đó là sở trường của bản thân.

Với Thu Hằng, con đường đến với Olympia là một hành trình dài. Bắt đầu từ năm lớp 7, các vòng thi Olympia luôn cuốn hút cô học sinh nhỏ. Nhưng có lẽ, phải đến năm 2015, khi thấy một học sinh cùng huyện bước vào trận Chung kết - "một người rất gần mình có thể mang vinh dự về cho tỉnh nhà, tại sao mình không làm", đó là lúc Hằng đặt mục tiêu trau đồi kiến thức để có thể đặt chân đến sân chơi trí tuệ này.

"Lúc ấy em đã viết mục tiêu 'Vô địch Olympia' và treo lên tường. Với em, chỉ khi có kế hoạch, có tầm nhìn và kiên trì để thực hiện mục tiêu mới có thể chinh phục chúng, dù đó là quãng thời gian tích luỹ rất dài và nhiều năm", nữ sinh chia sẻ.

Luôn giữ thành tích học tập nổi bật, cuối năm lớp 8, Hằng đoạt Huy chương Bạc môn Toán quốc gia, sang năm lớp 9 đạt Huy chương Đồng môn Tiếng Anh cấp Quốc gia.

Trong kỳ thi vào 10, nữ sinh trở thành Á khoa của trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình, nhanh chóng phát huy thành tích cá nhân khi đoạt giải 3 cấp tỉnh về môn nghiên cứu khoa học, giải 3 cấp huyện môn tin học trẻ...

Với bạn bè, thầy cô, Hằng là học sinh giỏi toàn diện và có niềm yêu thích với môn Sinh học. Nữ sinh hiện là thành viên của đội tuyển HSG môn Sinh học của trường, kiêm bí thư của lớp với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút sự quan tâm của các thành viên trong lớp.

Đặt mục tiêu tự học lên hàng đầu, ngoài đăng ký học thêm Tiếng Anh, phần lớn thời gian Thu Hằng bổ trợ kiến thức qua việc đọc sách, tìm hiểu thông tin trên mạng để ghi nhớ thông tin, hình thành tư duy hỏi - đáp và giải quyết vấn đề hiệu quả.

Chứng kiến bản lĩnh của cô con gái suốt 4 vòng thi, chú Nguyễn Văn Hiều, bố Hằng không kiềm nổi nước mắt. "Tối hôm qua Hằng vẫn sốt vì say xe và thay đổi thời tiết, mẹ cháu phải đánh cảm, cho uống thuốc rồi giục con đi ngủ sớm chứ không ôn tập. Lúc con bước vào kỳ thi, tôi và gia đình vô cùng lo lắng, nhưng không ngờ con đã làm rất tốt", chú Hiều nói.

Hằng là chị cả trong gia đình, bố là cán bộ xóm, mẹ là giáo viên dạy toán, ngoài học trên lớp, cô con gái thường tự học ở nhà, đồng thời vẫn giúp đỡ bố mẹ việc gia đình, chăm sóc em.

"Trước khi bước vào trận chung kết, con có nói với tôi nhất định sẽ giải được vòng thi Vượt chướng ngại vật thay vì để tiếc nuối trong những cuộc thi trước. Tôi luôn tin tưởng Hằng có thể làm được", bố nữ sinh kể.

Biết con gái có cá tính mạnh, thích học các môn nghệ thuật, rèn luyện thể chất qua các môn cầu lông, cờ vua và đam mê tự tạo một kênh YouTube của bản thân, bố mẹ nữ sinh luôn khuyến khích con theo đuổi đam mê.

Thu Hằng cùng bố mẹ sau cuộc thi.

Cầm bó hoa lên chúc mừng cô học trò nhỏ, cô Vũ Thị Lan, giáo viên chủ nhiệm, đồng thời là giáo viên dạy Hoá của nữ sinh cho biết, Hằng giỏi toàn diện, luôn học đều các môn Khoa học tự nhiên và xã hội. Không những vậy, em hát rất hay, đánh đàn giỏi. Cô Lan đánh giá cao nữ sinh ở sự bản tĩnh, cầu toàn cùng tinh thần lạc quan "mọi khó khăn đều có thể vượt qua".

Trước khi bước vào trận chung kết, biết điểm yếu của Hằng ở phần Vượt chứng ngại vật, nhóm đồng hành gồm 35 thầy cô giáo trong trường được thành lập, mỗi môn có từ 3 - 4 thầy cô tập trung nghĩ câu hỏi, tình huống để thử thách để nữ sinh, rèn luyện khả năng tư duy, sẵn sàng vượt qua.

"Thấy học sinh bấm chuông khi vừa kết thúc câu hỏi số 1, tim mình như thắt lại vì hồi hộp nhưng cũng rất vui. Vui vì em đã rất tự tin giải đáp án, vui vì em đã vượt qua những nỗi sợ của bản thân", cô Lan tâm sự.

Trước bạn bè, thầy cô, Thu Hằng tự nhận không môn gì có thể làm khó bản thân ngoại trừ Hoá học, nhưng với cô Lan, đó là sự khiêm tốn khi điểm tổng kết toàn môn của nữ sinh đều trên 9,0.

"Thực ra Hằng rất kiêm tốn, môn Hoá của em vẫn luôn thuộc top đầu của lớp, chỉ có điều em muốn hướng môn học thiên về thực tế và thí nghiệm, nên cho rằng kiến thức mình học được là chưa đủ", cô Lan nói.

Là thí sinh nữ duy nhất trong cuộc thi, Hằng cho rằng yếu tố duy nhất để giúp em giành chiến thắng bên cạnh kiến thức là điều khiển cảm xúc, "chỉ cần cảm xúc tốt thì nam hay nữ là như nhau".

Kết thúc cuộc thi, nữ sinh sẽ tiếp tục việc học trên trường và chuẩn bị cho kế hoạch đi du học cho năm tới. Trước suy nghĩ, nên ở lại hay về nước cống hiến, cô gái Ninh Bình cho rằng bản thân còn chưa thể nói trước, nhưng dù ở đâu, em vẫn sẽ cống hiến cho đất nước, quê hương.

Thuý Quỳnh - Đình Tùng