Thứ sáu, 7/8/2020, 00:00 (GMT+7)

Tàu chở 2.750 tấn ammonium nitrate thành 'bom hẹn giờ' ở Beirut như thế nào?

Nguyên nhân của vụ nổ ở Lebanon bắt nguồn từ một con tàu chở hàng bị rò rỉ do Nga thuê cập cảng Beirut từ 6 năm trước.

Con tàu vướng nhiều khoản nợ, được điều hành bởi các thủy thủ bất mãn vì một lỗ thủng nhỏ ở thân tàu khiến tàu phải bơm nước ra liên tục. Con tàu chở kiện hàng hơn 2.000 tấn ammonium nitrate - loại vật liệu dễ cháy được dùng để làm phân bón và bom. Đích đến của con tàu mang tên Rhosu là Mozambique.

Thế nhưng, nó không bao giờ đến được địa điểm được định trước. Vướng vào một vụ tranh chấp tài chính và ngoại giao, con tàu đã bị thương gia người Nga bỏ lại. Và số ammonium nitrate được chuyển đến một nhà kho bến cảng ở Beirut, nằm ở đó trong nhiều năm cho đến ngày 4/8 thì phát nổ. Dư chấn vụ nổ cướp đi ít nhất 135 sinh mạng và khiến 5.000 người bị thương.

Hiện trường vụ nổ tại cảng Beirut ngày 4/8. Ảnh: AFP.

Câu chuyện về con tàu và "kiện hàng chết chóc" được hé lộ không lâu sau vụ nổ từ nhiều nguồn tin ở Lebanon, Nga và Ukraine, phơi bày về cuộc chiến pháp lý, tranh cãi về tài chính và sự lơ là, đã tạo tiền đề cho thảm kịch kinh hoàng ở thành phố thuộc khu vực Trung Đông.

"Tôi rất hoảng sợ", Boris Prokoshev (70 tuổi) - thuyền trưởng của con tàu, người Nga, nói về vụ nổ trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Sochi, Nga với New York Times.

Ở Lebanon, sự phẫn nộ của dư luận tập trung vào sự tắc trách của chính quyền - những người biết về hiểm họa từ lô hàng 2.750 tấn trong nhà kho nhưng không hề làm gì.

Các quan chức hải quan cấp cao đã viết đơn đề nghị tới tòa án Lebanon ít nhất 6 lần từ năm 2014 - 2017, nhằm tìm cách xử lý số ammonium nitrate nói trên - theo ghi chép bởi nghị sĩ Salim Aoun. Shafik Marei - Giám đốc hải quan Lebanon - viết vào tháng 5/2016: "Việc giữ kiện hàng tại kho trong điều kiện thời tiết không phù hợp tạo ra mối nguy hiểm nghiêm trọng. Chúng tôi một lần nữa yêu cầu cơ quan hàng hải xử lý số hàng trên lập tức".

Cơ quan hải quan cũng đưa ra một số giải pháp, bao gồm quyên góp số ammonium nitrate cho quân đội Lebanon hay bán cho công ty thuốc nổ. Ông Marei gửi một bức thư tương tự một năm sau đó, tuy nhiên tòa án không hề hồi đáp bất kỳ đơn kiến nghị nào của ông.

Tờ New York Times hiện vẫn không thể liên lạc được với tòa án Lebanon để bình luận về sự việc.

Tàu Rhosus, treo cờ Moldova, cập cảng Beirut vào tháng 11/2013, hai tháng sau khi rời cảng Batumi ở Georgia. Con tàu được Igor Grechushkin, một doanh nhân người Nga sống ở Cyprus thuê.

Thuyền trưởng Prokoshev lên tàu ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi thủy thủ đoàn cũ đình công vì không được trả lương. Ông Grechushkin được trả 1 triệu USD để vận chuyển số ammonium nitrate đặc đến cảng Beira ở Mozambique.

Một tòa nhà thành đống đổ nát, trơ cốt sau vụ nổ. Ảnh: Reuters.

Số ammonium nitrate này được Ngân hàng quốc tế Mozambique mua cho Fábrica de Explosivos de Moçambique - một công ty sản xuất thuốc nổ thương mại - theo Baroudi và Partners, một hãng luật đại diện cho thủy thủ đoàn.

Khi ấy, ông Grechushkin ở Cyprus đã liên lạc với tàu bằng điện thoại, thông báo thuyền trưởng rằng ông không có đủ tiền để trả phí cho tàu đi qua kênh đào Suez. Bởi vậy, ông điều tàu đến Beirut để kiếm thêm một khoản bằng cách nhận chở thêm máy móc nặng. Nhưng ở Beirut, số máy không vừa con tàu khoảng 30-40 năm tuổi này, thuyền trưởng cho biết.

Chính quyền Lebanon thấy rằng con tàu không thể ra khơi được và họ giữ tàu vì nó không thể trả phí neo tại cảng cùng một số khoản phí khác. Khi bên cung ứng cho tàu số liên lạc với Grechushkin để trả tiền nhiên liệu, thực phẩm và đồ thiết yếu khác, họ không thể liên lạc được với ông ta. Có vẻ như doanh nhân Nga, Grechushkin đã quyết định từ bỏ con tàu này.

6 thủy thủ đoàn được phép trở về nhà, song chính quyền Lebanon bắt thuyền trưởng và 3 thủy thủ người Ukraine phải ở lại trên tàu cho đến khi vấn đề nợ nần được giải quyết. Những lệnh hạn chế nhập cư của Lebanon khiến thủy thủ đoàn không thể rời tàu và họ chật vật trong việc kiếm thức ăn và các nhu yếu phẩm khác, trích theo luật sư của họ.

Ông Prokoshev cho biết chính quyền cảng Lebanon cảm thấy thương hại thủy thủ đoàn bị đói nên đã cung cấp thức ăn cho họ. Nhưng họ không hề tỏ ra lo lắng về kiện hàng cực kỳ nguy hiểm trên con tàu. "Họ chỉ muốn thu khoản tiền mà chúng tôi nợ", người này tiết lộ.

Một người đàn ông bị thương ngồi bên ngoài một nhà hàng ở khu phố Mar Mikhael của Beirut. Ảnh: AFP.

Hoàn cảnh của thủy thủ tàu Rhuso thu hút sự chú ý ở Ukraine. Truyền thông mô tả, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn như những "con tin" mắc kẹt trên một con tàu bị bỏ rơi.

Thuyền trưởng - một công dân Nga - kêu cứu với Đại sứ quán Nga ở Lebanon nhưng chỉ nhận được những câu trả lời lạnh lùng như "các ông mong Tổng thống Putin sẽ gửi lực lượng đặc nhiệm đến để cứu các ông ra à?".

Ngày càng tuyệt vọng, ông Prokoshev bán nhiên liệu của tàu và sử dụng khoản tiền để thuê luật sư. Những luật sư này cảnh báo chính quyền Lebanon rằng con tàu có thể "chìm hoặc phát nổ bất cứ lúc nào", theo tuyên bố từ hãng luật.

Một thẩm phán Lebanon yêu cầu thả thủy thủ đoàn vì lòng thương xót vào tháng 8/2014. Thuyền trưởng Grechushkin tái xuất hiện và trả tiền cho họ quay lại Ukraine.

Việc thủy thủ đoàn rời đi buộc chính quyền Lebanon phải nhận trách nhiệm xử lý kiện hàng chết người. Số hàng được chuyển đến nhà kho số 12 ở cảng Beirut.

Ammonium nitrate khi được trộn lẫn với nhiên liệu sẽ tạo thành một chất nổ cực mạnh, thường được sử dụng trong xây dựng và khai thác khoáng sản. Nó cũng được sử dụng để tạo nên các thiết bị nổ của các phần tử khủng bố như Timothy McVeigh, kẻ nổ bom ở Oklahoma năm 1995 và IS. Việc mua bán ammonium nitrate được kiểm soát ở Mỹ. Nhiều nước châu Âu bắt buộc chất này phải được trộn lẫn với thứ khác để giảm bớt sự nguy hiểm.

Giám đốc cảng Beirut, Hassan Koraytem cho biết, nhân viên hải quan và an ninh đã liên tục yêu cầu tòa án Lebanon di dời số hàng này đi chỗ khác nhưng "không có gì xảy ra". Ông cho biết: "Chúng tôi được cho biết rằng kiện hàng sẽ được bán đấu giá. Nhưng phiên đấu giá chưa bao giờ diễn ra và tòa án không làm gì hết".

Koraytem là người quản lý cảng suốt 17 năm. Khi biết tin về vụ nổ, ông nghĩ đó là do không kích. Ông không hề biết nguyên nhân đến từ nhà chứa. 4 nhân viên của ông tử vong trong vụ nổ. Ông chia sẻ: "Đây không phải lúc để đổ lỗi. Chúng ta đang sống trong một thảm họa quốc gia".

Với nhiều người dân Lebanon, câu chuyện này là dấu hiệu cho sự tắc trách của lực lượng cầm quyền - những người đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trong năm nay.

Prokshev nói ông vẫn bị nợ 60.000 USD tiền lương. Ông đổ lỗi cho Grechushkin và chính quyền Lebanon - những người khăng khăng giữ con tàu rồi niêm phong số ammonium nitrate ở cảng "thay vì rải chúng trên các cánh đồng". "Họ có thể có một vụ mùa bội thu thay vì một vụ nổ khổng lồ", ông nói.

Còn đối với tàu Rhosus, ông Prokoshev biết được nó đã chìm ở cảng vào năm 2015 hay 2016, sau khi nước tràn vào khoang. Điều duy nhất khiến ông ngạc nhiên khi nghe chuyện này là tại sao nó lại không chìm sớm hơn.

Xem thêm:
Cảng Beirut hoang tàn khi nhìn từ trên cao
Câu chuyện sau bức ảnh y tá cứu 3 bé sơ sinh ở Beirut
Vụ nổ ở Lebanon: Chạy đua cứu người trong các bệnh viện đổ nát

Huyền Anh (Theo New York Times)