Thứ tư, 15/4/2020, 02:00 (GMT+7)

‘Siêu thị 0 đồng’ cho dân nghèo tại Hà Nội

Gạo, trứng, mì tôm, dầu ăn, nước mắm và một vài nhu yếu phẩm khác trong siêu thị được tặng miễn phí cho người nghèo. 

Sáng 14/4, rất đông người dân tại Hà Nội xếp hàng dài trước "siêu thị 0 đồng" nằm trên đường Trần Duy Hưng, Quận Cầu Giấy để mong nhận 5 món đồ miễn phí trong thời kỳ khó khăn do Covid-19. Tại đây, người dân sẽ được nhân viên siêu thị hỗ trợ để lựa chọn những nhu yếu phẩm tuỳ theo nhu cầu, tối đa 5 món và đảm bảo tổng giá trị đơn hàng là 100.000 đồng/người.

Ngay tại cổng vào, các vị trí chờ được đánh dấu hướng dẫn người dân xếp hàng cách nhau 2 mét. Để nhận đồ, mọi người cần điền phiếu nhận hàng, xếp hàng vào chọn đồ theo hướng dẫn của các nhân viên.

Người dân đứng xếp hàng chờ đến lượt vào siêu thị, mỗi người cách nhau 2 mét.

Công ty Apec Group đồng loạt mở chuỗi "siêu thị hạnh phúc 0 đồng" tại 8 điểm trên 8 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Huế và Phú Yên. Dự kiến chuỗi siêu thị sẽ hỗ trợ người dân cho đến khi hết dịch Covid-19.

Đến siêu thị từ 8h30, cô Nguyễn Thị Kim, trú tại Đê La Thành, Hà Nội, đứng xếp hàng một tiếng. Trước dịch, cô Kim buôn bán đồng nát, nhưng từ ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, cô nghỉ ở nhà, cả gia đình trông chờ vào tiền lương chạy xe ôm của người chồng, nhưng mỗi ngày cũng chỉ kiếm từ 30.000 - 50.000 đồng vì không có khách. Nghe chồng nói có siêu thị phát đồ miễn phí, ở nhà cũng bí bách, cô nhờ chồng chở ra xếp hàng nhận đồ.

Cô Nguyễn Thị Kim đeo găng tay, khẩu trang phòng dịch.

Để tránh lây nhiễm khi ra ngoài, cô Kim đeo hai khẩu trang và sử dụng găng tay cao su. "Tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, việc phòng ngừa cũng không thừa, tôi đeo găng tay để hạn chế sự tiếp xúc. Về nhà tôi sẽ giặt sạch, rồi sát khuẩn bằng xà phòng mới yên tâm", cô Kim chia sẻ.

Đến xếp hàng, cô mong muốn nhận được gạo và mì tôm để duy trì qua ngày dịch, còn thức ăn mặn tuỳ thuộc vào số tiền chồng kiếm được. "Giờ mình cần no bụng trước, chứ tính gì đến chuyện ăn ngon", cô cười.

Covid-19 ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, phần lớn thu nhập đều từ công việc chạy xe ôm của người chồng. Bản thân cô bị thoát vị đĩa đệm, đau ốm liên miên, tiền thuốc thang chạy chữa cũng tốn kém, nay lại ở nhà.

"Nhưng cũng may nhờ có nhà nước, các tổ chức thiện nguyện đã giúp phần nào gia đình tôi. Giờ tôi chỉ mong nhanh hết dịch để được quay trở lại cuộc sống bình thường", cô nói.

Cầm túi đồ gồm gạo, đường, trứng, dầu ăn sau gần 2 tiếng chờ đợi vì lượng người xếp hàng lớn, người phụ nữ trung tuổi vui vẻ ra về: "Số thức ăn này gia đình tôi đủ ăn trong vòng một tuần. Hy vọng sang tuần sau mọi chuyện sẽ tốt lên".

Gần 10 giờ 30, bà Nguyễn Thị Hằng (87 tuổi, trọ trên đường Đê La Thành, Hà Nội) chống gậy bước đến. Thấy bà cụ tuổi cao, chân đau yếu, mọi người xếp hàng đều ưu tiên để bà vào lấy trước.

Bà Nguyễn Thị Hằng chống gậy tới nhận đồ.

Nhờ sự hỗ trợ của các nhân viên trong siêu thị, bà Hằng ấy được gạo, mì tôm, trứng, bột canh và nước mắm. "Số thức ăn này tôi phải ăn được vài tuần. Gạo nhiều, lại còn có mì tôm, trứng... thế là quá đủ. Tôi có thể nấu cơm mà không phiền đến mọi người xung quanh nữa", bà nói.

Bà Hằng quê ở Thanh Hoá, một mình bà ra Hà Nội kiếm sống, rồi thuê phòng trọ nhỏ trên đường Đê La Thành với giá 400.000 đồng/ tháng. Trước dịch, bà Hằng đi bán tăm bông dạo quanh khu vực chợ gần nhà. Nhưng từ ngày có lệnh giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động, bà cũng mất mối lấy tăm bông đi bán, tiền cũng không còn. Thấy bà có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người dân xung quanh thường cho gạo để duy trì cuộc sống.

"Tôi định đi bán tăm bông hết năm nay rồi về quê chứ không ở trên này nữa vì nhiều tuổi rồi. Nhưng dịch bệnh bùng phát, tôi không thể về quê, đành ở trên này sống cho qua ngày. Hết dịch chắc chắn tôi sẽ về", bà nói.

Lấy được đồ, bà Hằng không quên cảm ơn các nhân viên và mọi người nhường cho vào trước, rồi chống gậy ra chỗ người hàng xóm đang đợi để chở về.

Gạo, trứng, mì tôm, dầu ăn, mắm, đường đặt trên kệ.

Xách túi hàng từ "siêu thị 0 đồng" khi đã hơn 11 giờ trưa, cô Trần Thị Hoa, trú tại Yên Hoà, Cầu Giấy, bày tỏ lòng cảm ơn đến các mạnh thường quân đã hỗ trợ người dân lao động trong khoảng thời gian khó khăn, khi thu nhập giảm mạnh.

Đứng xếp hàng từ 10 giờ sáng, cô Hoa chia sẻ: "Từ ngày chấp hành lệnh giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng, công ty đóng cửa khiến công việc của tôi và chồng ảnh hưởng nặng. Ngày trước, mỗi tháng đi làm thuê tôi cũng được 25 công, nhưng dịch bệnh buộc tôi phải nghỉ làm, có khi cả tháng làm được 2 - 3 công nhật, chẳng đủ tiền chi tiêu cho gia đình".

Cô Trần Thị Hoa và tấm phiếu hẹn 2 tuần sau nếu khó khăn có thể quay lại nhận đồ.

Cô Hoa là người ở huyện Xuân Trường, Nam Định, cả gia đình cô chuyển lên Hà Nội sinh sống được nhiều năm nhưng vẫn phải thuê nhà với mức giá 1.300.000 đồng/ tháng. Vợ chồng cô có 2 người con, đều đã lập gia đình. Hiện, cô và chồng ở với hai người cháu, còn con cái ra ngoài thuê phòng riêng do nhà nhỏ. Trước dịch, vợ chồng người con thứ kịp về quê, 6 người còn lại trong gia đình (vợ chồng cô Hoa, vợ chồng con trai và 2 người cháu) bị kẹt lại.

"Nhà có 6 miệng ăn, nếu không kiếm được tiền thì nguy hiểm quá. Giờ ai thuê gì mình làm nấy để lấy tiền sinh hoạt tạm thời. Hôm nay đi lấy hàng, tôi lấy được gạo, dầu ăn, mì tôm và gia vị cũng duy trì đủ trong một tuần và kết hợp với lượng thức ăn còn lại trong gia đình".

Mỗi người dân đến nhận đồ phải điền đầy đủ thông tin và được phát phiếu nhận hàng, sau hai tuần có thể đến lấy tiếp, với cô Hoa cũng không ngoại lệ. Nếu hai tuần nữa công việc trở lại bình thường, khi có thể tiếp tục kiếm tiền cô sẽ không đến lấy nữa vì còn nhiều người khó khăn hơn. Còn không, chắc cô vẫn nhờ đến sự trợ giúp của các tổ chức bởi để trang trải đủ tiền sinh hoạt phí, tiền thuê nhà cũng rất vất vả.

Chị Nguyễn Minh Trang, điều phối viên siêu thị cho biết: "Khi dịch bệnh xảy ra có nhiều người không thể duy trì cuộc sống, do vậy bên mình mong muốn được lan toả những điều tích cực, sự chia sẻ, đùm bọc đến mọi người thông qua những mặt hàng nhu yếu phẩm".

Theo người đại diện của siêu thị, ‘Siêu thị 0 đồng’ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 17 giờ từ thứ hai đến thứ năm trong tuần, với mong muốn hỗ trợ người dân có thu nhập thấp, mất việc làm và chịu ảnh hưởng nặng bởi Covid-19. Mỗi người dân được nhận tối đa 5 món hàng với tổng giá trị 100.000 đồng. Để đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình nhận hàng, các nhân viên siêu thị đã kẻ sẵn các vạch giãn cách tối đa 2 mét và yêu cầu người dân tuân thủ.

Tính riêng trong sáng 14/4, ước tính gần 400 người dân đến đăng ký nhận quà. 

Nguồn hàng các siêu thị đang dự trữ với số lượng lớn để mong đảm bảo cung ứng đủ cho người dân. Số tiền ban đầu bỏ ra là từ 8 - 10 tỷ đồng để nhập các mặt hàng nhu yếu phẩm cho 8 siêu thị trên cả nước.

Thuý Quỳnh - Đình Tùng