Ngày 3/12, hàng trăm nghìn học sinh trung học phổ thông ở Hàn Quốc bước vào kỳ thi đại học Suneung (hoặc tiếng Anh là CSAT - College Scholastic Ability Test). Suneung là kỳ thi đại học nổi tiếng khốc liệt tại Hàn, được ví như cuộc chiến chung của cả phụ huynh và học sinh.
Kỳ thi đại học Suneung diễn ra vào tháng 11 hàng năm, song năm nay lùi lại một tháng do đại dịch Covid-19. Năm nay, số thi sinh tham dự giảm 10% so với năm ngoái.
![]() |
Người thân đưa con đến trường trung học ở Seoul vào ngày 3/12 để dự kì thi đại học. Ảnh: Yonhap. |
Dưới tác động của dịch bệnh, kỳ thi Suneung diễn ra theo cách chưa từng có, còn chính phủ Hàn đứng trước áp lực để đảm bảo gần nửa triệu thí sinh dự thi được an toàn.
Các nhà chức trách giáo dục cho biết kỳ thi được lên kế hoạch với các biện pháp phòng chống lây nhiễm nghiêm ngặt tại 1.383 trung tâm khảo thí và 31.291 phòng thi trên toàn quốc - tăng gần 50% so với năm ngoái. Với số lượng phòng học tăng lên, số lượng cán bộ coi thi và các nhân viên khác làm nhiệm vụ cũng tăng khoảng 30% so với năm ngoái, lên khoảng 120.000 người. Mỗi phòng thi được giới hạn ở mức 24 học sinh thay vì 28, và mỗi bàn đều được lắp vách ngăn ngựa nhằm chặn virus lây lan.
Tại thành phố Daejeon, cách thủ đô Seoul 164 km về phía nam, một giáo viên trung học trong hội đồng thi cho kết quả dương tính vào hôm 2/12 khiến Sở giáo dục địa phương buộc phải thay thế 19 người khác tiếp xúc gần với bệnh nhân.
"Ngoài đảm bảo giãn cách xã hội, mục tiêu của chúng tôi đối với kỳ thi năm nay là sàng lọc giữa các thí sinh dự thi, phát hiện những người có biểu hiện triệu chứng, những người đang tự cách ly và bệnh nhân để cách ly nghiêm ngặt nhằm đảm bảo môi trường an toàn tại các trung tâm khảo thí", một quan chức Bộ Giáo dục cho biết.
Không giống như những năm trước, tại các điểm thi ở Seoul không còn cảnh đứng tập trung cổ vũ. Phía chính quyền thành phố cấm tụ tập đông người và khuyến cáo phụ huynh không nên đợi bên ngoài trường do lo ngại về Covid-19. Theo ghi nhận của Yonhap, nhiều học sinh lặng lẽ ôm chầm lấy người nhà trước khi bước vào phòng thi. Một số bạn lau nước mắt, trong khi một số khác cười đùa cùng bạn bè và chụp ảnh selfie bên ngoài cổng trường.
![]() |
Sĩ tử bịn rịn bên người thân. Giới chức khuyến cáo phụ huynh không nên đợi ở cổng trường nhằm tránh lây lan Covid-19. |
Vì Suneung là cột mốc mang tính quyết định với các sĩ tử, Bộ Giáo dục Hàn Quốc vẫn cho phép bệnh nhân đang mắc Covid-19 tham gia. Những người này được chuyển đến các bệnh viện, cơ sở giáo dục được chỉ định sẵn và làm bài thi tại đây.
Năm nay, việc tập trung nhận phòng thi bị hủy bỏ do lo ngại dịch. Các học sinh phải đeo khẩu trang và đo thân nhiệt. Trong trường hợp có nghi ngờ về việc nhận dạng, thí sinh cần nhanh chóng tháo khẩu trang xuống. Nhưng họ sẽ phải đeo khẩu trang suốt quá trình làm bài thi.
Trong thời gian giải lao, thí sinh được yêu cầu không tụ tập và nói chuyện. Họ cũng được yêu cầu mang theo bữa trưa đóng hộp để ăn tại chỗ. Ngoài ra, bình nước không được lắp đặt tại các trung tâm như một biện pháp phòng ngừa, do đó học sinh cũng tự mang theo nước uống.
![]() |
Việc giãn cách chống dịch được đảm bảo nghiêm ngặt. |
![]() |
Cán bộ xịt nước rửa tay cho thí sinh tại trường trung học ở Seoul ngày 3/12. Ảnh: Yonhap. |
Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc được coi là một sự kiện quan trọng quốc gia. Chính phủ không chỉ điều phối hoạt động giao thông công cộng để hỗ trợ thí sinh đến điểm thi đúng giờ mà còn cấm các chuyến bay khi bài nghe tiếng Anh diễn ra. Nhiều phương tiện bị cấm khỏi khu vực thi trong vòng 200 m nhằm giảm tiếng ồn.
Tổng thống Moon Jae-in hôm nay cũng gửi thông điệp đặc biệt tới gần nửa triệu sĩ tử: "Chuẩn bị cho kỳ thi CSAT đã khó và sẽ còn khó hơn và đáng lo ngại hơn khi kỳ thi diễn ra trong bối cảnh Covid-19. Tôi cảm thấy tiếc (với tư cách là tổng thống). Tôi muốn quàng những chiếc khăn ấm quanh cổ các bạn. Hãy bình tĩnh, tự tin".
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm nay báo cáo thêm 540 ca nhiễm và 3 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên 35.703, số người chết vì Covid-19 lên 529.
Xem thêm: Tại sao người Hàn Quốc dành cả thanh xuân để học và thi?
Huyền Anh (Theo Yonhap)