Thứ năm, 17/6/2021, 13:03 (GMT+7)

'Sạp rau củ quả mini' cưng xỉu của bà chủ trẻ yêu bếp

Từng hạt gạo, củ tỏi cho đến mớ hành lá... trong sạp hàng của Như Quỳnh có kích thước 1:12 so với bản gốc, nhưng trông thật đến bất ngờ.

Cuối tháng 5/2021, Nguyễn Như Quỳnh (33 tuổi, Hà Nội) chia sẻ hình ảnh sạp rau củ quả bắt mắt lên một hội nhóm yêu bếp và nhanh chóng thu hút hơn 100 nghìn lượt yêu thích. Đó là một sạp rau được bài trí vô cùng bắt mắt với đủ thứ rau, củ, quả riêng biệt "tha hồ để khách lựa chọn". Từ đu đủ, su su, cải thảo, măng tây, cà rốt, hành, tỏi, ớt.... đủ màu sắc, "giống y bản chính" nhưng lại bé tí hon. "Bà chủ sạp rau" hào hứng khoe: "Đây là những sản phẩm của nhà trồng được. Khách cần gì, sạp có đủ".

Sạp rau củ nổi "rần rần" khắp các trang mạng của bà chủ sạp Như Quỳnh.

Tốt nghiệp chuyên ngành Văn hóa, ĐH Văn hóa, chưa từng học qua mỹ thuật và thiết kế, cũng không phải là người chạy theo trào lưu, thế mà Như Quỳnh đã gắn bó với thú chơi đất sét này hơn 10 năm.

Thời điểm đó, mô hình làm đồ ăn bằng đất sét chưa phổ biến rộng rãi, tìm người cùng sở thích đã khó, chưa nói đến chỗ cung cấp vật liệu. Để thỏa đam mê, cô buộc phải đặt đồ từ nước ngoài với mức giá khá cao, mất từ 1 – 2 tuần chờ nguyên liệu về đủ mới bắt tay vào tạo hình.

Không ai hướng dẫn, cô tự lên mạng tham khảo các video hướng dẫn sử dụng nguyên liệu và tạo hình. Từ khi bắt đầu, Quỳnh đã rất nghiêm túc với dòng tạo hình mini và say mê chế tác đồ ăn, các nguyên liệu chế biến có kích thước siêu nhỏ (tỉ lệ 1:12).

"Món đồ to nhất mình làm là khoảng 2,5 cm, còn các chi tiết nhỏ hơn như hạt gạo, cọng hành thái trên bát phở chỉ chừng 1 mm", Quỳnh nói.

Để làm ra các sản phẩm giống thật đến từng đường nét, "bà chủ sạp" tiết lộ phải ngồi hàng giờ để ngắm nghĩa cấu tạo của các loại rau củ, món đồ ăn mình định làm rồi mô phỏng lại. Tự nhận mình là người cầu toàn, mỗi sản phẩm được làm ra đều phải đạt đến mức hoàn hảo. Cô muốn khi một sản phẩm khi được làm nên phải tạo ra những sự ngờ vực: "Chúng là đồ thật hay được nặn bằn đất sét?".

"Đó là lý do tại sao quả bí đỏ khi cắt ra cũng có những vết gồ ghề nhất định, phần nhựa tứa ra trên thân khi để lâu trong không khí sẽ bị thâm; Mớ rau xanh vẫn lốm đốm chỗ bị sâu ăn; Củ khoai tây có những chỗ lồi, lõm; Phần râu ngô buộc phải dùng tóc búp bê để tạo độ tơ, từng hạt bắp được xếp vào lõi vô cùng tỉ mẩn... cốt là sao cho giống thật nhất", Quỳnh hào hứng kể.

Hoa quả, rau củ đều được làm với kích thước siêu bé từ vài mm đến cm.

Theo lời Quỳnh, để hoàn thiện một mô hình đồ ăn từ đất sét tốn từ 4 – 5 tiếng, tùy theo độ đơn giản hay phức tạp. Thậm chí nhiều mô hình phải mất đến vài ngày mới xong.

"Để thực hiện, người dùng cần pha màu cho sản phẩm. Mình thường dùng màu winsor and newton, màu tamiya gốc cho ra màu khá chân thực, không bị phai. Tiếp đến là tạo hình, đây cũng khâu đòi hỏi sự tập trung cao độ. Sau là dặm màu và cuối cùng là phủ một lớp bảo vệ thành phẩm", 8x chia sẻ.

Ngoài rau củ, Quỳnh thử sức với rau củ và các món đồ ăn. Với hoa quả "bà chủ sạp" quan sát tỉ mẩn về độ chín không đồng đều, có quả già, quả xanh, có quả vẫn còn ương. Hay với quả na cô buộc phải nặn từ hạt đen nhánh, đem nung cứng rồi bọc phần "thịt trắng" cho từng tép...

Làm nhiều đồ, nhưng 8x cho rằng tạo hình đồ ăn mặn và ngọt là khó hơn cả. "Khác với đồ rau củ quả, chế biến đồ ăn chín khó vô cùng do phải quan sát màu sắc của món ăn thay đổi khi nấu, tính toán để sắp xếp các món ăn lên bát, dĩa, phân phối màu sắc sao cho phù hợp. Như nếu làm món cơm rang thì buộc phải nặn từ hạt cơm; muốn làm phở lại phải nặn từ miếng thịt, sợi phở cho đến hành lá đã cắt lát", Quỳnh nói.

Với cô gái trẻ, một tác phẩm đạt chuẩn không chỉ trông giống thật mà chúng còn phải gây ấn tượng với người xem và khiến họ trầm trồ. Từ ngày "debut" đến nay, Như Quỳnh đã làm khoảng 1.000 tác phẩm, một số đã được tặng, bán và bị thất lạc. Không chỉ dừng lại ở sạp rau củ, hiện tại "bà chủ sạp" còn "mở thêm" các cửa hàng tạp hóa, nhà cho búp bê, căn bếp đủ đồ dùng và chế biến các món ăn mini.

Kể từ khi "dính" đến thú vui làm đồ chơi đất sét, Quỳnh không tính nổi đã tiêu tốn hết bao nhiêu tiền. Ban đầu cô chơi đất sét Thái Lan, chừng vài chục nghìn đồng/cục, nhưng chúng khô, cứng và khó đạt được những yêu cầu của người làm nên chuyển sang đất sét chuyên nghiệp của Nhật. Thỏa mãn được mong muốn khi làm chế tạo nhưng mức giá về đến Việt Nam quá cao 800 - 900 nghìn đồng/ cục (thời điểm chưa bán trong nước), cô vẫn quyết chi vì thích. Hiện, giá đất sét tại Việt Nam là 400 nghìn đồng/cục.

Hết đất sét là màu sơn. Một lọ chỉ có vài ml cũng lên đến cả trăm nghìn. Nhưng làm đồ đâu chỉ có một lọ màu, Quỳnh buộc phải sắm cả bộ màu (từ vài chục đến vài trăm lọ), mức giá khoảng 70 - 80 nghìn đồng/lọ.

Bà chủ sạp Như Quỳnh và tác phẩm sau khi hoàn thiện.

Ngày chưa vướng bận con cái, Quỳnh mở thêm lớp dạy chế tác đồ chơi đất sét cho các học viên. Sau vài năm, khi đã có gia đình nhỏ và làm mẹ, Như Quỳnh buộc phải tạm gác công việc dạy học, tập trung làm kinh doanh, nhưng vẫn giành một thời gian nhất định để thoải đam mê.

"Thấy mẹ làm đồ mini, em bé nhà mình cũng mê lắm, cũng thích cầm nắm, nhưng mình lại... không muốn chia sẻ những món đồ này với con, bởi bé cầm vào nghịch sẽ bị xô lệch, rơi vãi là hỏng hết, lại mất công xếp lại, mất đến vài tiếng cũng nên. Lúc ấy chắc mình khóc mất", bà mẹ trẻ nói.

Bận rộn với công việc và chăm lo cho gia đình, nhưng Như Quỳnh mong muốn sẽ sớm quay trở lại với niềm đam mê, làm thêm nhiều các tác phẩm đất sét đẹp, độc và giống thật hơn nữa.

Thúy Quỳnh

Ảnh: Nhân vật cung cấp