Thứ tư, 18/8/2021, 21:09 (GMT+7)

'Sài Gòn ơi mau khỏe lại thôi, bụng đói rồi'

Bộ tranh ‘Đói bụng, Sài Gòn ơi’ bình dị, cảm động như một lời cầu nguyện mong "thành phố không ngủ" sớm vượt qua dịch bệnh.

TP HCM thời gian này yên lặng quá, thiếu đi sự nhộn nhịp vốn có, tiếng ý ới gọi tô hủ tiếu, bánh canh ở những quán ăn ven đường, tiếng cô bán hàng rong vang vọng từng con hẻm... dường như im bặt, thành phố tĩnh lặng đến lạ thường.

Gần 3 tháng giãn cách, chắc có người sẽ thèm một tô hủ tiếu nghi ngút khói, ổ bánh mì pate chà bông ăn kèm đồ chua, lớp vỏ bánh giòn rụm hay đĩa cơm tấm sườn bì chả thơm nức mũi, rồi nhâm nhi ly cà phê sữa đá vỉa hè. Và cũng có người lại ao ước một bữa cơm nhà bình dị, trò chuyện với những người thân yêu. Đó là những lý do khiến bộ tranh "Đói bụng, Sài Gòn ơi" ra đời.

Nguyễn Sơn Tùng (29 tuổi, trú tại Quận 1, TP HCM) từng theo học ngành Illustration tại Niigata College Art and Design ở thành phố Niigata, Nhật Bản. Anh là tác giả của nhiều bộ ảnh thú vị gây sốt trong cộng đồng mạng như "Lost in Tokyo", "Dép tổ ong đi khắp thế giới", "What if they were in real life" và mới đây là bộ tranh "Đói bụng, Sài Gòn ơi!" kết hợp với hoạ sĩ minh hoạ Mèo Mập Ú.

"Đói bụng, Sài Gòn ơi! là cái tên mình nảy ra khi nghĩ về câu làm nũng ngày còn bé khi ở cạnh bà, lắm khi thức khuya học bài, đói bụng là lại hét toáng lên: ‘Bà ơi! Con đói bụng!’, y rằng sẽ có hẳn một tô cơm chiên thật to, bà bắt ăn cho bằng hết mới được làm bài tiếp... TP HCM bây giờ cũng vậy, đang vào những đêm nghỉ ngơi. Thôi thì lại làm nũng, gọi Sài Gòn dậy bằng bộ tranh này, vì 'đói bụng' quá rồi!", Sơn Tùng nói.

Bộ tranh vốn được lên ý tưởng và thực hiện cách đây 5 năm, khi anh còn là du học sinh tại Nhật, nhưng mới chỉ là những bản vẽ trắng đen khi nhớ nhà, nhớ Việt Nam và Sài Gòn da diết.

Nhưng trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, anh có cơ hội được nói chuyện với một người em là bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, nghe nhiều, hiểu được sự "thèm thuồng" không khí gia đình, muốn về nhà ăn cơm, được nếm các món ở gánh hàng rong... anh quyết định làm lại bộ tranh cũ với màu sắc tươi mới, như món quà tinh thần gửi đến đội ngũ tuyến đầu đang gồng mình chống dịch và cả những ai đang "thèm" Sài Gòn ngày trở lại.

"Ý tưởng lấy từ bức vẽ cũ nhưng làm mới toàn bộ, từ cách thể hiện, bố cục. Ngoài những bức vẽ về món ăn, mình cũng có vẽ thêm các bức tranh từ chính câu chuyện trong quá trình chống dịch, về các bữa cơm nhà bình dị và chan chứa tình cảm", anh nói.

Sau một tuần, 11 bức tranh kể về những hàng quán, góc bếp, bữa cơm gia đình thay vì tập trung vào từng món riêng lẻ, được hoàn thiện. Anh nói các bức vẽ không chỉ thể hiện vị giác mà còn là những kỷ niệm ta cùng trải qua cùng Sài Gòn.

Chia sẻ lên mạng xã hội và gửi đến những người thân yêu, Sơn Tùng không ngờ sẽ nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người trẻ, đặc biệt là những tin nhắn từ các bác sĩ tuyến đấu chống dịch.

"Như đã hứa, tôi gửi tặng bức tranh đến người em đang đi chống dịch, và cứ thế, các bức vẽ được chuyển tới nhiều người hơn. Đặc biệt bức "cơm nhà" khiến nhiều người xúc động vì đã rất lâu các y bác sĩ chưa thể về nhà", Tùng kể.

Sinh ra và lớn lên ở TP HCM, từng đi khắp các ngóc ngách của thành phố nhưng Sơn Tùng thừa nhận chưa bao giờ thấy "thành phố không ngủ" vắng lặng đến thế. Thời gian này thành phố cần nghỉ ngơi để rồi sẽ "comeback" thật rực rỡ.

Trong thời gian tới, anh dự định làm thêm nhiều dự án cổ vũ cộng đồng để lan toả những thông điệp tích cực đến với mọi người.

"Mình lúc nào cũng mong Sài Gòn bình yên trở lại để được đi nhiều nơi, được tiếp tục các chuyến hành trình xuyên Việt, được chụp ảnh nhiều hơn, để mọi người biết đến một Việt Nam tươi đẹp đến nhường nào", Sơn Tùng bộc bạch.

Thúy Quỳnh

Tranh: Nhân vật cung cấp