Chủ nhật, 21/6/2020, 17:38 (GMT+7)

Hàng trăm người dân đội nắng xem nhật thực ở Hà Nội

Chiều 21/6, người dân thủ đô tập trung quan sát hiện tượng nhật thực một phần, khi Mặt trời bị che khuất tới 71%.

Từ 12h30, hàng trăm người dân có mặt ở Công viên Hòa Bình (đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy) để quan sát hiện tượng nhật thực một phần. 

Tại đây, Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội chuẩn bị 5 kính thiên văn chuyên nghiệp để phục vụ miễn phí cho người quan sát nhật thực. Nhiều trẻ nhỏ thích thú khi được lần đầu chứng kiến hiện tượng kỳ thú này.

Anh Nguyễn Tất Doanh, áo xanh, thành viên Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS), cho biết: "Thời tiết Hà Nội hôm nay rất thuận lợi cho việc quan sát nhật thực một phần. Để quan sát phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng như kính thiên văn có lớp phủ, hoặc quan sát gián tiếp qua các thiết bị khác bởi vì các bức xạ trên mặt trời rất nguy hiểm. Nếu nhìn trực tiếp bằng mắt thì ảnh hưởng đến thị lực".

Nếu tính từ Bắc xuống Nam thì nhật thực một phần sẽ rõ nhất ở Hà Giang (79%), nhỏ dần xuống phía dưới và ít nhất ở Cà Mau (27%). Riêng ở Hà Nội, nhật thực một phần đạt cực đại lúc 14 giờ 55 phút với tỷ lệ che phủ tới 71% và kết thúc lúc 16h18.

Nhiều người sử dụng điện thoại để chụp hiện tượng kỳ thú này thông qua kính chuyên dụng.

Anh Chris (quốc tịch Pháp) đến đây để cùng con trai trải nghiệm hiện tượng nhật thực hiếm gặp này. "Tôi từng được nhìn thấy hiện tượng này tại Pháp, nhưng đó là câu chuyện của hơn 10 năm trước rồi. Tôi đến đây mong muốn con mình cũng được tận mắt cảm nhận", anh nói. 

"Đây là thiết bị chuyên chụp mặt trời. Thiết bị này có giá 200 triệu đồng, tôi đầu tư các đây 2 năm. Ở Việt Nam, có khoảng 10 - 20 bộ như này" - Anh Trần Hạ (thành viên Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội - HAS) cho hay. 

Nhiều người sử dụng kính chuyên dụng có giá 30.000 đồng để quan sát. Chị Thanh Tú (Hà Nội) có mặt ở Công viên Hoà Bình từ 14h cùng con trai. 

"Em yêu thích thiên văn từ năm 8 tuổi. Khi biết hiện tượng này xảy ra ở Hà Nội em rất háo hức và mong chờ tới ngày này. Em cùng nhóm bạn đi xe bus từ lúc 13h đến đây, tuy hơi xa thời tiết nắng nóng nhưng vì đam mê nên bọn em vẫn có mặt ở đây hôm nay", em Hồ Quang Hưng, lớp 7, THCS Tiền Phong (Mê Linh - Hà Nội) chia sẻ.

Hình ảnh quan sát thu được từ phễu lọc qua kính thiên văn.

Dự kiến, vào năm 2031 người dân mới có cơ hội chứng kiến một lần nữa hiện tượng nhật thực một phần. Còn nhật thực toàn phần sẽ xảy ra vào năm 2070.