Thứ bảy, 9/5/2020, 14:45 (GMT+7)

Phản ứng kịch liệt của thế giới với Trung Quốc về Covid-19

Khi các yêu cầu điều tra và bồi thường ngày một gia tăng, Bắc Kinh phản ứng quyết liệt, bằng cả cứu trợ lẫn đe dọa, nhưng chỉ gia tăng thêm sự mất niềm tin vào Trung Quốc.

Australia đã yêu cầu điều tra nguồn gốc của Covid-19. Đức và Anh đang lưỡng lự trong việc cho "gã khổng lồ công nghệ" Huawei thâm nhập vào thị trường. Tổng thống Trump đỗ lỗi cho Trung Quốc khi để đại dịch xảy ra và muốn trừng phạt nước này. Một số chính phủ khác muốn kiện đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Trên khắp thế giới, một làn sóng chỉ trích Trung Quốc đang rộ lên vì cách phản ứng của nước này vào thời điểm đầu của đại dịch, dẫn đến việc virus lây lan ra toàn cầu. 

Nhưng Bắc Kinh phản ứng gay gắt trước những chỉ trích từ bên ngoài. Cách phản ứng bao gồm kết hợp cứu trợ y tế các nước khác với những ngôn từ chủ nghĩa dân tộc gay gắt. Họ đưa ra các đe dọa về kinh tế đồng thời thể vai trò cứu thế giới khỏi tai họa và yêu cầu các nước biết ơn vì điều đó. Nhưng chiến lược này phản tác dụng, khiến sự bất tín ngày càng tăng lên với châu Âu và châu Phi, phá hoại hình ảnh "người bạn toàn cầu hào phóng" mà Trung Quốc đang kỳ vọng.

Một buổi lễ vào tháng 3 đánh dấu bệnh viện dã chiến cuối cùng ở Vũ Hán đóng cửa. Ảnh: Reuters. 

Ngay từ trước đại dịch, Bắc Kinh thể hiện cách tiếp cận mạnh mẽ theo chính sách ngoại giao "Chiến lang", được đặt tên theo bộ phim hành động của Trung Quốc, kể về một lính đặc nhiệm thiện xạ Trung Quốc đối mặt với các âm mưu ám sát của một đội quân đánh thuê do Mỹ cầm đầu.

Theo chiến lược này, một thế hệ nhà ngoại giao trẻ tuổi trung thành và nhiệt huyết của Trung Quốc đã tung ra những thông điệp thể hiện rõ chủ nghĩa dân tộc, đôi khi là cả những lời hăm dọa tới các nước sở tại họ được cử đến làm việc, François Godement - cố vấn về châu Á cho tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Institut Montaigne trụ sở tại Paris - nhận định.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, giọng điệu của các tuyên bố càng trở nên cứng rắn hơn. Trong vài tuần qua, ít nhất 7 đại sứ Trung Quốc ở Pháp, Kazakhstan, Nigeria, Kenya, Uganda, Ghana và Liên minh châu Phi, đã bị các nước sở tại triệu tập để trả lời về các cáo buộc, từ tung thông tin sai lệch đến đối xử bất bình đẳng với người châu Phi ở Quảng Châu.

Đáp lại, Trung Quốc đe dọa tạm ngưng viện trợ y tế cho Hà Lan vì đổi tên văn phòng đại diện ở Đài Loan để thêm chữ Đài Bắc. Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc ở Berlin đấu khẩu công khai với tờ báo Đức Bild sau khi tờ này cho rằng Trung Quốc cần bồi thường 160 tỷ USD tiền thiệt hại cho Đức vì Covid-19.

Một nhóm bác sĩ Trung Quốc đang kiểm tra một bệnh viện tạm thời ở Belgrade. Ảnh: AFP.

Tổng thống Trump cho biết vào tuần trước, Washington đang tiến hành các điều tra về cách xử lý dịch bệnh của Bắc Kinh. Ông thúc giục cơ quan tình báo Mỹ phải tìm ra được nguồn gốc của nCoV, thúc đẩy giả thuyết nó có thể rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, mặc dù hầu hết cơ quan tình báo vẫn đang hoài nghi về tuyên bố này.

Các thành viên Đảng Cộng hòa ở Mỹ đều ủng hộ quyết định tấn công Trung Quốc của ông Trump. Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt đã đệ đơn lên tòa án liên bang, tìm cách buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm vì đại dịch. 

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, gọi vụ kiện này là "tầm phào", nhấn mạnh nó không khả thi, không có cơ sở pháp lý và chỉ là "cách để thu hút sự chế giễu". 

Vụ kiện có vẻ như không nhằm vào chiến thắng tại tòa mà thúc đẩy Quốc hội ban hành luật khiến công dân Mỹ dễ dàng kiện nước ngoài đòi bồi thường hơn. Theo quan điểm của Bắc Kinh, yêu cầu đòi bồi thường này khiến họ liên tưởng đến khoản bồi thường sau phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, theo Theresa Fallon, Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Nga - châu Âu -châu Á. 

Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn là làn sóng siêu chủ nghĩa, bài trừ tư bản, công giáo vào những năm 1899-1901 ở Trung Quốc. Phong trào bạo lực diễn ra trong bối cảnh cuối thế kỷ 19 đầu 20, và kết thúc trong thất bại, với khoản bồi thường khổng lồ cho 8 nước trong nhiều thập niên sau đó.  

Fallon cho rằng, khó có khả năng ông Tập chịu đồng ý bồi thường. Thay vào đó Trung Quốc bắt buộc phải thay đổi cục diện, chuyển từ câu chuyện về trì hoãn chống dịch hay "bịt miệng" người cảnh báo sớm về virus, thành câu chuyện họ chiến thắng dịch bệnh nhờ sự đoàn kết của Đảng.

Trong phiên bản câu chuyện mới nhất của Trung Quốc, virus không hề đến từ nước này mà từ quân đội Mỹ - một cáo buộc không căn cứ của người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Các nhà ngoại giao Trung Quốc được Bắc Kinh khuyến khích phát ngôn mạnh bạo, theo Susan Shirk - một học giả Trung Quốc và là giám đốc của Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21 ở Đại học California, San Diego. "Việc bổ nhiệm ông Triệu lên làm người phát ngôn và tuyên bố của ông về quân đội Mỹ báo hiệu cho người dân Trung Quốc rằng đây là quan điểm chính thức, do đó, thuyết âm mưu này càng được khuếch đại mạnh", bà nói.

Bà cho biết thêm rằng điều này khiến mọi nỗ lực đàm phán trở nên khó khăn hơn. Về lâu dài, Trung Quốc đang gieo mầm sự bất tín và tự phá hủy lợi ích của chính mình. Bà hiện viết một cuốn sách tên Overreach nói về cách chính trị trong nước ở Trung Quốc làm lệch tham vọng vươn lên thành một siêu cường trên thế giới một cách hòa bình.

Bà cho biết: "Khi Trung Quốc bắt đầu kiểm soát được Covid-19 và bắt đầu chiến dịch ngoại giao y tế, đây có thể là cơ hội để họ nhấn mạnh tinh thần đồng cảm của mình và xây dựng lại lòng tin và danh tiếng là một siêu cường có trách nhiệm. Nhưng nỗ lực ngoại giao đã bị làm chệch hướng, sử dụng sự hỗ trợ của mình như đòn bẩy để thu hút sự khen ngợi dành cho Trung Quốc và việc nước này đã ngăn chặn virus lây lan thế nào".

Tổng chưởng lý Missouri, Eric Schmitt, đệ đơn kiện lên tòa án liên bang buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm về sự bùng phát của Covid-19. Ảnh: AP.

Trong những ngày gần đây, truyền thông quốc gia Trung Quốc đăng tải hàng loạt phát ngôn mạnh bạo. Sau khi Australia tuyên bố mong muốn một cuộc điều tra về virus, Trung Quốc nói đó chỉ là "bã kẹo cao su dính dưới gót giày của Trung Quốc". Bắc Kinh cảnh báo Australia về nguy cơ thiệt hại lâu dài trong quan hệ thương mại với Trung Quốc - nơi chiếm 1/3 sản lượng xuất khẩu của Australia.

Ngay cả ở những quốc gia châu Âu như Đức, "sự mất niềm tin vào Trung Quốc tăng lên nhanh chóng", theo Angela Stanzel - một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện các vấn đề an ninh và quốc tế của Đức. 

Tại Đức và Anh, nhiều người cùng đặt câu hỏi về việc có nên sử dụng Huawei cho hệ thống 5G mới không? Nhiều nỗi lo cũng nổi lên về sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các vật liệu thiết yếu và dược phẩm.

Pháp - nước vốn có mối quan hệ tốt với Bắc Kinh - cũng tức giận trước phát ngôn của các nhà ngoại giao Trung Quốc, trong đó có một cáo buộc rằng nước này để công dân lớn tuổi chết trong các nhà dưỡng lão. Điều này thúc đẩy lời phản bác của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian và sự tức giận từ các nhà lập pháp, mặc dù trước đó đã có sự trao đổi viện trợ y tế như khẩu trang.

Gần đây, chính phủ Đức cũng phàn nàn rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đang thúc giục các quan chức chính phủ và giám đốc các công ty lớn của Đức viết thư bày tỏ sự biết ơn và ủng hộ đối với hỗ trợ và nỗ lực chống Covid-19 của Bắc Kinh. 

Việc tương tự cũng xảy ra ở Ba Lan, theo Đại sứ Mỹ ở Warsaw, Georgette Mosbacher. Trong một cuộc phỏng vấn, bà miêu tả Trung Quốc gây áp lực lên Tổng thống Andrzej Duda gọi điện cho Chủ tịch Tập Cận Bình để cảm ơn vì đã hỗ trợ. Cuộc gọi này đã được Trung Quốc chuẩn bị sẵn. Mosbacher cho biết: "Ba Lan không được cứu trợ nếu không gọi cuộc gọi đó, do vậy họ phải tận dụng cuộc điện thoại này".

Người dân bên bờ sông Australia. Ảnh: New York Times.

Vẫn có sự không hài lòng ở Trung Quốc trước các phát ngôn ngoại giao gần đây. Trong một bài báo, Zi Zhongyun (89 tuổi) - chuyên gia lâu năm về Mỹ ở Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - nhận thấy sự tương đồng trong bài phát ngôn chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại của các "Chiến lang" ngày nay với giai đoạn phong trào Nghĩa Hòa Đoàn chống lại ảnh hưởng của phương Tây ở Trung Quốc. Zi cho rằng những phản ứng như vậy có nguy cơ khiến mọi thứ vượt tầm kiểm soát.

Bà kết luận: "Tôi có thể chắc chắn rằng khi các hoạt động giống Nghĩa Hòa Đoàn được chính phủ cho là 'yêu nước' và các thế hệ tương lai của Trung Quốc được giáo dục với tư tưởng Nghĩa Hòa Đoàn, Trung Quốc sẽ không thể có chỗ đứng trong các quốc gia văn minh hiện đại của thế giới".

>>Xem thêm:

Nỗi tuyệt vọng của sĩ quan Mỹ bị đồn 'mang virus đến Vũ Hán'
Tình báo Anh nói 'không nên tin vào tuyên bố của Trung Quốc về Covid-19'

Huyền Anh (theo New York Times)