Chủ nhật, 29/12/2019, 15:01 (GMT+7)

Nữ VĐV 'vé vớt' chạy xe ôm kiếm tiền, giấu bố mẹ đi thi SEA Games

Là sự lựa chọn cuối cùng sang Philippines tham dự SEA Games 30, Phạm Thị Thu Trang (21 tuổi) đã xuất sắc giành HCV ở nội dung 10.000m đi bộ nữ.

Khác với những vận động viên (VĐV) được tuyển thẳng, với tấm huy chương bạc nội dung đi bộ tại Giải điền kinh Vô địch Quốc gia, Phạm Thị Thu Trang (Chương Mỹ, Hà Nội) may mắn được lựa chọn bổ sung lên đội tuyển Quốc gia, tham dự SEA Games 30 dù thành tích không mấy nổi trội.

Trải qua nhiều vòng thi, sáng 8/12, trên đường đua SEA Games với nội dung đi bộ 10.000m, nữ VĐV luôn bám sát nút, duy trì phòng độ trong top giành huy chương. Tới vòng thi đấu thứ 10, Thu Trang đã bỏ xa các đối thủ Malaysia, Thái Lan, Myanmar và vươn lên tranh tài với đương kim vô địch Nguyễn Thị Thanh Phúc.

Phạm Thị Thu Trang giành được HCV tại SEA Games 30.

Sau pha bắt lỗi của trọng tài, Thanh Phúc bị "tạm giữ" 2 phút, Thu Trang vươn lên bứt phá. Vòng cuối cùng, Trang dốc hết sức lực nhanh chóng hoàn thành phần thi dù cơ thể đã mỏi rã rời. Cán đích sau 52 phút 59 giây 45, Trang vẫn không tin đây là sự thật. "Lúc về đích em chỉ biết hét lớn và bật khóc. Em không nghĩ bản thân là người về đích đầu tiên và bỏ xa các đối thủ. Không thể tin lần đầu tham dự em đã giành được huy chương vàng danh giá", Trang chia sẻ.

20 ngày sau trận thi đấu, Trang vẫn giữ tâm trạng bồi hồi, xúc động mỗi khi nhớ lại giây phút đó. Khoác lá cờ đỏ sao vàng lên vai, dành những cái ôm siết chặt đến ban huấn luyện, cô gái 21 tuổi vinh dự bước lên bục cao nhất và hát vang quốc ca Việt Nam tại đấu trường khu vực.

Đằng sau tấm HCV SEA games, ít ai biết Thu Trang từng phải giấu bố mẹ đi tập luyện và chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập.

Giấu bố mẹ đi thi SEA Games

"- Thế đã xin thầy huấn luyện để nghỉ tập chưa? 

- Con xin rồi, các thầy đang duyệt".

6 năm chung tình với điền kinh, câu nói "bao giờ nghỉ" luôn khiến Trang ám ảnh mỗi khi nghe thấy. Năm 2013, Thu Trang gia nhập đội điền kinh của Hà Nội với môn chạy bộ. Ba năm rèn luyện, thi đấu nhưng thành tích không khởi sắc, ban huấn luyện định hướng cô sang môn đi bộ vào năm 2016.

"Thời gian đầu thầy định hướng sang môn mới em thấy khá hoang mang vì đi bộ phải sử dụng rất nhiều động tác kỹ thuật, khác hẳn với chạy. Lúc mới tập, em đi được 2 - 3 vòng sân (400m/vòng) là chân tay mỏi rã rời. Nghĩ nếu từ bỏ sẽ phải về quê, nên mỗi ngày em cố gắng đi thêm một vòng, rồi một vòng nữa, nay đã ổn rồi", Trang tâm sự.

Thấy con gái đi tập cũng ngót nghét 6 năm nhưng thành tích đem về chỉ toàn huy chương bạc với đồng, cao nhất là ở cấp quốc gia, bố mẹ khuyên Trang nên bỏ để đi làm công ty.

"Bạn bè bằng tuổi nó ai cũng có nghề nghiệp, công việc ổn định. Thấy nó cứ kêu đi tập mà chẳng tích góp được gì cho bản thân, tôi khuyên cháu về nhà làm cho gần gia đình", cô Trịnh Thị Thủy (mẹ của Trang) tâm sự.

Tuần nào về nhà bố mẹ cũng hỏi: "Đã xin thầy nghỉ chưa? Nghỉ thì đi về nhà làm chứ đừng lang thang ở Hà Nội. Sao nghỉ tập rồi mà chưa về?"... Đáp lại những câu hỏi của bố mẹ, Thu Trang luôn ậm ừ cho qua hoặc nói: "Con nghỉ rồi, giờ đang đi làm công ty".

"Thời điểm bố mẹ giục bỏ nghề em buồn lắm, nhưng cũng chẳng biết làm sao. Em mới tập được có 3 năm mà đã đạt HCĐ, HCB ở các giải thi đấu trong nước, em nghĩ nếu cố gắng sẽ có kết quả nên em mới giấu bố mẹ. Em tin sự lựa chọn của mình là đúng", Trang cười.

Ngày đi tập huấn rồi sang thi đấu ở Philippines, Thu Trang không dám nói với bố mẹ vì sợ bị... bắt về. "Lỡ bố mẹ biết rồi không cho em đi thì chết, nên em khỏi nói luôn. Khi nào có thành tích, bố mẹ biết vẫn chưa muộn", nữ VĐV nói.

Nghe con gái nói vậy, cô Thủy tiếp lời: "Gia đình tôi nào ai biết con đi thi đấu SEA Games đâu. Lúc thầy huấn luyện viên gọi về báo đạt HCV mới biết. Nếu biết sớm hơn thì cũng không cấm cản đâu. Giờ thấy con có thành tích tốt, gia đình cũng ủng hộ con gái theo nghề".

Ngày đón con trở về, vợ chồng cô Thủy cầm bó hoa trên tay đến sân bay Nội Bài. Nhìn thấy bóng dáng nhỏ bé của cô con gái lọt thỏm giữa dòng người, cô Thủy ứa nước mắt: Hóa ra mình đã sai khi bắt con phải bỏ nghề VĐV.

Là người trầm tính, ít nói, hay giấu kín cảm xúc cá nhân, chẳng mấy khi Trang chia sẻ những nỗi khổ trong nghề VĐV điền kinh với gia đình vì sợ bố mẹ lo. Thời gian đầu chuyển sang đi bộ, đến ngủ Trang cũng mơ thấy phải đi nhanh, tập đúng kỹ thuật. Đến gần thời gian thi đấu, Trang lại mơ thấy bị trọng tài bắt lỗi, bị các đối thủ bỏ xa... rồi giật mình tỉnh giấc.

Thi đấu nội dung đi bộ khác hẳn với đi bộ thường. Khi đi chân phải thẳng, một chân luôn phải tiếp đất, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chân tay và cơ thể. Nhiều lúc tập luyện đến kiệt sức, chân tay mỏi, căng cơ, đau nhức toàn thân nhưng chỉ duy nhất một lần Trang ngỏ ý xin huấn luyện viên cho ngừng tập.

"Sát ngày thi, áp lực lớn mà em chẳng biết nói chuyện cùng ai, buồn quá em lại khóc hoặc ra sân luyện tập đến khi mệt phờ mới thôi. Người ta nghĩ VĐV sướng lắm, chỉ ăn với tập thì lo nghĩ gì, nhưng sao em thấy nó khác quá", nữ VĐV nghẹn lời.

Chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập

Vợ chồng cô Thủy sinh đôi hai người con gái là Trang và Quỳnh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô chú nén lòng gửi Trang đi làm con nuôi của một gia đình trong làng. 5 tuổi, em về nhà với bố mẹ rồi sống chung từ đó đến giờ. Chẳng giận hờn, oán trách khi bố mẹ đi gửi mình, Trang luôn thầm cảm ơn cuộc đời vì em có được hai mái ấm, hai gia đình luôn yêu thương, chiều chuộng em.

Lên cấp 2, Trang và Quỳnh nổi bật ở trường với biệt tài chạy nhanh. Thấy học trò có tài, thầy cô trong trường cho tập luyện rồi đăng ký thi đấu ở xã, huyện. Hai chị em vừa đi thi đã có giải.

Nhận ra năng khiếu của hai con, chú Phạm Văn Binh (50 tuổi) đồng ý đưa con đến trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao Hà Nội tìm kiếm cơ hội. Trang và Quỳnh tham gia thử thách trong vòng một tuần. Kết thúc một tuần, Trang được tuyển vào đội vận động viên điền kinh và được ký hợp đồng 5 năm, Quỳnh về nhà tiếp tục chương trình học.

Năm 16 tuổi Trang một mình lên Hà Nội học. Chú Binh đi xây dựng ở Hà Đông rồi cuối tuần lại ghé vào thăm con gái vì ngày ấy không có điện thoại liên lạc. Bữa nào Trang được nghỉ, bố lại đón em về.

Năm 2017, một năm sau khi chuyển sang môn đi bộ, Trang lại giấu bố mẹ tranh thủ đi chạy xe ôm công nghệ mỗi tối để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

"Sáng, chiều em luyện tập, thời gian tối rảnh rỗi cũng không làm gì nên em đi chạy xe ôm để không phải xin tiền bố mẹ, cũng như có thêm phụ phí để chi tiêu. Chạy được vài tháng thì em dừng để tập trung thi các giải đấu", 9x tâm sự. Mỗi tối Trang kiếm được 100.000 - 150.000 đồng từ việc chạy xe ôm.

Biết tin con gái làm thêm, cô Thủy không khỏi bất ngờ: "Con bé giấu tôi đi chạy xe ôm chứ tôi mà biết là cấm liền. Ai đời con gái mà chạy xe ôm mỗi tối có chết không!".

Chạy xe ôm công nghệ vẫn có nỗi lo về đường sá hay kẻ xấu. Nhưng với Trang, những chuyến đi khiến cô cảm thấy thoải mái hơn.

"Có người thấy tài xế là nữ thì ngạc nhiên lắm, nhiều khách nam còn đòi lên chở vì sợ em đi không vững. Mỗi lần đi em được nghe nhiều chuyện, biết nhiều thứ mới, giống như được giải tỏa áp lực vậy. Sau này nếu có thời gian rảnh em sẽ đi chạy xe lại", Trang nói.

Trở về nhà sau những ngày thi đấu, những tấm huy chương của Trang được bố mẹ treo ngay thẳng cửa ra vào, bằng khen nhiều đến nỗi chú Binh phải cất bớt. Sở hữu thành tích đáng ngưỡng mộ nhưng Trang vẫn là Trang, vẫn là cô gái điềm đạm và nụ cười luôn thường trực trên môi: "Dù đạt thành tích nào em vẫn sẽ sống cuộc sống bình thường, chẳng có gì thay đổi ngoại trừ mục tiêu. Mục tiêu gần là chuẩn bị cho Olympic sắp tới, sau đó em cũng mong muốn được các thầy tạo điều kiện để được học nâng cao, tăng cường rèn luyện chuyên môn cho những dự định sau này".

Thúy Quỳnh - Huyền Vũ