Thứ ba, 2/7/2019, 14:59 (GMT+7)

Nữ sinh chưa đỗ đại học đã tính chuyện đi làm thêm đỡ đần bố mẹ

Ngọc Bích từ bỏ ý định thi vào khối trường Công an, Quân đội sau khi biết, nếu học các trường này, em sẽ không thể vừa học vừa làm thêm giúp gia đình.

Vũ Thị Ngọc Bích (sinh năm 2001, Ứng Hòa, Hà Nội) sống cùng bố mẹ và 3 người em (2 gái, 1 trai) ở ngôi nhà cách Hà Nội chừng 44km. Căn nhà nhỏ tại Hòa Xá, huyện Ứng Hòa trông cũ kỹ, đã đôi phần xập xệ, chỉ có một bộ bàn ghế, một chiếc ti vi cũ cùng giường ngủ.

Ngôi nhà Ngọc Bích sống cùng gia đình.

Bích là chị gái lớn trong gia đình. Năm em học cấp 2, bố em bị tai nạn rồi mất sức lao động. Gánh nặng gia đình chuyển sang vai mẹ. Vừa chạy chữa tiền thuốc thang cho chồng, mẹ Bích lại phải tìm việc làm thêm để 4 đứa con được ăn học tử tế.

4 - 5 giờ sáng, mẹ của Bích đi phụ việc cho hàng cơm, chiều lại chạy lên chợ đầu mối lấy hoa quả về bán. Hôm chị ngồi ở khu công nghiệp, bữa lại chạy ra cổng trường tiểu học bán đến 8 giờ tối. Ở nhà, chị em Bích lo cơm nước rồi đợi mẹ về. Tổng mức thu nhập của gia đình Bích chưa đến 3 triệu đồng/tháng cho 6 người.

Ham học nhưng không dưới 2 lần Bích từng có suy nghĩ bỏ ngang vì nhà không có đủ điều kiện để cả bốn chị em cùng học. "Tiền học của bốn chị em đắt lắm, em nhẩm tính sơ sơ cũng phải lên đến chục triệu một năm, mà nhà em thì làm gì đủ điều kiện. Lần nào đến kỳ đóng học phí mẹ em cũng phải chạy vạy khắp nơi. Mỗi năm 3 chị em đều được giảm tổng cộng 900.000 đồng tiền học, nhưng số đó cũng chẳng thấm vào đâu", Ngọc Bích tâm sự.

Những lần Bích có ý chuyện nghỉ học, mẹ Bích lại động viên: "Cố gắng học đi con, chỉ có học mới thoát nghèo được". Mỗi lần nghe mẹ nói như thế, em lại dặn lòng cố gắng học tốt hơn.

Biết gia đình vất vả, Bích cũng chẳng bao giờ ăn sáng.  Cứ được cho 5.000 đồng, em lại cất đi. Khi nào gom được 30-40.000 đồng em lại đưa mẹ để mẹ trang trải sinh hoạt cho gia đình.

Khi nhiều bạn mơ ước được mua xe, mua điện thoại hay quần áo mới, Bích chưa từng một lần dám nghĩ đến. Nếu có tiền, Bích sẽ mua đồ cho ông bà, bố mẹ hay cái kẹo, cái bánh cho các em.

Học thêm - điều xa xỉ chưa từng mơ đến

Từ khi đi học đến nay, Bích chưa một lần xin mẹ đi học thêm vì biết hoàn cảnh gia đình không cho phép. Nhìn các bạn Bích cũng tủi nhưng lại nghĩ "học trong sách giáo khoa cũng đủ rồi". Đến lớp, em mượn thêm đề của bạn để tham khảo.

Cuối năm lớp 12, một bạn học trong lớp thấy hoàn cảnh Bích khó khăn, lại chỉ được ôn luyện trong SGK nên cho mượn một chiếc điện thoại cảm ứng để ôn tập. "Từ ngày có điện thoại, em thường tham gia vào các diễn đàn chia sẻ tài liệu trên Facebook, bạn nào đăng đề lên nhờ giải, em lại 'len lén' tải về để nghiên cứu và tự làm. Câu nào không hiểu em lại đến hỏi thầy cô. May mà các bạn chia sẻ đề nên em hiểu thêm được nhiều thứ", Bích nói.

Phòng học bí bách của Bích.

Học trên trường rồi lại ôn bài suốt đêm, ngày nào Bích cũng học đến 2 - 3 giờ sáng mới dám đi ngủ. 10x biết, để cạnh tranh được với những bạn được đi học thêm thì bản thân phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần.

"Cứ đi học về, phụ việc nhà xong là nó lại trốn biệt vào trong phòng để ôn bài", bà nội của Bích kể.

Phòng học của Bích rộng chừng 5 mét vuông, bí bách và không có quạt, bởi cả gia đình chỉ có một cái dùng chung. Bên trong có một chiếc bàn học nhỏ, một chiếc giá sách cũ. Chiếc cửa sổ gãy cánh em thường dùng ni-lông hay bìa cứng dày bịt chặt mỗi khi mưa, trên mái nhà còn thủng vài chỗ. "Ngày nắng thì chỉ nóng thôi, ngày mưa thì cực lắm... Em toàn phải ngồi tránh chỗ dột trên mái, chỗ mưa hắt từ cửa sổ để không bị ướt sách vở", Bích kể.

Không học thêm nhưng thành tích của Bích khiến gia đình tự hào, bạn bè ngưỡng mộ. Suốt 12 năm học, chỉ có năm lớp 1 em đạt danh hiệu học sinh khá, còn lại là những tấm giấy khen học sinh giỏi, giấy khen người tốt việc tốt. Năm lớp 9 em đạt giải Nhì thi văn cấp thành phố. Lên lớp 12, em đạt giải Ba thi văn cấp thành phố cùng nhiều giải môn Văn cấp trường, cấp huyện.

"Giấy khen của cháu Bích, tôi chỉ treo một số cái tượng trưng, không thể treo hết lên được, tận mấy chục cái", ông nội Bích tự hào nói.

Lo sợ với học phí đại học

Bà nội em tâm sự: "Cháu Bích nhà tôi học Văn giỏi lắm, năm nào đi thi cũng có giải. Năm lớp 12 vừa rồi nó còn đạt giải Ba môn Ngữ văn thành phố. Nó còn mơ ước được vào trường Công an, Quân đội gì đấy. Mấy năm trước nó nhắc suốt nhưng dạo gần đây không thấy nói nữa. Giờ tôi mới biết nó lựa chọn trường kinh tế".

Nghe vậy, Bích nói vọng vào: "Tại trường đó điểm cao lắm bà!". Nhưng Nhật Lệ (em gái thứ 2 của Bích, đang học lớp 8) nói nhỏ: "Không phải đâu, chị Bích bảo với em rằng, học trường đó chị không đi làm thêm được, chẳng có tiền gửi về cho bố mẹ với ông bà nên mới từ bỏ đấy".

Nỗi lo lớn nhất của Bích khi vào cánh cửa đại học là chuyện học phí. 

Năm nay Bích đăng ký thi ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại ngữ và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Bích thích trường kinh tế nhưng lại lo sợ học phí cao.

Có vài lần Bích lén vào trang web của trường để nhẩm tính mức học phí cần phải chi trả. "Chúng khiến em sợ hãi vì cao gấp nhiều lần so với thu nhập hàng tháng của gia đình. Nếu thi đỗ và có học bổng, may ra em mới dám hy vọng", Bích bộc bạch.

Nữ sinh tâm sự, sau này nếu được vào đại học, ngoài việc đi kiếm học bổng em sẽ đi làm thêm để phụ giúp gia đình.

Nghe cháu tâm sự, bà nội của Bích nói: "Gia đình nuôi cháu ăn học cũng được 18 năm nay. Giờ con thi đỗ, mỗi tháng ông bà cứ gửi một yến gạo, thế là ấm no rồi".

Thấy bà nói thế, Bích chỉ cười... Chính em cũng không biết khi đỗ đại học cuộc sống của mình sẽ ra sao. Nhưng dù khó khăn, vất vả đến đâu em cũng sẽ cố gắng. "Chỉ có học thành tài mới thoát nghèo, mới có cơ hội để em và các em có cơ hội được học tiếp...", Bích nói.

Huyền Vũ - Thúy Quỳnh