Gần 11h trưa, kết thúc chuyến xe ôm cuối cùng của buổi sáng, ông Nguyễn Ngọc Chính, 63 tuổi, vội vã phóng xe đi đón vợ - đang dọn dẹp theo giờ tại một ngôi nhà trong ngõ 88 Trần Quý Cáp, Hà Nội. Chuẩn bị đi mua đồ về nhà nấu cơm, thấy có quán cơm tên Yên Vui ghi giá hai nghìn đồng một suất, tò mò, hai vợ chồng ông đỗ xe rồi ghé vào ăn thử, lòng đầy nghi hoặc.
Vừa dừng xe, ông được hai bạn trẻ ra đón. Thấy chân ông đi lại hơi khó khăn, một bạn nam nhiệt tình đỡ vào trong quán. Nhìn qua thực đơn: Cơm mặn giá hai nghìn đồng, cơm chay một nghìn đồng, người đàn ông tóc hoa râm gọi hai suất mặn và trả bốn nghìn đồng cho nhân viên, gương mặt vẫn ngơ ngác khó hiểu. Sau đó, ông được phát cho hai tấm phiếu đi lấy đồ ăn.
Ngồi vào bàn, nhìn suất cơm hai nghìn đồng với đủ thịt, rau, canh và cả hoa quả tráng miệng, "Thực lòng tôi vẫn khó tin, bán như thế này thì có mà lỗ vốn", ông quay sang nói với vợ.
![]() |
Suất cơm mặn 2 nghìn đồng với đầy đủ rau xanh, thịt gà, canh và hoa quả. |
Vợ chồng ông Chính là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội kiếm sống. Sau tai nạn giao thông, chân ông bị thọt, chân bước thấp, bước cao, không thể làm việc nặng nên đành chạy xe ôm để kiếm sống. Ngày nào cũng vậy, khi ông dắt xe máy đi làm thì vợ cũng bắt đầu đi nhặt ve chai, thỉnh thoảng có người thuê dọn dẹp theo giờ. Làm lụng được bao nhiêu, hai vợ chồng tích góp rồi gửi tiền về quê cho các con ăn học.
Cuộc sống đã khó khăn, dịch bệnh hồi tháng 3 kéo dài đến nay khiến cuộc sống của gia đình càng thêm chật vật. "Mua gì, làm gì cũng phải chi li, tính toán từng đồng, làm không đủ trang trải, tích góp thì chết", ông Chính ngậm ngùi.
Ông kể, thường ngày, hai vợ chồng dù đi ăn ngoài hàng hay mua đồ về nấu cũng mất đến 50 nghìn đồng tiền cơm trưa, chưa kể bữa tối, nhưng giờ có quán cơm 2 nghìn đồng, vợ chồng ông có thể ghé quán ăn, số tiền còn thừa sẽ tích thêm được một khoản để gửi về cho con.
![]() |
Suất cơm chay giá một nghìn đồng với lạc, khoai, rau, canh và hoa quả. |
Ngồi kế bên bàn vợ chồng ông Chính, bà Thanh hiện làm nghề bán hàng rong cũng vui vẻ nhận suất cơm. Bà khoe ngay từ hôm đầu mở quán bà đã đến ăn và hôm nay quay lại. Lấy trong túi ra hai nghìn, vuốt cẩn thận, bà Thanh vừa cảm ơn vừa đưa tiền cho nhân viên rồi nhận phiếu. Ít phút sau trên bàn đã có một suất cơm mặn nóng hổi.
"Cơm ở đây ngon lắm, đầy đủ từ rau xanh, thịt cho đến hoa quả. Thực đơn thì mỗi ngày một món, mà ăn bất kể khung giờ nào các món ăn cũng đều nóng hổi. Nhân viên thì nhiệt tình, chu đáo và quan tâm đến khách hàng", bà Thanh nói.
![]() |
Dù mới mở cửa, quán cơm Yên Vui đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân. |
11h mỗi ngày, quán cơm Yên Vui (tại số 136, ngõ 88 Trần Quý Cáp) bắt đầu mở cửa. Anh Nguyễn Cao Sơn, quản lý, cho biết quán cơm Yên Vui do các thành viên Quỹ từ thiện Bông Sen mở, nhằm hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trên thành phố. Để có quán cơm hai nghìn đồng này, anh cùng mọi người đã mất một thời gian dài tìm địa điểm, thiết kế cửa hàng, bếp nấu, tìm nguồn thực phẩm, tình nguyện viên hỗ trợ bán hàng, đón khách.
Chi phí thuê mặt bằng khoảng 12 triệu/ tháng, tất cả đều được lấy từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm.
![]() |
Các suất cơm được sắp xếp, đóng hộp cẩn thận. |
Hàng ngày, quán sẽ có 5 nhân viên chính, ngoài ra còn có thêm 3 sinh viên tình nguyện đến bưng bê, đón khách, phụ giúp dọn dẹp khi đóng cửa. Hầu hết nhân viên và người hỗ trợ đều là các sinh viên đang học tập tại Hà Nội. Các bạn sinh viên được trả công bằng những buổi dạy kỹ năng mềm. Còn nhân viên làm chính sẽ được nhận một mức lương thấp từ nguồn thu hai nghìn mỗi suất cơm. "Thực chất mọi nhân viên tại quán đều muốn làm để giúp đỡ mọi người, không chú trọng đến mức thu nhập. Người rảnh sẽ hỗ trợ cho người bận, hễ ai rảnh là lại đến quán giúp", anh Sơn nói.
Hướng ánh mắt về phía trong bếp, anh giới thiệu: "Đầu bếp của quán là đầu bếp của khách sạn 5 sao, sau khi thực phẩm được chuẩn bị xong, anh ấy sẽ đến nấu đồ ăn cho mọi người sau đó quay lại công việc thường ngày. Mỗi người cùng nhau làm nên không mất quá nhiều thời gian".
Quán cơm Yên Vui mở từ ngày 14/12, bắt đầu bán từ 11h đến 14h các ngày thứ hai, tư, sáu. Mỗi ngày quán nấu từ 140 đến 150 suất ăn cho khách hàng.
![]() |
Không gian quán cơm Yên Vui. |
"Ngoài nguồn tiền tài trợ, chúng tôi còn nhận được nhiều thực phẩm ủng hộ từ những người cung cấp thực phẩm", anh Sơn chia sẻ. Người quản lý của quán cho biết, quán mới đi vào hoạt động được hơn một tuần, kinh phí còn hạn chế nên chỉ mở bán ba ngày trong tuần với thực đơn gồm một mặn, một chay. Thời gian tới, quỹ sẽ cố gắng mở cửa từ thứ ha đến thứ bảy để phục vụ người dân, đồng thời sẽ thêm phở vào thực đơn cơm chay trong ngày thứ sáu hàng tuần để đổi khẩu vị.
Chia sẻ về việc thu mỗi suất cơm với giá từ 1 đến 2 nghìn đồng, anh Sơn cho hay, giá thực tế để chế biến ra một suất cơm khoảng 20 nghìn đồng, quán thu hai nghìn đồng nhằm giảm đi sự e ngại của mọi người khi đến quán cơm. "Nếu làm cơm miễn phí, người dân có thể ngại mà không đến ăn. Nhưng nếu đặt ra một mức giá, mọi người sẽ thấy rằng, họ có bỏ tiền mua cơm, bạn mua tôi bán, không ai nợ ai hay cho ai điều gì, như vậy mọi người đến ăn sẽ cảm thấy thoải mái hơn", anh Sơn nói.
Minh Phương