Thứ ba, 16/2/2021, 15:00 (GMT+7)

Những chuyến bay kỳ lạ nhất trong lịch sử

Máy bay là một trong những phương tiện di chuyển phổ biến nhất của con người. Và kể từ khi anh em nhà Wrights phát minh ra máy bay, lịch sử ngành hàng không đã xảy ra nhiều vụ việc kì lạ.

1. Va chạm giữa không trung ở Brocklesby

29/9/1940, hai chiếc máy bay Anvro Anson của Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia trong khi tập luyện đã va chạm giữa không trung ở Brocklesby, New South Wales, Australia. Phi công và sĩ quan do thám của chiếc máy bay phía dưới lập tức bung dù nhảy ra ngoài, sĩ quan giám sát của chiếc máy bay phía trên cũng làm tương tự. Chỉ còn lại phi công trưởng Leonard Fuller lái chiếc máy bay phía trên.

Ảnh: Ozatwar.com.

Cả hai chiếc máy bay không lao đầu xuống đất như bình thường mà vẫn ở trên không và dính chồng lên nhau. Động cơ của chiếc máy bay phía trên ngừng hoạt động, tuy nhiên của chiếc phía dưới vẫn chạy - và đây là cách mà hai chiếc máy bay vẫn bay trên không trung. Fuller sau đó phát hiện ra rằng ông có thể điều khiển động cơ của chiếc máy bay dưới bằng cách điều khiển chiếc máy bay mà ông đang lái. Sau đó ông lái cả hai chiếc máy bay bay 8 km trước khi hạ cánh ở Brocklesby.

Sau vụ việc chiếc máy bay phía dưới được cho "về hưu", còn chiếc máy bay phía trên được sửa chữa và tiếp tục sử dụng.

2. Chuyến bay 5390 của British Airways

Ảnh: BT.

10/6/1990, chuyến bay 5390 của British Airways khởi hành từ Birmingham, Anh đến Malaga, Tây Ban Nha thì kính của khoang điều khiển bị bật ra ở độ cao hơn 5.200 m. Áp lực trong khoang bị mất đột ngột khiến cơ trưởng Timothy Lancaster bị hút ra khỏi ghế mặc dù đã thắt dây an toàn. Ông được tiếp viên Nigel Ogden níu eo lại để không bị bay ra khỏi máy bay.

Cùng lúc đó, chân của Lancaster chạm vào bảng điều khiển và tắt chế độ lái tự động, khiến máy bay chúc đầu xuống. Cơ phó điều khiến cho máy bay không bị chúc xuống, nhưng hơn nửa người của Lancaster vẫn ở bên ngoài máy bay. Áp lực không khí bị thay đổi cũng kéo Ogden ra ngoài máy bay, sau đó ông được một tiếp viên khác níu lại bằng thắt lưng. Lúc đó, mặt của Lancaster liên tục đập vào kính của khoang điều khiển và phi hành đoàn nghĩ ông đã qua đời. Nhưng họ quyết định níu ông lại vì sợ rằng ông sẽ bị hút vào động cơ và gây ra nhiều thiệt hại hơn.

Máy bay sau đó phải hạ cánh khẩn cấp ở Southampton, Anh. Tại đây, Lancaster được phát hiện là vẫn sống sót. Ông được điều trị tại bệnh viện vì rạn xương và bị tê cóng. May mắn là không có thiệt hại nào khác về người.

3. Chuyến bay 812 của Philippine Airlines

Ảnh: BBC.

25/5/2000, chuyến bay 812 của Philippine Airlines với 278 hành khách và phi hành đoàn 13 người bay từ thành phố Davao đến Manila. Chuyến bay bị một người đàn ông có súng và lựu đạn khống chế. Người này sau đó được nhận diện là Augusto Lakandula - đã ra lệnh cho phi công quay lại Davao. Sau khi phi công nói rằng họ không có đủ nhiên liệu, tên này bắt họ giảm độ cao để hắn nhảy xuống.

Trước khi nhảy, hắn cướp tiền của hành khách và nhờ phi hành đoàn dạy hắn cách dùng dù tự chế. Một phi công nhận ra rằng chiếc dù của hắn không có dây kéo và nhanh chóng làm dây cho hắn bằng móc rèm. Phi công sau đó hạ áp cabin và mở cửa bên để tiếp viên đẩy Lakandula ra ngoài. Hắn để lại khẩu súng và một chiếc giày.

Lakandula không sống sót sau cú nhảy. Thi thể của hắn được tìm thấy trong rừng, số tiền cướp được đã biến mất. Người ta cho rằng chiếc dù chất lượng thấp vẫn bật ra được nhưng sau đó gặp lỗi, khiến hắn đâm thẳng xuống đất.

4. Máy bay F-15 và A-4 của Không quân Israel va chạm giữa không trung

Năm 1983, không quân Israel tập trận trên không ở khu vực sa mạc Negev. Một chiếc F-15 Eagle va chạm giữa không trung với một chiếc A-4 Skyhawk, gây ra một vụ nổ và phi công của chiếc Skyhawk đã kịp thoát ra ngoài. Trong khi đó, chiếc F-15 xoay tròn rơi xuống đất.

Ảnh: Theaviationist.com.

Phi công tập sự Zivi Nedivi phớt lờ lệnh yêu cầu thoát ra ngoài và cố lấy lại quyền điều khiển chiếc máy bay mà không biết rằng cánh phải của máy bay đã bị mất. Nedivi hạ cánh thành công chiếc máy bay ở một căn cứ không quân gần đó và khi bắt tay giáo viên của mình, anh mới biết được mức độ thiệt hại của chiếc máy bay.

Vụ việc này khó tin đến mức McDonnell Douglas, công ty sản xuất ra F-15, khẳng định rằng việc điều khiển cho máy bay bay được chỉ bằng một cánh là không thể. Chiếc máy bay này sau đó được lắp cánh mới và được tiếp tục sử dụng 2 tháng sau đó.

5. Chuyến bay 870 của Aerolinee Itavia

Ảnh: Luca.ghedini.

27/6/1980, chuyến bay 870 của Aerolinee Itavia đang bay từ Bologna đến Palermo thì đâm xuống vùng biển gần đảo Ustica khiến toàn bộ 77 hành khách và 4 nhân viên phi hành đoàn đều thiệt mạng. Cho đến nay, nguyên nhân của tai nạn này - được người dân Italia gọi là "Thảm sát Ustica" - vẫn còn là một bí ẩn. Trục trặc kỹ thuật và khủng bố ban đầu được coi là nguyên nhân cho đến khi cuộc điều tra năm 1989 kết luận rằng chiếc máy bay bị tên lửa bắn hạ.

Khi ấy, Tổng thống Italia Francesco Cossiga tuyên bố chiếc máy bay bị tên lửa của Pháp bắn vào mặc dù các bằng chứng chỉ ra rằng tên lửa là của Italy. Cũng có suy đoán rằng chiếc máy bay xấu số đi đúng vào khu vực giao chiến của NATO và máy bay của Libya. Người ta lại càng tin vào giả thuyết này hơn sau khi phần còn lại của một chiếc MiG-23 của Libya được tìm thấy ở Calabria một vài tuần sau tai nạn.

Chính phủ Italy bị cáo buộc che đậy vụ tai nạn, 5 quan chức của Không quân Italy có liên quan đến sự việc đều chết vì những lý do bí hiểm. Năm 2011, toà án dân sự ở Palermo kết luận rằng chuyến bay 870 của Aerolinee Itavia bị tên lửa đâm trúng và yêu cầu chính phủ Italy bồi thường 100 triệu euro vì không bảo vệ được không phận Italy, che giấu sự thật và phá huỷ bằng chứng.

6. Chuyến bay 009 của British Airways

Ảnh: Alchetron.

24/6/1982, chuyến bay 009 của hãng British Airways bay từ Kuala Lumpur đến Perth thì 4 động cơ ngừng hoạt động lúc trên khu vực đảo Java, Indonesia. Trước đó, cơ trưởng Eric Moody để ý thấy có khói bốc lên từ sàn máy bay, sau đó là một mùi khó chịu và có luồng sáng lạ thường được gọi là ngọn lửa St. Elmo.

Ngọn lửa St. Elmo xảy ra do tĩnh điện trên kính chắn gió của máy bay. Cùng lúc đó, phi hành đoàn thấy phần đầu máy bay rực sáng lên như đang bị cháy.

Máy bay sau đó mất từng động cơ một cho đến khi biến thành khoang tàu lượn với 247 hành khách. Moody nhân cơ hội này để thông báo với hành khách rằng cả 4 động cơ máy bay đã ngừng hoạt động nhưng ông tin tưởng hành khách sẽ giữ bình tĩnh trong khi ông và cơ phó sẽ cố hết sức để khởi động lại động cơ. Hai phi công khởi động lại thành công các động cơ 15 phút sau đó và nhanh chóng quay đầu lại Jakarta.

Các cuộc điều tra sau đó chỉ ra rằng các động cơ bị hỏng do tro núi lửa tích tụ từ vụ phun trào núi lửa Galunggung. Các phi công khởi động lại được động cơ do tro đã cứng lại và rơi ra.

7. Va chạm ở Uberlingen

Ảnh: Dianyingxin.com.

Ngày 1/7/2002, chuyến bay Russian Bashkirian Airlines Tupolev 154 chở 69 người, trong đó có 45 hành khách là học sinh đến Tây Ban Nha thì va chạm với máy bay chở hàng Boeing 757 của DHL ở khu vực làng Uberlingen, Đức. Vụ va chạm xảy ra do sự mâu thuẫn giữa chỉ dẫn của Hệ thống tránh va chạm (TCAS) trên chiếc Tupolev và chỉ dẫn của nhân viên kiểm soát không lưu của Thuỵ Điển.

TCAS trên cả hai chiếc máy bay đều cảnh báo có va chạm và hướng dẫn chiếc của DHL hạ độ cao và chiếc Tupolev nâng độ cao. Tuy nhiên, nhân viên kiểm soát không lưu Peter Nielsen, không biết rằng có máy bay của DHL, yêu cầu chiếc Tupolev hạ độ cao. Kết quả là vụ va chạm thảm khốc dẫn đến cái chết của toàn bộ 69 người trên chiếc Tupolev và hai phi công trên máy bay của DHL. Nguyên nhân của vụ tai nạn là do đơn vị kiểm soát không lưu của Thuỵ Sĩ đã tắt hệ thống tránh va chạm và chỉ để Nielsen làm cả hai vị trí vào đêm hôm đó.

Kiến trúc sư Nga Vitaly Kaloyev mất vợ và hai con trong vụ tai nạn. Quá đau buồn vì mất mát, ông thuê thám tử tìm địa chỉ của Nielsen. Kayolev sau đó bay đến nhà của Nielsen và đâm chết Nielsen.

8. Chuyến bay 522 của Helios Airways

Ngày 14/8/2005, chuyến bay 522 của Helios Airways bay từ Cyprus đến Prague rơi xuống ở Hy Lạp, khiến toàn bộ 121 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Ảnh: Nymag.com.

Cuộc điều tra sau đó chỉ ra rằng hầu hết hành khách và phi hành đoàn đều bất tỉnh nhiều giờ trước khi tai nạn xảy ra. Có vẻ như một vài nhân viên kỹ thuật bảo trì lại máy bay trước khi cất cánh quên thay đổi một cài đặt quan trọng trong hệ thống điều hoà. Điều này dẫn đến mức oxy trong khoang bị giảm, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn bất tỉnh khi máy bay đã lên không trung.

Tệ hơn nữa là cả hai phi công đều hiểu nhầm vấn đề khi chuông cảnh báo kêu. Phi hành đoàn biết là có điều gì đó không ổn khi máy bay đang ở chế độ lái tự động liên tục tăng độ cao thay vì hạ độ cao khi mặt nạ oxy tự rơi xuống. Tuy nhiên, họ không thể liên lạc với phi công hoặc vào khoang điều khiển vì cửa vào khoang này là cửa chống đạn và đã bị khoá sau sự kiện 11/9.

Chuyến bay tiếp tục bay ở chế độ lái tự động trong 2 tiếng cho đến khi bị 2 chiếc F-16 của Không quân Hi Lạp bắt gặp. Một phi công của Không quân cho biết thấy một tiếp viên đi vào buồng điều khiển. Nhưng lúc này đã quá muộn khi máy bay sớm hết nhiên liệu và đâm xuống đất.

Khám nghiệm tử thi sau đó cho thấy nhiều thành viên phi hành đoàn và hành khách vẫn còn sống nhưng bất tỉnh lúc máy bay gặp nạn.

9. Máy bay KA-6D của Hải quân Mỹ

Ảnh: Theaviationist.com.

9/7/1991, máy bay KA-6D của Hải quân Mỹ cất cánh từ tàu USS Abraham Lincoln để tiếp nhiên liệu trên không. Trên máy bay có phi công là Trung uý Mark Baden, và Keith Gallagher.

Một vài phút sau khi cất cánh, Gallagher bị đẩy ra khỏi ghế và bị kẹt giữa vòm kính máy bay và cabin phía trong. Phần trên của Gallagher ở bên ngoài máy bay, còn nửa dưới vẫn ở bên trong. Mũ bảo hiểm của ông bị bật ra ngoài, khiến ông bắt đầu bị ngạt thở vì gió mạnh. Ông sau đó cố nhảy ra nhưng không thành công.

6 phút sau, Baden hạ cánh và lúc đó cả hai người mới nhận ra được độ nghiêm trọng của sự việc. Có vẻ như Gallagher chỉ ra được nửa người vì dù của ông bị cuốn vào đuôi máy bay.

Baden nhận Huân chương Không quân vì quyết định nhanh chóng của mình. Trong khi Gallagher bị thương ở vai và bị liệt tạm thời, phải ngừng công tác 6 tháng.

10. Chuyến bay 990 của Egypt Air

Ngày 31/10/1999, chuyến bay 990 của EgyptAir bay từ New York đến Cairo đột nhiên vỡ đôi khi vẫn ở không phận Mỹ, khiến toàn bộ 217 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Ảnh: Murderpedia.org.

Chính phủ Mỹ cho rằng máy bay vỡ do áp lực. Một trong hai phi công, Gamil el-Batouty, định tự sát bằng cách cho máy bay lao đầu xuống. Theo các báo cáo, vụ tự tử bất thành do cơ trưởng Ahmed el-Habashi dành quyền điều khiển từ el-Batouty và đưa máy bay trở lại độ cao 7.300m - tại đây máy bay bị vỡ do áp lực.

Phía Ai Cập phủ nhận tuyên bố này và cho rằng el-Batouty chưa bao giờ cố tự tử. Người Ai Cập tin rằng máy bay vỡ thật ra là do một vụ nổ do một quả bom hẹn giờ được Mossad, cơ quan tình báo của Israel đặt lên máy bay. Mục tiêu là 34 tướng và 20 phi công của Lực lượng vũ trang Ai Cập có mặt trên máy bay. Họ trở về nhà sau 3 năm huấn luyện sử dụng những vũ khí tối tân nhất của Mỹ, mà Israel cho rằng đây là mối nguy với nước này.

Huyền Anh (Theo Listverse)