Thứ tư, 30/12/2020, 00:00 (GMT+7)

Những bức ảnh không thể quên về 'một năm chưa từng có'

Biến động và hỗn hoạn là những gì để miêu tả về năm 2020, khi thế giới bị phủ bóng bởi đại dịch Covid-19, xung đột, thiên tai thảm họa gia tăng.

2020 là một năm với những sự thay đổi chưa từng có khi đại dịch Covid-19 trở thành "cơn ác mộng" không bao giờ có thể lãng quên. Từ những ca viêm phổi lạ "không rõ nguồn gốc" ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019, Covid-19 lan rộng ra 218 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 81 triệu ca nhiễm và hơn 1,7 triệu người chết. Đó không đơn thuần là một loại dịch bệnh, trong vòng một năm, Covid-19 làm tê liệt nhiều nền kinh tế, gây ra cuộc khủng hoảng y tế, khiến hàng tỷ người phải "giam chân" trong nhà vì lệnh phong tỏa, hạn chế.

Đây cũng là năm thế giới phải đối mặt với những cuộc xung đột phức tạp, thiên tai thảm họa gia tăng, từ cháy rừng hoành hành ở Australia và Mỹ đến bão lũ khắp châu Á, đồng thời biểu tình chống bất bình đẳng chủng tộc bùng nổ trên toàn cầu.

Thi thể người đàn ông trên vỉa hè đường phố Vũ Hán hồi tháng 1 khi thành phố này bị phong tỏa. Đây là bức ảnh gây sốc hồi đầu đại dịch. Ảnh: AFP.
Những đám tang chớp nhoáng giữa Covid-19 thường không điếu văn, lễ viếng, thậm chí người thân còn không có cả thời gian để nói lời từ biệt. Đó là cảnh tượng kỳ lạ, cũng là loại bi kịch thứ hai, chỉ sau cái chết. Trong ảnh, một khu vực mới ở nghĩa trang Parque Taruma ở Manaus dành để chôn thi thể các nạn nhân được xác nhận hoặc nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: AFP.
Thánh đường Peru phủ kín ảnh người chết do Covid-19. Tổng giám mục Lima, Carlos Castillo, vẩy nước từ chiếc bình xuống những bức ảnh. Ảnh: AP.
Một xác chết bị bỏ lại, được bọc trong túi nhựa phủ bằng bìa carton, trên vỉa hè ở thành phố Guayaquil, Ecuador, ngày 6/4. Ảnh: Reuters.
Tờ New York Times (Mỹ) dành trang nhất và 3 trang trong đăng tên của khoảng 1.000 nạn nhân Covid-19 để phơi bày những mất mát 'không đếm xuể" do đại dịch.
Một người đi bộ xách hành lý giữa cầu Westminster - một cảnh tượng điển hình thời dịch khi giao thông bị hạn chế dẫn tới các thành phố như "thành phố ma". Ảnh: The Times.
Những chiếc cần cẩu được huy động để xây dựng bệnh viện dã chiến 1.000 giường ở Vũ Hán vào tháng 1, khi Covid-19 bùng phát mạnh ở nước này. Ảnh: Getty.
Bức ảnh chụp những em bé sơ sinh được đeo mặt nạ chống giọt bắn cho thấy dịch bệnh đã làm thay đổi thế giới nhanh chóng như thế nào. Đây là bức ảnh thuộc danh sách "25 bức ảnh kỳ lạ nhất năm 2020" do Reuters công bố. Các y tá đang bế hai em bé sơ sinh có đeo tấm chắn giọt bắn tại một bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan.
Chiếc "quần sịp G-string" tự chế bằng khẩu trang của người đàn ông đi bộ trên phố Oxford Street, London Ảnh: Reuters.
Học sinh mẫu giáo tại trường mầm non Wat Khlong Toey ở Bangkok, Thái Lan thực hiện giãn cách xã hội khi chơi trong những chiếc "hộp" có nhựa chắn hồi tháng tháng 8. Đây cũng là sự thay đổi chưa từng có thời đại dịch. Ảnh: The Times.
Giãn cách xã hội tại công viên Dolores ở San Francisco, Mỹ, trong một nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Ảnh: The Times.
"Thảm họa" dạy học tại nhà trong đợt phong tỏa. Ảnh: The Times.
Cảnh sát Ấn Độ đội mũ bảo hiểm hình virus SARS-CoV-2 trong một chiến dịch nâng cao nhận thức về Covid-19 vào tháng 4. Ảnh: Getty.
Dê "đi bộ" ở Llandudno, phía bắc xứ Wales trong đợt phong tỏa. Ảnh: Getty.
Khán đài trống rỗng khán giả trong thời đại dịch. Ảnh: Reuters.
Khu vui chơi, giải trí trống rỗng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: The Times.
Các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về đại dịch Covid-19 qua hội nghị truyền hình. Màn hình này được chụp tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Australia. Ảnh: CNN.
Một chuyến bay của Southwest Airlines cất cánh trong khi hàng loạt máy bay United Airlines đậu trên đường băng tại Sân bay Quốc tế Denver ngày 22/4. Số chuyến bay toàn cầu giảm mạnh vì đại dịch. Hàng loạt nghề nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Getty.
Căng thẳng sắc tộc âm ỉ ở Mỹ bùng phát thành phong trào biểu tình quy mô lớn sau khi người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota ghì chết hồi cuối tháng 5. Phong trào "Black Lives Matter" (Mạng sống người da màu cũng quan trọng) với quy mô và mức độ được cho là chưa từng thấy suốt nhiều thập kỷ, trở thành từ khóa thịnh hành thứ hai trên Twitter năm qua, chỉ sau "đại dịch". Ảnh: Reuters.
Người biểu tình khoác lá cờ giữa đám cháy ở Minneapolis, nơi Floyd bị ghì chết. Ảnh: AP.
Bức tượng đồng trùm buôn bán nô lệ từ thế kỷ 17 Edward Colston, tại Bristol, thành phố phía tây nam nước Anh bị người biểu tình vứt xuống hồ. Sự việc xảy ra trong bối cảnh hàng nghìn người dân Anh xuống đường tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc kể từ sau cái chết của George Floyd ở Mỹ. Ảnh: Reuters.
Các thành viên của đội cricket của Anh quỳ gối thể hiện ủng hộ phong trào "Black Lives Matter". Ảnh: Getty.
Bầu cử Tổng thống Mỹ là một trong những sự kiện nổi bật của năm 2020. Cuộc đua vào Nhà Trắng giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ bị nhấn chìm trong khủng hoảng do biểu tình sắc tộc, suy thoái kinh tế và Covid-19. Truyền thông Mỹ mới "xướng tên" Biden là tổng thống đắc cử. Ảnh: Reuters.
Taal - một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Philippines - sau "40 năm ngủ say" bất ngờ phun cột khói bụi khổng lồ khiến hàng nghìn người phải sơ tán. Ảnh: The Times.
Vụ nổ ở cảng Beirut phá hủy các hầm chứa khiến ít nhất 190 người chết và hơn 6.500 người bị thương. Thảm họa nổ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat, tương đương 240 tấn TNT hồi tháng 8 này cũng khiến 300.000 người mất nhà cửa vì dư chấn của vụ nổ lan ra hàng km. Ảnh: AFP.
Tượng cá voi cứu đoàn tàu khỏi thảm kịch ở Hà Lan. Ảnh: The Times.
Ayda Gezgin (4 tuổi) được giải cứu sau 4 ngày bị chôn vùi trong đống đổ nát sau trận động đất mạnh 7 độ richte làm rung chuyển thành phố Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10. Ảnh: AP.
Bão Dennis, một trong những cơn bão mạnh nhất được ghi nhận ở Anh vào tháng 2, khiến 5 người chết và hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi. Ảnh: The Times.
Một con kangaroo nhỏ bị chết cháy khi mắc kẹt ở hàng rào lưới điện khi chạy qua Cudlee Creek trong thảm họa cháy rừng ở Australia. Bức ảnh được chia sẻ bởi tay máy có tài khoản @Bradfleet hồi tháng 1.
Cháy rừng Pantanal - vùng đất ngập nước hẻo lánh lớn nhất thế giới ở Brazil hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.
Khi Covid-19 chưa kết thúc, người dân Ấn Độ đối diện thảm họa khác là đại dịch châu chấu hồi tháng 5. Ảnh: Indian Express.
Một phụ nữ lội qua dòng nước lũ dọc theo con phố ở Huế ngày 17/10. Ảnh: AFP.
Harry và Meghan trong lần cuối làm nhiệm vụ Hoàng gia.
Nhóm nhạc Hàn Quốc, BTS làm nên lịch sử khi lần đầu tiên nhận được đề cử Grammy tại hạng mục "Best Pop Duo/Group Performance" cho ca khúc Dynamite. Lễ trao giải Grammy lần thứ 63 sẽ diễn ra vào 31/1/2021. Trong ảnh, các chàng trai nhà Big Hit tham dự lễ trao giải Grammy lần thứ 62 vào 26/1 ở Los Angeles, California. Ảnh: WireImage
Sau ba ngày nằm viện vì Covid-19, Tổng thống Trump cởi bỏ khẩu trang tại ban công Phòng Xanh khi trở về Nhà Trắng vào tháng 10. Ảnh: AFP.
Thuốc nhuộm tóc chảy dọc bên gò má của luật sư Rudy Giuliani khi ông bị đổ mồ hôi trong cuộc họp báo để đưa ra những cáo buộc về gian lận bầu cử hôm 19/11 tại trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa ở thủ đô Washington.
Người Anh đầu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) là cụ bà Margaret Keenan (90 tuổi). Cụ được tiêm vaccine tại Bệnh viện Đại học Coventry, vào lúc 6h31 ngày 8/12 (giờ địa phương), chưa đầy một tuần sau khi Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt lưu hành vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Getty.
Nữ hoàng Elizabeth phong tước hiệp sĩ cho cựu binh 100 tuổi Tom Moore tại lâu đài Windsor sau khi ông gây quỹ 32 triệu bảng (40 triệu USD) cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Getty.
Thế giới trải qua một Giáng sinh thời Covid-19 "buồn", với những ông già Noel xuất hiện theo những cách 'chưa từng có' - trong vách ngăn, quả cầu tuyết, cưỡi voi, livestream.

Giao thừa năm nay sẽ không có thời khắc đếm ngược Countdown 2021 ở nhiều nơi trên thế giới như Thái Lan, Nhật Bản, Hong Kong... nhằm thực hiện giãn cách, hạn chế đông người để ngăn ngừa sự lây lan Covid-19. Ảnh: AP.