Thứ ba, 16/3/2021, 16:37 (GMT+7)

Người mẹ trong 'Ẩm thực mẹ làm': Cuộc đời buồn khổ chấm dứt từ khi cùng con làm YouTube

Từng trải qua nhiều nốt trầm buồn, nước mắt nhiều hơn nụ cười nhưng sau 25 năm, cuộc sống của cô Cường - chủ nhân kênh YouTube "Ẩm thực mẹ làm" sang trang nhờ đồng hành cùng con trai làm Youtuber.

Đạp vội chiếc xe phượng hoàng cũ, phần thân xe đã chuyển sang màu nâu đen, từ ngoài đồng về nhà lúc gần trưa, cô Dương Thị Cường (57 tuổi, quê ở Thái Nguyên) dựng chiếc xe vào bếp, tháo chiếc giỏ đựng rau phía sau xe, nhanh tay chuẩn bị cơm trưa.

Cô Cường là nhân vật chính trong các video do con trai Đồng Văn Hùng (25 tuổi) thực hiện, đăng tải trên kênh YouTube mang tên Ẩm thực mẹ làm. Đây là kênh YouTube duy nhất của Việt Nam được chọn tham dự YouTube Fanfest 2020 - sự kiện lớn, quy tụ những người có sức ảnh hưởng trên YouTube đến từ nhiều quốc gia.

Cô Dương Thị Cường.

Trước khi được nhiều người yêu mến và biết đến qua những thước phim chế biến món ăn nhà làm đậm vị quê hương cùng con trai, cô Cường là bà mẹ đơn thân ở vùng quê nghèo Thái Nguyên. Cô từng phải trải qua nỗi khổ vì định kiến"không chồng mà chửa", một tay chăm mẹ, nuôi con thơ.

Khẽ đan những ngón tay chai sạn đầy các vết nứt, cô Cường bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình nhiều năm về trước...

Cuộc đời nhiều nước mắt

"Cả đời tôi gắn bó với đồng áng, ruộng vườn, rảnh lại chăn lợn, chăm gà, quán xuyến ruộng vườn, nhà cửa. Người ta bảo người tuổi Rồng thường đạt nhiều thành công nhưng chắc phận tôi là rồng đất, là con giun đất thôi nên chỉ quẩn quanh ở vùng quê nghèo. Đến năm 32 tuổi, ở cái tuổi mà người dân thôn quê thường gọi là ế chồng, tôi có con, nhưng là mẹ đơn thân...", cô Cường nói.

Lúc biết tin con gái không chồng mà chửa, mẹ cô Cường phản đối gay gắt. Hàng xóm bàn tán xôn xao, chẳng thiếu những lời ác ý, nhưng người phụ nữ ấy chọn cách im lặng.

Về sau, cô Cường chỉ biết ôm bụng rồi ngọt nhạt xin mẹ: "Giờ con cũng hơn 30 tuổi, con xin mẹ cho con đẻ một lần này thôi, sau này khi mẹ nằm xuống con còn có người để nương tựa".

Trước khi chuyển dạ, trong túi cô Cường có vỏn vẹn 30 nghìn đồng. Trừ 10 nghìn đồng trả tiền công cho bà đỡ, 20 nghìn đồng còn lại đủ mua một cái móng giò và cái bắp cải ăn trong thời gian ở cữ. Sau đó, người phụ nữ đi mót rau má, rau bộ mẩy ở đồi núi, rìa đường về luộc, hấp chấm mắm ăn với cơm.

Sinh con vài tháng thì đến hè, nhà không có điện nên người mẹ thường xuyên phải thức đêm để quạt tay cho con. Mãi đến tháng 8/1996, nghe hàng xóm mách, cô Cường đi vay ngân hàng được 500 nghìn đồng, vừa đủ mắc đường điện và mua cái quạt cây.

Suốt những tháng ngày làm lụng vất vả để chăm con, vừa làm cha, làm mẹ, vừa làm đàn bà vừa gánh vác chuyện đàn ông, cô không dám nghĩ đến việc cần một người đàn ông bên cạnh. Với cô, cậu con trai Đồng Văn Hùng chính là niềm hạnh phúc, an ủi lớn nhất rồi.

Giọt nước mắt của người phụ nữ đơn thân.

Cuộc đời sang trang khi có con trai bên cạnh

Trưởng thành, Hùng đi làm xa ở Bắc Ninh rồi thành thợ ảnh tại Hà Nội, thi thoảng lại về thăm nhà. Từ khi bà ngoại Hùng mất, mẹ cậu ở một mình.

"Ngày trước Hùng có mua một bộ máy ảnh, cũng thường xuyên mang máy về chụp cho mẹ, cho bà hồi còn sống. Thi thoảng tôi thấy con trai khoe "bộ ảnh chụp mẹ, chụp bà được nhiều người thích lắm", nhưng mình có biết gì về công nghệ hay mạng xã hội đâu nên cười để đó. Toàn làm việc tay chân nên khi phải tạo dáng trước ống kính cũng ngại lắm, người cứ cứng đơ ra", cô Cường cười.

Ngoài chụp ảnh, lúc rảnh cậu lôi máy ra quay những bữa cơm mẹ nấu để lưu giữ kỷ niệm. Mục đích ban đầu của Hùng là ghi lại những khoảnh khắc bình dị của mẹ trong cuộc sống thường nhật, không ngờ khi chia sẻ lên mạng lại được mọi người đón nhận.

Sau khi "dụ" được mẹ cùng làm YouTube, từ tháng 5/2019, Hùng chuyên tâm vào sản xuất các video về cuộc sống bình dị của người nông dân.

"Lúc đồng ý rồi mới thấy mình đã sai lầm. Hùng nó cầu kỳ lắm, một món ăn làm vèo cái là xong nhưng con lại bắt tôi làm đi làm lại. Tưởng nấu ăn thôi ai dè đến cảnh ăn cơm cũng quay. Mấy lần đang xào nấu mà Hùng quay chậm, thức ăn suýt cháy, tôi lại bực mình, không muốn làm nữa, nhưng con năn nỉ, động viên, tôi lại cố gắng", cô Cường hài hước kể về khó khăn ban đầu khi làm YouTube.

Quay ở nhà đã ngại, đến khi ra đồng, lúc tán gẫu với hàng xóm con trai cũng quay. Làm nhiều thành quen, dần dần "nữ Youtuber" cũng ít khó chịu mỗi khi phải quay lại nhiều đúp.

Hùng và mẹ.

"Từ khi kênh YouTube được mọi người biết đến, bà con ai cũng trêu tôi là 'người nổi tiếng', suốt ngày lên tivi. Nhưng tôi không hy vọng việc mình nổi tiếng. Cho đến cùng, tôi cũng chỉ là người dân quê. Việc làm YouTube là do con thích thì tôi chiều con thôi. Niềm vui lớn nhất là hai mẹ con được gần nhau cùng làm việc, cùng nhau tâm sự vui buồn mỗi ngày", cô cười.

Sau 2 năm, kênh Ẩm thực mẹ làm đã có gần 890.000 người theo dõi. Hồi đầu tháng 1, Lý Tử Thất - một trong những Youtuber rất nổi tiếng với các video về cuộc sống ở vùng nông thôn đã dành lời khen kênh Ẩm thực mẹ làm khi viết: 'I like this channel! Full of peace!'(Kênh này khiến tôi thích! Rất bình yên')

Hiện Đồng Văn Hùng và mẹ tiếp tục sản xuất các video, mỗi video thường mất từ 4 - 5 ngày. "Kênh này là nơi lưu giữ những kỷ niệm của mẹ và mình, là lời cảm ơn của mình đến mẹ - người khiến mình thấy tự hào vì đã sống một cuộc đời trong sáng, chắt chiu tần tảo để nuôi mình đến ngày trưởng thành. Mình mong sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp giữa hai mẹ con để được lưu giữ", Hùng nói.

Thúy Quỳnh