Chủ nhật, 26/5/2019, 00:00 (GMT+7)

Lý Nhã Kỳ: 'Tôi từng là khách mời vô danh tại Cannes'

Nữ diễn viên thừa nhận, trước khi được Ban tổ chức mời chính thức, cô cũng đến thảm đỏ Cannes bằng vé mời của một hãng rượu.

Lý Nhã Kỳ tại Cannes.

 - Trong bài phỏng vấn mới đây với iOne, chị đề cập đến việc một số sao vô danh, bỏ tiền túi để mua vé mời dự LHP Cannes để PR hình ảnh. Nhiều khán giả cho rằng, chị cũng từng là một kẻ vô danh tại Cannes. Chị nghĩ sao? 

- Tôi cũng từng là nghệ sĩ vô danh ở năm đầu tiên. Tôi đi LHP Cannes với tư cách khán giả, bằng vé mời của một hãng rượu. Rất nhiều nghệ sĩ châu Á cũng như Việt Nam từng đến Cannes bằng vé của các thương hiệu mời. Tôi không thấy có gì là xấu hổ để phải giấu giếm điều này.

Nghĩ lại năm đó, tôi vẫn nhớ như in cảm giác buồn và lạc lõng vì mình không phải là đối tượng được BTC chào đón chính thức. Với vé khán giả, bạn vẫn được bước đi trên thảm đỏ như các ngôi sao. Chỉ là thế giới không biết bạn và BTC không biết bạn. Sẽ chẳng ai chú ý đến bạn.

Những năm sau, với sự nỗ lực, tôi đã được đi trên thảm đỏ với tư cách khách mời chính thức của BTC. Tôi không ngại để nói năm đầu tôi đi với tư cách khán giả vì nếu không có năm đầu như thế, và nếu không có cảm giác lạc lõng như một khán giả đến từ châu Á thì sẽ không có một Lý Nhã Kỳ của những năm kế tiếp tại Cannes.

- Khi làm khách mời vô danh tại Cannes, chị cảm thấy thế nào?

- Nhớ lại năm đầu tiên, tôi thấy mình còn rất ngốc. Tôi chưa biết Cannes hoành tráng như thế nào và tôi đâu biết bên lề Cannes lại có nhiều dịch vụ thương mại đến thế. Đi trên đường, được đề nghị chụp ảnh, tôi cứ tưởng mình lọt vào mắt phóng viên quốc tế. Nhưng thật ra, chụp xong, họ sẽ ấn name card vào tay bạn, để bạn có thể liên hệ mua ảnh nếu có nhu cầu. Họ chính là kiểu thợ chụp dạo thường thấy ở các LHP. Nghĩ lại thật mắc cười! 

Sau này, khi đã là khách VIP tại Cannes, tôi mới biết, mỗi ngày, khung 18 giờ là thời gian các ngôi sao, minh tinh được BTC mời chính thức đi thảm đỏ. Đây cũng là thời điểm mà BTC trình chiếu các phim nặng ký tranh giải Cành cọ Vàng.

Trước đó, từ trưa tới chiều có rất nhiều khung giờ đi thảm đỏ khác, như 9 giờ sáng, 11 giờ trưa... đa phần dành cho khán giả vô danh. Các phim được chiếu vào khung giờ này thường đề cử giải phụ. Ra văn phòng hội chợ phim ở Cannes, bạn có thể mua hoặc lấy được vé đi thảm đỏ mọi khung giờ.

Chi 1 triệu USD mua banner tại Cannes không chỉ để tôn vinh bản thân

- Cũng trong bài phỏng vấn trước đó với iOne, chị chia sẻ, sẽ là hoang phí, ngốc nghếch khi bỏ tiền túi để xuất hiện tại Cannes. Thế nhưng, năm 2017, chị vẫn bỏ tiền túi để treo tấm banner có sự xuất hiện của mình trên trục đường đến thảm đỏ Cannes. Chị lý giải thế nào?

- Năm 2017, tôi đã là khách mời chính thức tại Cannes. Kỷ niệm 70 năm tổ chức, tôi được BTC LHP Cannes thông báo sẽ chọn Việt Nam để quảng bá du lịch trong các nước thuộc châu Á. Việc treo banner quảng bá film hay sản phẩm của các nhãn hàng thì ở Cannes là thuần túy thương mại và nó nằm dài trên trục đường đi đến thảm đỏ.

Nhưng điểm mà tôi treo banner dài trên 10m về du lịch và hình ảnh đẹp của Việt Nam của là vị trí của BTC. Vị trí đó không được bán cho thương mại. Ai đi Cannes nhiều năm sẽ biết có tiền cũng không thuê được vị trí này. Vì LHP có nhiều quy tắc đặc biệt và chỉ khi mình đã là khách mời của BTC thì mới biết.

Không phải dễ dàng mà một biển quảng cáo phim, hay ngôi sao được treo lên ở vị trí trang trọng đó. Năm đó là năm dành rất nhiều sự tôn vinh về văn hoá, du lịch và con người của nhiều quốc gia đang phát triển. Khi có cơ hội, tôi sẵn sàng tự bỏ 1 triệu USD để làm ra tấm pano dài hơn 10 m, trong đó có những hình ảnh du lịch, văn hoá và điện ảnh của Việt Nam để quảng cáo ở LHP Cannes.

Banner chứa hình Lý Nhã Kỳ được treo trên đường dẫn ra thảm đỏ Cannes 2017.
Lý Nhã Kỳ: 'Trang phục là cách nhận biết khách VIP hay khán giả vô danh trên thảm đỏ Cannes'
 
 

- Nhiều người nói chị bỏ ra 1 triệu USD chủ yếu để tôn vinh bản thân. Chị cảm thấy thế nào?

- Nói tôi bỏ tiền mua BTC để được chọn tôn vinh là không đúng. Với cá nhân tôi, 1 triệu USD là rất lớn. Nhưng 1 triệu USD mà có thể góp phần quảng bá được đất nước Việt Nam ở thế giới thì lại là rất nhỏ.

Tôi muốn gửi tới những khách mời và khán giả thế giới những thông điệp về một Việt Nam hoà bình thân thiện. Xin nhắc lại, 1 triệu USD của tôi chỉ là chi phí sản xuất pano cho hình ảnh quảng bá du lịch Việt Nam mà thôi. Vị trí được trưng ở ngay lâu đài đối diện thảm đỏ là được chính BTC chọn lựa và không phải có tiền mua được.

Ở Cannes có chợ tình

- Xưa nay, người ta vẫn cho rằng LHP Cannes đồng thời còn là nơi các người đẹp đổ về bán dâm với giá từ hàng chục đến hàng trăm nghìn USD. Chị biết gì về điều này?

- Cannes là LHP duy nhất kéo dài đến 10 ngày nên hoạt động bên lề rất nhiều. Những chuyện phát sinh như vậy, nếu có, BTC cũng không kiểm soát nổi và không có quyền can thiệp.

Nếu LHP Cannes không có nguồn lợi thương mại nào khai thác được thì sao có thể thu hút hàng nghìn người đổ về đây? Tức là, tất cả hoạt động ngoài khuôn khổ LHP đều là sự cộng hưởng. Bạn sẽ thấy vô số dịch vụ thương mại khác nhau mời chào bạn.

Vì sao Cannes tổ chức vào mùa hè? Vì Cannes có bãi biển rất thơ mộng và hè là mùa đẹp nhất. Họ tổ chức vào thời gian này để thu hút những người giàu ở Arab Saudi, Nga, Italy và các nước châu Á. Bãi biển cũng là nơi neo những chiếc du thuyền xa xỉ, tổ chức tiệc tùng, chơi bời và thưởng thức không khí lễ hội. Nên không lạ khi nơi đây có đủ các cô gái làm ở mọi lĩnh vực khác nhau. Dĩ nhiên, nếu các cô gái có tên tuổi một chút họ càng dễ lọt vào mắt các vị đại gia nào đó.

Tôi khẳng định, bên lề LHP Cannes có chợ tình giữa các đại gia và người mẫu, nhưng họ kết nối với nhau bằng con đường nào, ngã giá ra sao thì chỉ người trong cuộc mới biết.

- Một số người mẫu quan niệm, đã dự một sự kiện ở phương Tây là phải ăn mặc thoáng, còn ở Việt Nam sẽ kín đáo hơn. Chị nghĩ gì?

- Đừng nói ở Tây mặc hở là bình thường. Các biểu tượng thời trang từ thập niên 50 - 60 như Grace Kelly hay Audrey Hepburn, có ai mặc hở không? Đến tận bây giờ, tôi chưa thấy ai thành biểu tượng nhờ mặc hở.

Cũng đừng nói mình phải "Tây lên" khi ra nước ngoài. Các bạn định nghĩa "Tây lên" thế nào? Các bạn đi nước ngoài có thấy người ta mặc hở để "Tây lên" hay không?

Trong hàng trăm, hàng nghìn người đến Cannes, có thể có những người không hiểu ngôn ngữ của nhau, nhưng thời trang chính là ngôn ngữ chung trên thảm đó. Bạn chỉ có 30 giây đi trên thảm đỏ, bạn không thể giới thiệu hết về mình, nhưng bộ đồ bạn mặc trên người cho mọi người biết bạn là ai, làm nghề gì, quan trọng nhất là xuất thân nền văn hóa của bạn là gì.

Thực tế, bạn không thể đi đến một sự kiện nước ngoài với tư cách cá nhân vì bạn có làm gì thì mọi người cũng đều xem bạn đến từ đâu đã! Bạn không thể chối bỏ được xuất xứ và quốc gia của bạn vì đó là một phần tự nhiên thuộc về bạn.

Người được BTC Cannes mời phải có ứng xử cực kỳ tinh tế. Nhiều năm liền đi thảm đỏ, tôi luôn cố gắng đi nhanh hơn để nhường lối cho các ngôi sao phía sau mình và không làm ảnh hưởng đến các ngôi sao khác. Hành động rất nhỏ đó đã lọt vào mắt của BTC. Có lần đi dự buổi tiệc dành cho các khách mời chính thức của BTC và họ đã nói về ấn tượng của họ trong hành động nhường thảm đỏ của tôi.

Thiên Anh