Thứ năm, 19/11/2020, 12:42 (GMT+7)

Ký ức của cô giáo '3 không' bị học sinh bắt nạt

Từ dưới xuôi lên giáp ranh biên giới công tác, cô Khuyên không chỉ "nếm trải" cảnh "không điện, không nước, không sóng điện thoại" mà còn bị học sinh thả vắt vào người, dùng gậy xua đuổi.

Kết thúc buổi dạy sáng cũng gần 11 giờ, cô Bùi Minh Khuyên, 33 tuổi, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) giục học sinh về khu nhà chung cất đồ, rửa chân tay rồi đến nhà ăn. Trong thời gian đó, cô tranh thủ chạy về nhà cắm vội nồi cơm cho con, rồi trở lại trường.

Tuỳ lịch trực, có trưa cô Khuyên được về nhà, nhưng có lúc ở lại chăm cho học sinh ăn uống, đi ngủ để chiều lên lớp.

Ba năm trở lại đây, nữ giáo viên được nhà trường chuyển về trường trung tâm (trường chính) để công tác thay vì đi dạy tại các điểm trường cách thị xã chừng 20 - 30km. "Năm 2020, trường Pa Ủ có 6/10 điểm trường hoạt động tại các bản, cơ sở vật chất còn khó khăn, nhà trường cũng cố gắng xây dựng các lớp học xây bằng gạch, lợp mái tôn thay vì dựng bằng bằng tre, gỗ rồi quây bạt như trước. Nhưng so với 8-9 năm về trước, các điểm trường cũng bắt đầu có điện, nước, sóng điện thoại... nên cũng thuận tiện hơn", cô Khuyên nói.

3 KHÔNG

Cô Bùi Minh Khuyên.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Điện Biên hệ trung cấp năm 2008, nữ giáo viên công tác 2 năm tại trường PTCS Nậm Manh (Nậm Nhùn), sau đó chuyển sang trường PTCS Nậm Khao thêm 6 năm; từ đó đến nay đến nay giảng dạy tại trường Pa Ủ ngót nghét được 5 năm, nhưng quãng thời gian phải đi cơ sở khiến cô không bao giờ quên.

Đường đến trường Nậm Manh và Nậm Khao phải di chuyển qua sông Đà. Dòng nước chảy xiết, chiếc thuyền dài chừng 2 mét chở tối đa 4 người chênh vênh giữa dòng nước lớn. Năm 2008 khi vẫn phải chèo thuyền, các giáo viên lên thuyền rồi lấy gáo múc nước trong thuyền đổ ra ngoài để tránh bị chìm, lật úp. "Thuyền đi chừng 20-30 phút là tới nhưng lần nào cũng hú hồn hú vía, chẳng biết chết bao giờ. Có lần mình đi thuyền qua sông để về Điện Biên tổ chức đám cưới, lúc đi không may vướng vào dây cáp ròng rọc chở cát, may bác chèo thuyền đảo lái kịp, không chết hết cũng nên", cô Khuyên rùng mình.

Kết thúc gần 30 phút chật vật giữa dòng lũ, giáo viên tiếp tục đi bộ 8km đường rừng, mất chừng 4 tiếng. Nắng thì đỡ, chứ mưa lại cực. Đường trơn trượt, rộng vừa đúng một bàn chân, một bên là vực, một bên là bờ taluy, lưng lại khoác thêm bao thức ăn tươi, cá khô, lạc rang để ăn trong tuần.

Các điểm trường thường được dựng tạm trên đỉnh núi/ đồi, tách biệt hoàn toàn với nhà dân để tránh trường hợp học sinh trốn về. Thiếu thốn về chỗ ở, phòng học, lại hay gặp dông lốc khiến thầy cô gặp nhiều khó khăn.

Điểm trường Pha Bu tan tác sau trận bão năm 2018.

"Mình còn nhớ lần đầu tiên được phân công đi điểm trường, khi ấy phòng học chủ yếu là nhà bạt, ít có nhà mái tôn được xây dựng kiên cố. Mỗi điểm trường có 1 - 2 giáo viên. Lên được 3 ngày thì bão, lúc các thầy cô chạy sang trú ở phòng hội đồng, mình vẫn cố dùng bạt che chắn sách vở cho học sinh. Gió rít, mưa ngày càng lớn, vừa kịp chạy sang nhà trú, cả căn nhà tạm bị gió tốc mái, đồ đạc bay tứ tung", cô kể.

Đến năm thứ hai, lúc vừa làm một căn bếp tạm để giáo viên nấu cơm, nhưng mưa bão cuốn phăng căn nhà từ triền đồi xuống đường chính. Nhưng "đặc sản" khiến các thầy cô không thể quên là: "3 Không - Không điện, không nước và sóng điện thoại", cách đây chừng 8 - 9 năm về trước.

Ban ngày, cô trò tận dụng ánh sáng mặt trời để học, lúc lại dùng đèn dầu thắp sáng. Cố gắng dọn dẹp, soạn bài giảng, rồi nấu cơm trước khi trời tối. Đến tầm 8-9h thầy cô đã đi ngủ vì "chẳng có gì để làm do không có điện".

Sau giờ học, thầy cô mỗi người một việc. Người mang can đi xách nước suối về ăn uống, sinh hoạt, người lại tranh thủ đi trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn chỉ toàn đồ khô.

Thầy cô đi lấy nước dưới khe cách điểm trường chừng 400 mét.

"Ngày ấy mình và một thầy/ cô phải xách các can từ 5-20 lít, đi bộ gần 400 m để lấy nước suối. Lúc xuống đường dốc, can rỗng nên đi nhanh, nhưng xách ngược lên là cả một vấn đề. Tay chùng xuống, nặng lắm, nhưng phải cố. Đường đi lấy nước xa, nên dùng phải tiết kiệm, một xô nước vừa để vo gạo, rửa rau, rửa bát...", cô Khuyên cười.

Ở điểm trường, niềm an ủi duy nhất với các thầy cô giáo là gọi điện về cho gia đình nhưng sóng yếu, gọi điện thoại cũng xa xỉ.

Theo lời nữ giáo viên, cả trường chỉ duy nhất có chỗ bắt được sóng. Thầy cô phải đóng cột gỗ, đặt điện thoại đúng một vị trí, bởi lệch vài cm cũng không có sóng.

Thời gian đầu chưa kéo điện về điểm trường, thầy cô buộc phải viết thư tay, nhưng đường đi vất vả nên cũng hạn chế gửi. Mãi đến khi có điện thì sóng yếu, gọi câu được câu mất. "Đôi khi muốn hỏi sức khoẻ bố mẹ cũng khó. Sóng yếu nên tậm tịt, chẳng nghe ra sao. Chưa kể đến việc nhà có việc gấp mình ở trên này cũng không thể biết", nữ giáo viên thở dài.

Bị bắt nạt

Là thầy cô giáo trẻ, lại từ dưới xuôi lên công tác nên, chẳng ít lần cô Khuyên bị đám học trò nghịch ngợm, trêu chọc đến phát khóc. Với cô, học sinh bỏ học đi nương cũng buồn, nhưng vận động là được, còn các em không chịu nghe lời, quậy phá mới là điều buồn nhất.

Bị học sinh thả con vắt vào người cho hút no máu, bị vứt đồ dùng trong cặp ra khắp lớp... nữ giáo viên nếm trải đủ. "Có lần mình vừa khóc vừa chạy lên nói với thầy hiệu trưởng cho chủ nhiệm lớp khác vì học sinh nghịch quá, lại không chịu nghe lời. Nhưng nghĩ, nếu mình không rèn, các thầy cô khác cũng khổ. Bản thân mình biết các em tư chất rất ngoan, nhưng vì không muốn đi học nên mới nghĩ ra cách chống đối", cô kể.

Nắm bắt tâm lý, vừa nghiêm khắc vừa làm bạn với học sinh, dần dần, lũ "tiểu quỷ" bắt đầu nghe lời, chúng tìm được sự hứng thú trong các tiết học và quyến luyến khi phải chia tay cô khi lên lớp.

"Bắt trẻ đi học" là chuyện thường ngày của các thầy cô vùng cao. Hễ sĩ số không đủ là lại lên đường. Thấy thầy cô từ xa, có đứa chạy tót lên rừng trốn, có đứa ở lỳ trên nương, có đứa ngồi vắt vẻo trên cây cao nhất quyết không xuống, nhưng cũng có một số em còn dùng gậy tấn công thầy cô.

Đường vào bản xa, thầy cô buộc băng qua những con đường đầy đá tảng, lội qua nước lũ và cả con đường bùn đất kẹt cứng bánh xe... Mấy năm về trước, khi đang thuyết phục phụ huynh cho con đến trường, đứa bé 6 tuổi vì chưa hiểu biết đã cầm một cây gậy lớn, lao thẳng đến chỗ cô Khuyên ngồi để vụt. May mắn bố em ấy đã kịp phản ứng, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

"Lúc ấy mình tủi đến phát khóc bởi đã vất vả đi vận động, nhưng nhận về sự hắt hủi, ánh mắt giận dữ của bọn trẻ và đôi khi là cả phụ huynh", cô nói.

"Hay là về xuôi, về còn có gia đình và 2 con trai đang tuổi ăn học" - suy nghĩ đó cứ xuất hiện trong đầu của nữ giáo viên rất nhiều lần. 3 lần làm đơn xin về Điện Biên, 2 lần xin về Phú Thọ, nhưng đến phút chót cô Khuyên lại xin rút vì: "Mình về thì ai sẽ dạy học sinh/ Về có vô trách nhiệm quá không khi chưa làm được gì...". "Nhiều người bảo mình gàn dở vì có cơ hội mà không về, về mà chăm con, nhưng với mình, học sinh cũng như con, nếu bỏ đi thì ai sẽ nuôi dạy các con", nữ giáo viên trầm tư.

Với cô Khuyên, "chiêu bài" tốt nhất để bắt học sinh đi học là "cứ đi và ở lỳ tại nhà học sinh cho đến khi nhận được sự đồng ý. "Nói là bắt nhưng thực chất mình chỉ cần khiến phụ huynh hiểu sự cần thiết của việc học là họ sẽ đồng ý", cô cười.

Sau mỗi lần đón được học sinh về trường, nhận được câu nói thủ thỉ: "Cô ơi từ nay con sẽ không đi nương nữa, con sẽ đi học đều", cô giáo miền xuôi chỉ biết cười, đôi mắt rơm rớm vì công sức đã được đền đáp.

Trong ngày 20/11, nữ giáo viên tâm sự bản thân chẳng cần hoa, phong bì hay lời chúc gì to tát, chỉ mong các em học sinh ngoan ngoãn, đi học đủ là khiến cô thấy an tâm mỗi sáng lên lớp.

Bên cạnh đó, cô cũng đang tìm kiếm nhà hảo tâm để có thể giúp 578 học sinh của trường Pa Ủ được ăn tết dân tộc La Hủ. "Do điều kiện khó khăn nên các em ấy chưa từng có một cái tết trọn vẹn, đúng nghĩa, vì vậy mình cũng muốn làm điều gì đó để hỗ trợ cho các con", cô Khuyên nói.

Thầy Hà Ánh Hùng, hiệu trưởng trường Pa Ủ cho biết, cô giáo Bùi Minh Khuyên là giáo viên dạy các môn văn hoá, đã về trường công tác được 5 năm. "Từ công việc chuyên môn cho đến cuộc sống, cô giáo Khuyên luôn nỗ lực phấn đấu trong mọi mặt".

Chuyện ‘3 không’ của cô giáo vùng cao
 
 
Thầy cô trường Pa Ủ vận động học sinh đi học.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) có 578 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Hai điểm trường chính với 400 học sinh, 10 điểm trường lẻ ở bản xa chủ yếu dạy học sinh lớp 1, 2 với hơn 100 học sinh. Năm nay 6/10 điểm trường xa đang mở để đón học sinh. Hiện, toàn trường có 60 thầy cô làm công tác giảng dạy.

Thuý Quỳnh