Thứ bảy, 12/6/2021, 15:18 (GMT+7)

Kim Jong-un gọi Kpop là 'căn bệnh ung thư ác tính' trong cuộc chiến văn hóa mới

Kim Jong-un gọi đó là 'căn bệnh ung thư ác tính' làm hỏng trang phục, kiểu tóc, lời nói và hành vi của những người trẻ Triều Tiên. Truyền thông nhà nước cảnh báo rằng nếu không được kiểm soát, nó sẽ khiến Triều Tiên 'đổ nát như một bức tường ẩm mốc'.

Sau khi chinh phục hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới, văn hóa đại chúng Hàn Quốc dần thâm nhập vào biên giới cuối cùng: Triều Tiên. Sự ảnh hưởng ngày càng tăng của nó khiến nhà lãnh đạo nước này tuyên bố một cuộc chiến văn hóa mới để ngăn chặn làn sóng Hallyu. Nhưng ngay cả một chính trị gia có quyền lực tối cao như Kim Jong-un cũng có thể gặp khó khăn trong việc kìm hãm "triều cường" của văn hóa Kpop.

BTS là một trong những nhóm nhạc khiến Kpop ngày càng gây được tiếng vang trên thế giới.

Trong những tháng gần đây, hầu như không một ngày nào trôi qua mà Kim hoặc các phương tiện truyền thông nhà nước không chống lại những ảnh hưởng đang lan rộng ở Triều Tiên, đặc biệt là phim truyền hình, điện ảnh Hàn Quốc và các video Kpop. Là một phần của nỗ lực nhằm khẳng định lại quyền kiểm soát, Kim ra lệnh cho chính phủ của mình ngăn chặn cuộc xâm lược văn hóa.

Kiểm duyệt bất cứ điều gì. Nó diễn ra vào thời điểm nền kinh tế của Triều Tiên đang gặp khó khăn và hoạt động ngoại giao với phương Tây bị đình trệ. Có lẽ điều này khiến giới trẻ ở đất nước bí ẩn nhất thế giới dễ tiếp nhận ảnh hưởng từ bên ngoài hơn và thách thức quyền lực của Kim đối với xã hội Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

"Những người trẻ Triều Tiên nghĩ rằng họ không nợ gì Kim Jong-un", Jung Gwang-il, một người đào tẩu từ miền Bắc hiện điều hành một mạng lưới phân phối lậu các sản phẩm Kpop vào Triều Tiên, cho biết. "Ông ấy phải khẳng định lại quyền kiểm soát tư tưởng của mình đối với giới trẻ nếu không muốn đánh mất nền móng cai trị của gia tộc Kim trong tương lai", Jung nói thêm.

Gia tộc Kim đã cai trị Bắc Triều suốt ba đời và lòng trung thành của những người thuộc thế hệ millennial ở đất nước này thường xuyên bị thử thách. Họ trưởng thành trong một nạn đói vào cuối những năm 1990, khi chính phủ không thể cung cấp lương thực khiến hàng triệu người chết. Các gia đình sống sót bằng cách mua thực phẩm từ các thị trường không chính thức với hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc và cả những sản phẩm giải trí bất hợp pháp từ miền Nam.

Cơ quan tuyên truyền của nhà nước Triều Tiên từ lâu mô tả Hàn Quốc là một địa ngục trần gian với rất nhiều người ăn xin. Tuy nhiên, thông qua các bộ phim truyền hình Hàn Quốc lần đầu tiên bị phát tán bằng băng, đĩa CD, những người trẻ Bắc Triều biết được rằng trong khi họ phải vật lộn để tìm đủ thức ăn trong nạn đói, người dân Nam Hàn đang ăn kiêng để giảm cân.

Giờ đây, giải trí Hàn Quốc được nhập lậu từ Trung Quốc, đã đánh cắp trái tim của những người trẻ Triều Tiên. Họ trộm xem sau những cánh cửa đóng kín và ô cửa sổ có rèm che.

Red Velvet từng gặp Chủ tịch Kim Jong-un trong một buổi hòa nhạc tại Triều Tiên hồi 2018.

Sự hiện diện của nó trở nên đáng lo ngại đến mức Triều Tiên ban hành luật mới vào tháng 12. Theo nguồn tin từ quan chức tình báo chính phủ của các nhà lập pháp ở Seoul và những tài liệu nội bộ về Triều Tiên được Daily NK - một trang web có trụ sở tại Seoul - tiết lộ, những người xem hoặc tàng trữ các chương trình giải trí Hàn Quốc sẽ bị phạt từ 5 đến 15 năm trong các trại lao động. Trước đây, hình phạt tối đa cho tội này là 5 năm lao động khổ sai.

Những ai buôn lậu sản phẩm văn hóa bất hợp pháp có thể phải đối mặt với những hình phạt thậm chí còn nghiêm khắc hơn, bao gồm cả án tử hình. Luật mới cũng tăng thời hạn lao động khổ sai lên đến hai năm đối với những ai "nói, viết hoặc hát theo phong cách Hàn Quốc".

Việc ban hành luật được thực hiện sau nhiều tháng với các lệnh mới từ Kim cảnh báo về ảnh hưởng từ bên ngoài. Vào tháng 2, ông ra lệnh cho tất cả tỉnh, thành phố và các địa phương phải "dập tắt một cách không thương tiếc" các khuynh hướng tư bản đang phát triển. Tháng 4, Kim cảnh báo rằng "một sự thay đổi nghiêm trọng" đang diễn ra trong "trạng thái tư tưởng và tinh thần" của giới trẻ Triều Tiên. Tháng trước, tờ báo nhà nước Rodong Sinmun cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ "sụp đổ" nếu những ảnh hưởng như vậy gia tăng.

Đoàn nghệ sĩ Hàn Quốc, trong đó có Red Velvet, Seo Hyun (SNSD)... chụp ảnh cùng Chủ tịch Kim Jong-un trong một buổi hòa nhạc tại Triều Tiên năm 2018.

"Đối với Kim Jong-un, cuộc xâm lăng văn hóa từ Hàn Quốc đã vượt quá mức có thể chịu đựng", Jiro Ishimaru, tổng biên tập của Asia Press International - một website ở Nhật Bản chuyên theo dõi Triều Tiên - cho biết. "Nếu điều này không được kiểm soát, Kim lo ngại rằng người dân có thể bắt đầu coi miền Nam là một phương án thay thế miền Bắc", Ishimaru nói.

Máy tính, tin nhắn, máy nghe nhạc và các công cụ khác cho thấy nhiều người đang tìm kiếm nội dung về Hàn Quốc và bắt chước giọng nước này, theo tài liệu của chính phủ Triều Tiên do Asia Press tiết lộ. Chẳng hạn, phụ nữ ở Bắc Triều được cho là gọi đối tượng hẹn hò của họ là "đồng chí". Nhưng bây giờ nhiều người bắt đầu gọi "oppa" hoặc anh yêu như trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Kim gọi ngôn ngữ này là "đồi bại".

Gia đình của những người "bắt chước giọng con rối" từ miền Nam trong các cuộc trò chuyện hoặc tin nhắn hàng ngày có thể bị trục xuất khỏi các thành phố như một lời cảnh cáo, các tài liệu cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên đả kích một "cuộc xâm lược về ý thức hệ và văn hóa". Tất cả radio và TV đều được cài đặt sẵn để chỉ nhận các chương trình phát sóng của nhà nước. Chính phủ chặn người dân sử dụng internet toàn cầu. Các đội kỷ luật tuần tra trên đường phố ngăn chặn những người đàn ông để tóc dài và phụ nữ mặc váy quá ngắn hoặc quần bị coi là quá bó. Theo Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng, loại thuốc nhuộm tóc duy nhất hiện có ở Triều Tiên là màu đen.

Nhiều người trẻ Triều Tiên trộm xem các bộ phim và video âm nhạc của Hàn Quốc.

Nhưng có thể đã quá muộn để vá những vết nứt còn sót lại trong những năm 1990. Jung, 58 tuổi, nhớ lại từng xem Jealousy, một bộ phim truyền hình Hàn Quốc kể về tình yêu tuổi trẻ, khi ông còn ở Triều Tiên và cảm thấy bị sốc văn hóa. "Trên TV của Triều Tiên, tất cả đều là chương trình về đảng và nhà lãnh đạo", Jung nói và thêm rằng: "Bạn chưa bao giờ thấy sự thể hiện cảm xúc tự nhiên của con người như một người đàn ông và một người phụ nữ hôn nhau".

Trong một cuộc khảo sát mà Viện nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất của Đại học Quốc gia Seoul thực hiện với 116 người trốn khỏi Triều Tiên vào năm 2018 hoặc 2019, gần một nửa cho biết họ "thường xuyên" xem các chương trình giải trí của Hàn Quốc khi ở miền Bắc. Jung cho biết bộ phim được yêu thích nhất là Hạ cánh nơi anh, kể về một nữ tài phiệt Hàn Quốc đang bay dù lượn nhưng bị cơn gió mạnh bất ngờ đưa qua biên giới, tại đây cô phải lòng một sĩ quan quân đội Triều Tiên.

Kim từng tỏ ra linh hoạt hơn đối với văn hóa bên ngoài. Năm 2012, truyền hình nhà nước phát sóng cảnh Kim giơ ngón cái lên với một nhóm nhạc nữ mặc váy ngắn chơi bài hát chủ đề Rocky trong khi các nhân vật Mickey và Minnie Mouse tung tăng gần đó. Các ki-ốt được chính phủ phê chuẩn ở Bình Nhưỡng đã bán các tác phẩm yêu thích của Disney như The Lion KingCinderella. Đại sứ quán Nga cho biết vào năm 2017, các nhà hàng đã chiếu những bộ phim, buổi hòa nhạc và chương trình truyền hình nước ngoài.

Nhưng sự tự tin của Kim đã suy giảm sau khi quan hệ ngoại giao với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, sụp đổ vào năm 2019 mà không đạt được thỏa thuận dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Kể từ đó, ông thề sẽ dẫn dắt đất nước của mình vượt qua những hạn chế bằng cách xây dựng một "nền kinh tế tự lực", ít phụ thuộc vào thương mại với thế giới bên ngoài. Sau đó, đại dịch tấn công, làm tổn thương sâu sắc thêm nền kinh tế của Triều Tiên.

"Tình hình kinh tế của Bắc Triều tồi tệ nhất kể từ khi Kim Jong-un nhậm chức một thập kỷ trước", Ishimaru nói. "Nếu người dân lâm vào cảnh đói kém, tỷ lệ tội phạm có thể tăng lên. Ông ấy phải thắt chặt kiểm soát để răn đe tình trạng bất ổn xã hội", tổng biên tập của Asia Press International nói thêm.

Triều Tiên khuyến khích người dân của mình tố cáo những người xem phim truyền hình Hàn Quốc, theo tài liệu do Daily NK tiết lộ. Nhưng nhiều người quyết định làm theo cách khác, như bí mật báo cho hàng xóm của mình trước khi cảnh sát đột kích. "Hiện tượng phân phối các ẩn phẩm và tuyên truyền bí mật không biến mất mà còn tiếp diễn", tài liệu viết.

Huyền Vũ (Theo New York Times)