Thứ hai, 6/9/2021, 00:00 (GMT+7)

'Khủng bố tinh dịch' - nỗi ám ảnh của phụ nữ Hàn

Nhiều chính trị gia Hàn đề xuất sửa đổi luật hình sự của nước này nhằm tạo khuôn khổ trừng phạt những kẻ 'xuất tinh' vào đồ đạc của phụ nữ nhưng lại không bị coi là tội phạm tình dục.

Một tách cafe trộn nước bọt, thuốc nhuận tràng, thuốc kích dục và tinh dịch - đó là sự "pha chế" ghê rợn mà một người đàn ông đưa vào đồ uống của nữ đồng nghiệp như một cách trả thù sau khi tỏ tình không thành công.

Nhưng sự quấy rối ấy không dừng lại.

Trong suốt hơn 10 tháng trời kể từ sau khi bị từ chối vào tháng 4/2018, người đàn ông thực hiện liên tục 54 lần. Theo tài liệu của tòa án, hắn đã bí mật bôi tinh dịch lên son môi, bàn chải đánh răng của cô gái. Ngoài ra, trong một chuyến nghiên cứu của nhóm đến đảo Jeju, hắn còn trộm đồ lót của nạn nhân. Vụ việc được phơi bày vào năm 2019 khi một đồng nghiệp vô tình xem cuốn nhật ký do chính thủ phạm ghi chép lại quá trình phạm tội và người này đã báo cảnh sát.

Bất chấp vụ việc gây tổn thương nạn nhân đến mức khiến cô ấy không thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày một cách bình thường, người đàn ông chỉ bị kết án 3 năm tù. Tòa phán quyết hành động trộn tinh dịch vào cốc cafe không được coi là "tội phạm tình dục". Theo luật hiện hành của Hàn Quốc, người đàn ông chỉ bị xét xử với tội danh "trộm cắp, theo dõi, cố ý gây thương tích, làm hư hỏng tài sản và đột nhập nơi cư trú trái phép".

Phụ nữ Hàn Quốc xuống đường biểu tình ở thành phố Seoul tháng 8/2018, với biểu ngữ "Cuộc đời tôi không phải phim khiêu dâm của bạn". Ảnh: AFP

Đây là một trường hợp trong xu hướng đáng lo ngại được gọi là "khủng bố tinh dịch". Ở Hàn Quốc, cụm từ này mô tả hành động xuất tinh (và trong một số trường hợp là đi tiểu) vào tài sản, đồ đạc của phụ nữ.

Trong một phiên tòa năm 2020, một người đàn ông chỉ bị phạt 3 triệu won sau khi bị phát hiện xuất tinh 6 lần vào cốc cà phê của đồng nghiệp nữ trong nửa năm. Tòa án tuyên bố hành động của người đàn ông "đã hủy hoại cái cốc".

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình SBS, nạn nhân nữ trẻ tuổi cho biết cô phát hiện chiếc chăn bị "ướt" bởi chất nhầy, sau đó được xác định là tinh dịch. Cô báo vụ việc với cảnh sát và thông qua CCTV đã tìm ra thủ phạm là sinh viên năm cuối tại trường học nơi cô theo học ngành sư phạm.

"Tôi rất sốc. Tôi hoàn toàn không biết anh ta", cô nói. Vụ việc khiến cô gái bị tổn thương, "tức giận và thất vọng". Cô cũng bắt đầu mất tự tin và "nghi ngờ mọi thứ xung quanh mình".

"Khủng bố tinh dịch là loại bạo lực mà đàn ông nhắm vào phụ nữ. Tất cả hành vi đồi bại đều do tính nam độc hại, mong muốn kiểm soát và lối suy nghĩ phụ nữ không bình đẳng", nhóm quyền phụ nữ Haeil cho biết trong một tuyên bố. "Các nạn nhân trở thành mục tiêu ngay cả ở nơi công cộng, đơn giản vì họ là phụ nữ. Và thật không may, tại Hàn Quốc, hầu hết nạn nhân chọn cách im lặng vì họ sẽ là người phải chịu đựng sự sỉ nhục và tấn công từ những người trên mạng".

Luna Yoon (31 tuổi), đến từ Seoul, nhớ lại câu chuyện về một nam sinh viên bị bắt gặp bôi tinh dịch lên giày của bạn nữ cùng lớp. Yoon nói cô cảm thấy "thật ghê tởm" nhưng đáng ngại hơn cả là phản ứng của công chúng đối với vụ việc này.

Khi các bài báo đưa tin, người dùng mạng bắt đầu buông bình luận khiếm nhã như phỏng đoán ngoại hình của nạn nhân. Một số còn đùa cợt về việc nam sinh "khỏe" đến thế nào. "Người ta đưa ra những bình luận quấy rối về nạn nhân. Ai đó thậm chí còn nói rằng cô ấy sẽ có một đời sống tình dục thỏa mãn nếu cho anh chàng kia một cơ hội. Tôi không thể tưởng tượng nổi tại sao họ có thể chế giễu trên nỗi đau và tổn thương của người khác, coi nhẹ điều đó như vậy", Yoon nói.

Yoon có chút do dự khi nhắc lại trải nghiệm của chính mình vài năm trước. Vào một buổi tối năm 2015, Yoon đi tàu cao tốc thì phát hiện mình bị một nam hành khách theo dõi. Nhưng cô không nghĩ nhiều, từ từ chìm vào giấc ngủ và tỉnh dậy khi tàu dừng ở điểm cuối ga Seoul.

Khi đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi và lấy ba lô, cô chạm phải chất màu trắng đục dính ở phía trước. Yoon không chắc chắn nhưng cô lờ mờ nhận ra đó có thể là tinh dịch. "Dù nó là gì đi nữa, thực sự khiến tôi kinh tởm. Tôi ném chiếc túi đi ngay lập tức. Điều đó như là hành động quấy rối tình dục. Tôi đã giữ kín chuyện đó trong lòng và cố để không nhớ về ký ức ấy nữa", Yoon nói.

Hình ảnh minh họa về "khủng bố tinh dịch" đối với phụ nữ. Ảnh: Vice

Theo nhà trị liệu tâm lý người Anh Andrew da Roza, làm việc ở Singapore, chuyên điều trị cho những người nghiện tình dục, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kẻ phạm tội "khủng bố tinh dịch". Khi mới bắt đầu, thủ phạm có thể đang mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần từ trước, chẳng hạn như hành vi tình dục cưỡng chế, rối loạn cảm xúc lo âu, rối loạn nhân cách chống đối xã hội và trầm cảm, gây khó khăn hoặc không hướng tới việc nuôi dưỡng các mối quan hệ lành mạnh.

"Một kẻ khủng bố tinh dịch có thể là người sống cô lập, cô đơn, ít kỹ năng xã hội. Một người nào đó cưỡng chế sử dụng nội dung khiêu dâm và các nền tảng trực tuyến khác duy trì hoặc thậm chí tôn vinh tính nam độc hại và các hành vi phạm tội tình dục", Andrew da Roza cho biết.

Ở trường hợp người đàn ông cho tinh dịch vào cafe của đồng nghiệp, anh ta được phát hiện "cực kỳ stress" do công việc và các mối quan hệ khác. Các tài liệu tòa án tiết lộ, hành vi bị thúc đẩy một phần sau khi người này bị nạn nhân từ chối tình cảm. "Họ sống trong một thế giới tưởng tượng, nơi họ coi phụ nữ như đồ vật. Điều này có thể bắt nguồn từ việc họ không thể cảm thông với phụ nữ do những lời từ chối mà họ có thể đã gặp phải trong quá khứ," de Roza nói.

Ông nói thêm rằng ngoài các vấn đề về sức khỏe tâm lý, những người phạm tội mắc chứng rối loạn hành vi tình dục cưỡng chế có thể bị các chứng rối loạn thể chất như rối loạn cương dương, xuất tinh sớm và ham muốn tình dục thấp - khiến quan hệ tình dục lành mạnh với người khác trở nên không suôn sẻ và căng thẳng.

Ảnh: Vice

Chủ nghĩa nữ quyền trở thành "một từ bẩn thỉu" ở Hàn Quốc - nơi phong trào MeToo phải đối mặt với những thách thức và sự phản đối gay gắt trong một xã hội bảo thủ. Thuật ngữ này ở Hàn Quốc bị coi là gắn với việc bài xích đàn ông.

Camera ẩn (spy cams) hay camera quay lén phụ nữ trong nhà vệ sinh công cộng, thậm chí cả nhà riêng cũng là một tệ nạn lớn ở nước này. Nhà báo Jean Lee, chuyên gia về Hàn Quốc tại Trung tâm Wilson ở Washington, cho biết: "Hàn Quốc vẫn là một xã hội coi trọng nam giới hơn nữ giới và từ lâu đã tồn tại sự bất bình đẳng trong xã hội cũng như trong hệ thống luật pháp". Bà nói rằng có một "cuộc chiến văn hóa thời hiện đại" đang diễn ra ở đất nước, cho thấy những người đàn ông từ chối chấp nhận nữ quyền.

"Các số liệu cho thấy Hàn Quốc đã chậm nhận biết và khắc phục bất bình đẳng giới, ví dụ như đây là quốc gia có mức chênh lệch lương cao nhất trong nhóm OECD, và ngày càng có nhiều lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, không bảo vệ đầy đủ cho nữ giới", Lee nói.

Tấm biểu ngữ chống nạn quay lén ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Theo thống kê từ cảnh sát Hàn, có 44 trường hợp liên quan đến "khủng bố tinh dịch" được đệ trình từ năm 2019 đến tháng 7 năm nay, trong đó 37 vụ được gửi đến văn phòng công tố. "Đó là tội phạm tình dục rõ ràng nhưng biện pháp trừng phạt lại là một vấn đề khác", The Women's News, công ty truyền thông ủng hộ nữ quyền, cho biết trong một báo cáo. "Những kẻ khủng bố tinh dịch sử dụng luật pháp như một lá chắn để khẳng định chúng không phạm tội tình dục. Các tòa án chấp nhận điều này và chỉ phạt nhẹ".

Các chính trị gia đang tìm cách giải quyết các lỗ hổng pháp lý để tạo khuôn khổ trừng phạt các thủ phạm trốn thoát với "hình phạt nhẹ" thay vì bị buộc tội về hành vi tội phạm tình dục. Shailey Hingorani, người đứng đầu nhóm bình đẳng giới AWARE của Singapore, cho biết các nhà chức trách cần mở rộng khái niệm của tội phạm tình dục.

"Bạo lực tình dục không chỉ là thể xác. Nó có thể là lời nói, hình ảnh, và trong trường hợp 'khủng bố tinh dịch', nó liên quan đến các hành động thể chất bao gồm việc tiếp xúc không chỉ với cơ thể nạn nhân mà còn với đồ đạc - đại diện cho bản thân và danh tính của cô ấy", Hingorani nói.

Theo Hingorani, việc luật pháp Hàn Quốc quy định hành vi phạm tội tình dục chỉ được xác lập khi có sử dụng bạo lực tấn công hay quấy rối thể xác là chưa đầy đủ và lỗi thời để định nghĩa về bạo lực tình dục.

Phụ nữ Hàn Quốc xuống đường biểu tình. Ảnh: AFP

Giáo sư Lee Sue-jung, nhà tâm lý học tội phạm pháp y nổi tiếng từ Đại học Kyonggi, cho rằng việc công nhận các trường hợp "khủng bố tinh dịch" là tội phạm tình dục không phải dễ vì sự phức tạp của các vụ án. Bà nói rằng các yếu tố như ý định cá nhân và chấn thương tinh thần có thể khó chứng minh trước tòa. "Cảnh sát dễ dàng truy tìm kẻ tình nghi vì có DNA rõ ràng trong tinh dịch. Nhưng khó ở chỗ chứng minh rằng một hành động được thực hiện có chủ đích, đặc biệt là khi nghi phạm có thể bào chữa họ không có ý định đó".

Lee nhấn mạnh về những tổn thương gây ra cho các nạn nhân và thừa nhận vẫn còn chặng đường dài phía trước, ngay cả khi các chính trị gia đang thúc đẩy dự luật hợp lý. "Bảo vệ nạn nhân và trừng phạt thủ phạm không phải lúc nào cũng giống nhau. Chúng ta nên tiếp cận các sửa đổi một cách cẩn trọng", Lee Sue-jung nói.

Nhưng theo nhóm nữ quyền Haeil, nếu các biện pháp thích hợp không được thực hiện, vấn đề sẽ càng trở nên tồi tệ hơn, và phụ nữ sẽ không dám lên tiếng. "Phụ nữ lo ngại về mức độ trừng phạt nhẹ của luật pháp và sự tấn công của dư luận, vì vậy họ miễn cưỡng và do dự khi tố giác những tội phạm này".

Xem thêm: Tại sao phụ nữ Hàn Quốc bị chỉ trích khi khoe 'tóc ngắn nữ quyền'

Huyền Anh (Theo Vice)