Chủ nhật, 2/12/2018, 00:00 (GMT+7)

Hương vị Tây Ban Nha tại tiệm cà phê ven Hồ Tây

Nổi bật giữa những hàng quán na ná nhau ven đường Hồ Tây, Hà Nội, Chula Fashion House gây tò mò với người qua lại ngay từ cái nhìn đầu tiên. 

Không giống như những cửa tiệm khác gần kề mang màu sắc hiện đại, Chula đem đến cảm nhận tươi mới và đầy sức sống.

Cánh cổng dẫn vào quán được trang trí bằng những màu sắc sặc sỡ với 2 tông màu xanh, đỏ chủ đạo. Bước qua cánh cổng là một không gian đầy sáng tạo. Điều đầu tiên khiến bạn thích thú là vẻ thân thiện mà Chula mang lại. Chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ nhận ra những vật dụng dân dã đậm chất Việt Nam được "ngụy trang" dưới bàn tay khéo léo của chủ quán. Những chiếc đèn lồng treo trên trần nhà thoạt nhìn cứ ngỡ được thiết kế cầu kỳ, hóa ra chỉ đơn giản là hai chiếc rổ úp vào nhau. Ghế ngồi được tận dụng từ vỏ đỗ, rá mây tre... Tất cả đều là những món đồ gần gũi, thân thiện với thiên nhiên.

Ánh đèn vàng khiến mọi vật thêm lung linh, ấm cúng.

Các lồng đèn thực ra được làm từ rổ rá úp lại.

Quán cà phê Chula Fashion House do cặp vợ chồng người Tây Ban Nha Diego Cortizas và Laura Fontan mở ra với mục đích "điểm thêm một nét đẹp xinh vào lòng thành phố Hà Nội". Quán có 5-6 không gian rộng lớn cả ngoài trời và trong nhà, được bài trí theo phong cách hòa quyện giữa văn hóa Việt Nam và Tây Ban Nha. Khách hàng tới đây đều thích thú bởi không gian thoáng đãng mà nó mang lại. Vì nằm ngay đối diện mặt Hồ Tây nên gian ngoài lúc nào cũng mát mẻ nhờ việc đón những làn gió mát rượi từ ngoài hồ thổi vào.

Không gian kết hợp giữa văn hóa Việt Nam và những màu sắc Tây Ban Nha.

Laura Fonta là nhà thiết kế thời trang, còn Diego Cortizas là thợ chụp ảnh tự do. Ngoài việc kinh doanh chuỗi cửa hàng cà phê, Chula Fashion House còn là nơi bày bán những trang phục áo dài do chính vợ chồng anh Diego thiết kế. Nói về ý tưởng thực hiện họa tiết trên những chiếc áo dài, anh Diego cho biết: "Một số trang phục có hình ảnh cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Những hình ảnh này do chính tay tôi ghi lại trên đường đi thăm các miền quê Việt Nam và in chúng lên áo. Du khách nước ngoài rất thích mua những chiếc áo như thế bởi nó gợi nhắc cho họ kỷ niệm về chuyến đi thăm Việt Nam".

Các trang phục truyền thống Việt Nam được thực hiện bởi nhà thiết kế người Tây Ban Nha.

Điều đặc biệt khác khiến khách hàng ấn tượng là 75% nhân viên của quán đều là những người mang khiếm khuyết cơ thể. Có người mang dị tật ở tay chân, lại có người không thể nói. Thậm chí nhân viên nhận order cho chúng tôi hoàn toàn không thể nghe được những âm thanh xung quanh nhưng vẫn làm đúng món đồ uống khách đặt.

Chúng tôi thắc mắc với chủ quán lý do tại sao lại chọn nguồn nhân lực đặc biệt như vậy thì nhận được câu trả lời: "Nhiều người vẫn nghĩ người khuyết tật không thể làm được việc gì cả. Nhưng thực tế là họ có thể làm được nhiều việc, thậm chí hiệu quả hơn cả người bình thường. Một khiếm khuyết trên cơ thể không làm những người khuyết tật phó mặc cuộc sống của mình. Tôi chỉ muốn chứng minh cho cộng đồng thấy họ có thể tự nuôi dưỡng bản thân tốt hơn nhiều người vẫn đang lầm tưởng", anh Diego Cortizas cho biết.

Quả đúng như thông điệp chủ quán muốn truyền tải, nếu không tiếp xúc, khách hàng khó nhận ra những nhân viên ở đây đều là người đặc biệt. Bởi dường như họ chẳng gặp bất kỳ khó khăn gì khi làm công việc của mình. Họ pha chế, nấu nướng, thậm chí giao tiếp với người nước ngoài hoặc trò chuyện với khách hàng nhờ vào ngôn ngữ cơ thể. 

Thúy Anh