Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới hiện ghi nhận 2.560.504 ca nhiễm và 176.926 trường hợp tử vong vì Covid-19 ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới với 823.257 ca nhiễm, gấp gần bốn lần so với Tây Ban Nha - quốc gia ghi nhận số người nhiễm bệnh cao thứ hai thế giới. Số ca tử vong ở Mỹ tăng hơn 2.600 ca trong một ngày, nâng tổng số nạn nhân lên 44.805.
Các trường hợp dương tính mới được báo cáo ở Mỹ dường như chậm lại trong tuần này, tăng chưa đến 30.000 ca mỗi ngày. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng việc tăng cường xét nghiệm là cần thiết để dỡ bỏ các lệnh hạn chế. New York chiếm gần một nửa số ca tử vong trên toàn nước Mỹ, chính quyền bang này tỏ ra thận trọng trong việc mở lại các doanh nghiệp và trường học. Hôm 20/4, thành phố New York cho biết các buổi hòa nhạc và sự kiện lớn khác sẽ bị hủy bỏ cho đến tháng 6.
![]() |
Trẻ em trở thành nạn nhân của Covid-19. Ảnh: AFP. |
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo tổng số người nhiễm nCoV là 204.178, trong đó có 21.282 ca tử vong. Chính quyền nước này hủy bỏ lễ hội đua bò hàng năm ở Pamplona. Trẻ em sẽ được phép đi cùng cha mẹ mua sắm thực phẩm và các chuyến đi được phê chuẩn khác, sau khi phải ở nhà trong hơn một tháng vì lệnh phong tỏa.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy báo cáo thêm 2.729 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 183.957, cao thứ ba thế giới. Thêm 534 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 24.648.
Thủ tướng Giuseppe Conte hôm 21/4 cho biết nước này có thể bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày 4/5. Nhưng các quan chức miền nam Italy lo ngại rằng việc nới lỏng các hạn chế đi lại sẽ khiến khu vực của họ chịu ảnh hưởng nặng nề, bởi vì trước khi dịch bệnh bùng phát, miền nam phải chịu cảnh nghèo đói và tham nhũng, đồng thời hệ thống y tế ở khu vực này cũng yếu hơn miền bắc.
Pháp ghi nhận 158.050 ca nhiễm và 20.796 trường hợp tử vong, tăng lần lượt 2.667 và 531 ca so với một ngày trước đó. Pháp đang lên kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, dự kiến bắt đầu từ 11/5.
Đức cho phép các cửa hàng nhỏ mở cửa trở lại, chính quyền hủy bỏ sự kiện Oktoberfest - lễ hội bia được yêu thích ở phía nam Bavaria, lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ II. Hiện, quốc gia này ghi nhận 148.291 ca nhiễm và 5.033 trường hợp tử vong vì Covid-19.
Singapore tiếp tục là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 9.125 ca nhiễm, tăng 1.111 ca. Số ca tử vong vẫn là 11. Quốc gia này trở thành một ví dụ cảnh tỉnh các nước khác về cách bệnh truyền nhiễm có thể yếu đi và bùng phát trở lại. Singapore hôm 21/4 thông báo mở rộng các biện pháp phong tỏa cho đến 1/6 để chống lại làn sóng lây lan thứ hai. Hầu hết trường hợp mới được ghi nhận trong các ký túc xá tập trung đông công nhân nhập cư.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 21/4 tuyên bố cấm hàng triệu người trở về quê nhà vào tháng tới để nghỉ lễ Eid al-Fitr. Đây là ngày đánh dấu kết thúc việc ăn chay trong tháng Ramadan, rơi vào 23 và 24/5 năm nay. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ 24/4. Indonesia báo cáo 7.135 trường hợp dương tính với nCoV và 616 người chết vì Covid-19, tỷ lệ tử vong gần 9%. Ít nhất 42 y bác sĩ đã qua đời vì căn bệnh này.
Huyền Vũ (Theo Reuters, AFP, NYTimes)