Chủ nhật, 24/1/2021, 22:40 (GMT+7)

Hoa hậu Trân Đài: 'Bạn trai khóc khi biết tôi là người chuyển giới'

Giấu chuyện giới tính suốt hai năm yêu, khi Trân Đài công khai sự thật, bạn trai khóc và chấp nhận cô.

Phùng Trương Trân Đài là một trong số những thí sinh lớn tuổi nhất Đại sứ Hoàn mỹ 2020. Cô gái 29 tuổi cao 1,71 m, số đo ba vòng 90-62-91 cm và hiện sinh sống, làm việc tại Mỹ. Trong đêm chung kết Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam tối 24/1 tại TP HCM, cô vượt qua 9 thí sinh, trở thành người chiến thắng. Chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày trước đêm đăng quang nhưng Trân Đài vẫn tỏa ra năng lượng tươi mới. Nụ cười cô rạng rỡ, thường trực trên môi. Trân Đài có những chia sẻ thú vị về hậu trường cuộc thi và những bí mật đời tư chưa từng được bật mí với iOne.

Hoa hậu Trân Đài.

- Giải thưởng Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam 2020 có ý nghĩa thế nào với chị?

- Thời điểm nắm tay Lương Mỹ Kỳ chờ hai MC công bố kết quả, tôi run lắm. Nhưng khi tên Trân Đài được xướng lên, mọi cảm xúc như vỡ òa. Tôi chạm tới ước mơ từ nhỏ nên rất xúc động. Khi ấy, tôi tự nhủ rằng bản thân đã làm được, dám sống thật với bản thân để có ít nhất một cơ hội tỏa sáng trong đời.

Trước đó, so với các thí sinh, tôi có rất ít thời gian học catwalk, luyện thi tài năng. Covid-19 khiến tôi gặp nhiều trở ngại. Thực tế, tôi đăng ký thi Đại sứ hoàn mỹ từ rất sớm nhưng khoảng bảy tháng sau, tôi mới được về Việt Nam, cách ly hai tuần ở thời điểm chương trình sắp ghi hình. Tôi từng buồn, khóc nhiều vì sợ không kịp chuẩn bị cho cuộc thi. Tuy nhiên, tôi đã gác mọi công việc ở Mỹ, về Việt Nam để thực hiện mục tiêu. Những ngày ở khu cách ly, tôi tự trang bị các kỹ năng cho mình. Tôi tập catwalk nhiều đến mức gãy guốc, bàn chân phồng rộp. Vào đội chị Minh Tú, tôi có 10 ngày để học thêm các kỹ năng như trình diễn trước ống kính, phô diễn nét đẹp hình thể và ứng xử.

Năm nay, mặt bằng thí sinh mạnh. Ai cũng xinh đẹp, tài năng và có quá trình chuẩn bị nghiêm túc cho cuộc thi nên tôi gặp nhiều áp lực tâm lý. Tuy nhiên, nhờ chị Minh Tú tin tưởng, động viên, truyền nhiều năng lượng tích cực, tôi dần hòa nhập và sẵn sàng thể hiện hết mình trong cuộc thi. Tôi thấy 9 thí sinh có mặt trong đêm chung kết, ai cũng xinh đẹp, tài năng. Tôi không dám nhận xét về các bạn mà hãy để khán giả đánh giá, sẽ khách quan hơn. Về phần mình, tôi chỉ thấy bản thân đã catwalk tiến bộ nhiều. Khi ứng xử, thuyết trình, tôi nói cũng mạch lạc, tự tin hơn.

- Ai là người truyền cảm hứng cho chị đi thi hoa hậu?

- Tôi từng xem Đại sứ hoàn mỹ mùa đầu và rất yêu thích cuộc thi này. Những người bạn của tôi cũng gửi thông báo tuyển sinh mùa hai nhưng khi ấy tôi rất đắn đo. Nhiều người vẫn không biết tôi là người chuyển giới, kể cả bạn trai. Tôi và anh quen nhau hơn hai năm qua nhưng anh không biết giới tính thật của tôi. Lúc đó, tôi nghĩ mình không thể giấu kín giới tính thật đến suốt đời. Tôi quyết định nói với anh tất cả. Bạn trai cũng là người đầu tiên biết tôi sẽ dự thi Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự thành công của Miss International Queen 2018 Hương Giang là động lực giúp tôi theo đuổi ước mơ. Do đó, tôi dành toàn bộ tiền tiết kiệm trong 5 năm ở Mỹ để mua quần áo, giày dép, đăng ký các khóa học kỹ năng và kiếm chi phí đi lại. Tôi đăng ký bay từ Mỹ về Việt Nam khi dịch vẫn diễn biến phức tạp. Đầu tháng 10/2020, tôi về đến Việt Nam và tuân thủ quy định cách ly 14 ngày. Tôi bị trễ vòng casting nhưng khi ban tổ chức nghe tôi trình bày hoàn cảnh, họ đã tạo điều kiện bằng cách cho tôi phỏng vấn online.

Trân Đài từng giấu bạn trai giới tính thật.

- Bạn trai phản ứng thế nào khi biết chị là người chuyển giới?

- Bạn trai tôi là người Mỹ. Cả hai gặp nhau trong một buổi ăn tối cùng bạn bè. Anh quý mến tôi ở sự thân thiện, vui vẻ. Sau thời gian tìm hiểu, chúng tôi thấy hòa hợp nhau nên quyết định gắn bó. Biết sự thật giới tính của tôi cách đây nửa năm, anh ấy ôm tôi, cả hai đứa cùng khóc rất nhiều. Tôi cảm ơn vì anh đã chấp nhận tôi. Anh ấy nói đã nghi ngờ giới tính của tôi từ rất lâu nhưng vì tình yêu dành cho tôi quá lớn, anh quyết không gặng hỏi. Từ khi biết tôi là người chuyển giới, phải trải qua nhiều đau đớn về thể xác cũng như những tổn thương tinh thần, anh ấy càng thương tôi hơn. Gần bốn tháng xa nhau, ngày nào anh cũng gọi điện video, trò chuyện cùng tôi. Anh hứa sẽ thu xếp về Việt Nam thăm tôi khi tình hình dịch được kiểm soát.

Bố mẹ bạn trai cũng chưa biết tôi là người chuyển giới. Nhưng tôi nghĩ bằng tình yêu thương dành cho tôi, bạn trai sẽ tìm cơ hội, nói về con người thật của tôi cho bố mẹ anh ấy biết. Tôi tin họ sẽ chấp nhận tôi vì người Mỹ có lối suy nghĩ rất tích cực, cởi mở.

- Từ khi nào chị có quyết định chuyển giới?

- 8 tuổi, tôi đã biết mình không phải con trai. 13 tuổi, tôi bắt đầu tiêm hormone nữ và hai năm sau, tôi qua Thái Lan phẫu thuật chuyển giới. Khi ấy, tôi còn nhỏ tuổi nên rất sợ. Ngày lên bàn mổ, tôi hồi hộp, lo lắng nhưng khao khát được sống đúng với giới tính thật giúp tôi mạnh mẽ hơn. Tôi tự nhủ rằng cho dù có chết trên bàn mổ, tôi cũng sẽ chấp nhận quyết định này.

Sau ca đại phẫu, tôi nghỉ tại một khách sạn ở Thái Lan trong một tuần để theo dõi, giữ vệ sinh vết mổ. Thời gian sau đó, tôi trau dồi mọi thứ để trở nên nữ tính, nền nã hơn. Chuyển giới, tôi xác định mình sẽ phải uống thuốc cả đời và gặp nhiều rủi ro về sức khỏe, nhưng đây là cái giá xứng đáng để được hạnh phúc. Bố mẹ tôi có suy nghĩ cởi mở nên luôn ủng hộ mọi quyết định của con gái. Tuy nhiên, xã hội thời ấy vẫn chưa cởi mở lắm nên tôi quyết định giấu câu chuyện về cuộc đời mình. Tôi từng không muốn ai biết mình là người chuyển giới.

Vẻ ngoài bốc lửa của Trân Đài.

- Lý do chị không thoải mái chia sẻ câu chuyện về giới tính thật với mọi người?

- Vì tôi từng chịu quá nhiều sự kỳ thị. Thời còn ở Việt Nam, khi đi học, đi chợ, những ánh mắt, sự chỉ trỏ, những lời bàn ra tán vào sau lưng khiến tôi rất sợ hãi và khó chịu. Tôi nhớ như in thời làm nhiếp ảnh cho các tờ báo tuổi teen tại Việt Nam. Lần ấy, tôi được nhận một dự án chụp hình cho nhãn hàng mỹ phẩm của Nhật Bản cho một tờ báo. Tuy nhiên, khi biết tôi là người chuyển giới, đối tác đã hủy hợp đồng. Lúc ấy, tôi buồn mất mấy ngày và khóc nhiều. Tôi nghĩ mình không thể sống mãi như vậy mà cần có một môi trường mới, cuộc sống mới để được sống là chính mình. Do đó, tôi qua Mỹ sinh sống, theo học nghề chăm sóc da, làm đẹp từ 2015. Tôi không quen biết ai nên phải tự lập mọi thứ. Để trang trải việc học và cuộc sống, tôi đi bán quần áo, phục vụ nhà hàng, làm nail. Tôi cũng di chuyển bằng xe đạp và tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí.

Ở Mỹ, tôi cố gắng trau dồi bản thân. Tôi uống thuốc nhiều nên trí nhớ kém. Sức khỏe bản thân không tốt nên tôi tự rèn luyện bằng cách ăn uống khoa học, ngủ đúng giờ, tập gym, yoga hàng ngày để cơ thể dẻo dai. Tôi tự tin nhất ở bản thân là sự cố gắng, tinh thần phấn đấu không biết mệt mỏi. Kỹ năng được hoàn thiện những năm qua giúp tôi trở thành cô gái bản lĩnh, tự tin ở hiện tại.

- Chị đặt mục tiêu gì khi đại diện Việt Nam dự Miss International Queen 2021?

- Còn khá sớm để bàn về mục tiêu. Tôi nghĩ mình cần rèn thêm kỹ năng catwalk, trau dồi kiến thức, hoàn thiện vẻ đẹp nội tâm lẫn bên ngoài. Tôi muốn cống hiến sự nhiệt huyết, sức trẻ để có những hành động thiết thực, giúp đỡ cộng đồng LGBT ngày càng phát triển, văn minh hơn vì thực tế, nhiều người chuyển giới ở Việt Nam vẫn chưa tìm được sự bình đẳng trong cuộc sống, công việc.

Trân Đài chuyển giới
 
 
Nhan sắc Trân Đài.

Xem thêm: Trân Đài - cô gái được dự đoán đăng quang Hoa hậu Chuyển giới

Thiên Anh