Thứ sáu, 27/8/2021, 00:00 (GMT+7)

Gia đình 10 người bỏ phố lên rừng, biến đồi trọc thành trang trại xanh ngút ngàn

Hơn một năm lên Đà Lạt, gia đình chị Việt Anh biến khu đồi trọc rộng 1 ha thành trang trại xanh, kết hợp mở quán cà phê và khu cắm trại.

Nhiều năm về trước, chị Hoàng Việt Anh (34 tuổi, sống tại TP HCM) được ba mẹ đưa đến Đà Lạt du lịch. Trong hồi ức, mùa hè Đà Lạt những năm trước vẫn lạnh, người ra đường phải mặc áo phao, cả thành phố chìm trong làn sương mù cùng tiếng thông reo trên mọi nẻo đường. Sau này mỗi khi có cơ hội, chị và các thành viên trong gia đình lại ghé Đà Lạt như một thói quen khó bỏ.

Cách đây 10 năm, chị Việt Anh cùng chồng là anh Trần Việt Anh (34 tuổi) lên Đà Lạt kỷ niệm 7 năm yêu nhau. Lúc đi ngang qua ngọn đồi có căn nhà gỗ bỏ hoang, cả hai đã nắm tay nhau, nói rằng sẽ cố gắng làm việc dưới TP HCM thêm vài năm, khi có tiền sẽ mua một mảnh vườn nhỏ, mở quán cà phê, sống những ngày tháng bình yên.

Chị Việt Anh và con trai đang thu hoạch rau trong trang trại của gia đình.

Năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, các cửa hàng thời trang của hai vợ chồng buộc phải đóng cửa, họ lại ghé Đà Lạt - chuyến đi khiến khao khát "bỏ phố lên núi" của cặp đôi trỗi dậy.

Công việc tại Sài Gòn giúp chị Việt Anh và gia đình có một cuộc sống ổn định, nhưng bản thân luôn cảm giác bị gò bó trong 4 bức tường, với guồng quay hối hả và dần tạo khoảng cách với các thành viên trong gia đình.

"Vợ chồng mình mong muốn được sống trong môi trường xanh, sạch, đem lại sự gắn kết và bình yên cho ba mẹ và con cái. Đi lên từ hai bàn tay trắng, mọi quyết định đều được tính toán kỹ lưỡng, nên khi vợ chồng đề xuất ý tưởng lên Đà Lạt, cả gia đình đều ủng hộ", chị Việt Anh kể.

Không chần chừ, tháng 5/2020, hai vợ chồng bắt đầu về Đà Lạt để khảo sát tình hình. Tháng 7/2020, khi đã tu sửa xong ngôi nhà, cả gia đình 10 người gồm hai vợ chồng chị Việt Anh, con trai 5 tuổi, mẹ chị, bố mẹ chồng, anh trai và em trai chị cùng 2 người em thân thiết "khăn gói" về xứ sở ngàn thông cải tạo hàng nghìn m2 đất đồi trọc.

"Năm nào cũng về nhưng mình cảm nhận Đà Lạt xưa đã không còn. Những rừng thông bị đốn hạ, căn nhà cổ theo phong cách Pháp bị thay thế bằng nhà bê tông hiện đại. Đà Lạt cũng dần mất đi làn sương đặc trưng của thành phố. Nên khi quyết định quay trở lại, mình muốn làm một điều gì thật khác biệt, mong muốn được phủ xanh đất trọc thành những vườn cây trái, hoa màu, dù không phải là điều dễ dàng", chị kể.

'Bỏ phố lên rừng' - trải nghiệm đáng giá của người trẻ

Cách đây hơn một năm, đại gia đình có cả người già, trẻ nhỏ tay xách nách mang lên Đà Lạt. Khác với cảm giác hào hứng khi đi du lịch, đứng trước mảnh đất trọc đầy sỏi đá, nỗi hoang mang hiện lên.

Ban đầu hai vợ chồng dự định làm một quán cà phê nhỏ, trồng thêm vài luống hoa, nhưng được sự ủng hộ của gia đình, họ quyết tâm "chơi lớn". Sau khi tham khảo, vợ chồng chị Việt Anh chọn được 1 ha đồi trọc, cách trung tâm Đà Lạt chừng 3 km với mong muốn biến nơi đây thành trang trại xanh. Thời điểm đó không ít người dân xung quanh nói gia đình chị chắc "điên lắm vì đất này cằn cỗi, bạc màu, thiếu gì chỗ ngon lành lại đâm đầu vào".

"Để có đất màu trồng rau, hoa trước hết phải cải tạo. Có nơi đất sét mấy tầng, cỏ mọc không nổi buộc phải thay lớp đất mới, bón phân bò, phân dê toàn bộ 1 ha. Mọi người hay trêu nhau, tiền phân cải tạo đất đủ mua cả chiếc xe hơi, giờ mới thấm câu 'tấc đất tấc vàng' vì tốn phân quá", chị Việt Anh cười.

Mấy anh chị em đều xuất phát là dân kinh doanh, làm việc bàn giấy, tay cầm chuột, gõ bàn phím, ra đường lúc nào cũng xịt thơm phức, giờ đi cầm cuốc, vác bao phân bò "thối muốn xỉu ngang", tay chân lấm lem toàn sình lầy.

Chuẩn bị sẵn từ tư tưởng cho đến tiền bạc, chấp nhận rủi ro, nhưng người phụ nữ 34 tuổi thừa nhận hành trình "bỏ phố lên núi"chưa bao giờ dễ dàng.

Thời gian đầu gia đình chị vừa trồng cây vừa dựng nhà, đất cằn, thiên tai ập đến khiến hoa màu mất trắng, làm lại khoảng 4 - 5 lần, hao tốn nhiều tiền bạc. Thời điểm cận Tết khi chuẩn bị mở cửa đón khách thì bão lũ thiên tai, cứ trồng cây là chết, gãy úng hơn nửa vườn. Thậm chí 30 Tết mấy anh chị em vẫn ngồi đào đất, cuốc đá, ngồi ăn cơm hộp giữa cái rét căm căm của Đà Lạt.

"Lúc đó ai cũng chán nản, mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất, đó là những khó khăn vô hình mình chưa thể tưởng tượng nổi khi đến vùng đất mới. Không thiếu những đêm mình rớt nước mắt vì không biết quyết định về Đà Lạt là đúng hay sai khi kéo cả nhà về đây chịu khổ", chị Việt Anh nhớ lại.

Nhìn "mấy đứa nhỏ Sài Gòn" tay chân lóng ngóng, tập tành làm nông, trồng cây nào chết cây nấy, chưa kể còn bị lừa bán cây kém chất lượng, bà con xung quanh đến chỉ bảo thêm cách lựa chọn, chăm sóc cây. Công việc dần ổn, dự định mở rộng diện tích hoa màu, vợ chồng chị Việt Anh thuê thêm người chuyên tưới tiêu và chăm sóc cây bởi "nếu không kiểm tra sát sao, cây rất dễ bị mầm bệnh, lây lan và hư hại toàn khu vực".

Sau hơn một năm rời TP HCM lên Đà Lạt, đại gia đình của chị Việt Anh đã sở hữu 2 cơ sở kinh doanh gồm một quán cà phê và khu tổ hợp cà phê, nông trại canh tác rau sạch kết hợp cắm trại trải nghiệm có tên Makakamp.

"Khi xây dựng mô hình này, gia đình mình mong muốn du khách sẽ có những trải nghiệm 'rất Đà Lạt'. Không chỉ được thưởng thức cà phê, chìm đắm trong những vườn hoa, trang trại, bốn bề là rừng thông ngút ngàn, du khách còn tự tay thu hoạch những sản phẩm hữu cơ thuần Đà Lạt, trải nghiệm bữa tiệc nướng BBQ dưới ánh lửa cao nguyên", chị Việt Anh hào hứng.

'Sống chậm, tự do và gắn kết'

Sau hơn một năm bỏ phố lên rừng, ngoài được chiêm ngưỡng những mảnh đồi trọc dần được phủ xanh bởi cây cối, hoa tươi, rau xanh, công việc kinh doanh ổn định..., chị Việt Anh cảm nhận rất rõ sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Bản thân chị cũng được sống chậm lại, tự do và thoải mái hơn.

Theo lời chị Việt Anh, nhiều người trẻ thường nghĩ "bỏ thành phố lên Đà Lạt lập nghiệp là một xu hướng" nhưng với chị thì không, bởi phải từ bỏ rất nhiều thứ, từ sở thích cá nhân, diện đồ hiệu, đi xe sang, các mối quan hệ, công việc kinh doanh và môi trường học hành tốt cho con cái. Thay vào đó là cầm cuốc, xẻng để làm vườn, là bàn tay chai sạn và lấm lem bùn đất.

Đại gia đình của chị Việt Anh.

"Bản thân mình chấp nhận từ bỏ những điều kiện vật chất tốt, nhưng lại thu về tình cảm. Trước kia khi ở Sài Gòn, dù kinh tế ổn định nhưng để mọi người cùng ăn chung một mâm cơm cũng khó. Còn giờ đây cả gia đình cùng nhau ăn cơm mỗi ngày, san sẻ công việc, giúp nhau những lúc khó khăn. Đó là sự trọn vẹn của tình cảm gia đình, sự gắn bó yêu thương khi được gần ba mẹ, hiểu được tình cảm của anh chị em, có thời gian ở bên và giúp con có tuổi thơ trọn vẹn, đúng nghĩa. Khổ nhưng đáng", chị cười.

Trong thời gian dịch bệnh phải dừng đón khách, ban đầu vợ chồng chị Việt Anh chuyển hướng sang phân phối rau củ sạch đi các tỉnh, nhận được phản hồi rất tốt, nhưng hiện tại phải ngưng vì dịch.

Những ngày "ở nhà chống dịch", cả gia đình chị Việt Anh vẫn chăm sóc từng luống rau, vườn cây trong trang trại để mong một ngày được mở cửa đón khách.

"Một tháng, hai tháng rồi sang tháng thứ ba, cũng sẽ có người nản lòng, sẽ có những câu hỏi mà biết chắc sẽ không có câu trả lời: 'khi nào thì hết dịch'. Nhưng mọi chuyện rồi sẽ qua, còn thời điểm hiện tại mọi người hãy cố giữ gìn sức khoẻ, tận dụng khoảng thời gian nghỉ dịch để được gần gũi, san sẻ mọi điều với những người thân yêu", chị Việt Anh tâm sự.

Thúy Quỳnh
Ảnh: Nhân vật cung cấp